Nhà sáng chế: Kẻ khát máu ở thung lũng Silicon - Lời cảnh tỉnh cho startup và nhà đầu tư

...

Những uẩn khúc đằng sau Elizabeth Holmes - người đứng sau sự sụp đổ của startup Theranos luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim.

Nhà sáng chế: Kẻ khát máu ở thung lũng Silicon - Lời cảnh tỉnh cho startup và nhà đầu tư
Nguồn ảnh: Getty Images

Những uẩn khúc đằng sau Elizabeth Holmes - người đứng sau sự sụp đổ của startup Theranos luôn là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim. Bên cạnh bộ phim ProFin giới thiệu ở bài viết này, còn hai phiên bản chuyển thể về nữ CEO này là The Dropout (đã trình chiếu trên nền tảng Hulu, do Amanda Seyfried đóng chính) và Bad Blood (Jennifer Lawrence đóng chính, sắp trình chiếu trong thời gian tới). Sau khi xem xong bộ phim tài liệu này, bạn sẽ nhận ra không ít bài học đáng giá dành cho các chủ startup cũng như các nhà đầu tư.

Giới thiệu về bộ phim The Inventor: Out for Blood in Silicon Valley

The Inventor: Out for Blood in Silicon Valley là bộ phim tài liệu ra mắt trên nền tảng HBO vào năm 2019, được đạo diễn và viết kịch bản bởi Alex Gibney. Tác phẩm từng được một đề cử Emmy 2019 ở hạng mục Phim tài liệu, chiến thắng Golden Trailer Awards cho hạng mục Phim Tài liệu xuất sắc nhất và giải Kịch bản phim tài liệu xuất sắc tại Writers Guild of America, USA. Bộ phim nhận được đánh giá khá cao trên các trang điện ảnh: cụ thể là 7.1 trên IMDb và 79% trên Rotten Tomatoes.

Bộ phim xoay quanh Elizabeth Holmes - người từng là nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất nước Mỹ cho đến khi đứng trước vành móng ngựa với tội danh lừa đảo. Tác phẩm được đánh giá cao, bởi Alex Gibney đã tổng hợp khá đầy đủ thông tin từ các nguồn đáng tin cậy. Qua bộ phim, người xem sẽ được chứng kiến quá trình Holmes nảy ra ý tưởng thành lập Theranos, cho đến khi đi vào hoạt động và dần dần sụp đổ. The Inventor: Out for Blood in Silicon Valley cũng không quên phỏng vấn các nhân vật liên quan như: cựu nhân viên Theranos, nhà báo, nhà đầu tư mạo hiểm,... để khán giả có cái nhìn đa chiều hơn.

4 bài học quý giá dành cho chủ startup và nhà đầu tư từ bộ phim tài liệu về Theranos

#1: Đối với startup: Lý tưởng và hiện thực cần đi đôi với nhau

Năm 2013, Holmes đã quyết định thôi học tại đại học Stanford danh giá (khi ấy cô mới 19 tuổi) để thành lập Theranos. Ý tưởng khiến việc xét nghiệm máu trở nên đơn giản và chi phí thấp hơn chỉ với một giọt máu của cô đã dấy nên không ít tranh cãi lúc bấy giờ. Theo Phyllis Gardner - Giáo sư Y học tại Stanford, trước đây Holmes đã từng tìm đến để nói về Theranos và bà đã giải thích rằng đó là điều không thể thực hiện. Không hề bỏ cuộc, Holmes quyết định tìm đến và thuyết phục thành công Channing Robertson - Cố vấn Giáo dục tại Stanford. Thế nhưng, sau hơn một thập kỷ nghiên cứu, công nghệ này vẫn không thể hoàn thiện và đưa vào áp dụng thực tiễn. Cho đến năm 2015, nhà báo John Carreyrou của tờ Wall Street Journal đăng tải loạt bài viết phanh phui sự thiếu chính xác trong công nghệ mà Theranos đang sử dụng. Đây cũng chính là sự kiện mở đầu cho sự sụp đổ của Theranos.

Theranos đã ra đời với ý tưởng xét nghiệm máu đơn giản chỉ với một giọt máu ở đầu ngón tay. Nguồn ảnh: The New York Times.

Bài học rút ra:

Tưởng chừng như Holmes đã có trong tay một ý tưởng tuyệt vời, thậm chí có thể trở thành cuộc cách mạng vĩ đại của ngành công nghệ sinh học. Đáng tiếc thay, Holmes đã cố chấp với ý tưởng của mình mà không thấy rằng lý tưởng đó rất khó để biến thành hiện thực.

Theo Adam de la Zerda - Nhà khoa học và là Người sáng lập Visby (công ty công nghệ sinh học đã chế tạo thiết bị PCR di động đầu tiên trên thế giới có thể kiểm tra COVID-19 trong 30 phút), điều quan trọng chính là luôn có tư duy học hỏi và không ngừng đặt nghi vấn. Anh nói thêm, có quá nhiều startup (trong đó có Theranos) đã thất bại vì người sáng lập quá tự tin vào ý tưởng của mình, từ chối tiếp thu ý kiến bên ngoài và không bao giờ tự hỏi bản thân về những hạn chế, trở ngại của sáng kiến đó.

#2: Đối với nhà đầu tư: Luôn tìm hiểu thông tin kỹ càng, ngay cả khi đó là một thương vụ hấp dẫn

Bộ phim tài liệu của Alex Gibney cho biết, Holmes đã thuyết phục nhà đầu tư đổ vốn vào Theranos mà không cần chứng minh bằng các báo cáo tài chính dựa trên kiểm toán. Theranos đã huy động được khoảng 700 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm giàu có và có tiếng nhất tại Mỹ. Một số cái tên nổi bật như tỷ phú Robert Kraft (sở hữu đội bóng bầu dục Patriots), gia tộc Walton (điều hành chuỗi bán lẻ Walmart), cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Betsy DeVos,... Theo các công tố viên, những nhà đầu tư này đã bị lôi kéo bởi Holmes biết cách thổi phồng về công nghệ thử máu của Theranos.

Elizabeth Holmes từng xuất hiện rất dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Nguồn ảnh: TEDMED.

Bài học rút ra:

Kevin O'Leary - Chủ tịch của Quỹ O’Shares và Người dẫn chương trình Shark Tank nhận định, rõ ràng các nhà đầu tư này đã mắc phải lỗi cơ bản nhất chính là không nghiên cứu kỹ vì cho rằng đây là thương vụ hấp dẫn. Khi một thương vụ ‘có vẻ béo bở’ hiện ra trước mắt, họ thường bỏ qua bước tìm hiểu mà chỉ tìm cách để có được mà thôi.

Bên cạnh đó, không thể bàn đến ảnh hưởng của tâm lý FOMO, hiệu ứng đám đông,... khiến số vốn đổ vào Theranos ngày càng khổng lồ. Họ không tìm hiểu kỹ mà chỉ dựa trên một vài thông tin mơ hồ (Holmes có tiềm năng về công nghệ sinh học và kinh doanh, được hậu thuẫn bởi các nhân vật có quyền lực trong ngành, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông). Vì vậy, các nhà đầu tư luôn phải giữ cái đầu lạnh trong mọi lúc, cố gắng để không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cảm xúc, cũng như tác động bên ngoài.

Bài viết liên quan: Quản lý tài chính cá nhân #18: 5 hiện tượng tâm lý thường thấy có thể khiến bạn gặp rắc rối về mặt tài chính

#3: Đối với startup: Không có con đường nào dẫn đến thành công cho tất cả

Holmes học hỏi rất nhiều thứ từ Steve Jobs, từ cách ăn mặc hàng ngày (chiếc áo cổ lọ màu đen), phong cách làm việc miệt mài cho đến phương thức vận hành công ty. Bộ phim tài liệu tiết lộ rằng từ khi còn bé, cô đã có mơ ước trở thành Steve Jobs phiên bản nữ. Chính vì vậy, khi nảy ra ý tưởng thành lập Theranos, Holmes đã không ngần ngại bỏ dở chương trình học tại Stanford - tương tự như Người sáng lập Apple đã làm nhiều năm về trước.

Cô cũng áp dụng nguyên tắc bảo mật của Jobs một cách khá cực đoan. Erika Cheung - cựu nhân viên Theranos chia sẻ, nữ CEO cấm các nhân viên trao đổi với nhau về công việc đang làm, điều đó khiến môi trường làm việc trở nên căng thẳng và bất tiện trong việc thảo luận thông tin với đồng nghiệp. Không chỉ thế, văn phòng của Theranos được lắp kính có khả năng chống đạn cùng với vô số vệ sĩ xuất hiện xung quanh. Các nhân viên cho biết họ bị giám sát nội bộ mọi hành vi tại công sở và bắt buộc ký biên bản thỏa thuận giữ bí mật.

Nữ doanh nhân thường xuyên mặc áo cổ lọ đen - tương tự như Steve Jobs. Nguồn ảnh: HBO.

Bài học rút ra:

Không riêng gì nữ CEO của Theranos, rất nhiều người đã mô phỏng theo các tỷ phú công nghệ như Steve Jobs hoặc Bill Gate, tuy nhiên tỷ lệ thành công tương tự là cực thấp. Hầu hết mọi người đều mắc phải một thiên kiến tâm lý có tên là thành kiến sống sót: do truyền thông luôn ca tụng các gương mặt thành công, điều đó vô tình khiến chúng ta chỉ nhìn thấy 0.1% nhỏ nhoi đạt được thành tựu, thay vì 99.9% thất bại. Về mặt lâu dài, điều này có thể khiến một người trở nên ảo tưởng về khả năng thành công của bản thân, thay vì cân nhắc kỹ càng ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Bài viết liên quan: Tư duy rành mạch #2: Thành kiến sống sót - Khi chúng ta chỉ nhìn thấy 0,1% những người thành công

#4: Đối với startup: Chỉ có ý tưởng và gọi vốn thành công vẫn là chưa đủ, sự minh bạch mới là yếu tố cốt lõi

Theranos đã kêu gọi được tổng cộng gần 700 triệu USD - một con số khổng lồ đối với bất kỳ startup nào. Vào năm 2013, khi công ty cạn kiệt nguồn vốn, Holmes đã tìm cách ký kết hợp đồng với chuỗi hiệu thuốc Walgreens để bắt đầu mở trung tâm hoạt động tại Arizona. Holmes đã khẳng định rằng công nghệ của Theranos có thể phát hiện ra 200 chứng bệnh khác nhau. Đến năm 2015, phóng viên John Carreyrou của Wall Street Journal tố cáo Theranos làm giả kết quả xét nghiệm. Năm 2016, Walgreens kiện Theranos đòi bồi thường 140 triệu USD vì vi phạm hợp đồng. Năm 2018, Theranos giải thể. Holmes và Ramesh Sunny Balwani (chủ tịch Theranos và người yêu cũ của nữ CEO) bị SEC - Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cáo buộc tội danh lừa đảo quy mô lớn.

Nữ CEO của Theranos có thể đối diện với mức án lên đến 20 năm tù. Nguồn ảnh: CNN.

Bài học rút ra:

Nếu như hai vấn đề phía trên chỉ khiến tổ chức gặp khó khăn trong việc phát triển, đây chính là sai lầm lớn nhất khiến Theranos phá sản, hai người đứng đầu thì rơi vào vòng lao lý. Những năm còn hoạt động, Holmes đã khiến các đối tác tin tưởng vào tiềm năng của công nghệ sinh học Theranos đang tiến hành. Về mặt pháp lý, điều mà Holmes làm được coi là gian lận.

Không chỉ với đối tác, quy trình làm việc Holmes đặt ra cũng không hề rõ ràng. Dave Phillip - cựu kỹ thuật viên tại Theranos chia sẻ, nữ CEO không tiết lộ nhiều về cách thức công ty vận hành, cũng như các công nghệ đang ứng dụng. Trong khi đó, Nhà sinh học từng làm việc tại đây là Douglas Matje nói rằng công ty rất mơ hồ về các dự án đang thực hiện.

Theo chia sẻ của Deep Patel - Nhà sáng lập thương hiệu chăm sóc sức khỏe Penguin CBD, giống như mọi mối quan hệ khác, xây dựng quan hệ đối tác bền vững cần có sự minh bạch và rõ ràng. Nếu không, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ khi sự thật được phơi bày và rất khó để cứu vãn.

Kết luận: Qua câu chuyện của Theranos, có thể thấy ngay cả những nhà đầu tư mạo hiểm và doanh nhân có bề dày kinh nghiệm vẫn bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, cũng như các thiên kiến tâm lý phổ biến. Bộ phim tài liệu The Inventor: Out for Blood in Silicon Valley như một lời cảnh báo đến chủ startup và các nhà đầu tư: Hãy luôn cẩn thận và giữ cho mình cái đầu lạnh trong mọi hoàn cảnh.

Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn