Silicon Valley Bank: Hành trình từ "hero to zero" (Phần cuối)

...

Hai phần trước, tác giả Lý Xuân Hải nói về lịch sử SVB, thời kỳ huy hoàng và những điểm yếu khiến SVB sụp đổ chỉ trong thời gian ngắn. Ở phần này, tác giả sẽ đề cập đến việc liệu sự sụp đổ của SVB có lan sang các ngân hàng khác hay không.

Silicon Valley Bank: Hành trình từ "hero to zero" (Phần cuối)
Nguồn ảnh: Bloomberg

Hệ luỵ từ sự sụp đổ của SVB

#1: Thị trường công nghệ, chủ yếu là crypto, bị ảnh hưởng nhiều nhất

Tại Mỹ, ngay sau SVB, Signature Bank và Silvergate Bank- hai ngân hàng hoạt động ở thị trường Blockchain và chủ yếu là crypto currencies (tiền điện tử), cũng mất khả năng chi trả và phá sản.

SVB là ngân hàng chính của đồng Stable Coin USDT do Circle quản lý và gửi phần lớn tài sản ở đây. Nhà sản xuất trò chơi Ba Lan Huuuge gửi gần 10% tài sản tại SVB. Quỹ hưu trí lớn nhất Thuỵ Điển Alecta đầu tư 605 triệu USD, cũng là cổ đông lớn thứ 4 tại SVB. Những cái tên này đang rất đau đầu.

Silvergate cũng ở Bang California có TA trên 11 tỷ USD và nổi tiếng với SEN (Silvergate Exchange Network), chuyên thanh toán tiền điện tử và là ngân hàng đầu tiên được cấp phép cho việc này. Silvergate nắm giữ tài sản tiền của FTX. Do vậy, cùng với sự sụp đổ của FTX, Silvergate Bank cũng lâm vào khủng hoảng.

Signature Bank trụ sở ở New York với tổng tài sản hơn 110 tỷ USD, huy động 83 tỷ USD. Trong đó, khoảng 25 tỷ USD từ các hoạt động phục vụ tiền điện tử và cho vay 65 tỷ USD. Signature cũng quản lý tài sản cho Circle và USDC. Signature Bank khá gần gũi với gia đình cựu Tổng thống D. Trump (Ivanka Trump đã từng là Ủy viên HĐQT Signature 2011-2014) và giới chính trị. Cùng với SVB, Signature Bank “vận động hành lang” rất mạnh nhằm nâng hạn mức “ngân hàng quan trọng ảnh hưởng tầm hệ thống” từ 50 tỷ USD lên 250 tỷ USD để không phải tuân thủ LCR hà khắc. Đây là ngân hàng Mỹ có quy mô lớn thứ 3 sụp đổ, sau Mutual Fund (2008) và SVB.

Với sự sụp đổ của 3 ngân hàng này, thế giới tiền tiền điện tử chính thức bị ngắt kết nối với tiền Fiat thông qua định chế trung gian. Cần một “bà đồng” khác kiểu Web3 gọi hồn cho thị trường này.

#2: Ngành ngân hàng Mỹ tổn thương

Sau khi 3 ngân hàng trên sụp đổ, hàng loạt các ngân hàng khác bị gọi tên như: First Republic Bank, Zions Bancorporation, Western Alliance Bancorp, Comerica Inc, UMB Financial Corp и Intrust Financial Corporation. First Republic Bank đã phải nhận gói cứu trợ 30 tỷ USD từ 11 ngân hàng, trong đó có JPMorgan Chase và BoA. Dường như SVB đã kích hoạt phản ứng dây chuyền khiến cho FED và nhiều bên khác cảm thấy quan ngại.

#3: Các nền kinh tế khác

Một số quốc gia đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng thần SVB hiện nay ngoài Mỹ có EU, và Israel chút ít. Dù SVB còn có các chi nhánh tại Đan Mạch, Đức và Thuỵ Điển, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của SVB tại đó không quá lớn. Tính co cụm của SVB làm tác hại của sụp đổ khó lan rộng hơn.

#4: Cuộc chiến chống lạm phát có bị chững lại?

FED, ECB đứng trước một tình huống khó xử: Dập lạm phát hay cứu ngân hàng? Nới lỏng tiền tệ hay thắt chặt tiếp? Cụ thể: tiếp tục nâng lãi suất hay không? Nếu tiếp tục xảy ra khủng hoảng hệ thống ngân hàng thì suy thoái là cái chắc, mà lạm phát cao kéo dài cũng “chết sớm”.

Chắc chắn FED và ECB nhận thức rõ SVB và các ngân hàng không phải là “trùm cuối”. Trùm cuối là FED và ECB với chính sách tiền tệ “dễ dãi” của họ. Cứu ngân hàng và tiền gửi là cứu họ, nhưng lạm phát không kìm lại thì NHTW bị xử đầu tiên.

Do vậy mới có nhiều dự báo rằng FED sẽ tiếp tục “thắt lưng nới bụng” nửa vời như hiện nay. Dự là đà tăng lãi suất vẫn còn dù có thể thận trọng hơn. ECB mới nâng 0.5% một phần vì đã chậm nhịp tăng.

Vì vậy mấy ngày qua dù lạm phát còn xa đích 2% FED vẫn bơm tiền ào ạt trở lại. Số tiền bơm ra thị trường khoảng 300 tỷ USD. Nhưng chắc chỉ ngắn hạn (H.11).

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải

FED và ECB, BoE, BoJ, NHTW Thuỵ Sỹ và  Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ, đã công bố các chương trình hành động chung để tăng tính thanh khoản cho các giao dịch hoán đổi bằng USD.

#5: Các ngân hàng chuẩn bị đối phó với các chính sách hà khắc

Chính sách quản lý ngân hàng sẽ thắt chặt hơn. Khi cháy nhà tập trung dập tắt lửa cái đã. Xử lý đứa nào đốt nhà tính sau. Người khôn vẫn hay làm thế.

Dù tuyên bố sẽ không cứu trợ SVB, bởi SVB không có “rủi ro hệ thống” nhưng FED cho biết họ đang thực hiện một chương trình tài trợ có kỳ hạn nhằm bảo vệ tiền gửi tại các ngân hàng phá sản. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: “Chúng tôi quan tâm đến những người gửi tiền và tập trung vào việc cố gắng đáp ứng nhu cầu của họ”. Đúng thôi. 96% số tiền gửi không được FDIC bảo lãnh ở SVB là con số rất đáng ngại!

FED sẽ nới lỏng các điều kiện sử dụng cửa sổ chiết khấu (Discount Window) để các NHTM bị ảnh hưởng có thể thế chấp trái phiếu huy động tiền mặt, dễ dàng tiếp cận thanh khoản nhằm chi trả cho những người gửi tiền bị hoảng loạn.

Chương trình này sẽ cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, hiệp hội tín dụng và các tổ chức khác với các điều kiện thoáng hơn cửa sổ chiết khấu. Tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc, trái phiếu đô thị - doanh nghiệp và MBS. Tuy nhiên, sau khi dập tắt đám cháy, các tiêu chuẩn rủi ro và giám sát ngân hàng “đồ rằng” sẽ được thắt chặt.

Phải có “dê tế thần”.

Các ngân hàng… hãy đợi đấy!

Lãi suất vẫn cứ cao. Tiền lại dần thu về. Cho đến khi lạm phát được chế ngự. Chưa có cửa mở ngay đâu.

Doanh nghiệp lại phải tiếp tục ẩn mình chờ thời thôi!

#6: Dấu hiệu lan ra ngành ngân hàng toàn cầu bởi lo ngại sụp đổ hệ thống

Chi nhánh SVB tại UK đã được Chính phủ hỗ trợ HSBC mua lại với giá tượng trưng £1 để tránh lây lan ảnh hưởng doanh nghiệp ngành Tech của Anh.

Các gã khổng lồ Credit Suisse (Credit Suisse), Commerzbank vốn đã bị “bệnh chữa mãi không khỏi” cũng bắt đầu “trở nặng”, lao đao.

Chuyện gì xảy ra với Credit Suisse?

Sau một thời gian dài tìm cách tái cơ cấu sau hàng loạt các vụ bê bối đình đám, Credit Suisse đã chính thức xuôi tay vì mất thanh khoản, khi chỉ trong quý 4/2022 khách hàng rút khỏi ngân hàng này 147 tỷ USD và lỗ năm 2022 là 8 tỷ USD. Ngân hàng đầu tư có mức độ ảnh hưởng hệ thống toàn cầu này đã bị chính phủ Thuỵ Sỹ ép hoặc phá sản hoặc bán mình cho đối thủ truyền kiếp UBS. Chính phủ Thuỵ Sỹ tuyên bố chỉ hỗ trợ tài chính cho bên mua là Ngân hàng Thuỵ Sỹ. UBS (Union Bank of Switzerland: Ngân hàng Liên minh Thụy Sỹ) là ứng viên được chọn - dù muốn hay không.

Mọi việc cần được quyết định rất gấp gáp tránh, để lây lan đổ vỡ thị trường tài chính Thụy Sỹ và toàn cầu, nếu Credit Suisse sụp đổ mà không kiểm soát. Các thủ tục được rút gọn đến mức tối thiểu và bỏ qua mọi quy tắc cơ bản: Finma, cơ quan quản lý thị trường Thụy Sỹ, cho phép UBS mua Credit Suisse mà không cần thông qua ĐHĐCĐ. Quá trình đàm phán có sự tham gia hỗ trợ tích cực của giới chức tài chính Mỹ.

Chủ Nhật vừa qua, Credit Suisse chính thức được UBS mua lại với giá 3,3 tỷ USD “bia kèm lạc”: bán kèm với Credit Suisse chính phủ Thuỵ Sỹ gắn gói khuyến mại gồm khoản vay gần 110 tỷ USD bù thanh khoản, văn bản bảo lãnh gần 10 tỷ USD nếu giá tài sản được UBS mua bị mất giá, và độc chiêu nhất là các gói trái phiếu CoCos - AT1 tổng giá trị 17 tỷ USD cũng được loại khỏi nghĩa vụ phải trả hay chuyển đổi của UBS/Credit Suisse và CoCos trở thành “giấy lộn”.

Một gói cứu trợ “khủng bố”! Một deal “hầm hố” trong lịch sử mà giới đầu tư sẽ còn nhắc đi nhắc lại.

Credit Suisse mất 99% giá trị so mức cao nhất năm 2007. Quá “đau” cho cổ đông Credit Suisse!

Nhưng đau hơn cả là các trái chủ CoCos AT1 của Credit Suisse: họ mất trắng!

Trái phiếu CoCo - AT1 là gì?

Trái phiếu hoặc công cụ vốn chuyển đổi tiềm ẩn (Contingent Convertible - CoCo) là công cụ tài chính lưỡng tính, vừa có tính chất nợ được trả lãi như trái phiếu, vừa có tính chất vốn do tính chất tự động chuyển đổi thành Cổ phiếu trong trường hợp thiếu hụt vốn đạt mức độ nào đó xác định trước. Nhiều CoCo xác định trường hợp nếu CET1 ( thước đo khả năng thanh toán của ngân hàng) rơi thấp hơn mức nào đó nữa CoCos có thể bị xóa (write off) gọi là “sự kiện kích hoạt xoá nợ”. CoCo, vì vậy, còn được gọi là Trái phiếu Vốn cấp 1 - Additional Tier 1 (AT1) bonds - do tính chất Vốn rất cao.

CoCos là công cụ linh hoạt có thể làm tăng tỷ lệ an toàn Vốn CET1 theo quy định khi cần thiết, đồng thời duy trì trạng thái Nợ tương ứng nếu CET1 không giảm đến mức kích hoạt được xác định trước. CoCos đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây ở châu Âu, nhằm tăng chỉ số an toàn cho các ngân hàng do tính chất kết hợp yếu tố Nợ và Vốn chủ sở hữu của nó. Đây là loại trái phiếu có độ rủi ro cao nhất và xử lý sau cùng so tài sản Nợ nên lãi suất coupon thường rất cao.

Credit Suisse có tất cả 13 CoCos giá trị quy đổi khoảng 17 tỷ USD phát hành bằng USD, Franc Thụy Sỹ và SG$.

Khi UBS mua Credit Suisse, với sự đồng thuận của Finma, tất cả CoCos này bị xóa sổ để giảm gánh nặng cho UBS.

Điều này gây ngạc nhiên cho nhiều người trên thị trường, vì “sự kiện kích hoạt xoá nợ” đối với các trái phiếu CoCos của Credit Suisse không được viện dẫn cụ thể và bộ đệm vốn của Credit Suisse dường như vẫn còn cao hơn nhiều so với mức kích hoạt đó.

Tuy nhiên, các điều khoản cáo bạch CoCos của Credit Suisse đã được giải thích theo cách mà Finma đã quyết. Finma cho biết: “Sự hỗ trợ của chính phủ đã kích hoạt việc xoá tất cả các trái phiếu AT1 của Credit Suisse”.

Điều này làm các trái chủ CoCos AT1 của Credit Suisse đặt câu hỏi về thứ bậc thanh toán: thông thường quyền lợi trái chủ phải được giải quyết trước, sau đó Nợ thứ cấp bao gồm nợ chuyển đổi, rồi mới đến cổ đông phổ thông. Chính Credit Suisse cũng tuyên bố như vậy với các trái chủ CoCos vài ngày trước.

Trái chủ CoCos cho rằng nếu Thuỵ Sỹ quốc hữu hoá Credit Suisse họ sẽ mất hết, nếu UBS mua thì họ vẫn giữ được CoCos và quyền đòi nợ… nên rất hỗ trợ cho deal với UBS. Sự việc sau đó hoá ra tệ hơn nhiều: các cổ đông của Credit Suisse nhận được 3,3 tỷ USD còn trái chủ Cocos trắng tay, là điều chưa từng ai ngờ đến.

Trong bản cáo bạch phát hành cho một loại AT1 (Trái phiếu AT1 là một công cụ được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2009. Nó được tạo ra để chuyển rủi ro từ người nộp thuế sang nhà đầu tư trong trường hợp một ngân hàng gặp rắc rối) của Credit Suisse có điều khoản rằng trong tình huống xảy ra “sự kiện kích hoạt xoá nợ”, toàn bộ số tiền gốc sẽ được giảm xuống bằng 0, trái chủ sẽ đương nhiên từ bỏ quyền đòi nợ không hủy ngang (H.12).

Nguồn ảnh: FB Lý Xuân Hải

Tất cả CoCos của Credit Suisse đều thế hay không thì chưa rõ.

Dù dẫn chiếu như vậy có thể đưa ra những lập luận về những rủi ro mà các nhà đầu tư AT1 cần nhận thức và đối mặt, từ đó giải thích việc CoCos mất giá nghiêm trọng, thế nhưng đưa giá trị của nó về 0 khi cổ đông vẫn còn nhận được gì đó thì quả là “kỳ cục”.

Cách hành xử của Finma không được “tâm phục khẩu phục” lắm. Nhiều người e ngại cách hành xử trên sẽ tạo tiền lệ xấu, gây những phản ứng rất tiêu cực và có nguy cơ khiến thị trường CoCos trị giá 275 tỷ USD rơi vào tình trạng hỗn loạn.

UBS mua xong Credit Suisse làm phần lớn giới tài chính thở phào vui mừng ra mặt. Trừ mỗi UBS!

Ngày chốt deal Colm Kelleher, Chủ tịch UBS, tuyên bố: “Đây là một ngày lịch sử ở Thụy Sĩ, nhưng thành thật mà nói, một ngày mà chúng tôi không mong muốn nó sẽ đến”. Không biết thật lòng đến đâu, khi giá mua Credit Suisse có hơn 5% market cap của UBS và chỉ gần 50% market cap của Credit Suisse vào thứ 6 - 2 ngày trước đó.

Nhớ khi xưa: sau GFC 2008 hai ngân hàng UBS và Credit Suisse cùng có mức Market Cap 26-27 tỷ USD. Tuy nhiên, UBS tệ hơn do chịu lỗ thê thảm (50 tỷ USD) bởi Subprime MBS và phải nhận cứu trợ CHF 60 tỷ USD của Chính phủ. Sau đó vào năm 2011, UBS còn bị vụ bê bối do giao dịch trái phép của Kweku Adoboli gây lỗ 2,3 tỷ USD, suýt nữa làm sập ngân hàng này. Trong khi Credit Suisse dù lúc ấy đang gặp khó khăn nhưng tự vượt qua và không cần cứu trợ.

Vậy mà chỉ hơn 10 năm sau, Chính phủ năn nỉ UBS mua Credit Suisse mọi giá. Chắc UBS biết mình độc quyền nên định trả rất “bèo”. Lúc đầu UBS định giá Credit Suisse có 1 tỷ USD, kèm bảo lãnh chính phủ 6 tỷ USD làm đội Credit Suisse nổi cáu: chỉ riêng tòa nhà văn phòng của Credit Suisse đã có giá đó. Cuối cùng thì UBS cũng chịu mua với giá 3,3 tỷ USD kèm một đống “khuyến mại” đã nói ở trên.

Biết nói gì khi làm thân “con cá bị mắc cạn?”

Cả SVB, cả Credit Suisse, cả UBS và nói chung các định chế tài chính lớn, các NHTW hàng đầu đều "chơi trò" ALM (Asset and Liability Management: quản lý tài sản và nợ phải trả). Họ hơn nhau ở tiềm lực tiền và “gan tố” như trong ván bài Poker.

Chúng ta đang chứng kiến hoặc sự sụp đổ của thời đại tiền tệ dễ dãi (khả năng rất thấp), hoặc một sự lột xác biến đổi của thế giới tài chính tiền tệ (khả năng cao).

Các cuộc chơi ALM đang ngày càng dữ, các con bạc đang tố ngày càng cao và sự tích tụ tiền đang ngày càng mạnh thông qua các vụ M&A như UBS-Credit Suisse tạo các quái vật tài chính khổng lồ bắt đầu từ GFC năm 2008. Những quái vật tài chính này cùng các NHTW sẽ tạo ra các luật chơi mới, rào cản mới… mà các tay chơi mới như tiền điện tử hay các loại tiền tệ “ngoài hệ thống” khó có thể vượt qua. Nhưng đó lại là câu chuyện khác.

Bài viết được trích dẫn, biên tập từ bài đăng trên Facebook của anh Lý Xuân Hải. ProFin.vn đã nhận được sự cho phép của tác giả trước khi đăng bài.