Làm thế nào để tạo “lá chắn thuế” từ khấu hao?

...

Tương tự như lãi vay, khấu hao cũng là một loại chi phí được dùng để giảm tác động của thuế đến doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ này lại có đôi chút khác biệt. Cụ thể như thế nào, hãy cùng ProFin tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Làm thế nào để tạo “lá chắn thuế” từ khấu hao?
Photo by Scott Graham / Unsplash

Hiểu về chi phí khấu hao như thế nào cho đúng?

Khi bắt đầu kinh doanh, các doanh nghiệp thường phải chi một khoản tiền lớn để đầu tư tài sản cố định như: máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, văn phòng làm việc… Các chi phí này thậm chí cao hơn nhiều so với doanh thu một năm của doanh nghiệp. Hơn nữa, các tài sản này được sử dụng cho nhiều chu kỳ sản xuất, do vậy việc ghi nhận toàn bộ chi phí đầu tư này vào một năm tài chính là không hợp lý. Điều này sẽ khiến báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ khổng lồ. Vì thế, các kế toán sử dụng phương pháp khấu hao, bằng cách chia nhỏ chi phí này ra và phân bổ theo từng năm. Ta có thể hình dung qua ví dụ sau:

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A vừa mua máy làm bánh mới với giá trị 10 tỷ đồng. Chiếc máy này có thể vận hành tốt trong vòng 5 năm. Với doanh thu từ bán bánh, doanh nghiệp có thể thu về 3 tỷ mỗi năm. Rõ ràng nếu ghi nhận chi phí mua máy trong năm đầu tiên, chưa kể các chi phí phát sinh khác, doanh nghiệp đã phải ghi nhận khoản lỗ 7 tỷ đồng trong năm đó. Tuy nhiên, với phương pháp khấu hao, chi phí 10 tỷ này sẽ được phân bổ trong 5 năm với giá trị khấu hao mỗi năm là 2 tỷ.
Lá chắn thuế
Lá chắn thuế đề cập đến việc áp dụng một khoản khấu trừ hợp lệ làm giảm thu nhập chịu thuế, từ đó làm giảm đi số tiền thuế phải nộp.

Làm thế nào để tạo “lá chắn thuế” từ khấu hao?

Khấu hao cũng được xem như một công cụ tạo “lá chắn thuế” phổ biến, giúp doanh nghiệp điều tiết số tiền thuế phải nộp qua các năm. Bởi vì khấu hao không phải chi phí bằng tiền thực tế phát sinh, và mức khấu hao hàng năm được doanh nghiệp quyết định theo các phương pháp hợp lệ, nên sẽ giúp chủ doanh nghiệp chủ động hơn trong việc quản trị dòng tiền chi phí.

Ví dụ 2: Trong năm 2020, doanh nghiệp B chi 1 tỷ đồng mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp dự định sẽ trích khấu hao máy móc này trong vòng 5 năm theo phương pháp đường thẳng. Theo đó, chi phí khấu hao mỗi năm là 200 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trừ khỏi thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Với mức thuế thu nhập hiện hành là 20%, việc trích khấu hao hằng năm đã giúp doanh nghiệp giảm khoản tiền nộp thuế tương đương 40 triệu đồng (200 triệu x thuế suất 20%) trong vòng 5 năm tới.
Bảng 1: Mức giảm thuế của doanh nghiệp B theo phương pháp khấu hao đường thẳng
Ví dụ 3: Trong trường hợp trên, nhưng CFO mong muốn giảm thêm dòng tiền chi trả thuế trong những năm đầu do doanh nghiệp đang trong giai đoạn tăng trưởng, cần bổ sung nguồn vốn để tái sản xuất (*). Do đó doanh nghiệp quyết định sử dụng phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần, để tăng mức khấu hao trong những năm đầu và giảm dần vào những năm sau. CFO quyết định mỗi năm sẽ trích giá trị khấu hao bằng 50% giá trị còn lại của tài sản. Kế hoạch cụ thể được trình bày trong bảng bên dưới:

(*) Việc trích lập khấu hao theo tỷ lệ khấu hao nhanh giúp doanh nghiệp giảm dòng tiền chi cho thuế vào những năm đầu tiên. Do đó dòng tiền thuần của doanh nghiệp cũng tăng lên.
Dòng tiền
Dòng tiền là sự luân chuyển của tiền vào hoặc ra khỏi doanh nghiệp hoặc dự án. Dòng tiền được đo trong một khoảng thời gian xác định (thông thường trong một tháng, quý hoặc năm).
Bảng 2: Mức giảm thuế của doanh nghiệp B theo phương pháp khấu hao nhanh.

Như vậy, với việc tăng mức khấu hao trong những năm đầu, doanh nghiệp đã giảm được 100 triệu tiền thuế trong năm 2020 (nhiều hơn 60 triệu so với phương pháp khấu hao đường thẳng) và 50 triệu cho năm 2021.

Tuy nhiên, so sánh Bảng 1 và Bảng 2, tổng chi phí thuế được giảm trừ ở cả hai phương pháp là như nhau. Có nghĩa rằng, phương pháp khấu hao nhanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí thuế phải nộp ở các kỳ đầu, nhưng lại đóng nhiều thuế hơn ở những kỳ sau. Bảng so sánh dưới đây minh họa cho điều này:

Bảng 3: So sánh mức giảm trừ thuế theo hai phương pháp khấu hao đường thẳng và khấu hao nhanh.

Theo Bảng 3, nếu xét trên tổng thời gian khấu hao, cả hai phương pháp đều tạo lá chắn thuế như nhau cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có sự khác nhau về số thuế phải nộp qua mỗi giai đoạn.

Vậy căn cứ vào đâu để các CFO quyết định phương pháp nào là phù hợp cho doanh nghiệp? Điều này phụ thuộc vào nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn đó. Như ở ví dụ 3, doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng và rất cần vốn để tái sản xuất. Do vậy họ sẽ ưu tiên áp dụng phương pháp khấu hao nhanh, vì phương pháp này sẽ giúp doanh nghiệp giảm dòng tiền chi nhiều hơn như đã giải thích ở trên. Ngược lại, khi doanh nghiệp đã đi vào chu kỳ kinh doanh ổn định và không muốn chi phí biến động quá nhiều, CFO sẽ ưu tiên chọn phương pháp khấu hao đường thẳng. Tất nhiên việc lựa chọn phương pháp khấu hao nào cũng cần phải phù hợp pháp luật và các nguyên tắc kế toán hiện hành.

Như vậy qua bài viết này ProFin cũng đã giới thiệu hai phương pháp “chắn thuế” hiệu quả và phổ biến cho doanh nghiệp. Hy vọng các bài viết này sẽ mang lại cho quý độc giả góc nhìn bao quát hơn về các công cụ này.

Theo: Nguyễn Dương / ProFin