CFO Insights #1: Bức tranh tài chính doanh nghiệp khởi sắc dù vẫn còn nhiều mảng tối

...

Theo đúc kết từ báo cáo, thử thách lớn nhất hiện nay mà các nhà quản lý doanh nghiệp phải đối mặt đó là nền kinh tế có quá nhiều điều không chắc chắn và khó lường.

Oracle Netsuite và CFO.com đã phối hợp phát hành báo cáo CFO Insights on Inflation, Workforce Challenges, and Future Plans. Mục đích của báo cáo là đưa ra những dự đoán của các nhà quản lý tài chính cấp cao về tình hình lạm phát, chuyển đổi số và thị trường lao động trong tương lai.

Tổng quan về báo cáo

Báo cáo được Netsuite và CFO.com tổng hợp dựa trên cuộc khảo sát 180 nhân sự cấp cao trong phòng ban tài chính. Nhóm đối tượng của khảo sát này là 115 CFO (Chief Financial Officer: Giám đốc Tài chính) và 65 quản lý tài chính cấp cao khác. Các đáp viên này đang làm việc tại công ty sản xuất, công nghiệp, ô tô; bán lẻ; bất động sản, dịch vụ tài chính;... Phần lớn tổ chức của họ có quy mô vừa và nhỏ (dao động từ 50 - 99 nhân viên, hoặc ít hơn).

Mục tiêu của khảo sát này là đưa ra chiến lược phát triển, tái định vị công ty trong bối cảnh lạm phát toàn cầu từ nửa cuối năm 2022 cho đến năm 2024. Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy những góc nhìn đa chiều về các nhiệm vụ ưu tiên trong công tác điều hành tài chính doanh nghiệp, cũng như kế hoạch đầu tư vào quá trình chuyển đổi số giai đoạn 2022-2024. Ngoài ra, khảo sát cũng đề cập đến vấn đề tìm kiếm và giữ chân nhân tài trong thị trường lao động khốc liệt.

Các doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng, dù vẫn chịu tác động của lạm phát

Mặc dù tỷ lệ lạm phát năm 2022 đã chạm mức kỷ lục, nền kinh tế nhiều khả năng rơi vào suy thoái, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn, các quản lý tài chính cấp cao có đánh giá tương đối tích cực về tình hình doanh nghiệp. Có đến 37% cho biết doanh nghiệp của họ đang ở mức độ tăng trưởng nhanh chóng, 29% phản hồi rằng tổ chức của họ đang dần phục hồi. Đáng chú ý, chỉ có 3% đáp viên cho biết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang giảm sút.

Dẫu vậy, lạm phát vẫn là nguy cơ lớn nhất ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới. 43% dự đoán lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong vòng hai năm tới. Trong khi đó, 14% cho rằng lạm phát sẽ có ảnh hưởng dài hạn hơn thế. Chỉ có 8% khẳng định công ty của họ sẽ không bị tác động xấu bởi tình hình lạm phát. Tuy nhiên, 72% đáp viên đều có chung nhận định rằng lạm phát sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Ở phần này, một đáp viên ẩn danh cho biết, bất chấp tác động từ COVID-19, doanh thu của họ đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021. Tuy nhiên, khi bước qua năm 2022, tốc độ tăng trưởng của họ bị chững lại do lạm phát. Theo đáp viên này, tốc độ tăng trưởng không kéo dài liên tục mà có thay đổi lên xuống thất thường.

Vậy nên, để đối phó với lạm phát, hai giải pháp phổ biến nhất được đáp viên lựa chọn là cắt giảm chi phí (61%) và tăng giá bán sản phẩm - dịch vụ (57%). Có thể thấy các doanh nghiệp tăng giá thành sản phẩm và tăng tỷ suất lợi nhuận để hỗ trợ đạt được mục tiêu tăng trưởng. Thế nhưng, phương pháp này có thể gây tác dụng ngược cho khách hàng, đặc biệt là nhóm sản phẩm - dịch vụ có độ nhạy cảm về giá cao. Một quản lý tài chính cấp cao chia sẻ, thách thức lớn nhất đó là làm thế nào để tăng giá đối với các hợp đồng dài hạn và hợp đồng đã ký trước đó. Vào thời điểm ký hợp đồng thì mức giá thấp hơn, song đến thời điểm thực hiện hợp đồng hiện tại thì chi phí lại tăng. Lúc này, họ buộc phải cân nhắc hủy hợp đồng cũ để tăng giá và có khả năng cao sẽ đánh mất khách hàng. Một giải pháp khác đó là thương thảo lại giá cả nhằm bù lại phần chi phí hoạt động đang ngày càng tăng.

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát, hầu như không có giải pháp chung để cắt giảm hoặc loại bỏ áp lực tài chính do lạm phát gia tăng. Ở câu hỏi này, đáp viên chỉ được chọn một đáp án duy nhất. Lựa chọn chiếm đa số là họ sẽ cắt giảm hoạt động tuyển dụng nhân sự với 17%, kế đến là tạm hoãn kế hoạch mở rộng dòng sản phẩm - dịch vụ chính của doanh nghiệp. Điều bất ngờ là có đến 18% phản hồi rằng họ không chắc chắn đâu là giải pháp tốt nhất để giảm bớt hoặc loại bỏ áp lực do lạm phát.

Tuyển dụng nhân sự tài chính có dấu hiệu chững lại

Quản trị nhân lực tiếp tục là vấn đề ưu tiên hàng đầu cần giải quyết của các doanh nghiệp tài chính, nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu hụt nhân tài kéo dài. Một số đáp viên cho biết, công ty của họ đang gặp thách thức trong việc duy trì động lực, cũng như tăng mức độ cam kết của đội ngũ nhân viên cấp trung (mid-level) và cấp thấp (entry level).

Ngoài ra, theo một CFO ẩn danh chia sẻ, mặc dù đang chịu ảnh hưởng bởi lạm phát, một số lĩnh vực kinh doanh vẫn đang tăng trưởng nên vẫn cần nhiều nhân sự tài chính. Do đó, thử thách lớn nhất của CFO là làm thế nào chiêu mộ nhân tài phù hợp với tiêu chí đã đặt ra. Những kỹ năng quan trọng nhất được tìm kiếm ở ứng viên là phân tích dữ liệu và kế toán.

Một vấn đề khác là sau khi trải nghiệm mô hình làm việc từ xa trong giai đoạn COVID-19 diễn ra, nhiều ứng viên yêu cầu mức thu nhập cao và được quyền lựa chọn địa điểm làm việc linh hoạt. Thế nhưng, theo quan điểm của một số quản lý tài chính cấp cao, mô hình làm việc này dù thuận tiện nhưng không mang lại giá trị bền vững.

Dù có nhiều vấn đề phát sinh, 27% đáp viên nhận định rằng họ không có nhu cầu tuyển dụng quá quan trọng. Điều này có thể góp phần khiến xu hướng tuyển dụng khối ngành tài chính - kế toán sẽ dần hạ nhiệt trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Chuyển đổi số tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp

Hầu hết đáp viên đều đồng ý rằng dù chuyển đổi số là tất yếu, tại nhiều doanh nghiệp, quy trình này đang diễn ra một cách khó khăn và chậm chạp. Dựa trên khảo sát, trong khi 31% khẳng định tổ chức của họ đã có lộ trình hoặc định hướng rõ ràng, thì có 22% phản hồi rằng họ đang bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số.

Về kế hoạch chuyển đổi số, 26% cho biết họ đang ở giai đoạn thử nghiệm bằng cách chủ động tăng cường, nâng cao các giải pháp kỹ thuật số mà họ đang áp dụng. Ngoài ra, báo cáo ghi nhận rằng các CFO và quản lý tầm trung có góc nhìn khác nhau về công nghệ. Cụ thể, cấp bậc quản lý có xu hướng cho rằng công nghệ của tổ chức hoạt động kém hiệu quả, trong khi lãnh đạo cấp cao thường có nhận xét ngược lại.

Đáng chú ý, trong vòng 12 tháng tới, những công việc liên quan đến kế toán công nợ (account receivable) và kế toán thanh toán (account payable) sẽ được số hóa hoặc tự động hóa. Các đáp viên là CFO đều nhận định rằng các công nghệ mới nhất có ưu điểm cung cấp dữ liệu thời gian thực chính xác về vốn lưu động, dòng tiền hơn là quy trình thủ công vốn thường xuyên phát sinh lỗi. Không chỉ vậy, công nghệ còn giúp cải thiện năng suất của nhân viên, bù đắp lại sự thiếu hụt nhân viên, giúp nhân sự dành thời gian nhiều hơn vào các nhiệm vụ mang tính chiến lược.

Bên cạnh đó, hầu hết các CFO đều đồng tình với ý kiến rằng họ cần chủ động phối hợp với bộ phận IT nhằm tận dụng công nghệ đám mây, phân tích nâng cao, tự động hóa, cũng như các công nghệ khác để nâng cao hiệu suất phòng ban tài chính - kế toán. Có đến 73% đồng ý rằng việc tận dụng công nghệ tiên tiến nhất sẽ mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.

Hơn nữa, 46% đáp viên chia sẻ, trong năm tiếp theo, đối với những khoản đầu tư công nghệ nằm ngoài bộ phận tài chính, những hoạt động liên quan đến vận hành (operation) sẽ là ưu tiên hàng đầu, kế đến là bộ phận IT (21%). Với lĩnh vực sản xuất - công nghiệp - ô tô, một số lo ngại liên quan đến hoạt động vận hành đó là chuỗi cung ứng.

Trong khi lợi ích của quá trình chuyển đổi số đã quá rõ ràng, trở ngại lớn nhất chủ yếu nằm ở chi phí. Kết quả khảo sát cho thấy, 3 tiêu chí hàng đầu được các quản lý tài chính cấp cao lựa chọn bao gồm: khả năng đạt được mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, tổng chi phí đầu tư cho hoạt động cải tiến  (gồm chi phí đầu tư ban đầu, duy trì và tối ưu hệ thống) và các chi phí vận hành có liên quan. Thông qua đó, có thể thấy quá trình chuyển đổi số là một gánh nặng khá lớn về mặt tài chính.

Ở phần kết luận, báo cáo đã đưa ra nhận định giải pháp chung mà các CFO lựa chọn để đối phó với lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế là thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng.

Theo một đáp viên ẩn danh, thử thách lớn nhất hiện nay mà các nhà quản lý doanh nghiệp phải đối mặt đó là nền kinh tế có quá nhiều điều không chắc chắn và khó lường. Các CFO vừa phải đối mặt với áp lực tăng lương cho nhân viên trong thời kỳ lạm phát, vừa phải tìm ra giải pháp đối phó với nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.

Dẫu vậy, dựa trên kết quả báo cáo, có thể thấy bức tranh tài chính doanh nghiệp trong tương lai vẫn có những dấu hiệu tích cực, dù còn nhiều mối đe dọa đến khả năng tăng trưởng.

Xem thêm các bài viết cùng chuyên mục tại đây.
Đọc toàn bộ báo cáo đầy đủ tại: CFO Insights on Inflation, Workforce Challenges, and Future Plans
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn