Co-Founder Piktina: Nếu không đủ tài chính trong 5 năm, đừng khởi nghiệp

...

Theo nhận định của bà Nguyễn Hoàng Phương - CEO và Co-Founder của startup thời trang Piktina, dưới đây là 5 yếu tố quan trọng mà các nhà sáng lập nên cân nhắc trước khi khởi nghiệp.

Co-Founder Piktina: Nếu không đủ tài chính trong 5 năm, đừng khởi nghiệp
Bà Nguyễn Hoàng Phương phát biểu tại sự kiện Touchstone Coffee Chat với chủ đề "Rời tập đoàn lớn để khởi nghiệp và những điều chưa kể".

Tại Touchstone Coffee Chat (chuỗi sự kiện hỗ trợ và tư vấn startup được tổ chức hằng tháng) với chủ đề “Rời tập đoàn lớn để khởi nghiệp và những điều chưa kể”, bà Hoàng Phương đã có một số chia sẻ hữu ích và thú vị dành cho những ai đã và đang có kế hoạch khởi nghiệp.

Được biết, bà Hoàng Phương từng làm việc tại Vingroup, OpenAsia Group, đồng thời là cựu CEO và Nhà sáng lập tại Be Group. Vào tháng 10/2022, startup Piktina của bà Phương đã gọi vốn thành công 1 triệu USD vòng hạt giống từ quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners.

Piktina – Startup thời trang second hand gọi vốn thành công 1 triệu USD
Quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners đã “rót” 1 triệu USD cho Piktina trong khuôn khổ vòng gọi vốn hạt giống để có thể tiếp tục phát triển sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh và tăng trưởng người dùng trong thời gian sắp tới.

Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng mà các nhà sáng lập cần có trước khi bước vào hành trình khởi nghiệp.

Khả năng tài chính

Điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu khởi nghiệp đó là đảm bảo nguồn lực về mặt tài chính. Cụ thể hơn, bà Phương cho biết, nhà sáng lập nên có đủ chi phí để trang trải cho startup, cũng như chi phí sinh hoạt cho gia đình và bản thân ít nhất là trong vòng 5 năm tiếp theo.

Bà Phương nói thêm: “Nếu không có lương trong 5 năm tới thì bản thân và gia đình sẽ ra sao? Startup thì tất nhiên cần nguồn vốn từ quỹ đầu tư để vận hành, nhưng ngay cả khi có vốn cũng không có nghĩa là thu nhập của nhà sáng lập sẽ được đảm bảo. Nếu chưa thực sự sẵn sàng về tài chính, hãy tiếp tục tích lũy.”

Khả năng xây dựng đội ngũ

Vào giai đoạn mới thành lập, hầu hết startup sẽ không có đủ nguồn vốn và danh tiếng để thu hút nhân tài. Do đó, nhà sáng lập phải cần có khả năng tận dụng các mối quan hệ và uy tín nhằm thu hút những nhân viên xuất sắc.

Bà Phương chia sẻ, nhà sáng lập hãy tự hỏi rằng bạn có thể kêu gọi được những ai tham gia hành trình khởi nghiệp cùng với mình. Nếu có, những cá nhân đó có năng lực gì nổi bật có thể giúp ích cho startup trong giai đoạn đầu? Bên cạnh đó, giả sử không kêu gọi được đủ nhân sự, liệu bạn có đủ tiềm lực xây dựng một đội ngũ xuất sắc để triển khai ý tưởng khởi nghiệp hay không.

Khả năng quản trị

Bên cạnh khả năng xây dựng và phát triển sản phẩm, sales hoặc marketing, nhà sáng lập cũng cần trang bị những kiến thức căn bản về các khía cạnh khác, chẳng hạn như tài chính, kế toán, luật, quản trị nhân sự và các chuyên môn đặc thù khác. Nhà sáng lập có thể không cần phải là chuyên gia trong từng lĩnh vực, song vẫn phải có đủ kiến thức để xem xét, đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định.

Sức khỏe thể chất và tinh thần

Như đã đề cập ở các phần trên, trong quãng thời gian mới thành lập startup, cụ thể là từ 3-5 năm đầu tiên, khối lượng công việc cần xử lý của nhà sáng lập rất lớn. Cụ thể hơn, nhà sáng lập phải làm việc với cường độ cao một cách liên tục, cùng với rủi ro cạn kiệt nguồn lực cao. Do vậy, khi liên tục làm việc ở cường độ cao trong quãng thời gian dài mà không chú trọng đến sức khỏe sẽ rất nguy hiểm.

Nhà sáng lập không nên tham công tiếc việc vì khởi nghiệp là một hành trình dài. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bản thân, cũng như đội ngũ sáng lập là yếu tố cần thiết để vượt qua giai đoạn vất vả lúc ban đầu.

Ý tưởng kinh doanh

Đây là yếu tố cuối cùng và đóng vai trò lớn nhất trong việc sống còn của một startup. Chị Hoàng Phương nhấn mạnh, trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp, dưới đây là một số câu hỏi nhà sáng lập nên tìm ra đáp án:

  • Giải pháp mà startup đặt ra có thực sự giải quyết được một vấn đề nào đó của xã hội không?
  • Nếu có, ý tưởng kinh doanh của startup có khả năng tạo ra lợi nhuận hay không? Nhóm đối tượng của sản phẩm này là ai? Nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm này như thế nào?
  • Trong trường hợp bắt đầu khởi nghiệp, đâu là những điều cần phải chuẩn bị trong 5 năm đầu tiên?
  • Ý tưởng này có thật sự đáng giá để nhà sáng lập phải chiến đấu với những tình huống khó khăn hay không?
Theo: Phong Nguyễn / ProFin.vn