Chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thành công trong tiếp cận vốn ngân hàng?

...

Trong bài viết dưới đây, ProFin sẽ chia sẻ những điểm quan trọng cần lưu ý, bằng việc trả lời cho 3 câu hỏi "thô nhưng thật", mà bất kỳ nhà băng nào cũng đều đặt ra cho khách hàng.

Chủ doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để thành công trong tiếp cận vốn ngân hàng?
Nguồn ảnh: Towfiqu barbhuiya / Unsplash

"Đi vay đã khó, vay ngân hàng còn khó gấp vạn lần". Rất nhiều chủ doanh nghiệp than thở như vậy, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ sẽ chọn cách vay tiền từ người thân, thậm chí tìm đến kênh "tín dụng đen". Một số khác lại không biết cần phải chuẩn bị những gì để tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, dù biết những lợi ích trước mắt như lãi suất thấp và ổn định. Mỗi ngân hàng đều có những tiêu chí cho vay khác nhau. Tuy nhiên, trong bài viết dưới đây, ProFin sẽ chia sẻ những điểm quan trọng cần lưu ý, bằng việc trả lời cho 3 câu hỏi "thô nhưng thật", mà bất kỳ nhà băng nào cũng đều đặt ra cho khách hàng.

Câu hỏi thứ nhất: VAY LÀM GÌ?

Hay nói cách khác, là mục đích vay của doanh nghiệp là gì? Đây là vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất doanh nghiệp cần xác định khi muốn vay vốn. Ngân hàng cần hiểu được chính xác bạn sẽ dùng số tiền vay được để chi tiêu vào việc gì. Đó có thể là bổ sung vốn lưu động mua nguyên vật liệu; trả lương nhân viên; đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất, cho thuê; hay thậm chí là để mua lại một công ty khác.

Các ngân hàng sẽ đánh giá cao hồ sơ nếu bạn có một kế hoạch sử dụng vốn một cách rõ ràng, chi tiết. Những thông tin này được thể hiện trong Phương án sử dụng vốn, mà mỗi ngân hàng đều sẽ cung cấp biểu mẫu cho bạn. Tài liệu này cũng sẽ đề nghị bạn cung cấp số liệu tài chính trong 2-3 năm gần nhất. Do vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng báo cáo tài chính được cập nhật thường xuyên, để tránh vội vàng, cập rập vào những phút cuối khi ngân hàng yêu cầu. Trường hợp không thể duy trì một bộ máy kế toán thường xuyên, thì việc sử dụng dịch vụ của một đơn vị Đại lý Thuế uy tín cũng là một phương án hữu hiệu nên được cân nhắc.

Mẫu Phương án sử dụng vốn của ngân hàng Vietcombank dành cho khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh.

Câu hỏi thứ hai: LẤY GÌ TRẢ?

Đó là dòng thu nhập mà doanh nghiệp dùng để trả nợ. Dĩ nhiên khi cho vay, tất cả các ngân hàng đều kỳ vọng khách hàng có khả năng hoàn trả lại số tiền đã vay. Trừ khi là tín dụng đen, chủ nợ sẽ rất mong bạn không thể trả. Do vậy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng dòng tiền để trả nợ là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp không bị gắn mác "nợ xấu". Các ngân hàng sẽ đánh giá khả năng này thông qua bản Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp để thấy được dòng tiền thu và chi trong mỗi tháng, mỗi năm. Dĩ nhiên, kế hoạch kinh doanh phải chứng minh được là hiệu quả, khả thi và hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

Nguồn trả nợ thường sẽ có liên hệ với mục đích vay. Nếu nhu cầu vay là để mua nguyên vật liệu, hàng hóa, thì nguồn trả nợ sẽ đến từ các khoản thanh toán của khách hàng. Nếu vay để đầu tư văn phòng, nhà xưởng cho thuê, thì tiền thu từ khách thuê sau khi trừ đi chi phí vận hành chính là dòng thu nhập để trả nợ. Nếu vay để đầu tư vào công ty khác, doanh nghiệp sẽ dùng lợi tức được phân phối từ công ty đó để góp phần chi trả khoản vay đến hạn. Cần lưu ý rằng, phần lớn ngân hàng sẽ yêu cầu bạn hoàn trả cả gốc và lãi định kỳ hàng tháng hoặc mỗi 6 tháng. Do đó, theo kinh nghiệm của ProFin, doanh nghiệp cần tính toán thật kỹ lưỡng dòng tiền thu và chi cần thiết để chi trả định kỳ cho ngân hàng. Dòng tiền ròng, tức số thu trừ đi số chi, càng lớn thì càng chứng minh được doanh nghiệp có khả năng trả nợ đúng hạn.

Minh họa: Bảng dự toán nguồn và kế hoạch trả nợ giản đơn.

Câu hỏi thứ ba: CÓ ĐẢM BẢO KHÔNG?

Nếu như 2 câu hỏi trên là "điều kiện cần", thì đây lại là câu hỏi mang tính "điều kiện đủ". Trong trường hợp xấu nhất khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đúng hạn, thì có gì để ngân hàng đảm bảo thu hồi khoản vay hay không.

Tài sản đảm bảo là bất động sản, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hay hàng hóa. Thậm chí một số ngân hàng chấp nhận thế chấp khoản phải thu hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản đảm bảo không nhất thiết phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp vay vốn, mà có thể của bên thứ 3 đứng ra thế chấp để bảo lãnh, như cá nhân chủ doanh nghiệp, những cá nhân có liên quan đến chủ doanh nghiệp và cổ đông.

Trong một số trường hợp, ngân hàng sẽ linh hoạt thay thế tài sản đảm bảo bằng hình thức tín chấp, tức thế chấp bằng uy tín của doanh nghiệp. Tuy nhiên giá trị khoản vay thường là nhỏ và phải qua nhiều công đoạn thẩm định kỹ càng. Với những khoản vay tín chấp, chủ doanh nghiệp hoặc các cổ đông cần phải cam kết trả nợ thay, trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng.

Để thông qua các khoản vay, đặc biệt là vay tín chấp, các ngân hàng sẽ dựa vào lịch sử tín dụng của doanh nghiệp để đánh giá. Đó là lịch sử thanh toán các khoản nợ trong quá khứ, chủ yếu tra cứu từ Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Do vậy, một điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp không có nợ xấu, xảy ra khi các khoản gốc và lãi không được thanh toán đúng hạn.

Có thể thấy, tín dụng ngân hàng là nguồn vốn quan trọng và cần thiết. Chủ doanh nghiệp cần có kế hoạch chuẩn bị trước để chủ động trong hoạt định kinh doanh và nắm bắt cơ hội kịp thời. Ngoài những ưu điểm đã nêu, việc vay vốn ngân hàng thành công và trả nợ đúng hạn xem như vượt qua kỳ sát hạch khó khăn. Kinh nghiệm của ProFin cho thấy, điều này giúp doanh nghiệp xây dựng được một "profile" tín dụng tốt, rất có ích khi làm việc với các ngân hàng, quỹ đầu tư và đối tác trong tương lai.