CFO Insights #3: Vì sao CFO nên cân nhắc đầu tư vào hệ thống Supply Chain Agility?

...

Theo đúc kết từ báo cáo của CFO.com và Oracle Netsuite, các CFO nên cân nhắc đầu tư chuỗi cung ứng với hệ thống Supply Chain Agility, nhằm nắm bắt cơ hội đầu tư tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế bất ổn.

Supply Chain Agility là gì?

Supply Chain Agility (SCA) là hệ thống quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt và nhanh chóng, nhằm thích ứng kịp thời với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, hệ thống SCA còn giúp doanh nghiệp lường trước, cũng như khả năng đối phó và phục hồi đối với những sự cố bất ngờ phát sinh.

Hệ thống SCA giúp CFO đưa ra quyết định tốt hơn và tối ưu hiệu suất chuỗi cung ứng

Trên thực tế, việc xây dựng hệ thống SCA không phải là điều gì quá mới mẻ. Một số công ty hàng đầu trên thế giới đã đặt mục tiêu xây dựng hệ thống này trong nhiều năm qua, từ quá trình đầu tư vào công cụ kỹ thuật số và thiết bị vật lý nhằm thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường.

Hơn thế nữa, hệ thống SCA sẽ góp phần tạo nên văn hóa chấp nhận những rủi ro đã được tính toán từ trước (culture of calculated risk-taking), đồng thời giúp doanh nghiệp nhanh chóng nhận biết và nắm bắt kịp thời khi có những cơ hội bất ngờ xuất hiện.

Cụ thể hơn, tùy vào đặc thù và quy mô của từng công ty, các dự án đầu tư hướng đến khả năng đáp ứng linh hoạt sẽ giúp đưa ra quyết định tốt hơn, đẩy nhanh quy trình vận hành và xây dựng đội ngũ nhân sự hiệu quả. Ví dụ, một công ty sản xuất các loại máy móc - thiết bị hạng nặng quy mô toàn cầu sẽ cần có hệ thống theo dõi hàng tồn kho trên toàn thế giới. Khi xây dựng hệ thống SCA, đội ngũ nhân sự của công ty sẽ dễ dàng theo dõi tình trạng chính xác nhất của từng mặt hàng, từ khi đang ở giai đoạn sản xuất -> vận chuyển -> kho trung tâm  -> nhà phân phối. Không chỉ vậy, phía nhà sản xuất có thể chủ động hơn trong quy trình kiểm kê khi làm việc cùng đối tác cung ứng. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được vốn lưu động trong việc quản lý hàng tồn kho.

Hệ thống SCA giúp thúc đẩy tốc độ xử lý những nhiệm vụ mang tính lặp lại, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng kho hàng. Nguồn ảnh: Tiger Lily / Pexels.

Tuy nhiên, kỹ thuật đánh giá hiệu quả dự án đầu tư truyền thống thường dựa vào thời gian hoàn vốn (payback period), lãi suất hoàn vốn nội bộ (IRR: internal rate of return) hoặc giá trị hiện tại ròng (net present value: NPV). Do đó, CFO cần hiểu được 3 rào cản khi đánh giá hiệu quả dự án đầu tư theo cách truyền thống, cụ thể như sau:

#1: Không xác định được phạm vi lợi nhuận

Khi quản lý chuỗi cung ứng bằng cách truyền thống, dòng tiền sẽ được đo lường dựa trên một con số ước tính nhất định (point estimate). Tuy nhiên, việc này lại không tính đến khả năng phân phối xác suất (probability distribution) của dòng tiền. Bên cạnh đó, đối với các CFO đang có kế hoạch đầu tư vào một lĩnh vực có nhiều rủi ro, điều quan trọng là phải xác định phạm vi lợi nhuận có thể đạt được.

Trong khi đó, phương thức ước tính không cung cấp được một phạm vi lợi nhuận rõ ràng để cân nhắc. Thông thường, các nhà quản lý chuỗi cung ứng luôn chịu áp lực lớn về vấn đề sử dụng dòng tiền của công ty. Trong giai đoạn COVID-19, tình hình ngày càng căng thẳng hơn khi họ buộc phải nhìn được viễn cảnh tốt nhất hoặc tệ nhất có thể diễn ra, từ đó đưa ra quyết định một cách nhanh chóng. Vì lẽ đó, nếu vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp ước tính, công ty sẽ phải gánh chịu nhiều hệ lụy tiêu cực cho các dự án trong tương lai.

#2: Dễ bỏ lỡ những khoản đầu tư tiềm năng

Với sự hỗ trợ của hệ thống SCA, doanh nghiệp sẽ xây dựng được cầu nối tốt hơn giữa nội bộ và những yếu tố ngoại cảnh. Từ đó, việc tìm ra giải pháp đầu tư thay thế trong bối cảnh rủi ro cao sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, trong bối cảnh bất định, cách đánh giá truyền thống không còn phát huy hiệu quả và khiến nhà quản lý không nhìn ra được tiềm năng của các khoản đầu tư tại từng thời điểm.

#3: Hạn chế sự linh hoạt trong việc ra quyết định đầu tư của CFO

Trên thực tế, các khoản đầu tư không vận hành độc lập, mà có độ liên quan mật thiết với mọi khía cạnh khác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương thức phân tích dòng tiền theo cách cũ sẽ hạn chế khả năng xử lý linh hoạt của CFO, đặc biệt là khi những cơ hội đầu tư mới xuất hiện.

Báo cáo cũng đưa ra ví dụ về vấn đề đầu tư vốn (capital investment). Đối với phương thức truyền thống, việc đầu tư vốn thường bị nhìn nhận tiêu cực, vì nhiều người e ngại sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt vốn nội bộ nếu như doanh số đạt được không như mong đợi. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng, vì không ít nhà quản lý tài chính đủ khả năng đưa ra những giải pháp tận dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Với sự linh hoạt của dòng vốn đầu tư bổ sung, nhà quản lý tài chính có thể giảm thiểu biến động tài sản doanh nghiệp hiện có, nâng cao hiệu suất của nhân viên và cải thiện quy trình chăm sóc khách hàng, cũng như dễ dàng ra mắt các dịch vụ bán hàng mới. Sự linh hoạt này không đơn giản là so sánh giữa chi phí vận hành với doanh số dự kiến. Hơn thế nữa, đối với mỗi dự án, nhà quản lý tài chính sẽ cần một lược đồ phân tích rủi ro và lãi suất (risk-return profile). Các lược đồ này sẽ thay đổi tùy vào những biến động của môi trường vận hành ở từng giai đoạn khác nhau.

Với phương thức đánh giá cũ, cơ sở ra quyết định đầu tư thường phụ thuộc vào ước tính dòng tiền hiện tại. Đó là một điểm bất lợi, khi mà nhà quản lý cần thích ứng nhanh chóng, nhằm nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế không ngừng biến động.

Hệ thống SCA mang lại sự linh hoạt cho CFO và nhà quản lý tài chính cấp cao, nhằm đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn. Nguồn ảnh: Vlada Karpovich / Pexels.

3 điều CFO cần làm nếu muốn triển khai hệ thống SCA

#1: Hãy nhìn nhận SCA như một danh mục đầu tư

Trước hết, CFO cần phải làm việc cùng với phòng ban liên quan, nhằm tìm ra phương thức đầu tư phù hợp. Tương tự như những khoản đầu tư khác trong doanh nghiệp, tùy vào từng giai đoạn, cũng như chiến lược của công ty, CFO cần thường xuyên xem xét và đánh giá kế hoạch đầu tư hệ thống quản lý chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, khi dự án đầu tư đạt đến một ngưỡng nhất định, CFO sẽ đánh giá hiệu quả, sau đó đưa ra quyết định mở rộng quy mô, tạm dừng hoặc loại bỏ hẳn. Như đã đề cập ở trên, CFO cần xem xét và cập nhật những ưu tiên cho dự án ở từng giai đoạn khác nhau, thậm chí tạo dự án mới nếu cần thiết.

#2: Hiểu rõ bản chất của doanh thu bị mất (missed sales) và công suất thừa (excess capacity)

CFO và người đứng đầu phòng ban quản lý chuỗi cung ứng cần thỏa hiệp với nhau về vấn đề doanh thu bị mất và công suất thừa. Bởi vì đây là hai biến phí rất khó đo lường.

Đối với công suất thừa, mặc dù sổ sách của người quản lý vận hành có chú thích đầy đủ tỷ lệ công suất hiệu dụng (utilization rate) và chi phí sản xuất tối thiểu của mỗi đơn vị, song rất khó để tìm ra tỷ lệ công suất hiệu dụng với mức chi phí tối thiểu (cost-minimizing utilization rate). Trên thực tế, chi phí sản xuất sản phẩm phụ thuộc vào rất nhiều biến phí, chẳng hạn như số lượng các bộ phận của sản phẩm, yêu cầu thay đổi về mặt kỹ thuật, thiết lập và danh mục đặt hàng,.. Tỷ lệ công suất hiệu dụng hạn chế sự linh hoạt mà nhà quản lý chuỗi cung ứng cần có, nhằm cân bằng và điều chỉnh các biến số bổ sung, chẳng hạn như trường hợp chi phí sản xuất và chi phí lưu trữ hàng tồn kho tăng lên trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng sụt giảm.

Trong khi đó, doanh thu bị mất (missed sale) lại trái ngược với công suất thừa. Một vài nhà quản lý chuỗi cung ứng cho biết, trong giai đoạn đại dịch, công ty của họ lẽ ra có thể đạt được mức doanh số cao hơn. Tuy nhiên, chính sách cắt giảm chi phí cộng với chiến lược sản xuất tức thời (JIT: just in time) khiến họ bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh doanh thu. Do đó, việc ước tính giá trị thật sự của doanh thu bị mất cần có lượng dữ liệu chi tiết và rõ ràng, nhằm giúp các nhà quản lý tài chính có cơ sở đưa ra quyết định tốt hơn. Không chỉ thế, CFO cần hiểu rõ sự đánh đổi khi sử dụng chiến lược sản xuất tức thời và chiến lược phòng bị (JIC: just in case), cũng như những biến số trong từng trường hợp khác nhau.

Doanh thu bị mất (missed sales) và công suất thừa (excess capacity) là hai chỉ số rất khó đo lường trong chuỗi quản lý cung ứng. Nguồn ảnh: CHUTTERSNAP / Unsplash.

#3: Đầu tư vào công nghệ nhằm tối ưu dữ liệu phân tích

Để khắc phục những điểm còn hạn chế của phương pháp cũ, CFO nên đầu tư vào công nghệ nhằm hỗ trợ cho các phương thức phân tích, chẳng hạn như mô hình định lượng.

Bên cạnh đó, theo báo cáo đề xuất, cách tiếp cận hiệu quả đó là dựa trên định giá quyền chọn thực (real options valuation). Điều này giúp các nhà quản lý linh hoạt hơn khi xử lý các tình huống phát sinh trong tương lai. Những quyền chọn này có thể bao gồm việc mua các loại tài sản mới, mở rộng quy mô hợp tác hiện tại, hoặc chấm dứt một dự án gây thua lỗ.

Cách tiếp cận này tương tự với cách dựa trên giá trị định giá quyền chọn tài chính (financial options valuation). Dẫu vậy, định giá mua bán thực tế chủ yếu căn cứ vào tiềm năng của dòng tiền trong tương lai của một loại tài sản thực tế, chứ không phải dựa trên yếu tố tài chính.

Thông tin về báo cáo
Báo cáo CFOs and Supply Chain: How to Make the Case for Agility Investments do CFO.com và Oracle Netsuite phối hợp phát hành vào tháng 11/2022, với sự chắp bút của tác giả Dan Pellathy - Phó Giáo sư tại trường Đại học Kinh doanh Seidman.
Xem các bài viết khác cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/cfo-insights/
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn