KPMG Vietnam CFO Survey: Vị thế bền vững của CFO trong bối cảnh còn nhiều bất ổn

...

Trong thời gian sắp tới, phòng ban Tài chính nói chung, cũng như CFO nói riêng sẽ có vai trò thiết yếu đối với việc giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn về mặt kinh tế - xã hội để phát triển bền vững.

KPMG Vietnam CFO Survey: Vị thế bền vững của CFO trong bối cảnh còn nhiều bất ổn

Những năm gần đây, các doanh nghiệp lớn nhỏ không chỉ tìm biện pháp để thích ứng với những tác động tiêu cực về mặt kinh tế - xã hội, mà còn nỗ lực tìm kiếm những cơ hội phát triển khi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Điều đó tạo ra không ít áp lực cho các doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi mạnh mẽ, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng. Để làm được điều đó, bộ phận Tài chính chiếm vai trò thiết yếu trong việc giúp quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp diễn ra thành công.

Chính vì vậy, KPMG đã thực hiện báo cáo khảo sát Vietnam 2021 CFO Survey với đối tượng chính là Ban lãnh đạo Doanh nghiệp cùng với các CFO (Chief Financial Officer: Giám đốc Tài chính). Thông qua báo cáo này, KPMG hy vọng mang lại cho chủ doanh nghiệp cái nhìn sâu sắc về những kỳ vọng và vai trò của phòng ban Tài chính nói chung, cũng như vị trí CFO nói riêng trong hiện tại và tương lai.

5 thách thức lớn khi xây dựng phòng ban Tài chính

Theo đánh giá của tất cả CFO và nhà lãnh đạo tham gia khảo sát, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp, phòng ban Tài chính cũng không ngoại lệ. May mắn thay, hơn 80% khẳng định rằng nền kinh tế trong nước, cùng với các lĩnh vực trong khối ngành Tài chính sẽ có nhiều triển vọng phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, để phát triển bền vững, theo kết quả bình chọn của các CFO và ban lãnh đạo, báo cáo đề xuất doanh nghiệp nên đầu tư nhiều hơn vào 5 khía cạnh sau:

  • Data & Analytics (phân tích dữ liệu): Giúp doanh nghiệp thu thập các số liệu, insights hữu ích liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, cũng như khách hàng.
  • Finance talent and skills (kỹ năng và nhân tài ngành tài chính): Đầu tư nâng cao kỹ năng chuyên môn cho các nhân sự tiềm năng trong ngành.
  • Planning and forecasting (hoạch định và dự báo ngân sách): Cải thiện hệ thống hoạch định và dự báo kế hoạch ngân sách chính xác và hiệu quả hơn.
  • Optimize Finance Operating Model (tối ưu mô hình vận hành tài chính): Nhằm tăng khả năng đưa ra quyết định kinh doanh nhanh chóng và hiệu quả.
  • Digital technology (công nghệ kỹ thuật số): Áp dụng các công nghệ tân tiến vào quy trình tài chính - kế toán để tối ưu chi phí và nhân lực.
profin.vn-bao-cao-khao-sat-CFO
Nguồn ảnh: KPMG

Dù nhận thức rõ đâu là các yếu tố cần phải cải thiện, hầu hết các tổ chức đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc nâng cao hiệu suất phòng ban Tài chính. Dựa trên kết quả khảo sát của KPMG, tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp ở 5 khía cạnh trên chỉ dao động ở mức 49%-52%. Trong khi đó, theo khảo sát tương tự của KPMG thực hiện ở khu vực quốc tế, tỷ lệ thành công cũng không có cách biệt quá lớn khi chỉ dao động ở mức 45%-68%.

Cũng theo kết quả khảo sát từ KPMG cho thấy, trong vòng 3-5 năm tới, các lĩnh vực sẽ ngày càng có mối liên kết mật thiết với nghiệp vụ tài chính là cyber security (an ninh mạng), strategic development (phát triển chiến lược) và Data analytics, IT & Process Automation (phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin và quy trình tự động hoá).

profin.vn-bao-cao-khao-sat-CFO
Nguồn ảnh: KPMG

Một vấn đề khá nan giải mà doanh nghiệp Việt Nam cần đang phải đối mặt là phát triển năng lực làm việc của nhân sự bộ phận Tài chính - Kế toán. Dữ liệu đo lường từ American Productivity & Quality Center (APQC) cho thấy, để hoàn tất loại báo cáo tài chính hàng tháng, các phòng ban Tài chính - Kế toán tại Việt Nam phải mất gần 10 ngày, trong khi các quốc gia thuộc khu vực ASPAC (Asia-Pacific: Châu Á - Thái Bình Dương) chỉ mất 8 ngày. Điều này có liên quan đến sự khác biệt trong hệ thống vận hành và phân phối công việc tại các quốc gia. Theo báo cáo của KPMG, tại Việt Nam, công tác quan trọng nhất chủ yếu vẫn xoay quanh quy trình xử lý các loại giao dịch và thanh toán. Ngược lại, nhân viên tài chính các quốc gia thuộc ASPAC chủ yếu dành thời gian để xử lý các hoạt động liên quan đến quá trình kiểm soát và ra quyết định.

Theo phân tích từ KPMG, việc tập trung quá nhiều vào công tác xử lý các thủ tục giao dịch sẽ làm hạn chế thời gian cho các nghiệp vụ Tài chính quan trọng hơn, chẳng như lập kế hoạch chiến lược và phân tích dữ liệu tài chính. Đây vốn là hai trong các yếu tố có vai trò thiết yếu đối với việc cải thiện khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Với cương vị CFO và người đứng đầu tổ chức, điều quan trọng cần làm đó là thực hiện công tác chuyển đổi vai trò cho các nhân sự Tài chính. Lúc này, các nhân sự phòng Tài chính cần tập trung nhiều hơn vào các nhiệm vụ mang tính chiến lược, thay vì xử lý những thủ tục giấy tờ hành chính như từ trước đến nay. Giải pháp hiệu quả nhất đó là chính là chuyển đổi số, khi ấy, các nhân sự Tài chính - Kế toán sẽ không cần mất nhiều thời gian xử lý các tác vụ cơ bản và có thể dồn toàn lực vào các nhiệm vụ mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, theo kết quả thống kê từ APQC cho thấy, năng suất làm việc của các nhân viên Tài chính - Kế toán trong nước có tỷ lệ khá thấp, đặc biệt khi so sánh với các quốc gia khác thuộc khu vực ASPAC. Vì thế, các CFO và nhà lãnh đạo cần kết hợp giữa quy trình chuyển đổi số và centralization (tập trung hoá) để tối ưu năng suất làm việc của nhân viên.

Một yếu tố khác có vai trò thiết yếu trong việc vận hành phòng ban Tài chính hiệu quả là succession planning (lập kế hoạch kế nhiệm). Dù đa phần đều cho rằng đây là yếu tố quan trọng trong cơ cấu tổ chức phòng ban, có đến 52% nhà lãnh đạo cho biết họ cần cải thiện nhiều hơn, 17% lại cho biết tổ chức của họ không có khái niệm kế hoạch kế nhiệm là gì. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất 2% tự tin hài lòng với kế hoạch kế nhiệm của công ty.

profin.vn-bao-cao-khao-sat-CFO
Nguồn ảnh: KPMG

Vị thế bền vững của CFO cũng là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp

Nhìn chung, vai trò của CFO tại doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Được biết, 95% các nhà lãnh đạo đều nhận định vai trò CFO sẽ trải qua nhiều biến đổi từ mức độ vừa phải (moderately) cho đến đáng kể (significantly), tuỳ thuộc vào quy mô và đặc thù của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, 59% các CFO cũng cho rằng họ sẽ phải đảm đương thêm nhiều trách nhiệm hơn trong tương lai.

Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trên chủ yếu đến từ quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp, vốn phụ thuộc rất nhiều vào chức năng của phòng ban Tài chính. Điều đó dẫn đến thứ tự ưu tiên của Giám đốc Tài chính sẽ có nhiều khác biệt trong giai đoạn sắp tới. Trong quá khứ và hiện tại, 5 nhiệm vụ ưu tiên của CFO bao gồm:

  • Expenditure Control (kiểm soát chi phí)
  • Accounting and Taxation (công tác thuế - kế toán)
  • Cash Flow Management (quản lý dòng tiền)
  • Planning, Budgeting and Forecasting (hoạch định, lập kế hoạch và dự báo ngân sách)
  • Financial Governance and Compliance (quản trị tài chính)

Mọi thứ sẽ thay đổi khi trong vòng 3 - 5 năm tới, các CFO sẽ phải chú tâm nhiều hơn đến 3 nhiệm vụ dưới đây:

  • Business Model Transformation (chuyển đổi mô hình kinh doanh)
  • Operation Model Transformation (chuyển đổi hệ thống vận hành doanh nghiệp)
  • Technology Trends (cập nhật và ứng dụng các xu hướng công nghệ)
profin.vn-bao-cao-khao-sat-CFO
Nguồn ảnh: KPMG

Không phải doanh nghiệp nào cũng cần dồn lực vào cả ba khía cạnh trên, mỗi công ty và đặc thù ngành nghề sẽ có những ưu tiên khác nhau.

Về mặt quy mô, những công ty có quy mô ít hơn 100 nhân viên quan tâm nhiều hơn đến quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh và mô hình vận hành. Những doanh nghiệp có quy mô lớn và đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng lại chú trọng về quy trình ứng dụng công nghệ tân tiến.

Về đặc thù của ngành, lĩnh vực sản xuất cho rằng cập nhật các xu hướng công nghệ là ưu tiên hàng đầu của họ. Trong khi đó, khối ngành hàng hoá tiêu dùng lại nhận định rằng họ cần tập trung chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Do vậy, chỉ có năng lực chuyên môn về Tài chính là không đủ để các CFO hoàn thành tốt vai trò của mình. Tùy thuộc vào tính chất đặc thù của từng ngành nghề mà sẽ có đôi chút khác biệt, song nhìn chung có 3 khía cạnh nổi bật mà các CFO cần củng cố và phát huy trong quá trình làm việc sắp tới:

  • Leadership (khả năng lãnh đạo)
  • Change management (quản lý sự thay đổi)
  • Digital mindset (tư duy kỹ thuật số)

Đáng chú ý, các công ty có quy mô từ 100-500 nhân viên sẽ chú trọng đến khả năng lãnh đạo của CFO. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc khối ngành sản xuất và hàng hoá tiêu dùng đề cao đến năng lực quản lý sự thay đổi, cùng với khả năng xử lý khủng hoảng.

Đi cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ ngày càng tăng lên, các CFO do vậy mà được xem là ứng viên tiềm năng cho vị trí CEO. Hầu hết những người đứng đầu trong phòng ban Tài chính đều có dự định tiến đến vị trí CEO (Giám đốc Điều hành). Cụ thể, 67% CFO tiết lộ họ đang có kế hoạch trở thành CEO, 20% muốn tiếp tục duy trì vị trí hiện tại và 13% đang cân nhắc những lựa chọn khác.

Thế nhưng, khi được hỏi về mức độ sẵn sàng tiếp quản vị trí CEO, chỉ 12% khẳng định họ có đủ khả năng đảm nhận vai trò này ngay lập tức. Trong khi đó, 47% cho biết họ cần nâng cao bản thân thêm một chút để tiếp quản vị trí CEO trong vòng 5 năm tới, 24% nhận định họ sẽ cần khoảng 10 năm để bồi dưỡng nhiều hơn. Đáng chú ý, tỷ lệ các CFO trong những tổ chức quy mô lớn (có hơn 1.000 nhân viên và doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng) có ý định trở thành CEO thấp hơn khoảng 12% so với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn.

profin.vn-bao-cao-khao-sat-CFO
Nguồn ảnh: KPMG

Như vậy, các CFO cần làm gì để chạm đến cột mốc tiếp theo của sự nghiệp? Dựa trên khảo sát từ KPMG, sau đây là 3 gợi ý các CFO có thể tham khảo để phát triển sự nghiệp một cách bền vững:

  • Involvement in Board discussions (chủ động tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của Hội đồng Quản trị).
  • Executive development programs (đăng ký các khoá học đào tạo về điều hành cấp cao).
  • Special cross functional projects (triển khai các dự án cộng tác liên chức năng đặc biệt).

Cụ thể hơn, đối với các CFO làm việc trong khối ngành dịch vụ tài chính, hai điều CFO cần làm là triển khai các dự án cộng tác liên chức năng đặc biệt và tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội thảo chuyên ngành. Với lĩnh vực hàng hoá tiêu dùng, CFO nên đăng ký các khoá học đào tạo chuyên sâu về điều hành doanh nghiệp. Cuối cùng, ở khối ngành sản xuất, các CFO nên ưu tiên tham gia vào hoạt động điều hành của Hội đồng Quản trị.

Qua kết quả báo cáo trên, KPMG hy vọng nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các CFO hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của phòng ban Tài chính nói chung, cũng như CFO nói riêng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn