Dân Tài chính học gì #2: CFA - Những điều bạn cần biết về tiêu chuẩn “vàng” của giới đầu tư tài chính

...

Nếu đang có dự định nâng cao kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng chỉ CFA là sự lựa chọn phù hợp mà bạn nên cân nhắc.

Dân tài chính học gì là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về các chứng chỉ hành nghề quốc tế, khóa học dành cho sinh viên và nhân sự trong lĩnh vực kế toán - tài chính.

Tiếp nối bài viết đầu tiên về chứng chỉ CMA, ở bài viết thứ 2, ProFin sẽ tiếp tục mang đến cho các bạn cái nhìn tổng quát về chứng chỉ CFA, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân.

Chứng chỉ CFA là gì? Mức độ phổ biến và uy tín ra sao?

CFA (Chartered Financial Analyst) là chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực phân tích tài chính được công nhận trên toàn cầu. Chứng chỉ này có 3 cấp độ, bao gồm lượng kiến thức chuyên môn liên quan đến kế toán, quản lý dòng tiền, phân tích chứng khoán, kinh tế học và đạo đức nghề nghiệp.

Chứng chỉ CFA được cấp bởi CFA Institute, tiền thân là AIMR (Association for Investment Management and Research: Hiệp hội Nghiên cứu và Quản lý Đầu tư). Đây là tổ chức toàn cầu được thành lập từ năm 1947, với mục đích tạo điều kiện nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, cũng như mang đến cơ hội nghề nghiệp cho nhân sự trong ngành tài chính. Tính đến năm 2022, CFA Institute đã có hơn 170.000 hội viên (CFA Charterholder) đến từ 165 quốc gia trên thế giới.

Chương trình thi CFA gồm những kiến thức liên quan đến kế toán, quản lý dòng tiền, phân tích chứng khoán, kinh tế học và đạo đức nghề nghiệp. Nguồn ảnh: Leeloo Thefirst / Pexels.

Bên cạnh CFA, tổ chức này còn cấp một chứng chỉ khác là CIPM (Certificate in Investment Performance Measurement). Giống như tên gọi, CIPM sẽ tập trung đào tạo kỹ năng đo lường và tính toán hiệu suất của các khoản đầu tư. Đối với nhân sự thuộc khối ngành dịch vụ tài chính, đây là một chứng chỉ hành nghề quốc tế nên được cân nhắc.

Hàng năm, CFA Institute sẽ cập nhật lịch thi CFA, thời hạn đăng ký và lệ phí thi tại trang web của họ. Bạn có thể truy cập vào trang web của họ tại đây để tìm kiếm thêm thông tin. Ngoài ra, kể từ năm 2021, thí sinh được đăng ký tham dự trực tuyến tại trang web của CFA Institute và làm bài thi (cả 3 cấp độ) trên máy tính tại trung tâm tổ chức kỳ thi.

CFA - “Tiêu chuẩn vàng” của vàng giới đầu tư tài chính

Không chỉ có mức độ công nhận rộng rãi trên toàn thế giới, CFA còn được xem là một trong những chứng chỉ hành nghề phổ biến nhất thuộc lĩnh vực tài chính. Chứng chỉ CFA còn được trang Financial Times gọi là “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Việc sở hữu chứng chỉ CFA sẽ mang lại cơ hội có được mức thu nhập cao hơn, đặc biệt là các CFA Charterholders (người đã thi đậu cả 3 cấp độ CFA). Theo dữ liệu được công bố bởi 300 Hours, mức thu nhập trung bình của CFA Charterholders tăng 47% so với những người chỉ thi đậu cấp độ 1.

Mức tăng thu nhập bình quân khi sở hữu chứng chỉ CFA từ năm 2021 - 2023. Nguồn ảnh: 300 Hours.

Bên cạnh đó, việc có chứng chỉ CFA sẽ gia tăng cơ hội được làm việc ở các tập đoàn dịch vụ tài chính, vốn là lĩnh vực có mức thu nhập cao nhất thế giới. Cũng theo số liệu thống kê của 300 Hours, dưới đây là 5 lĩnh vực tài chính có mức thu nhập cao nhất:

  • Investment banking (ngân hàng đầu tư)
  • Equity & fixed income research (nghiên cứu về vốn cổ phần và thu nhập cố định)
  • Fund management (quản lý quỹ)
  • Private wealth management (quản lý tài sản cá nhân)
  • Management consulting (tư vấn quản lý cho doanh nghiệp)
Tỷ lệ thu nhập bình quân 5 khối ngành dịch vụ tài chính cao hơn các vị trí khác. Nguồn ảnh: 300 Hours.

Ngoài ra, theo Stephen Horan - Former Managing Director tại CFA Institute, định hướng nghề nghiệp phổ biến nhất đó là trở thành chuyên viên phân tích và nghiên cứu (research analyst), sau đó thẳng tiến đến vị trí quản lý danh mục đầu tư (portfolio managers). Horan nói thêm, về bản chất, CFA là chứng nhận năng lực chuyên môn về mảng đầu tư. Do đó, nếu có dự định dấn thân và thăng tiến trong lĩnh vực đầu tư tài chính, việc đăng ký thi để lấy chứng chỉ CFA là một điều bạn nên cân nhắc.

Điều kiện tham gia kỳ thi CFA

Trước khi đăng ký tham gia kỳ thi CFA, thí sinh phải đáp ứng được một trong số các điều kiện dưới đây:

  • Có ít nhất 4 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính.
  • Đã tốt nghiệp đại học hoặc đang là sinh viên năm cuối (đã hoàn thành xong chương trình học).
  • Có 4 năm tổng hợp của kinh nghiệm làm việc và học tập.

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần có hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, trình độ tiếng Anh khá (tương đương với bằng C hoặc TOEFL 500) để làm bài thi.

Cấu trúc đề thi CFA

Đối với cấp độ 1, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm được chia thành 2 phần. Nội dung của hai phần thi của cấp độ 1 được phân bổ như sau:

  • Phần 1 (90 câu hỏi, 135 phút): Gồm các chủ đề liên quan đến phương pháp phân tích định lượng, phân tích báo cáo tài chính, kinh tế học và đạo đức nghề nghiệp.
  • Phần 2 (90 câu hỏi, 135 phút): Gồm các chủ đề liên quan đến vốn cổ phần, tài chính doanh nghiệp, thu nhập cố định, chứng khoán phái sinh, khoản đầu tư thay thế và quản lý danh mục đầu tư.

cấp độ 2, đề thi vẫn là hình thức trắc nghiệm gồm 88 câu hỏi giải quyết tình huống (mini case studies). Cụ thể hơn, bài thi sẽ tập trung vào kỹ năng định giá, cũng khả năng sử dụng các công cụ phân tích đầu tư trong một số tình huống nhất định. Ngoài ra, đề thi cũng bao gồm những câu hỏi liên quan đến khả năng phân tích báo cáo tài chính dựa trên IFRS (International Financing Reporting Standards: Tiêu chuẩn Báo cáo Tài chính Quốc tế). Tương tự như cấp độ 1, bài thi được chia thành 2 phần và thời gian hoàn thành mỗi phần là 132 phút.

Cuối cùng là cấp độ 3, kể từ tháng 2/2023, định dạng bài thi sẽ gồm có câu hỏi tự luận và trắc nghiệm xen kẽ trong cả 2 phần thi. Trước đây, phần 1 chỉ có câu hỏi tự luận và phần 2 là câu trắc nghiệm. Bây giờ, số lượng câu tự luận và trắc nghiệm sẽ được rải đều cho mỗi phần thi. Thời gian hoàn thành mỗi phần thi của cấp độ 3 là 132 phút. Đối với cấp độ 3, chủ đề thi sẽ được chọn ngẫu nhiên vào từng kỳ và sẽ xuất hiện xuyên suốt trong cả hai phần.

Tần suất xuất hiện của các chủ đề trong kỳ thi lấy chứng chỉ CFA. Nguồn ảnh: ProFin.vn.

Tỷ lệ thi đậu kỳ thi CFA là bao nhiêu?

Tương tự như CMA, việc thi đậu cả 3 cấp độ của chứng chỉ CFA không hề dễ dàng. Theo Investopedia, từ năm 1963 cho đến nửa đầu năm 2022, tỷ lệ hoàn thành cả 3 cấp độ CFA là khoảng 11%. Trong đó, chỉ có hơn 2 triệu thí sinh thi đậu cấp độ 1 và khoảng 291.500 thí sinh đủ điều kiện vượt qua cấp độ 3.

Đáng chú ý, trong khoảng 10 năm vừa qua, tỷ lệ hoàn thành cả 3 cấp độ chỉ ở mức 9,6% hoặc thấp hơn. Khi nhìn vào tỷ lệ thi đậu cả 3 cấp độ CFA những năm gần đây, cụ thể là từ năm 2018 đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ dao động trong khoảng 30-40% và hiếm khi vượt qua mức 50%. Bạn có thể xem tỷ lệ thi đậu chi tiết từng năm do CFA Institute thống kê tại đây.

Một số lời khuyên hữu ích cho thí sinh tham gia kỳ thi CFA

Trước tiên, bạn cần ý thức được rằng kỳ thi này không dễ để vượt qua. Bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian cho quá trình luyện thi CFA. Samuel Gottlieb - CFA Senior Content Specialist tại UWorld chia sẻ, nhìn chung thì bài thi CFA rất khó. Dẫu vậy, cơ hội thi đậu sẽ cao hơn đối với những thí sinh dành hơn 300 giờ để học tập và ôn luyện kỹ càng, cũng như xây dựng một chiến lược học tập có hệ thống.

Tiếp theo, Stephanie Ng. - CFO và tác giả sách cho biết, mỗi thí sinh cần ít nhất 3 năm để hoàn tất quá trình trở thành một CFA Charterholders. Vì vậy, bên cạnh việc có kế hoạch học tập cụ thể và rõ ràng, các thí sinh cũng nên lưu ý về vấn đề chi phí. Cụ thể hơn, đó là chi phí đăng ký thi, mua tài liệu học tập, dụng cụ làm bài thi theo quy định, cuối cùng là chi phí đăng ký thi lại nếu không thi đậu ngay từ lần đầu tiên.

Cuối cùng, bạn nên hiểu rằng chứng chỉ CFA không phải con đường duy nhất hoặc nhanh nhất giúp bạn thăng tiến hoặc được tăng lương. Theo nhận định từ Investopedia, trong trường hợp muốn thi lấy chứng chỉ CFA vì cảm thấy sự nghiệp của bản thân đang chững lại, điều quan trọng bạn cần làm đó là xem xét thêm những khía cạnh khác. Có thể điều bạn cần cải thiện không phải là kiến thức chuyên môn, mà là kỹ năng mềm hoặc một số yếu tố quan trọng khác. Ngoài ra, bạn cũng không nên vội vàng đăng ký dự thi vì cảm thấy FOMO (fear of missing out: nỗi sợ bị bỏ lỡ) bởi những người trong ngành. Do đó, trước khi quyết định thi lấy chứng chỉ CFA, bạn nên dành thời gian xem xét kỹ hơn mọi khía cạnh về sự nghiệp để đưa ra quyết định khôn ngoan nhất.

Xem thêm các bài viết cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/dan-tai-chinh-hoc-gi/
Theo: Phong Nguyễn / ProFin.vn tổng hợp