Cổ phiếu quỹ là gì?

...

Cổ phiếu quỹ là số cổ phiếu đã được chính công ty phát hành mua lại. Cổ phiếu quỹ không được tính vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Cổ phiếu quỹ
💡
Khác với cổ phiếu thường, cổ phiếu quỹ có một số đặc điểm như: Không được trả cổ tức; không có quyền biểu quyết và quyền mua cổ phiếu mới; Không được tính vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành khi tính toán các chỉ số tài chính như EPS.

Tổng số cổ phiếu quỹ không được phép vượt quá tỷ lệ vốn hóa mà luật pháp quy định.

Trên thực tế, việc mua cổ phiếu quỹ có thể nhằm mục đích kích cầu làm tăng thị giá cổ phiếu, hay do lãnh đạo công ty muốn cải thiện các chỉ số tài chính.

Cổ phiếu quỹ (treasury stock) là cổ phiếu đã được công ty đại chúng phát hành và được chính công ty đó mua lại bằng nguồn vốn hợp pháp. Cổ phiếu quỹ có thể bị hủy bỏ sau khi được mua lại, hoặc được giữ lại và bán ra thị trường sau đó.

Đặc điểm cổ phiếu quỹ

Khác với cổ phiếu thường, cổ phiếu quỹ có một số đặc điểm như:

  • Không được trả cổ tức;
  • không có quyền biểu quyết và quyền mua cổ phiếu mới;
  • Tổng số cổ phiếu quỹ không được phép vượt quá tỷ lệ vốn hóa mà luật pháp quy định;
  • Không được tính vào số lượng cổ phiếu đang lưu hành khi tính toán các chỉ số tài chính như EPS.

Do công ty dùng nguồn tiền của mình để mua cổ phiếu quỹ, do đó trên nguyên tắc bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp sẽ bị giảm mục tiền mặt trong phần tài sản, đồng thời mục vốn chủ sở hữu cũng ghi nhận một khoản âm tương ứng với giá trị cổ phiếu quỹ đã mua. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị sổ sách của công ty cũng bị giảm sau khi thực hiện mua cổ phiếu quỹ. Ngược lại, khi bán ra số cổ phiếu quỹ đó, giá trị sổ sách của công ty sẽ tăng lên một lượng bằng giá trị cổ phiếu bán ra.

Vốn chủ sở hữu ghi nhận một khoản âm tương ứng với giá trị cổ phiếu quỹ đã mua. Nguồn: BCTC Hợp nhất 9T 2022 của CTCP đầu tư Thế Giới Di Động.

Tại sao công ty mua lại cổ phiếu đã phát hành?

Thực tế cho thấy có nhiều lý do khiến một công ty đại chúng quyết định việc mua lại cổ phiếu đã phát hành, như:

Thị giá của cổ phiếu công ty đang thấp, do đó công ty quyết định mua lại một lượng cổ phiếu của chính công ty để kích cầu tăng giá. Việc tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu quỹ thường có tác động tích cực đến thị trường, khiến tình hình giao dịch cổ phiếu của công ty sôi động hơn.

Công ty muốn cải thiện các chỉ số tài chính. Một số chỉ tiêu tài chính như ROE - tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hay EPS - thu nhập trên mỗi cổ phần sẽ tăng lên do lấy vốn chủ sở hữu hay số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm “mẫu số”.

Công ty kỳ vọng giá cổ phiếu của công ty sẽ tăng trong tương lai nên mua lại cổ phiếu của chính công ty như một cơ hội đầu tư, hoặc mua lại cổ phiếu của công ty để trả thưởng cho nhân viên theo cơ chế ESOP. Tuy nhiên theo quy định hiện hành tại Việt Nam, doanh nghiệp phải tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ sau khi mua. Do đó số cổ phiếu này sẽ không được dùng để bán lại hoặc làm cổ phiếu thưởng.

ESOP
ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty.

Tác động của việc mua cổ phiếu quỹ

Việc lãnh đạo công ty quyết định mua cổ phiếu quỹ có nhiều ý nghĩa, cả tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tích cực, việc mua cổ phiếu quỹ giảm số lượng cổ phiếu lưu hành, tăng cầu cổ phiếu trên thị trường, do đó giá cổ phiếu thường sẽ tăng trong ngắn hạn. Trong trường hợp giá cổ phiếu đang bị bán tháo, việc mua cổ phiếu quỹ sẽ có ý nghĩa rất lớn với cổ đông. Nó như một lời trấn an rằng công ty vẫn đang hoạt động tốt. Việc giảm số lượng cổ phiếu lưu hành cũng đồng thời giúp cải thiện các chỉ số tài chính như EPS, P/E.

Song song với mặt tích cực, việc mua cổ phiếu quỹ về cơ bản không mang lại giá trị gia tăng nào cho doanh nghiệp. Thậm chí còn khiến doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản tiền, có thể ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn như việc bỏ tiền ra mua cổ phiếu quỹ khiến doanh nghiệp phải giảm nguồn vốn đầu tư cho nhà máy mới, điều này ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.