Shrinkflation là gì?

...

Shrinkflation - chiến lược kinh doanh của các nhãn hàng nhằm tăng giá thành sản phẩm hoặc dịch vụ một cách khéo léo khiến khách hàng khó lòng nhận ra.

Shrinkflation
💡
Trong bối cảnh lạm phát, các thương hiệu có xu hướng sử dụng chiến lược shrinkflation để vừa giảm chi phí sản xuất, vừa giữ nguyên mức giá sản phẩm.

Shrinkflation có thể là một giải pháp ngắn hạn, song sẽ ảnh hưởng đến lợi thế thương mại của doanh nghiệp về mặt dài hạn.

Do vậy, doanh nghiệp nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng chiến lược này nhằm đảm bảo hình ảnh và uy tín của thương hiệu.

Định nghĩa Shrinkflation và ví dụ cụ thể

Investopedia giải thích, shrinkflation được kết hợp bởi hai từ shrink (thu nhỏ lại) và inflation (lạm phát). Đây được xem là một dạng lạm phát ẩn mà không nhiều người chú ý đến. Theo kết quả nghiên cứu bởi Harvard Business School, người mua có xu hướng để ý về giá cả nhiều hơn là kích cỡ. Do đó, các nhãn hàng quyết định giảm đi kích thước (độ chênh lệch không quá lớn so với trước kia) để người mua không dễ dàng phát hiện.

Edgar Dworsky - Nhà sáng lập trang web theo dõi và cập nhật tình hình shrinkflation ở các cửa hàng bán lẻ Mouse Print chia sẻ, trong năm 2022 và 2023, các sản phẩm bị “thu nhỏ” nhiều hơn bao giờ hết. Ông nói thêm, shrinkflation không phải là hiện tượng quá mới mẻ, tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ngày càng có nhiều nhãn hàng sử dụng chiến lược này.

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể về shrinkflation:

Hai hộp bánh có kích thước gần giống nhau, tuy nhiên nếu để ý kỹ, hộp bên phải chỉ có 20 que, ít hơn 1 que so với hộp bên trái. Nguồn ảnh: Antalol / Reddit.
Tương tự, hai sản phẩm này có mức giá và vẻ ngoài nhìn giống nhau, thế nhưng trọng lượng của chai bên trái là 375g, chai bên phải là 283g. Nguồn: Judas Penguin / Reddit.

2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng shrinkflation

#1: Chi phí sản xuất tăng cao

Đây chính là lý do đầu tiên khiến các công ty bắt đầu sử dụng chiến lược này. Có không ít yếu tố tác động đến chi phí sản xuất như: thiên tai (hạn hán, lũ lụt,...) khiến mùa màng thất thu, tình hình chính trị hoặc dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu,... Đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, khi giá xăng dầu tăng, hoặc thiếu lao động cũng góp phần khiến giá thành sản phẩm, chi phí vận chuyển hàng hóa bị đẩy lên.

#2: Tính cạnh tranh cao

Theo phân tích từ Investopedia, nhiều thương hiệu đã sử dụng chiến lược này như một cách để giữ vững thị phần. Nếu một dòng sản phẩm có tính đặc thù hoặc có dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khách hàng, việc tăng giá không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu (chẳng hạn như Apple). Tuy nhiên, không phải thương hiệu nào cũng có được vị thế như Apple.

Do đó, theo phân tích của Emily Moquin - Chuyên gia phân tích về F&B, đối với hầu hết các thương hiệu, việc áp dụng chiến lược shrinkflation nhằm giữ giá thành và giảm kích thước sẽ là lựa chọn tốt hơn so với tăng giá trực tiếp.

Doanh nghiệp có nên sử dụng chiến lược shrinkflation?

Trong giai đoạn gần đây, người tiêu dùng đã trở nên cẩn trọng hơn khi mua hàng. Trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Reddit, Twitter và TikTok, ngày càng có nhiều người dùng chia sẻ hình ảnh, thông tin về các sản phẩm bị “thu nhỏ”. Cụ thể hơn, một bài đăng trên Twitter vào tháng 3/2023 của Aaron Hoyland với nội dung so sánh sự chênh lệch kích thước, khối lượng giữa hai hộp bánh quy Breton đã có hơn 650.000 lượt xem, cùng với lượng bình luận và chia sẻ rất cao. Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc thật kỹ trước khi áp dụng chiến lược “giữ giá, thu nhỏ sản phẩm”, nếu không muốn hình ảnh thương hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực.

Bên cạnh đó, theo kết quả báo cáo do Morning Consult thực hiện vào tháng 8/2022, 48% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tìm đến các thương hiệu khác nếu phát hiện thương hiệu họ đang dùng có dấu hiệu áp dụng chiến lược shrinkflation. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát người tiêu dùng Singapore do GlobalData thực hiện vào cuối năm 2022, 90% cho biết họ sẽ chuyển sang mua sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác với mức giá thấp hơn.

Không chỉ vậy, việc lạm dụng shrinkflation có thể khiến uy tín của thương hiệu bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo nhận định của Tim Hill - Giám đốc Phụ trách Khách hàng trọng yếu (Key Account Director) tại GlobalData, ngày càng có nhiều khách hàng đăng tải trải nghiệm tiêu cực của họ khi mua phải sản phẩm bị “thu nhỏ” lên các nền tảng mạng xã hội. Điều đó có thể khiến dư luận có cái nhìn tiêu cực về nhãn hàng và thương hiệu, cũng như lợi thế thương mại về mặt dài hạn.

Lợi thế thương mại
Lợi thế thương mại được ghi nhận khi một doanh nghiệp mua lại một doanh nghiệp khác với giá mua cao hơn giá trị tài sản thuần của doanh nghiệp bị mua.

Trong khi đó, theo quan điểm của Jim Longo - Nhà sáng lập và Giám đốc Chiến lược tại Discuss, việc mua phải sản phẩm shrinkflation có thể khiến khách hàng cảm thấy bị lừa dối. Do vậy, đây là một chiến lược ngắn hạn và không mang lại nhiều lợi ích về mặt dài hạn, bởi vì yếu tố quan trọng nhất để giữ chân khách hàng vẫn là chất lượng sản phẩm.

Bruce Weinstein chia sẻ trên Forbes, động thái khôn ngoan nhất mà doanh nghiệp nên làm là thông báo rõ ràng cho khách hàng, dù có dự định tăng giá hoặc “shrinkflation” sản phẩm. Weinstein cũng đưa ra một ví dụ cụ thể là Domino’s Pizza, vào tháng 1/2022, họ đã thông báo số lượng cánh gà sẽ giảm từ 10 xuống 8 với mức giá cũ là 7,99 USD. Với động thái trung thực đó, Domino’s Pizza sẽ đảm bảo được hình ảnh và uy tín của thương hiệu về mặt dài hạn.

Người tiêu dùng nên làm gì để nhận biết shrinkflation?

Amy Livingston - một cây viết chuyên nghiệp về tài chính cá nhân gợi ý, trước khi thanh toán, hãy cẩn thận kiểm tra bao bì và khối lượng tịnh ghi trên đó. Theo cô, khi một sản phẩm có bao bì mới, hoặc thay đổi hình thức đóng gói (chẳng hạn như chuyển từ tuýp sang hũ), chính là một trong những dấu hiệu của shrinkflation.

Thay đổi hình thức đóng gói cũng là một cách các thương hiệu thường xuyên áp dụng chiến lược shrinkflation. Nguồn: space-glitter / Reddit.

Trong khi hình thức bên ngoài của sản phẩm khá dễ nhận biết, việc kiểm tra khối lượng tịnh lại không đơn giản như vậy. Đối với các sản phẩm như bánh kẹo, dầu gội, kem đánh răng,... hầu hết người tiêu dùng không có xu hướng chú ý kỹ đến khối lượng tịnh, chưa kể đến việc chi tiết này thường có diện tích khá nhỏ trên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng kích thước bên ngoài nhưng giảm số lượng sản phẩm bên trong (ví dụ như các bịch bánh snack). Theo Edgar Dworsky, cách duy nhất đó chính là thiết lập thói quen chú ý hơn đến khối lượng tịnh sản phẩm khi mua hàng.

Trong thời điểm kinh tế biến động liên tục, không ít các nhãn hàng đã lựa chọn phương pháp shrinkflation để vừa giữ chân khách hàng, vừa gia tăng lợi nhuận. Suy cho cùng, khách hàng vẫn là người phải chịu thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, việc né tránh shrinkflation không hề đơn giản vì các nhãn hàng ngày càng có nhiều mánh khóe khôn ngoan hơn. Chưa kể hiện nay, mọi người có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, hiện tượng “lạm phát ẩn” này lại càng khó phát hiện hơn nữa.

Vì vậy, người mua hàng nên tránh lãng phí tiền bạc bằng cách mua sắm thận trọng và có chọn lọc. Các cửa hàng tạp hóa - siêu thị, trang thương mại điện tử được thiết kế nhằm khuyến khích khách hàng mua sắm bốc đồng nhiều hơn. Do đó, để tránh tiêu tốn tiền bạc vào những món hàng không cần thiết, bạn nên chuẩn bị sẵn một danh sách các món đồ cần mua trước khi mua sắm. Hành động này sẽ giúp bạn tránh rơi vào tình trạng đi vòng vòng cửa hàng, hoặc lướt từ trang này sang trang khác, cuối cùng là mua sắm hàng đống thứ không có nhu cầu sử dụng trong vô thức.