Passport to Finance #3: Môi giới Chứng khoán có hào nhoáng, thu nhập “khủng” như lời đồn?

...

Trong bài viết này, anh Nguyễn Dương Anh Khoa - Cựu Chuyên viên Cao cấp Môi giới Chứng khoán tại Chứng khoán Bản Việt sẽ chia sẻ về những ngộ nhận của công việc môi giới chứng khoán, cũng như các yếu tố quan trọng để thành công trong lĩnh vực này.

Passport to Finance #3: Môi giới Chứng khoán có hào nhoáng, thu nhập “khủng” như lời đồn?

Ở bài viết tiếp theo của chuỗi bài "Passport to Finance”, hãy cùng ProFin.vn đến với buổi chia sẻ của anh Nguyễn Dương Anh Khoa - Cựu Chuyên viên Cao cấp Môi giới Chứng khoán tại CTCP Chứng khoán Bản Việt (mới đổi tên thành CTCP Chứng khoán VietCap).

Anh Khoa có thể chia sẻ cơ duyên nào khiến anh đến với công việc này không?

Có 3 cơ duyên khiến tôi lựa chọn con đường này. Đầu tiên là sự ảnh hưởng từ những bộ phim HongKong đối với thế hệ 9x đời đầu như tôi. Vào thời điểm đó, các bộ phim khai thác đề tài hình sự, luật sư hay tài chính có sức hút rất lớn, thậm chí góp phần định hướng nghề nghiệp cho cả một thế hệ.

Cơ duyên thứ hai là khi lựa chọn chuyên ngành đại học. Tại thời điểm tôi thi đại học, điều may mắn là có một ngành học mới được đưa vào có thể đáp ứng được hai trên ba tiêu chí nghề nghiệp của tôi: ngành Luật Tài chính - Ngân hàng - Chứng khoán của trường Đại học Kinh tế - Luật. Trong quá trình học, thời gian học các môn về kinh tế - tài chính gấp đôi bạn cùng lớp, một phần do rớt môn phải học lại (cười). Bây giờ nghĩ lại, việc rớt môn ngày đó lại là bước ngoặt lớn giúp tôi có cơ hội xây dựng lại kiến thức nền tảng về tài chính, giúp tôi có đam mê với nghề này.

Đến năm cuối đại học, tôi lại có được một cơ duyên khác là được thực tập chính thức tại phòng môi giới thuộc công ty Chứng khoán Bản Việt. Đây là một cơ duyên, vì thời điểm đó các công ty chứng khoán không có xu hướng nhận thực tập sinh hay sinh viên mới ra trường như hiện nay. Lúc ấy, vận may của tôi là tìm được người mentor tốt và môi trường làm việc phù hợp, lành mạnh.

Anh có thể cung cấp cho độc giả của ProFin bức tranh tổng quát về công việc của anh được không?

Nhìn chung, môi giới sẽ đóng vai trò là người hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình tham gia vào thị trường chứng khoán, đồng thời được hưởng hoa hồng được trích từ phí giao dịch của khách hàng. Để làm được điều đó, khi mới vào nghề bạn phải bắt đầu tìm kiếm khách hàng, có thể qua hình thức telesale như chúng tôi trước đây, hoặc tận dụng các kênh mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube,...

Sau khi đã có khách hàng, người môi giới đóng vai trò là người cố vấn, hỗ trợ khách hàng trong các giao dịch bằng cách thu thập thông tin, tư vấn về cơ hội - rủi ro của từng khoản đầu tư. Ngoài ra, chuyên viên môi giới cũng thực hiện các công việc khác, chẳng hạn như đặt lệnh cho khách hàng khi có yêu cầu, hoặc hỗ trợ những khách hàng là cổ đông lớn - khách hàng là người nội bộ của doanh nghiệp công bố thông tin theo quy định của pháp luật.

Khi nhắc đến môi giới chứng khoán, mọi người thường sẽ có một số ngộ nhận về công việc này, quan điểm của anh Khoa về vấn đề này như thế nào?

Đầu tiên là nhiều người cho rằng nghề này có mức thu nhập “khủng”. Tùy từng thời điểm mà điều này có thể đúng hoặc sai. Thu nhập của nghề môi giới chủ yếu đến từ lương cứng và tiền hoa hồng trích từ phí giao dịch của khách hàng. Do đó, thu nhập của người làm môi giới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thị trường tại từng thời điểm. Khi thị trường thuận lợi, có nhiều khách hàng giao dịch, thu nhập của một chuyên viên môi giới có thể trên vài chục, thậm chí lên hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, khi thị trường ảm đạm thì thu nhập có thể chỉ bằng các bạn sinh viên mới ra trường.

Ngộ nhận thứ hai tôi thường thấy mọi người nói là môi giới toàn là lừa đảo. Không thể phủ nhận rằng trong thời gian thị trường bùng nổ hậu COVID-19, có không ít các môi giới thiếu kiến thức lẫn đạo đức phủ sóng khắp mạng xã hội để lừa nhà đầu tư vào các “room tư vấn VIP” hoặc các khóa học làm giàu, thu phí khủng sau đó biến mất không tung tích. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây chỉ là một bộ phận nhỏ, chủ yếu mọc lên do thị trường tăng “nóng” và khó kiểm soát. Càng về sau, các quy định về hành nghề sẽ được quản lý chặt hơn, các nhà đầu tư F0 lúc trước cũng đã có kiến thức nhất định, do đó sẽ không còn nhiều cơ hội cho những người môi giới không có đạo đức nghề nghiệp.

Mức thu nhập của người làm môi giới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thị trường tại từng thời điểm. Nguồn ảnh: Envato Elements.

Theo anh, đâu là những yếu tố bắt buộc phải có đối với công việc này?

Đầu tiên là kiến thức nền tảng. Đầu tiên phải học về kinh tế vĩ mô, tài chính doanh nghiệp và phân tích đầu tư chứng khoán. Các kiến thức này sẽ được dạy trong các lớp học chứng chỉ hành nghề.

Thứ hai là kỹ năng mềm. Những kỹ năng mềm quan trọng gồm có kỹ năng tìm kiếm khách hàng, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Nếu quan sát kỹ, có thể thấy trong thời gian thị trường chứng khoán bùng nổ hậu COVID-19, có nhiều bạn môi giới trẻ mở kênh TikTok, Facebook, Zalo với hàng ngàn người theo dõi, nhờ đó tiếp cận được với lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, trong số đó có không ít những bạn môi giới thiếu chuẩn mực, chủ yếu “lùa gà” là chính. Điều đó đã gây ra không ít tai tiếng trên thị trường. Dẫu vậy, không thể phủ nhận việc sử dụng thành thạo mạng xã hội là một lợi thế rất lớn cho các bạn môi giới trẻ khi hành nghề.

Mấy năm gần đây, tình trạng làm việc trái ngành sau tốt nghiệp khá phổ biến, đối với công việc này thì sao? Ví dụ như một bạn tốt nghiệp trái ngành có thể làm môi giới chứng khoán được không?

Hoàn toàn được. Trên thực tế, không hiếm người học trái ngành đạt được thành công khi chuyển qua làm môi giới. Như đã nói ở trên, công việc môi giới không chỉ đơn thuần là tư vấn tài chính, mà còn có giao tiếp và cố vấn cho khách hàng. Do đó không ít bạn ban đầu học trái ngành, ban đầu chỉ có kỹ năng mềm, nhưng sau đó trong thời gian làm việc đã tự trau dồi kiến thức và thành công trong công việc này. Bản thân tôi cũng có thể xem là một trường hợp trái ngành, bởi vì tôi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành luật.

Theo anh Khoa, đâu là những kỹ năng cần phải trau dồi nếu muốn gắn bó dài lâu với công việc này?

Theo tôi, để có thể tồn tại lâu dài với nghề này, bạn cần phải có bốn kỹ năng sau:

Kỹ năng tìm kiếm khách hàng: Đây gần như là yếu tố bắt buộc, không có gì phải bàn thêm, vì muốn tồn tại được với nghề môi giới, đầu tiên bạn cần phải có khách hàng. Để tiếp cận được với những khách hàng tiềm năng, bạn có thể sử dụng nhiều cách, như telesale, gửi email, hay qua các buổi hội thảo, hoặc qua mạng xã hội,...

Kỹ năng giao tiếp: Giao tiếp giỏi và thuần thục sẽ là lợi thế giúp khách hàng có thiện cảm, tin tưởng bạn hơn khi đầu tư.

Kỹ năng phân tích: Đây là một trong những kỹ năng có ảnh hưởng lớn đến khả năng thăng tiến của bạn. Một chuyên viên với khả năng giao tiếp tốt có thể phát triển tệp khách hàng rất rộng, nhưng để thuyết phục được những khách hàng lớn, thì kỹ năng phân tích tốt sẽ đóng vai trò quyết định. Kỹ năng phân tích của môi giới sẽ bao gồm khả năng phân tích về thị trường và các sản phẩm của thị trường, để nhận diện cơ hội và rủi ro khi đầu tư. Kế đến khả năng phân tích đặc điểm và khẩu vị đầu tư của khách hàng, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp.

Cuối cùng là khả năng chịu được áp lực: Áp lực ở đây chủ yếu đến từ hai phía là doanh số và thị trường. Khi thị trường gặp khó khăn thì những áp lực này sẽ tăng theo cấp số nhân. Thậm chí khi thị trường thuận lợi, bạn cũng phải chịu áp lực tăng trưởng doanh số phải ngang bằng hoặc cao hơn mức trung bình.

Để làm việc lâu dài trong ngành môi giới chứng khoán, những kỹ năng như tìm kiếm khách hàng, phân tích, giao tiếp là rất cần thiết. Nguồn ảnh: Envato Elements.

Có một điều mà không ít bạn trẻ quan tâm, đó chính là lộ trình thăng tiến. Anh Khoa có thể chia sẻ về những yếu tố cần có để thăng tiến nhanh chóng không?

Đối với công việc môi giới, lộ trình sự nghiệp sẽ theo thứ tự sau:

  • Chuyên viên
  • Chuyên viên Cấp cao
  • Trưởng nhóm Môi giới
  • Trưởng phòng Giao dịch
  • Giám đốc phòng Giao dịch
  • Giám đốc khối / vùng

Bắt đầu từ vị trí trưởng nhóm trở lên, công việc chính sẽ là phát triển đội nhóm. Thu nhập chính của người trưởng nhóm trở lên sẽ phụ thuộc nhiều vào thành tích mà nhóm của họ đạt được.

Để tiến lên vị trí cao hơn, bên cạnh khả năng chuyên môn, bạn cần có năng lực quản trị, cũng như khả năng lên kế hoạch ở tầm vĩ mô và dài hạn hơn. Ví dụ, khi còn là chuyên viên, công việc chính của bạn là thuyết phục một lượng khách hàng mở tài khoản. Thế nhưng, khi đảm nhận vị trí cao hơn như Trưởng phòng hoặc Giám đốc khối, nhiệm vụ chính của bạn là làm sao để phát triển đội ngũ nhân viên của mình, cả về số lượng và chất lượng. Thậm chí, việc khó hơn là làm sao để tăng trưởng thị phần trên sàn chứng khoán.

Để làm được điều đó, theo quan điểm của tôi, kiến thức - kinh nghiệm và các mối quan hệ chất lượng là ba yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, nếu bạn không có nhiều quỹ thời gian nhưng đều muốn phát triển ba yếu tố này, thì lời khuyên của tôi bạn nên đi học vì hai nguyên nhân chính như sau:

  • Đầu tiên, bằng cấp vẫn là một yếu tố được nhiều công ty ưa chuộng. Ví dụ, khi đứng trước hai ứng viên có năng lực như nhau cho vị trí giám đốc, một ứng viên có bằng cấp cao hơn sẽ có nhiều cơ hội được chọn hơn người còn lại.
  • Thứ hai, trong quá trình học, bạn có thể nâng cao kiến thức và mở rộng mối quan hệ. Không khó để bắt gặp những người có địa vị, kiến thức, hay kinh nghiệm hơn bạn trong một lớp học thạc sĩ hoặc CFA. Do đó, đây là một môi trường lý tưởng để bạn tạo dựng các mối quan hệ chất lượng.
Dân Tài chính học gì #2: CFA - Những điều bạn cần biết về tiêu chuẩn “vàng” của giới đầu tư tài chính
Nếu đang có dự định nâng cao kiến thức và kỹ năng về lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng chỉ CFA là sự lựa chọn phù hợp mà bạn nên cân nhắc.

Theo đánh giá của anh, nhu cầu tuyển dụng của công việc này sẽ ra sao vào thời gian tới?

Nhu cầu vẫn có nhưng sẽ khắt khe hơn. So với thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam khá non trẻ và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Do đó, các công việc về chứng khoán nói chung và nghề môi giới nói riêng vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, yêu cầu về năng lực nhân sự cũng sẽ khắt khe hơn.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, một số công ty chứng khoán đã có kế hoạch chuyện áp dụng công nghệ vào việc hỗ trợ và tư vấn khách hàng. Điều đó đồng nghĩa với các công việc chính của người môi giới sẽ có sự chuyển biến lớn.

Cuối cùng, anh Khoa có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ có dự định dấn thân vào lĩnh vực này?

Theo tôi, đối với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, khi đã quyết định dấn thân thì phải dành cho nó một sự nghiêm túc và kiên định, đặc biệt là trong những thời kỳ thị trường gặp khó khăn. Với các bạn trẻ, tôi tin rằng các bạn ở thế hệ sau sẽ có khả năng đi nhanh hơn chúng tôi trước đó. Các bạn có khả năng học hỏi cao, khả năng thích nghi với cái mới và nhất là đang có nhiệt huyết tuổi trẻ. Do đó, các bạn chỉ cần có sự nghiêm túc và kiên định trong nghề nghiệp thì khả năng đạt được thành công là rất cao.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và hữu ích từ anh Khoa!

"Passport to Finance” là chuỗi bài chia sẻ từ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. ProFin.vn hy vọng loạt bài này sẽ là “tấm hộ chiếu” giúp các bạn có được định hướng nghề nghiệp vững chắc, đồng thời có thêm tự tin để chắp cánh đến thế giới Tài chính thú vị và đầy màu sắc.
Xem thêm các bài viết cùng chuỗi bài tại: https://www.profin.vn/tag/passport-to-finance/
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn