Hàng hóa bổ sung là gì?

...

Hàng hóa bổ sung là những hàng hóa, dịch vụ có xu hướng được người tiêu dùng sử dụng cùng nhau.

Hàng hóa bổ sung
💡
Hàng hóa bổ sung khi được sử dụng cùng nhau sẽ có tác dụng bổ trợ, tăng giá trị sử dụng cho nhau.

Khi giá của một hàng hóa, dịch vụ tăng lên, nhu cầu đối với hàng hóa, dịch vụ đó sẽ giảm, đồng thời nhu cầu đối với hàng hóa bổ sung cũng giảm theo.

Các doanh nghiệp dựa vào đặc tính của hàng hóa bổ sung để tăng doanh thu bằng cách bán thêm các hàng hóa bổ sung bên cạnh hàng hóa chính.

Hàng hóa bổ sung (Complementary Goods) được hiểu là những hàng hóa, dịch vụ có xu hướng được người tiêu dùng sử dụng cùng nhau. Các hàng hóa, dịch vụ này khi được sử dụng cùng nhau sẽ bổ có tác dụng bổ sung hiệu quả sử dụng cho nhau. Ví dụ: xăng và xe máy, máy tính và phần mềm,...

Mối tương quan giữa giá và nhu cầu đối với hàng hóa bổ sung

Kinh tế học cho rằng đối với hai hàng hóa bổ sung, khi giá của một hàng hóa này tăng sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối hàng hóa còn lại.

Xăng và xe máy là hai hàng hóa bổ sung. Khi giá xăng tăng lên, nhu cầu tiêu thụ xăng sẽ giảm xuống. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng hạn chế việc đi lại hoặc chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng, nhu cầu đi xe máy hay các phương tiện cá nhân sẽ giảm, dẫn đến nhu cầu mua xe cũng giảm theo.

Ngược lại, khi giá xe máy giảm, nhu cầu mua xe sẽ tăng. Việc này dẫn đến sẽ càng có nhiều người sử dụng xe máy hơn, từ đó nhu cầu về xăng cũng sẽ tăng theo.

Hàng hóa bổ sung hoàn hảo và không hoàn hảo

Hàng hóa bổ sung hoàn hảo được hiểu là những hàng hóa, dịch vụ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi giá hàng hóa này tăng, ngay lập tức sẽ tác động tới nhu cầu đối với hàng hóa còn lại. Ví dụ đầu DVD và đĩa DVD được xem là hai hàng hóa bổ sung hoàn hảo.

Hàng hóa bổ sung không hoàn hảo là những hàng hóa có mối quan hệ kém mật thiết, chúng thường phản ứng với việc biến động giá của nhau một cách rất hạn chế.

Ví dụ: bánh mì và bơ là hai hàng hóa thường được sử dụng cùng nhau. Tuy nhiên, khi giá bơ tăng lên, nhu cầu của người tiêu dùng đối với bánh mì sẽ không thay đổi nhiều. Lúc này, người tiêu dùng có thể sử dụng phô mai, pate hay các loại mức để thay thế cho bơ.
Hàng hóa thay thế
Hàng hóa thay thế được hiểu là các loại hàng hóa, dịch vụ có thể được dùng thay thế cho nhau.

Doanh nghiệp sử dụng hàng hóa bổ sung như thế nào?

Các doanh nghiệp dựa vào đặc tính của hàng hóa bổ sung để tăng doanh thu bằng cách bán thêm các hàng hóa bổ sung bên cạnh hàng hóa chính. Các chiến lược thường được doanh nghiệp sử dụng đến như:

  • Bố trí, trưng bày các hàng hóa có liên quan ở gần nhau. Việc này sẽ làm tăng khả năng lựa chọn của khách hàng khi mua sản phẩm. Ví dụ, trong các siêu thị, ở các quầy thịt thường bày trí thêm các loại gia vị nêm sẵn cho món thịt kho, thịt nướng,...
  • Giảm giá các hàng hóa, dịch vụ nếu được mua cùng nhau. Chiến lược này thường thấy dưới hình thức combo hay set các sản phẩm, dịch vụ. Ví dụ như combo món ăn của nhà hàng, hay combo dịch vụ cắt tóc, cạo mặt, gội đầu.
  • Giảm giá một loại hàng hóa nhằm kích thích nhu cầu mua một loại hàng hóa khác. Điển hình cho trường hợp này là việc giảm giá máy chơi game Playstation có thể cho phép công ty kiếm được nhiều lợi nhuận hơn từ việc bán thêm các trò chơi do chính công ty phát hành.
  • Sản xuất các hàng hóa, dịch vụ có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Đây là chiến lược mà Apple đang sử dụng. Bằng cách cải tiến các phụ kiện có độ tương thích cao với sản phẩm chính, như tai nghe Airpod với Iphone, Ipad. Apple đã thành công trong việc tăng doanh thu bán hàng từ việc bán các phụ kiện này.