Tesla không ‘hào phóng’, Vinfast không ‘keo kiệt’: Câu chuyện chia sẻ trạm sạc của các đối thủ ngành xe điện

...

Tesla phải đợi 12 năm mới chấp nhận chia sẻ trạm sạc của mình, và chỉ sau khi có nguy cơ mất hàng tỷ USD tài trợ của chính phủ. Rất rõ ràng, Elon Musk cũng chẳng muốn ‘cốc mò cò xơi’.

Tesla không ‘hào phóng’, Vinfast không ‘keo kiệt’: Câu chuyện chia sẻ trạm sạc của các đối thủ ngành xe điện

Mới đây, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã nêu quan điểm việc chia sẻ trạm sạc điện của VinFast với các hãng khác, qua đó tạo nên khá nhiều tranh cãi.

“Chúng tôi xác định chiến lược 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác được sạc cùng. Hiện tại, không lý do gì bỏ ra 500-700 triệu USD để cho đối thủ dùng”, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup

Trên thực tế, động thái của Vinfast chẳng có gì là lạ trong ngành xe điện bởi cho dù là Tesla nhà Elon Musk cũng phải mất 12 năm mới chấp nhận cho hãng khác dùng mạng lưới sạc của họ. Điều này thậm chí chỉ diễn ra sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố những khoản tài trợ hàng tỷ USD trong cuộc đua xe điện với Trung Quốc.

Muốn nhận tiền, hãy mở khóa

Vào ngày 28/2/2023, Tesla tuyên bố một số trạm sạc của hãng đã được thay đổi để thích nghi với bộ sạc của các thương hiệu xe điện khác. Tờ Cnet ghi nhận những khách hàng tại California, Texas, New York và một số bang khác đã bắt đầu sử dụng được trạm sạc của Tesla dù không mua sản phẩm của hãng.

Đây là động thái đã được dự báo trước khi vào đầu tháng 2/2023, Nhà Trắng tuyên bố những hãng xe điện nào muốn nhận hỗ trợ 7,5 tỷ USD từ khoản ngân sách liên bang sẽ phải “mở khóa” trạm sạc của mình.

Ngay lập tức đế chế nhà Elon Musk tuyên bố lên kế hoạch mở khóa ít nhất 3.500 trạm sạc nhanh của mình trên toàn nước Mỹ cho các thương hiệu xe điện khác dùng chung từ nay đến năm 2024. Khoảng 4.000 trạm sạc thông thường còn lại của hãng cũng sẽ được mở khóa dần.

Tuyên bố này của Tesla đã phá vỡ 12 năm phát triển mạng lưới trạm sạc độc quyền của hãng, vốn chỉ dùng được cho các xe điện của nhà Elon Musk. Đây cũng là tin vui với người dùng xe điện hãng khác khi Tesla là hãng có độ phủ sóng trạm sạc lớn nhất Mỹ.

Trước đó, các xe điện Tesla có thể mua bộ chuyển đổi để sạc tại những trạm của hãng khác hoặc của các nhà chuyên cung ứng trạm sạc. Thế nhưng việc Elon Musk không làm điều ngược lại với mạng lưới sạc của Tesla đã khiến hãng này nhận vô số chỉ trích cũng như khiến chính quyền Washington không hài lòng.

Năm 2021, chính quyền Washington đã ban hành khoản hỗ trợ trị giá 1,2 nghìn tỷ USD nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm 7,5 tỷ USD cho dự án 500.000 trạm sạc xe điện từ nay đến năm 2030. Hãng Tesla cũng nằm trong dự án hỗ trợ này nhưng với tuyên bố đầu tháng 2/2023 của Nhà Trắng, công ty đã buộc phải mở khóa các trạm sạc nếu vẫn còn muốn nhận hỗ trợ.

Báo cáo của S&P Global Mobility ước tính Mỹ hiện có khoảng 17.000 trạm sạc nhanh. Trong khi đó phía Tesla đã lên kế hoạch mở rộng số trạm sạc của mình tới 34.000 chi nhánh trong vòng 2 năm tới nhờ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ của chính phủ.

Theo Cnet, Tesla đã trang bị thêm bộ chuyển đổi trên đầu phích cắm tại các trạm sạc, cho phép các xe điện của hãng đối thủ sử dụng mạng lưới của họ với tốc độ sạc tối đa 250 KW.

Tại Việt Nam, hiện tại ô tô điện VinFast sử dụng cổng sạc chuẩn Menneskes Type 2 cho các trụ sạc thường và CCS-2 cho các trụ sạc nhanh, tương tự các dòng xe ở châu Âu.

Lấy thông tin khách hàng

Mặc dù vậy, một số chuyên gia nhận định Tesla đang cố “ăn gian” bằng cách thu thập thông tin khách hàng của hãng đối thủ khi buộc người dùng phải tải ứng dụng Tesla trên điện thoại và thành lập tài khoản trước khi có thể sử dụng trạm sạc.

Động thái này khiến Tesla có thể thu thập được thông tin khách hàng cho các hoạt động marketing, bán hàng hoặc chào mời những dịch vụ của nhà Elon Musk. Những người đã mua xe điện của hãng khác chắc chắn có hứng thú với ngành xe điện cùng các dịch vụ có liên quan, trong khi hệ sinh thái của Tesla lại khá hấp dẫn chẳng kém gì iPhone trong làng smartphone.

Quay trở lại câu chuyện, ứng dụng này không chỉ có tác dụng mở khóa trạm sạc mà còn chịu trách nhiệm thanh toán. Người dùng có thể thanh toán theo số lần sạc hoặc mua gói thành viên với giá 13 USD/tháng, tất nhiên là cao hơn so với những thành viên sử dụng sản phẩm của nhà Tesla.

“Số tiền này là để bù đắp cho chi phí phát sinh bổ sung nhằm duy trì các trạm sạc cũng như để tiến hành thay đổi chúng cho phù hợp xe điện của thương hiệu khác”, phía Tesla cho biết.

Ngoài ra, khách hàng nếu cắm sạc quá lâu cũng sẽ bị tính phí chờ nhằm tránh tình trạng chen lấn chiếm chỗ cũng như đề phòng các rủi ro có thể xảy ra.