Zero to One #8: Có nên gọi vốn khi kinh tế suy thoái?

...

Các dữ liệu vĩ mô đang cho thấy cơn bão suy thoái đang đến gần. Liệu rằng điều này có ảnh hưởng gì đến startup? Các founder nên làm gì để sống sót và vực dậy khi cơn bão đi qua?

Điều gì đang xảy ra?

Dấu hiệu khủng hoảng kinh tế đang dần hiện rõ, bắt đầu từ diễn biến chiến sự khó lường ở Ukraine, các vấn đề về chuỗi cung ứng và nhất là động thái liên tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Thị trường chứng khoán cũng đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong những tháng gần đây.

Làn sóng khủng hoảng càn quét hầu như mọi thứ, lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cũng không ngoại lệ. Y Combinator, vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, cũng đã có lời cảnh báo với các startup của họ để chuẩn bị cho những điều xấu nhất sắp xảy ra.

Cảnh báo của Y Combinator (“YC”) là hoàn toàn có cở sở. Theo dữ liệu của Crunchbase, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu quý đầu năm 2022 đã chấm dứt đà tăng trưởng theo quý kể từ đầu năm 2020. Cụ thể trong quý I.2022 tổng giá trị đầu tư mạo hiểm toàn cầu đạt 160 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 13% so với quý IV.2021.

Tổng vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu quý đầu năm 2022 đã chấm dứt đà tăng trưởng theo quý kể từ đầu năm 2020. Nguồn: Crunchbase

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên rằng giá trị các deals đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn hạt giống và tiền hạt giống, dù chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng vẫn không hề giảm, thậm chí còn tăng nhẹ. Điều này có thể do các nhà đầu tư thiên thần thường có sức chịu đựng rủi ro cao hơn. Vì thế họ sẵn sàng đánh cược với kỳ vọng đạt tỷ suất sinh lời cao hơn nếu startup thành công.

Khủng hoảng ảnh hưởng như thế nào đến đầu tư mạo hiểm?

Có thể startup vẫn có cơ hội gọi vốn trong thời kỳ khủng hoảng, tuy nhiên số tiền đầu tư và mức định giá công ty có thể bị ảnh hưởng. Có hai nguyên nhân:

Đầu tiên là kế hoạch IPO của các startup có thể sẽ không diễn ra như mong đợi. IPO là mục tiêu cho các nhà đầu tư mạo hiểm thoái vốn. Trong tình huống thị trường không thuận lợi, startup buộc phải có sự lựa chọn, hoặc đặt kế hoạch IPO ra xa hơn trong tương lai, khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại, hoặc sẽ phải IPO với mức định giá thấp hơn để thu hút công chúng đầu tư. Cả hai trường hợp đều bất lợi với các nhà đầu tư mạo hiểm. Vì thế họ sẽ cố gắng đàm phán giảm số tiền đầu tư lại hoặc giảm giá trị định giá với công ty của bạn để quản trị rủi ro.

IPO
Chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là việc doanh nghiệp tiến hành huy động vốn trên thị trường sơ cấp bằng cách chào bán cổ phiếu rộng rãi ra công chúng.

Thứ hai các startup cũng thường được định giá dựa trên tiềm năng phát triển, khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai. Các yếu tố này cũng sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực trong nền kinh tế suy thoái.

Về phía các quỹ đầu tư mạo hiểm (Venture capital - “VC”), cũng được xem là một dạng startup đặc biệt. Các VC cũng đi huy động tiền từ các limited partners (“LP”) - để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Trong thời kỳ suy thoái, các VC sẽ gặp khó khăn hơn trong việc huy động tiền. Do đó với các startup đang có kế hoạch gọi vốn từ VC, hãy chuần bị thật kỹ vì lúc này họ sẽ khó tính hơn rất nhiều.

Điều gì là đáng lo nhất với startup?

"Các startup không chết vì sản phẩm không tốt. Họ chết vì hết tiền". Đây là nội dung thông điệp mà Bilal Zuberi, một đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Lux Capital chia sẻ gần đây. Các startup vẫn chưa đi đến vòng gọi vốn series A hay chưa tạo ra lợi nhuận đều sẽ rất chật vật để tồn tại trong giai đoạn sắp tới.

Các nhà sáng lập, CEO sẽ phải đối diện với áp lực rất lớn trong quản trị, cắt giảm chi phí, đồng thời phải tìm cách huy động vốn cho vòng tiếp theo để có thể duy trì hoạt động. Tất nhiên khả năng gọi vốn cho vòng tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều so với trước đây.

Startup nên làm gì?

Y Combinator trong email gửi các startup của mình, đã đề xuất các công ty khởi nghiệp nên làm những điều sau:

Lập kế hoạch cho tình huống tồi tệ nhất

Không ai có thể dự đoán khủng hoảng sẽ diễn như thế nào và kéo dài trong bao lâu. Do đó bạn cần thận trong trong từng quyết sách của mình và chuẩn bị cho tình huống tệ nhất có thể xảy ra.

Nếu tình hình trở nên xấu đi như hai lần suy thoái gần nhất, cách tốt nhất để sống sót là nên cắt giảm chi phí, giảm tốc độ “đốt tiền”. Mục tiêu cấp thiết lúc này là phải tồn tại và tạo ra lợi nhuận trước khi cạn tiền.

Burn Rate
Burn Rate có thể tạm dịch là tỉ lệ đốt tiền hay tốc độ đốt tiền.

Cân nhắc nhận thêm vốn từ các nhà đầu tư hiện tại

Trong trường hợp bạn không có kế hoạch giảm tốc độ đốt tiền, và các nhà đầu tư hiện tại vẫn sẵn sàng góp thêm vốn với mức định giá và điều kiện không đổi, hãy nhận lấy lời đề nghị này.

Trong thời kỳ suy thoái, ngay cả những quỹ đầu tư lớn cũng hạn chế tham gia các khoản đầu tư mới mà chỉ tập trung nhiều tiền hơn vào các startup đang hoạt động tốt. Các quỹ nhỏ hơn sẽ chọn không đầu tư thêm hay thậm chí ngừng hoạt động. Do đó để gọi được vốn startup buộc phải vượt qua nhiều đối thủ hơn, thậm chí phải giảm mức định giá và bán nhiều cổ phần hơn.

Đánh đổi tăng trưởng để tồn tại

Các founders cần đảm bảo công ty vẫn tồn tại ngay cả khi không thể huy động vốn trong 24 tháng tới. Nhiều đối thủ của bạn có thể sẽ không chuẩn bị tốt cho thời kỳ khó khăn, không cắt giảm chi phí và vẫn giữ tốc độ đốt tiền cao để scale up. Họ sẽ nhanh chóng nhận ra thất bại khi cố gắng gọi vốn ở các vòng tiếp theo. Do đó chỉ cần sống sót qua giai đoạn này, bạn sẽ có cơ hội giành thị phần từ tay đối thủ.

Gojek hiện là một trong những startup đang áp dụng chiến lược này. Ông Phùng Tuấn Đức, CEO Gojek chia sẻ "Giữa bối cảnh hiện tại, khi chiến tranh rồi đến giá dầu tăng chóng mặt, chúng tôi định hướng công ty tập trung làm sao để kinh doanh có lãi chứ không đốt tiền để giành thị phần nữa. Gojek từ trước đến nay vẫn tự hào là công ty ít đi gọi vốn nên phải biết thận trọng trong từng nước đi".

Điều chỉnh kế hoạch gọi vốn

Trong trường hợp bạn lên kế hoạch gọi vốn trong vòng 6-12 tháng tới, rất có thể đây sẽ là đỉnh cao của thời kỳ suy thoái và cơ hội gọi vốn thành công của bạn sẽ cực kỳ thấp.

Bên cạnh những lời cảnh báo, YC cũng bày tỏ sự lạc quan rằng thời kỳ suy thoái sẽ là cơ hội với những người sáng lập, nếu họ biết chớp thời cơ, thay đổi tư duy, lên kế hoạch để sống sót qua giai đoạn khó khăn.

“Zero to one” là chuỗi bài nhằm phục vụ các startup bước những bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. ProFin hy vọng rằng qua chuỗi bài này, các founder - những người đang vận hành startup - xác định được hướng đi phù hợp và chiến lược khôn ngoan để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công.

Cash Is King #2: Nếu khó khăn lại ập đến như Covid-19, nhà quản trị tài chính cần làm gì?
Ba thông điệp mà CEO FINBUD - ông Văn Hải - nhắn gửi đến các chủ doanh nghiệp từ kinh nghiệm thực tế trong buổi hội thảo “Góc nhìn CFO - Quản trị chi phí thế nào cho đúng?” do Bizzi tổ chức, để chuẩn bị cho những sự kiện bất ngờ có thể xảy đến trong tương lai, đó là:
Theo: Nguyễn Dương / ProFin