Rủi ro hàng tồn kho là gì?

...

Rủi ro hàng tồn kho là khả năng doanh nghiệp không thể bán được hàng hoặc hàng tồn kho bị giảm giá trị.

Rủi ro hàng tồn kho
💡
Rủi ro hàng tồn kho thường đến từ việc dự báo về nhu cầu hàng hóa không chính xác, dẫn đến thừa hoặc thiếu hàng, gây ảnh hưởng đến doanh thu và làm tăng chi phí cho việc lưu kho, bảo quản.

Rủi ro hàng tồn kho có thể tác động trực tiếp lên lợi nhuận, làm giảm doanh thu dự kiến, hoặc làm tăng chi phí không cần thiết như chi phí lưu kho, bảo quản, chi phí tiêu hủy hàng quá hạn sử dụng, hư hỏng,...

Việc làm thất thoát hay hàng hóa bị lỗi thời, giảm giá trị cũng làm giảm giá trị tài sản doanh nghiệp.

Rủi ro hàng tồn kho là khả năng doanh nghiệp không thể bán được hàng hoặc hàng tồn kho bị giảm giá trị. Hàng tồn kho ở đây được hiểu là một phần tài sản của doanh nghiệp, bao gồm những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra để bán hoặc là những nguyên vật liệu dùng để tạo ra những sản phẩm đó.

Hàng tồn kho
Hàng tồn kho là một loại tài sản lưu động của doanh nghiệp, bao gồm những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra để bán hoặc là những nguyên vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm.

Những rủi ro thường gặp trong quản lý hàng tồn kho

Dự báo không chính xác.

Dự báo nhu cầu và doanh số bán hàng là căn cứ quan trọng để xác định số lượng hàng tồn kho cần thiết, thời điểm đặt nguyên vật liệu và kho lưu trữ. Việc dự báo không chính xác có thể dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu hàng, có thể đến doanh thu dự kiến không thể đạt được.

Việc thừa hàng trong kho có thể gây tốn kém chi phí không cần thiết cho việc lưu kho, hàng hóa lưu kho lâu ngày cũng có thể trở nên lỗi thời, giảm giá trị.

Rủi ro phía nhà cung cấp

Rủi ro này phát sinh do lỗi từ phía nhà cung cấp không đáng tin cậy như: giao hàng chậm trễ, không đúng mẫu mã, chất lượng hay số lượng. Tác động từ phía nhà cung cấp có thể dẫn đến sự chậm trễ trong khâu sản xuất, thiếu hàng hóa để bán hoặc hàng hóa sản xuất ra bị kém chất lượng.

Hạn sử dụng

Đây cũng là một loại rủi ro cố hữu cần được quản trị tốt. Hầu hết các loại hàng hóa đều có thời hạn sử dụng hạn chế. Khi hết thời hạn sử dụng, các đặc tính của hàng hóa sẽ bị thay đổi, dẫn đến giảm công năng, thậm chí gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Hạn sử dụng của hàng hóa thường là vấn đề đau đầu đối với những nhà sản xuất thực phẩm, nhất là các loại được chế biến từ sữa, thịt sống, vì chúng có thời hạn sử dụng rất ngắn, gây áp lực cho nhà bán lẻ phải bán được hết số hàng trong thời gian ngắn.

Trộm cắp

Trộm cắp hàng tồn kho có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động và lợi nhuận của doanh nghiệp. Điều này có thể xảy ra thường xuyên và gây ảnh hưởng lớn nếu doanh nghiệp không đầu tư vào hệ thống an ninh.

Thất thoát

Hàng tồn kho là tài sản trên bảng cân đối kế toán của công ty, do đó, bất cứ khi nào hàng tồn kho bị mất, tài sản đó sẽ bị xóa khỏi sổ sách, về cơ bản làm giảm tổng tài sản và nguồn vốn của công ty. Thất thoát hàng hóa có thể là thất thoát trong quá trình lưu kho, vận chuyển hoặc thất thoát trong khâu kiểm đếm khi nhận hàng.

Hàng bị hư, giảm chất lượng

Hàng hóa có thể bị hư hỏng, giảm chất lượng do lỗi phát sinh từ quá trình luân chuyển; hoặc trong lúc lưu kho không được xử lý, bảo quản đúng cách. Hàng tồn kho hư hỏng thì không thể bán được và trở thành phế phẩm, thậm chí doanh nghiệp sẽ phải phát sinh thêm chi phí để tiêu hủy chúng.

Hàng hóa bị lỗi thời

Khi một sản phẩm mới được tung ra thị trường, có thể sẽ nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người tiêu dùng, nhu cầu thị trường đối với mặt hàng đó cũng sẽ tăng cao trong một giai đoạn, cho đến khi bão hòa. Khi nhu cầu thị trường đến giai đoạn bão hòa, mặt hàng đó sẽ trở nên lỗi thời và bị giảm giá trị. Các nhà bán lẻ nên theo kịp các xu hướng thị trường để đảm bảo họ không tích trữ hàng tồn kho quá nhiều trong giai đoạn nhu cầu thị trường đang bão hòa.

Ảnh hưởng của rủi ro hàng tồn kho

Mất lợi nhuận

Khi doanh nghiệp không đáp ứng đủ số lượng hàng hóa khách hàng cần, hệ quả sẽ là doanh thu không đạt được như kỳ vọng. Việc để hàng hóa quá nhiều trong kho trong khi nhu cầu thị trường đang thấp cũng làm phát sinh thêm các chi phí lưu kho, bảo quản, cả hai điều này đều trực tiếp gây nên suy giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, đó có thể chỉ là doanh nghiệp không đạt được mục tiêu kinh doanh, nhưng về lâu dài, điều này có thể gây suy giảm năng lực sản xuất, làm mất khả năng cạnh tranh nếu thị trường xuất hiện thêm nhiều đối thủ.

Tốn nhiều chi phí thu hồi sản phẩm

Điều này thường xảy ra đối với hàng hóa không được kiểm tra tốt, dẫn đến không đủ tiêu chuẩn để bán ra thị trường hoặc hàng hóa bị hư hỏng do gần hết hạn sử dụng. Lúc này doanh nghiệp buộc phải bỏ ra một số tiền lớn để thu hồi sản phẩm. Điều tệ hơn có thể xảy ra nếu sản phẩm đó gây hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Loại rủi ro này thường thấy ở các ngành bán lẻ thực phẩm, đồ uống hoặc y tế, ngành đặt sức khỏe người tiêu dùng lên trên hết.

Giảm tài sản

Như đã đề cập ở trên, việc thất thoát hay hàng hóa bị lỗi thời, giảm giá trị cũng làm giảm tài sản của doanh nghiệp.


Nguồn bài viết

https://www.unleashedsoftware.com/blog/7-types-of-inventory-risk-and-their-impact-on-your-business