Số hóa thông tin thuế để quản lý sàn giao dịch điện tử

...

Để giải quyết khó khăn cho các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cung cấp thông tin, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin thương mại điện tử.

Số hóa thông tin thuế để quản lý sàn giao dịch điện tử

Những năm gần đầy, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là giai đoạn sau dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển từ kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử, hoặc kết hợp cả 2 kênh này. Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, doanh thu kinh doanh trực tuyến dự báo sẽ tăng trung bình 29% trong giai đoạn 2021-2025.

Nhiều cái tên quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… đã trở thành kênh mua sắm thường xuyên của giới trẻ, tạo nên lượng truy cập “khủng”, cũng như đem về doanh thu lớn cho những sàn giao dịch này. Số liệu của Reputa cho thấy, Shopee dẫn đầu trong bảng xếp hạng top 10 trang website có lượng truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, lên đến 84.700.000 lượt, gấp 1,6 lần Thế giới di động và đứng thứ 3 là FPT Shop với 33.100.000 lượt truy cập.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà sàn TMĐT đem lại cho người bán, kinh doanh online khi gia tăng nhanh chóng thị phần, doanh số và tiện lợi cho người mua, phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch này cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với việc quản lý sao cho hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,

Trong bối cảnh đó, vừa qua Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, trong đó có quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ trên sàn.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá nhân (Tổng cục Thuế), với sự phát triển của nền kinh tế số hiện nay, việc kinh doanh trên sàn TMĐT đã trở nên phổ biến. Do đó, việc quy định như trên là phương án nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế. Với quy định này, thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế, thì chỉ cần một đầu mối là sàn TMĐT khai, nộp thuế thay để cắt giảm thủ tục hành chính cho cơ quan thuế và người nộp thuế.

“Để giải quyết khó khăn cho các sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin, Tổng cục Thuế đã đưa vào vận hành Cổng thông tin TMĐT. Đây là kênh tiếp nhận tổ chức tập trung một đầu mối dữ liệu toàn ngành để các cục thuế, chi cục thuế và các bộ phận chức năng thực hiện các nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định” - bà Lan Anh thông tin thêm.

Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, hiện đã có 258 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng này với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT. Việc các sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế được quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Trong đó, quy định về trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế định kỳ hàng quý, bằng phương thức điện tử qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.

Một số chuyên gia cho rằng, quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật thuế theo định hướng của Chính phủ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của chuyển đổi số. Đồng thời, góp phần tích cực trong việc chống thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT.

Để thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Trong đó có Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu đến năm 2025, đưa TMĐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.