Xóa xong lỗ luỹ kế, chủ thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm muốn chia hết lợi nhuận cho cổ đông

...

Sau khi xoá hết lỗ luỹ kế ghi nhận trong giai đoạn trước năm 2016, Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế (UPCoM: IFS) liền lên kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 17,8%, tương đương số tiền hơn 155 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế sau khi phân phối dự kiến còn lại hơn 574 triệu đồng.

Xóa xong lỗ luỹ kế, chủ thương hiệu Trà bí đao Wonderfarm muốn chia hết lợi nhuận cho cổ đông

Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2023 được công bố mới đây, IFS lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu đạt 1.974 tỷ đồng, tăng 8% so với mức thực hiện năm 2022. Ngược lại, lợi nhuận trước thuế mục tiêu giảm 29%, đạt 137 tỷ đồng.

IFS dự kiến trình ĐHCĐ phương án phân phối lợi nhuận năm 2022 với tỷ lệ 17,8% bằng tiền mặt. Với hơn 87 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền mà công ty này dự chi là hơn 155 tỷ đồng.

Được biết, tính đến hết năm 2022, IFS đã xoá hết lỗ luỹ kế ghi nhận trên bảng cân đối kế toán. Số lỗ này được hình thành trong giai đoạn trước năm 2016, khi doanh nghiệp liên tục lỗ sau thuế trong vòng nhiều năm.

Sau khi chia cổ tức cho cổ đông theo kế hoạch đề ra, phần lợi nhuận sau khi phân phối của IFS dự kiến còn lại hơn 574 triệu đồng.

Được biết, doanh nghiệp đã nhiều năm không phân phối lợi nhuận cho cổ đông và chỉ mới tiến hành trả cổ tức trở lại vào năm 2022, với tỷ lệ khiêm tốn 1,9% bằng tiền. Sau khi xoá hết lỗ luỹ kế, ban lãnh đạo IFS “chơi lớn” khi đề xuất chia hết toàn bộ lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối cho cổ đông.

IFS là doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu nước giải khát nổi tiếng như Wonderfarm (trà bí đao, nước chanh dây, nước sâm cao ly, nước me,…), Kirin Ice+.

Doanh nghiệp được thành lập vào năm 1991, tiền thân là Công ty TNHH công nghiệp chế biến Thực phẩm Interfood. Chủ đầu tư ban đầu của doanh nghiệp là Trade Ocean Holdings đến từ Malaysia.

IFS rơi vào giai đoạn thua lỗ từ năm 2008 và kéo dài tới hết năm 2015. Lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2015 của doanh nghiệp đạt hơn 852 tỷ đồng.

Năm 2011, nhà đầu tư Malaysia tháo chạy khỏi IFS, Tập đoàn Kirin của Nhật Bản thay thế vị trí cổ đông lớn khi mua lại 57% vốn doanh nghiệp này. IFS có lãi trở lại từ năm 2016 và duy trì lợi nhuận dương cho đến nay.

Năm 2007, IFS niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) với giá tham chiếu 43.000 đồng/cổ phiếu và huỷ niêm yết vào năm 2013 sau đó. Đến năm 2016, IFS quay trở lại sàn chứng khoán, đưa cổ phiếu giao dịch ở hệ thống UPCoM với giá tham chiếu 3.000 đồng/cổ phiếu.

Quay trở lại sàn chứng khoán với mức giá tham chiếu khiêm tốn, cổ phiếu IFS hiện ghi nhận ở mức giá 22.700 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa phiên 5/4).

Hải Đường / Vietnam Finance