Bắt buộc nhà bán hàng chia sẻ thông tin là chìa khóa thu thuế TMĐT

...

Chuyên gia cho rằng phải có cơ chế bắt buộc nhà bán hàng chia sẻ thông tin với cơ quan thuế về các giao dịch thương mại điện tử, qua đó mới có thể tối ưu hóa việc thu thuế.

Bắt buộc nhà bán hàng chia sẻ thông tin là chìa khóa thu thuế TMĐT
Photo by rupixen.com / Unsplash

Tại hội thảo khoa học quốc gia "Giải pháp phát triển kinh tế số và thương mại điện tử bền vững cho Việt Nam" do Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Trường Đại học Thương mại tổ chức ngày 9/12, vấn đề hàng giả, hàng nhái; cũng như chống thất thu thuế được các học giả quan tâm và thảo luận sôi nổi.

Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ để chống thất thu thuế trong giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) là cơ chế chia sẻ thông tin, nhưng về lâu về dài, phải có giải pháp quản lý dòng tiền chặt chẽ.

Thách thức thu thuế người bán hàng đa kênh

TS Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và Thương mại Điện tử (Đại học Thương mại) cho rằng với hoạt động mua bán trên TMĐT, việc đánh thuế là rất khó, đặc biệt là với những người bán hàng đa kênh.

Nếu hoạt động mua bán diễn ra trên sàn thì việc đánh thuế dễ dàng hơn. Cơ quan quản lý có thể sử dụng phương pháp các sàn TMĐT ứng trước khoản thuế với cơ quan quản lý. Hoặc sàn chia sẻ thông tin doanh thu mà mình nắm được cho cơ quan thuế để có cơ sở thu.

thu thue tmdt,  thu thue online,  tmdt,  chong that thu thue anh 1
TS Nguyễn Trần Hưng, Trưởng khoa Hệ thống T. Anhông tin Kinh tế và Thương mại Điện tử (Đại học Thương mại). Ảnh: TMU.

Tuy vậy, vấn đề thu thuế với người bán hàng đa kênh lại thách thức và khó khăn hơn. Đa kênh là trường hợp người bán hàng không chỉ giao dịch qua sàn TMĐT mà còn qua các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube hoặc bán trực tiếp... Nếu trường hợp người bán sử dụng các phần mềm quản lý bán hàng đa kênh, thì có thể căn cứ vào nền tảng đó để thu thuế. Nhưng nếu người bán không sử dụng nền tảng, thì phải có chế tài chia sẻ thông tin bắt buộc.

Theo ông Hưng, cơ quan thuế phải có cơ chế yêu cầu người bán hàng kê khai các kênh bán hàng của mình, sau đó là chia sẻ thông tin bán hàng như doanh thu, lợi nhuận, số lượng giao dịch, số lượng sản phẩm...

"Đó là phương pháp tốt nhất. Ở phạm vi quốc gia, cơ quan thuế phải xây dựng một hệ thống thông tin, nơi những người bán hàng phải kết nối và chia sẻ thông tin", TS Nguyễn Trần Hưng đưa ra giải pháp.

Tuy vậy, về lâu dài, vị chuyên gia nhấn mạnh cần phải quản lý dòng tiền đi và đến của mỗi cá nhân chặt chẽ. Ở một số nước, khi mà thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến, cơ quan quản lý thuế có thể quản lý dòng tiền đến và đi của từng tài khoản cụ thể, gắn với chủ doanh nghiệp hoặc cá nhân bán hàng. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn khá phổ biến phương thức COD, nghĩa là thu hộ tiền mặt khi nhận hàng, thì việc áp dụng phương pháp này chưa khả thi.

Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh Bắc, cho rằng cơ quan quản lý cần tận dụng các thông tin định danh cá nhân được tích hợp trong căn cước công dân, coi là dữ liệu quan trọng để quản lý thu thuế trên thương mại điện tử. Việc quản lý bán hàng ở bất kỳ kênh nào thì yêu cầu giao dịch cần có thông tin gắn với căn cước công dân của từng người. Vấn đề là lớn nhất là đồng bộ các thông tin dữ liệu này để dễ dàng quản lý.

Rao bán lá đu đủ để che giấu cần sa

Cũng tại hội thảo, vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử được nhiều học giả quan tâm và coi là một trong những vấn đề cốt lõi phát triển TMĐT bền vững. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) nhấn mạnh các hành vi bán hàng dạng này trên sàn TMĐT ngày càng tinh vi và phổ biến.

Nhiều gian hàng bán hàng giả, hàng nhái bằng cách tổ chức các đợt sale lớn, tạo ra hàng chục gian hàng khác nhau. Thậm chí khi bị gỡ gian hàng thì tạo ra các cách thức lách bộ lọc, từ khóa. Ông Tuấn nêu trường hợp có người lợi dụng sàn TMĐT để bán cần sa bằng cách quảng cáo bán lá đu đủ với giá 500.000 đồng/kg.

thu thue tmdt,  thu thue online,  tmdt,  chong that thu thue anh 2
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số). Ảnh: TMU.

Có những sàn TMĐT như Sendo hay Tiki dùng AI để lọc các hình ảnh nhái thương hiệu, người vi phạm lập tức dùng cách che mờ cả hình ảnh và logo trên ảnh hàng hóa đi để tránh bộ lọc. "Tình trạng hình ảnh là thật, nhưng người mua thì mua phải hàng giả ngày càng phổ biến", ông Tuấn nói.

Ngoài ra, các phương thức thủ đoạn được nhiều người áp dụng tinh vi như: Không có kho hàng, bán hàng qua trung gian kiếm lời, phân tán kho hàng, đăng rất nhiều hàng nhưng không có hàng, giao hàng lẻ tẻ... Nhiều kho hàng được lập trong các khu chung cư, nơi cơ quan quản lý thị trường không có thẩm quyền khám xét, mà chỉ có chủ tịch UBND cấp huyện trở lên mới có thẩm quyền.

"Nhiều gian hàng, fanpage tạo ra rất nhanh nhưng cũng xóa rất nhanh. Nhiều người biết hàng giả, hàng nhái giá rẻ nhưng vẫn mua, không lên tiếng", Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT chia sẻ thêm.

Về giải pháp, ông Tuấn cho rằng các cơ sở pháp lý đã được hoàn thiện trong Nghị định 85, đặc biệt là hỗ trợ công tác đấu tranh, nâng cao trách nhiệm chủ sàn, yêu cầu minh bạch hóa hoạt động bán hàng. Cơ quan quản lý yêu cầu đăng tải minh bạch thông tin sản phẩm, nhãn sản phẩm.

Ông cũng nhấn mạnh chủ thể quyền (đơn vị sở hữu sản phẩm) phải là "cha mẹ" của sản phẩm, phải có giải pháp bảo vệ sản phẩm của chính mình như dán tem truy xuất nguồn gốc. Chủ sàn phải phối hợp chủ thể quyền và cơ quan chức năng để giảm hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng cũng phả thông minh khi mua sắm.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế số và thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 30% hàng năm trong giai đoạn 2020-2030.

Nghiên cứu mới nhất của Google nhận định với gần 70 triệu người dùng Internet, nền kinh tế Internet Việt Nam dự tính sẽ đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á

Bà Lại Việt Anh nhấn mạnh TMĐT là một trong những lĩnh vực mấu chốt của nền kinh tế số vì thế cũng được mở rộng. Các mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số.

Hiếu Công / Zing News