Mô hình "mua trước trả sau" có thực sự an toàn?

...

Mua trước trả sau (buy now pay later - BNPL) đã trở thành xu hướng mua sắm, tuy nhiên nợ xấu từ BNPL có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Mô hình "mua trước trả sau" có thực sự an toàn?

Chỉ khoảng 5-6% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng. Các dịch vụ vay tiền cầm cố lại thường có lãi suất quá cao. Cơ hội tiếp cận tín dụng ở các tổ chức tín dụng truyền thống đến nay vẫn chưa nhiều. Nhờ vậy mà BNPL đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, cung cấp hình thức thanh toán trả góp cho sản phẩm và dịch vụ với giá trị dưới 10 triệu đồng.

Khách hàng của các công ty BNPL có thể mua sản phẩm trước rồi chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ hạn mà không cần sử dụng thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn thì lãi suất bằng 0%. Với hình thức thanh toán này, hồ sơ của khách hàng thường được duyệt tự động và rất nhanh, theo TS. Phạm Nguyễn Anh Huy - giảng viên cấp cao ngành tài chính, sáng lập viên của Trung tâm Fintech-Crypto RMIT, Đại học RMIT Việt Nam.

Rủi ro tiềm ẩn

BNPL hiện là thị trường béo bở cho các doanh nghiệp (DN) Fintech như Momo, Fundiin và Kredivo... Nghiên cứu thị trường của Research and Markets cho thấy, các khoản thanh toán mua trước trả sau ở Việt Nam dự kiến tăng 57% hằng năm và đạt khoảng 2,281 tỷ USD vào năm 2023, sẽ đạt mức tăng trưởng hằng năm khoảng 31% trong giai đoạn 2023-2028. Tổng giá trị hàng hóa mua trước trả sau sẽ tăng từ 1,4 tỷ USD năm 2022 lên 8,8 tỷ USD vào năm 2028.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của Openpay - một công ty BNPL của Úc đã cảnh báo những rủi ro từ mô hình kinh doanh này. Openpay công bố doanh thu tăng 59%, nhưng chi phí kinh doanh lại âm liên tiếp từ cuối năm ngoái. Đó là kết quả của việc thiếu giám sát các tài khoản và giao dịch trong một thời gian dài dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Sự sụp đổ của Openpay đã kéo theo những "kèo thua" liên tiếp của mô hình BNPL tại Úc.

Mua trước trả sau
Mua trước trả sau (buy now, pay later) là hình thức thanh toán trong đó người tiêu dùng mua hàng và trả dần trong một khoảng thời gian thành nhiều đợt.

Mô hình còn mới mẻ này ở Việt Nam có an toàn cho chính công ty BNPL hay không phụ thuộc rất nhiều ở khả năng quản trị. Khi dịch Covid-19 xuất hiện, người tiêu dùng dưới chuẩn vay vẫn được mua sắm vì chỉ cần chi những khoản tiền nhỏ mỗi tháng. Để thu hút nhiều người dùng về nền tảng, nhiều công ty BNPL dễ dàng duyệt hồ sơ mua trước trả sau dẫn đến nguy cơ tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Đơn cử, theo điều khoản duyệt tài khoản trả góp của Fundiin thì người dùng chỉ phải đáp ứng các điều kiện như từ 18 tuổi trở lên, là công dân Việt Nam và sở hữu số điện thoại chính chủ từ các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone.

MoMo cũng duyệt tài khoản trả góp dễ dàng, nhưng doanh nghiệp kỳ lân này đã bảo vệ chính mình ngay từ ban đầu khi liên kết tài khoản MoMo với ngân hàng của khách hàng.

Tuy nhiên, khả năng người tiêu dùng chi tiêu quá mức và mất khả năng trả nợ rất cao vì nhiều người Việt thiếu kiến thức quản trị tài chính cá nhân. Nếu không có công cụ quản trị rủi ro hiệu quả và công cụ hạn chế khách hàng mua nhiều sản phẩm hơn khả năng chi trả, các công ty BNPL không những không thể kiếm được lợi nhuận mà rất dễ phá sản như trường hợp Openpay.

Khi một công ty BNPL phá sản, nhà cung cấp sản phẩm sẽ là nơi đầu tiên chịu thiệt vì mất doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ đã cung cấp. Chính vì vậy, cần có hành lang pháp lý cho mô hình mua trước trả sau và sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền.

Nếu thị trường phát triển rộng rãi mà không được kiểm soát sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nợ xấu và có thể gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, TS. Huy nêu quan điểm.

Nguy cơ từ cạnh tranh khốc liệt

Sau những truyền thông cường điệu về độ nóng của BNLP, DN trong lĩnh vực này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ đã trụ trong thị trường trước họ rất lâu. Để tiếp tục phát triển, DN phải cần chiến lược kinh doanh bài bản.

BNPL hầu như chỉ tập trung vào thị trường cho vay nên phải chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các tổ chức tài chính truyền thống. Cạnh tranh trong thị trường càng gay gắt thì càng đến gần điểm bão hòa nguồn cung. Khi đó, các công ty BNPL có thể phải tìm kiếm nguồn thu khác, như cho vay ngắn hạn.

Trong khi đó, các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng lại hợp tác với các ví điện tử, tạo ra sự cộng sinh mạnh mẽ. Trước sự tấn công mạnh mẽ của Fintech, ngân hàng đã đầu tư vào chuyển đổi số để tạo động lực cạnh tranh với DN Fintech. Năm ngoái, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Lê Anh Dũng cho biết, những ngân hàng "nhóm top" đã đầu tư đến 15.000 tỷ đồng cho chuyển đổi số mỗi năm trong giai đoạn gần đây. Phần lớn lãnh đạo ngân hàng trong nước đều nhận thức rất rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số và sẵn sàng chi đầu tư cho chiến lược này.

Nhìn trước được sự cạnh tranh khốc liệt, Kredivo - nền tảng BNPL đã bắt tay ví điện tử 9Pay và các nền tảng bán hàng trực tuyến như KidPlaza để cung cấp dịch vụ mua trước trả sau, mở rộng thị trường ở Việt Nam nơi giới trẻ có nhu cầu tiêu dùng cá nhân cao. Ở trụ sở Indonesia, Kredivo còn tham vọng đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số bao gồm cho vay cá nhân, thẻ tín dụng và dịch vụ ngân hàng. Công ty này đã huy động được 270 triệu USD để phát triển ngành nghề kinh doanh mới. Nhưng ngân hàng còn nhanh chân hơn khi liên kết với các công ty Fintech để mở rộng tệp người dùng dưới chuẩn. Chẳng hạn, ngân hàng CIMB Việt Nam cấp hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán, theo thỏa thuận cho vay giữa khách hàng và ngân hàng khi đã tích hợp tính năng tài khoản trả sau trên ví điện tử ZaloPay.  CIMB cũng liên kết với SmartPay hỗ trợ khách hàng trả góp bằng tính năng Facepay tại toàn bộ hệ thống cửa hàng tiện lợi GS25 trên toàn quốc.

Nhưng chi nhánh hoặc công ty con trong hệ thống kinh doanh của các tập đoàn tài chính cũng như các tổ chức ngân hàng lâu đời mới là tác nhân đáng kể của thị trường BNPL hiện nay, theo ông Trường Lăng - CEO của Viettonkin Consulting.

BNPL hầu như chỉ tập trung vào thị trường cho vay nên phải chịu sự cạnh tranh rất lớn đến từ các tổ chức tài chính truyền thống. Cạnh tranh trong thị trường càng gay gắt thì càng đến gần điểm bão hòa nguồn cung. Khi đó, các công ty BNPL có thể phải tìm kiếm nguồn thu khác, như cho vay ngắn hạn.

Theo đó, các dịch vụ thanh toán Home Pay Later, Grab Pay Later và Way4 lần lượt được phát triển bởi Home Credit, GRAB Finance Vietnam (GFG) và Lotte Finance Vietnam. Home Credit đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với sàn thương mại điện tử Tiki ra mắt Home PayLater, một chương trình BNPL được đầu tư 200 tỷ đồng để nâng cao sự tiện lợi khi mua sắm trực tuyến. Sắp tới, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích trên nền tảng công nghệ số.

Hay nói cách khác, cuộc đua mua trước trả sau đã đa dạng nguồn cung nhờ các công ty công nghệ có hệ sinh thái đa dạng và điều này cũng có nghĩa là các công ty BNPL đang dấn thân vào cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Adam Hughes - CEO của Amount nói với Reuters rằng, mặc dù trước mắt các công ty Fintech cung cấp dịch vụ BNPL có vẻ nổi bật hơn ngân hàng nhưng về lâu về dài Fintech sẽ khó cạnh tranh với đối thủ lâu đời này. Lý do là vì ngân hàng đã có lịch sử tuân thủ quy định của ngành và có thể cung cấp nhiều công cụ quản lý tài chính tiêu dùng hơn để ngăn chặn tình trạng bội chi, tăng phí trả chậm và nợ xấu. Ngược lại, công ty BNPL lại chưa được quản lý bởi khung pháp luật đầy đủ.

TS. Huy nhận định, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện tại, nhà đầu tư có xu hướng chuyển đổi danh mục đầu tư khỏi các khoản đầu tư rủi ro. Các công ty mua trước trả sau theo đó có thể sẽ phải đối mặt với việc thanh khoản có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của DN. Vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ BNPL cần tập trung vào quản trị rủi ro và bảo vệ người dùng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện hành lang pháp lý để giúp thị trường phát triển an toàn và bền vững.