Dân Tài chính học gì #7: FRM - “Chứng chỉ vàng” trong lĩnh vực quản trị rủi ro tài chính

...

Theo nhận định từ Investopedia, nhu cầu tuyển dụng chuyên gia quản trị rủi ro tài chính ngày càng tăng lên và chứng chỉ FRM được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực này.

Chứng chỉ FRM là gì? Mức độ phổ biến và uy tín ra sao?

FRM (Financial Risk Manager) là chứng chỉ hành nghề quốc tế dành cho các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực quản trị rủi ro tài chính. FRM được cấp bởi GARP (Global Association of Risk Professionals) - một tổ chức toàn cầu được thành lập vào năm 1996. Theo công bố của GARP, tổ chức hiện đang có hơn 200.000 hội viên trên toàn cầu đến từ 190 quốc gia khác nhau.

Bên cạnh FRM, GARP còn cấp một chứng chỉ hành nghề quốc tế khác là SCR (Sustainability and Climate Risk) - dành cho các chuyên gia quản trị rủi ro về các vấn đề liên quan đến sự bền vững, cũng như biến đổi khí hậu. Theo kết quả khảo sát từ GARP, 85% trong số 943 người đang học FRM cho biết họ sẽ cần những kiến thức liên quan đến SCR trong tương lai.

Về thời gian và địa điểm thi, kỳ thi FRM diễn ra vào tháng 8 và tháng 11 hàng năm. Tại Việt Nam, kỳ thi được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thí sinh có thể truy cập vào trang web của GARP để đăng ký thi cũng như cập nhật thông tin liên quan tại đây.

Về điều kiện sở hữu chứng chỉ FRM, thí sinh phải đáp ứng được hai yêu cầu sau:

  • Thi đậu cả hai phần thi FRM.
  • Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quản trị rủi ro tài chính.

Sau khi đạt được chứng chỉ FRM, GARP khuyến khích nên hoàn thành 40 giờ học đào tạo chuyên môn liên tục trong mỗi chu kỳ 2 năm, nhằm duy trì và cập nhật thông tin mới nhất liên quan đến quản trị rủi ro tài chính.

FRM là chứng chỉ hành nghề quốc tế dành cho các nhân sự quản trị rủi ro tài chính. Nguồn ảnh: Karolina Grabowska / Pexels.

FRM - “Chứng chỉ vàng” trong lĩnh vực quản trị rủi ro tài chính

Theo phân tích từ Investopedia, trong bối cảnh thị trường tài chính liên tục thay đổi, nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia quản trị rủi ro đang ngày càng tăng lên. Trong khi đó, FRM được xem là chứng chỉ hành nghề quốc tế hàng đầu về lĩnh vực quản trị rủi ro tài chính.

Đáng chú ý, trong khi CFA được xem là “tiêu chuẩn vàng” của giới đầu tư, FRM cũng được đánh giá tương tự trong lĩnh vực quản trị rủi ro tài chính. Vì chứng chỉ CFA bao gồm lượng kiến thức khá bao quát về nhiều khía cạnh trong ngành tài chính và chủ yếu liên quan đến phân tích tài chính, còn lượng kiến thức thuộc chương trình thi FRM tập trung chủ yếu vào quản trị rủi ro tài chính, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản,... Do vậy, nếu có định hướng gắn bó lâu dài với lĩnh vực quản trị rủi ro, FRM là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.

Dân Tài chính học gì #2: CFA - Những điều bạn cần biết về tiêu chuẩn “vàng” của giới đầu tư tài chính
Nếu đang có dự định nâng cao kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng chỉ CFA là sự lựa chọn phù hợp mà bạn nên cân nhắc.

Về mức thu nhập, theo kết quả công bố vào năm 2020 của Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức lương bình quân hàng năm của cấp bậc quản lý sở hữu chứng chỉ FRM là 134.180 USD. Tại thị trường Việt Nam, dù không có thông tin cụ thể về mức lương khi sở hữu chứng chỉ FRM, song thu nhập bình quân hàng năm của cấp quản lý rủi ro tài chính có thể rơi vào khoảng 40 - 300 triệu VNĐ/năm, tùy vào từng cấp bậc và kinh nghiệm làm việc cụ thể, theo thống kê vào đầu năm 2023 của Manpower.

Cấu trúc đề thi FRM

Như đã đề cập ở trên, đề thi FRM được chia ra làm 2 phần với thời gian thi mỗi phần là 4 giờ, cụ thể như sau:

#1: Phần 1 - 100 câu hỏi trắc nghiệm thuộc 4 chủ đề chính dưới đây:

  • Nền tảng quản trị rủi ro (Foundations of risk management): 20%
  • Phân tích định lượng (Quantitative analysis): 20%
  • Thị trường và sản phẩm tài chính (Financial markets and products): 30%
  • Mô hình định giá và rủi ro (Valuation and risk models): 30%

#2: Phần 2 - 80 câu hỏi trắc nghiệm thuộc các chủ đề dưới đây:

  • Quản lý và đo lường rủi ro thị trường (Market risk measurement and management): 20%
  • Quản lý và đo lường rủi ro tín dụng (Credit risk measurement and management): 20%
  • Rủi ro vận hành và khả năng phục hồi (Operational risk and resiliency): 20%
  • Quản lý, đo lường rủi ro thanh khoản và rủi ro ngân quỹ (Liquidity and treasury risk measurement and management): 15%
  • Quản lý rủi ro và quản lý đầu tư (Risk management and investment management): 15%
  • Những vấn đề hiện hành của thị trường tài chính (Current issues in financial markets): 10%

*Lưu ý: Thí sinh có thể tìm thấy một số tài liệu hữu ích cho việc học tập, luyện thi chứng chỉ FRM tại trang web chính thức của GARP.

Tỷ lệ thi đậu FRM ra sao?

Khoảng 6 tuần sau khi làm bài thi, thí sinh sẽ nhận được kết quả qua email.  GARP không công bố thang điểm cụ thể cho từng phần thi mà chỉ trả kết quả là đậu hoặc rớt. Theo kết quả vào đợt thi tháng 11/2022 do GARP công bố, tỷ lệ thi đậu của phần 1 là 50% và phần 2 là 59%. Bạn có thể xem thêm tỷ lệ thi đậu cả hai phần FRM của các năm vừa qua tại hình ảnh dưới đây. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thông tin thống kê của trang 300 Hours tại đây.

Tỷ lệ thi đậu của cả hai phần thi FRM những năm gần đây. Nguồn ảnh: GARP.
Dân Tài chính học gì là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quan về các chứng chỉ hành nghề quốc tế, khóa học dành cho sinh viên và nhân sự trong lĩnh vực kế toán - tài chính.
Xem thêm các bài viết cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/dan-tai-chinh-hoc-gi/
Theo: Nguyên Nguyễn / ProFin.vn