Private equity là gì?

...

Private equity (gọi tắt là “PE”) là hoạt động đầu tư vốn vào các công ty có cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa được giao dịch công khai.

Private equity
Các Quỹ đầu tư PE cũng có thể đầu tư vào những công ty đại chúng, đã niêm yết, nhưng với ý định sẽ biến chúng trở thành “công ty tư nhân”.

Quỹ PE sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho các công ty trong danh mục đầu tư bằng cách tái cấu trúc, hỗ trợ vốn, nhân lực, tư vấn chiến lược, quản trị. Sau một khoản thời gian nhất định, họ sẽ thoái vốn và thu về lợi nhuận.

Các Quỹ đầu tư PE thường được phân loại dựa trên chiến lược đầu tư của quỹ, gồm có: Thâu tóm dựa trên đòn bẩy - LBO, đầu tư mạo hiểm - VC, và đầu tư tư nhân vào công ty đại chúng - PIPE.

Theo định nghĩa từ Investopedia, private equity là hoạt động đầu tư vốn vào các công ty có cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa được giao dịch rộng rãi. Các quỹ đầu tư tư nhân (“private equity funds” hay “PE fund”) mua các công ty này với mục đích làm tăng giá trị của chúng, và bán lại sau một khoảng thời gian. Cần lưu ý thuật ngữ “tư nhân” - “private” ở đây nhằm chỉ cổ phần của doanh nghiệp không được giao dịch công khai rộng rãi, như cổ phiếu được niêm yết hay cổ phần của công ty đại chúng. Do vậy chúng không đồng nhất với các khái niệm doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp, hay vốn tư nhân - vốn nhà nước.

Các quỹ PE cũng có thể đầu tư vào những công ty đại chúng, đã niêm yết, nhưng với ý định sẽ biến chúng trở thành “công ty tư nhân”.

Niêm yết chứng khoán
Niêm yết chứng khoán là quá trình đưa các chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện vào giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán.

Các loại Quỹ đầu tư PE

Các Quỹ đầu tư PE thường được phân loại dựa trên chiến lược đầu tư của quỹ, gồm có:

Thâu tóm dựa trên đòn bẩy (LBO). Đây là một hình thức thâu tóm công ty được tài trợ chủ yếu bằng nợ. Cụ thể, một Quỹ đầu tư PE sẽ tìm cách mua lại công ty mục tiêu, việc mua này được tài trợ chủ yếu bằng nợ vay, được thế chấp bằng tài sản của Quỹ đầu tư PE và cả của công ty mục tiêu. Trong LBO, Quỹ đầu tư PE có thể nhắm đến cả công ty tư nhân lẫn đại chúng, với mục đích sẽ biến chúng trở thành công ty tư nhân. Sau khi hoàn tất thương vụ, Quỹ đầu tư PE sẽ dùng chính tài sản và dòng tiền của công ty mục tiêu để thanh toán khoản vay. Một thương vụ LBO thường sẽ đi kèm với tái cấu trúc đáng kể đối với công ty mục tiêu, nhằm tạo ra lợi nhuận và dòng tiền để thanh toán cho các khoản vay trước đó phục vụ cho thương vụ. Chiến lược tái cấu trúc có thể thay đổi hoàn toàn ban lãnh đạo cũ của công ty.

Đầu tư mạo hiểm (Venture capital - VC). Về lý thuyết, các khoản đầu tư mạo hiểm (VC) được xem là một dạng đặc biệt của private equity. Nếu nói các Quỹ đầu tư PE tập trung vào những công ty chưa đại chúng để tiếp quản và làm tăng giá trị công ty, thì VC chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ các công ty khởi nghiệp, có tiềm năng ở giai đoạn đầu.

Đầu tư mạo hiểm
Đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là việc cung cấp vốn cho các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao ở giai đoạn đầu để đổi lấy cổ phần.

Đầu tư tăng trưởng - growth equity / minority equity investing. Với hình thức này, quỹ PE sẽ đầu tư vào các công ty đang cần vốn để mở rộng hoạt động, tái cơ cấu hoặc cần vốn cho một thương vụ thâu tóm. Các quỹ PE thường chỉ mua lượng cổ phần vừa đủ để không chiếm quyền kiểm soát công ty.

Các thương vụ này thường được khởi xướng bởi Hội đồng quản trị của công ty đang cần vốn. Sau khi tìm thấy quỹ PE sẵn sàng rót vốn, các bên sẽ tiến hành đàm phán và thương vụ sẽ hoàn tất bằng một đợt “chào bán cổ phần riêng lẻ”. Tùy thuộc vào nhu cầu và quy mô vốn cần huy động mà công ty có thể đưa ra mức chiết khấu đáng kể so với thị giá của cổ phiếu. Mức chiết khấu này cũng là để bù đắp cho tính thanh khoản của cổ phiếu, vì chúng thường sẽ bị hạn chế giao dịch theo thỏa thuận giữa hai bên. Với vốn đầu tư tăng trưởng, quỹ PE có thể rót vốn vào cả công ty tư nhân lẫn đại chúng. Nếu công ty được đầu tư là công ty đại chúng, thương vụ này sẽ được gọi là PIPE - private investment in public equity.

Cách private equity hoạt động

Sau khi huy động vốn từ các thành viên, Công ty đầu tư PE (PE firm) sẽ thành lập các Quỹ đầu tư PE (PE fund). Quỹ PE sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc đầu tư vào các công ty mục tiêu theo đúng định hướng của quỹ. Mỗi Quỹ đầu tư PE sẽ có một bộ quy tắc đầu tư riêng biệt. Ví dụ, Mekong Enterprise Fund III là một Quỹ đầu tư PE trực thuộc Mekong Capital, chỉ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam như: bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng và logistics.

Quỹ PE sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho các công ty trong danh mục đầu tư bằng cách tái cấu trúc, hỗ trợ vốn, nhân lực, tư vấn chiến lược, quản trị. Sau một khoản thời gian nhất định, họ sẽ thoái vốn và thu về lợi nhuận. Các hình thức thoái vốn điển hình như:

  • Thoái vốn trong đợt IPO của công ty mục tiêu.
  • Thoái vốn cho người mua chiến lược, thường là các công ty đối thủ hoặc cùng ngành của công ty mục tiêu, mua lại để tăng quy mô và giảm cạnh tranh.
  • Bán cho Quỹ đầu tư PE khác.
  • Bán thanh lý (Liquidation). Đây là trường hợp đầu tư không thuận lợi. Lúc này Quỹ đầu tư PE sẽ buộc phải đánh giá lại giá trị khoản đầu tư, thanh lý chúng và chấp nhận thua lỗ.
Exit strategies
Exit strategies hay “chiến lược rút lui” là kế hoạch thoát khỏi một khoản đầu tư của chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, hay các quỹ đầu tư mạo hiểm khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

Nguồn thu của Quỹ đầu tư PE

Nguồn thu của Quỹ đầu tư PE chủ yếu đến từ phí được trả trích từ số tiền huy động được của các thành viên. Có hai khoản phí chính, gồm phí quản lý (management fee) và phí hiệu quả hoạt động (incentive fee hay performance fee). Phí quản lý thường được tính hằng năm, khoảng từ 1% - 2% trên tổng giá trị tài sản ròng mà quỹ quản lý (assets under management - AUM). Phí hiệu quả hoạt động theo thông lệ được tính là 20% lợi nhuận của quỹ, sau khi đã trừ phí quản lý.

Thử tưởng tượng một Quỹ đầu tư PE với 100 triệu USD tài sản được quản lý, được vận hành bởi không quá hai mươi chuyên gia, có thể tạo ra hàng triệu USD phí thường niên, chưa kể khoản phí hiệu quả hoạt động 20%.

Cơ cấu tổ chức

Các Công ty đầu tư PE chủ yếu hoạt động theo hình thức trách nhiệm hữu hạn, trong đó có hai loại thành viên:

  • Thành viên góp vốn - limited partner (LP) là những người góp vốn trực tiếp tuy nhiên không trực tiếp điều hành quỹ, họ chỉ chịu trách nhiệm với số vốn mình bỏ vào quỹ.  Các LP thường là các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm hoặc là các nhà đầu tư cá nhân được công nhận (accredited investor).
  • Thành viên hợp danh - general partner (GP) là những người góp vốn và trực tiếp điều hành PE firm. Họ là những người có lợi ích và chịu trách nhiệm với hoạt động đầu tư của quỹ.

Một Công ty đầu tư PE sẽ quản lý một nhóm Quỹ đầu tư PE. Mỗi Quỹ đầu tư PE chịu trách nhiệm đem tiền huy động được để mua cổ phần của các công ty trong danh mục đầu tư.

Hình minh họa: Cơ cấu tổ chức của một PE firm.

Ưu điểm và hạn chế

Các công ty được Quỹ đầu tư PE đầu tư thường là những công ty chưa đại chúng có quy mô nhỏ, ít khả năng tiếp cận các kênh vốn truyền thống. Do vậy, việc nhận vốn từ Quỹ đầu tư PE có thể giúp công ty củng cố tiềm lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các chuyên gia từ Quỹ đầu tư PE cũng giúp doanh nghiệp cải thiện mô hình quản trị và vận hành. Đội ngũ chuyên gia từ Quỹ đầu tư PE thường là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc quản trị, hoạch định chiến lược kinh doanh, áp dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm,... Quỹ đầu tư PE, với mối quan hệ rộng, có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các đối tác kinh doanh, các khách hàng lớn.

Tuy nhiên để nhận được vốn từ Quỹ đầu tư PE, doanh nghiệp thường phải trải qua một quá trình dài. Doanh nghiệp cũng cần phải chứng minh được tiềm năng tăng trưởng của mình để thuyết phục các nhà quản lý quỹ rót vốn. Và hơn hết, các khoản đầu tư PE thường đi kèm với những thay đổi lớn về quản lý, nhân sự hay cơ cấu kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo cũ có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào.

Quỹ PE tại Việt Nam

Tại Việt Nam, các Quỹ đầu tư PE lớn thường hướng đến các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, hoặc những công ty đang trong giai đoạn suy thoái, đang gặp vấn đề về tài chính cần được hỗ trợ. Đa phần các Quỹ đầu tư PE ở Việt nam chỉ đầu tư để nắm giữ cổ phần thiểu số, chứ không nhằm mục đích thâu tóm. Giá trị đầu tư phổ biến thường từ 5 đến 50 triệu USD.

Các Quỹ đầu tư PE lớn tại Việt Nam có thể kể đến như:

Mekong Capital. Tính đến nay, Mekong Capital đã lập 5 Quỹ đầu tư PE, với không ít thương vụ thành công như khoản đầu tư vào Thế Giới Di Động, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), ICP, Golden Gate, Trường Quốc tế Việt Úc (VAS),...

Vietnam Investments Group (VI Group - VIG) - là một công ty quản lý quỹ đầu tư doanh nghiệp, chuyên đầu tư vào các ngành đang tăng trưởng ở Việt Nam. Quỹ này hiện đang quản lý khoảng 600 triệu USD. VIG từng được biết đến với những thương vụ đầu tư vào Seedcom, Teko trong lĩnh vực công nghệ; VNDS ngành dịch vụ tài chính; Boo, Juno, Hnoss ngành thời trang; Gemadept, Eton ngành logistics; Wellspring, Sylvan Learning Việt Nam ngành giáo dục; TocoToco, Food Center, QSR Vietnam ngành tiêu dùng,...

Ngoài ra, một số quỹ đầu tư chứng khoán niêm yết cũng tham gia vào lĩnh vực đầu tư tư nhân. Điển hình là trường hợp công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) đã kết hợp với các đối tác để thành lập hai Quỹ đầu tư PE là VGIF và DAIWA-SSIAM III.


Nguồn tham khảo

  1. https://www.investopedia.com/articles/financial-careers/09/private-equity.asp
  2. https://www.forbes.com/advisor/investing/private-equity/
  3. https://corporatefinanceinstitute.com/resources/wealth-management/private-equity-funds/
  4. https://www.investor.gov/introduction-investing/investing-basics/investment-products/private-investment-funds/private-equity
  5. https://hbr.org/2007/09/the-strategic-secret-of-private-equity
  6. https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/quy-pe-tang-toc-3339664/