Dân Tài chính học gì #4: CFP - Nâng cao vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực cố vấn tài chính cá nhân

...

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, chứng chỉ CFP sẽ góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của người làm cố vấn tài chính cá nhân.

Ở bài viết lần này của chuỗi bài Dân Tài chính học gì, ProFin.vn sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về CFP (Certified Financial Planner), nhằm đưa ra quyết định phù hợp với định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân.

Chứng chỉ CFP là gì? Mức độ phổ biến và uy tín ra sao?

CFP (Certified Financial Planner) là chứng chỉ hành nghề dành cho các chuyên gia cố vấn lập kế hoạch tài chính cá nhân (bao gồm: thuế, bảo hiểm, bất động sản và quỹ hưu trí) được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

Chứng chỉ CFP được cấp bởi Certified Financial Planner Board of Standards. Đây là tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu, được thành lập vào năm 1985, với vai trò thúc đẩy năng lực, giá trị và đạo đức nghề nghiệp của lĩnh vực cố vấn tài chính cá nhân. Tính đến năm 2022, tổ chức này đã cấp chứng chỉ CFP cho hơn 95.000 chuyên gia cố vấn tài chính cá nhân.

Hàng năm, CFP Board of Standards có ba đợt thi lấy chứng chỉ CFP, được tổ chức vào tháng 3, tháng 7 và tháng 11. Kể từ khi dịch bệnh bùng nổ, bên cạnh hình thức dự thi trực tiếp tại các trung tâm khảo thí Prometric, thí sinh có thể đăng ký làm bài thi từ xa dưới sự giám sát qua các công cụ do CFP Board of Standards cung cấp.

CFP - Nền tảng mang lại mức thu nhập lý tưởng, củng cố vị thế trong sự nghiệp cố vấn tài chính cá nhân

#1: Tiềm năng phát triển trong tương lai rất lớn

Dù ở thời điểm hiện tại, ngành này chưa phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, thế nhưng trong tương lai nhu cầu được cố vấn tài chính cá nhân của người dân sẽ ngày càng tăng cao. Cụ thể hơn, theo số liệu công bố từ Tổ chức Phi chính phủ World Data Lab, Việt Nam đang đứng thứ 7 toàn cầu về tốc độ gia tăng tầng lớp trung lưu trong 10 năm tới, tương đương với 23,2 triệu người. Khi mức thu nhập tăng và đời sống vật chất được cải thiện, quan niệm và tư duy quản lý tiền bạc cũng sẽ khác đi, người dân sẽ muốn tiếp tục tối ưu lợi ích từ số tài sản đang sở hữu.

Ngoài ra, dịch vụ cố vấn tài chính cá nhân vốn có xuất phát tại Mỹ - quốc gia có quy định pháp lý chặt chẽ về vấn đề thu nhập cá nhân. Trong khi đó, tại Việt Nam thì có chút khác biệt vì không phải người dân nào cũng có mã số thuế và khai báo thu nhập minh bạch. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vấn đề đó sẽ được khắc phục khi hoàn tất quá trình chuyển đổi sang Căn cước Công dân gắn chip. Do đó, nhu cầu tìm đến cố vấn tài chính cá nhân có chuyên môn và uy tín hỗ trợ các vấn đề pháp lý sẽ ngày càng tăng. Vì lẽ đó, nếu có dự định dấn thân vào lĩnh vực cố vấn tài chính cá nhân, bạn nên cân nhắc lấy chứng chỉ CFP để nâng cao vị thế cạnh tranh.

#2: Cơ hội đạt được mức thu nhập lý tưởng

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, không có gì ngạc nhiên khi cố vấn tài chính cá nhân có mức thu nhập khá hấp dẫn. Theo kết quả thống kê từ PayScale, một chuyên viên cố vấn tài chính cá nhân sở hữu chứng chỉ CFP, với kinh nghiệm làm việc từ 1-4 năm có thể nhận được mức thu nhập bình quân hàng năm xấp xỉ 67,560 USD. Trong khi đó, đối với những chuyên gia CFP có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc, mức thu nhập họ nhận được hàng năm có thể lên đến 102,000 USD.

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, cố vấn tài chính cá nhân hứa hẹn sẽ là một trong những công việc có mức thu nhập cao trong thời gian tới. Nguồn ảnh: Envato Elements.

Điều kiện được sở hữu chứng chỉ CFP

Để sở hữu chứng chỉ CFP, thí sinh cần đáp ứng 4 yêu cầu dưới đây:

  • Dù chưa tốt nghiệp Đại học, thí sinh vẫn có thể đăng ký tham gia kỳ thi CFP. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm kể từ khi vượt qua bài thi CFP, thí sinh phải bổ sung thông tin hoàn tất chương trình đào tạo cấp bậc Đại học.
  • Hoàn tất các môn học thuộc CFP Board Registered Program, hoặc CFP Board’s Transcript Review. Nếu thí sinh sở hữu những chứng chỉ hành nghề tài chính hoặc có bằng cấp học thuật cao hơn, chẳng hạn như CFA hoặc bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA), thì các môn học này sẽ được miễn.
  • Thí sinh cần có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực liên quan ít nhất 3 năm (hoặc 6.000 giờ làm việc), hoặc có kinh nghiệm làm việc ở vị trí học việc ít nhất 2 năm (hoặc 4.000 giờ làm việc).
  • Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn, quy tắc về đạo đức nghề nghiệp do CFP Board đặt ra.

Cấu trúc đề thi CFP gồm những gì?

Cấu trúc đề thi gồm có 170 câu hỏi trắc nghiệm với hơn 100 chủ đề liên quan đến quy trình hoạch định tài chính cá nhân. Bài thi CFP được chia thành 2 phần, thời gian làm bài mỗi phần thi là 3 tiếng với 85 câu hỏi trắc nghiệm, cùng với 40 phút giải lao giữa hai phần thi.

Các câu hỏi trong bài thi trắc nghiệm CFP được chia thành 3 loại như sau:

  • Câu hỏi độc lập (Stand-alone Questions): Đây là những câu hỏi có độ dài hai hoặc ba câu, cùng với 4 đáp án để thí sinh lựa chọn.
  • Câu hỏi tình huống (Short Scenario Questions): Mỗi tình huống xuất hiện trong đề thi sẽ gồm 3 câu hỏi liên quan.
  • Câu hỏi phân tích case study (Case Study Questions): Tương tự với câu hỏi tình huống, mỗi case-study trong đề thi sẽ bao gồm 8-12 câu hỏi.

Các chủ đề cụ thể sẽ xuất hiện trong đề thi bao gồm:

  • Quy tắc và Đạo đức Nghề nghiệp (Professional Conduct and Regulation): chiếm khoảng 8% bài thi.
  • Nguyên tắc chung về Hoạch định Tài chính (General Principles of Financial Planning): chiếm khoảng 15% bài thi.
  • Quản lý rủi ro và Lập kế hoạch Bảo hiểm (Risk Management and Insurance Planning): chiếm khoảng 11% bài thi.
  • Lập kế hoạch Đầu tư (Investment Planning): chiếm khoảng 17% bài thi.
  • Lập kế hoạch liên quan đến Thuế (Tax Planning): chiếm khoảng 14% bài thi.
  • Lập kế hoạch nghỉ hưu và thu nhập cá nhân (Retirement Savings and Income Planning): chiếm khoảng 18% bài thi.
  • Hoạch định Tài chính Bất động sản (Estate Planning): chiếm khoảng 10% bài thi.
  • Tâm lý học Hoạch định Tài chính (Psychology of Financial Planning): chiếm khoảng 7% bài thi.

Tỷ lệ thi đậu CFP là bao nhiêu?

Bài thi CFP không dựa trên một thang điểm nhất định, thay vào đó, kết quả sẽ được đánh giá theo tổng điểm của thí sinh ở tất cả các phần của kỳ thi. Nếu không thi đậu lần đầu tiên, thí sinh chỉ có thể tham gia thi lại tối đa 4 lần.

Theo số liệu mới nhất do CFP Board công bố, vào tháng 3/2022, tỷ lệ thi đậu là 65%, tương đương 2.300/3.527 thí sinh đã vượt qua kỳ thi CFP. Tuy nhiên, có một điều thí sinh cần lưu ý, đó là tỷ lệ thi đậu bình quân của những thí sinh thi lần đầu cao hơn so với tỷ lệ thi đậu ở lần thi lại tiếp theo (69% so với 53%). Xu hướng này cũng lặp lại với dữ liệu được thống kê trước đó. Do đó, dù tỷ lệ thi đậu CFP có vẻ cao hơn những chứng chỉ hành nghề tài chính khác, điều đó không có nghĩa là độ khó của CFP thấp hơn.

Tỷ lệ thi đậu kỳ thi CFP tháng 3/2023 do CFP Board công bố.

Lời khuyên hữu ích khi thi lấy chứng chỉ CFP

Dưới đây là 3 đề xuất từ Investopedia giúp các thí sinh chinh phục kỳ thi CFP:

  • Làm bài thi thử trên website của CFP Board trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
  • Đọc thật kỹ những thông tin về case study, vì có những chi tiết dù nhỏ nhưng có thể cung cấp manh mối quan trọng để trả lời câu hỏi.
  • Khi trả lời những câu hỏi về case study, thí sinh nên nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn và học thuật, thay vì tự đặt bản thân vào tình huống đó trong thực tế. Theo Investopedia, giả sử đề thi đưa ra một case study phân tích mức độ phân bổ tài sản phù hợp của một cá nhân, có thể khi đặt vào tình huống thực tế, thí sinh sẽ nhận thấy sự phân bổ đó không có vấn đề gì. Tuy nhiên, dưới góc độ học thuật, có thể danh mục đầu tư đó vượt quá tỷ trọng cho phép trong một lĩnh vực kinh tế mà case study đặt ra.
Dân Tài chính học gì là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về các chứng chỉ hành nghề quốc tế, khóa học dành cho sinh viên và nhân sự trong lĩnh vực kế toán - tài chính.
Xem thêm các bài viết cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/dan-tai-chinh-hoc-gi/
Theo: Nguyên Nguyễn / ProFin.vn tổng hợp