Ý nghĩa đằng sau con số 280 triệu USD mà Gilimex đòi Amazon bồi thường

...

Ngày 12/12/2022, thông tin Gilimex - một doanh nghiệp may của Việt Nam khởi kiện Amazon tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ý nghĩa đằng sau con số 280 triệu USD mà Gilimex đòi Amazon bồi thường
Photo by Christian Wiediger / Unsplash

Tại sao một doanh nghiệp đi kiện chính đối tác lớn nhất của mình? Tại sao giá trị vụ kiện lại là 280 triệu USD, tương đương 1,5 lần giá trị tổng tài sản hợp nhất của Gilimex vào cuối quý 3/2022 và bằng với 1,6 doanh thu (theo kế hoạch) cả năm nay?

Đi ngược dòng Covid nhờ Amazon?

Hai năm 2020-2021 được coi như vùng trũng doanh thu và lợi nhuận của phần lớn các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid, không ngoại trừ doanh nghiệp may mặc. Nhưng với CTCP sản xuất kinh doanh XNK Bình Thạnh (viết tắt Gelimex, mã cổ phiếu GIL) tình hình lại có vẻ trái ngược.

Tổng hợp từ BCTC các năm của DN

Giai đoạn 2018 trở về trước, mwcs doanh thu của GIL cao nhất mới đạt 2.254 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ quanh mức vài chục tỷ đồng, nhưng từ năm 2019 doanh thu đã vượt mốc 2.500 tỷ đồng và bứt phá mạnh mẽ vào chính hai năm đại dịch.

Không những đạt đỉnh doanh thu trong năm 2021, doanh số xuất khẩu của GIL cũng đạt đỉnh trong năm 2021 với 170 triệu USD, tăng 68% so với năm cao nhất trước dịch là năm 2019. Mức lợi nhuận 330 tỷ đồng trong năm 2021 cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà GIL đạt được.

Lý giải cho nguyên nhân này, các báo cáo phân tích nhắc nhiều đến "công" của đối tác lớn nhất là Amazon. Nhờ đơn hàng online vẫn đều đặn, thậm chí tăng, Gilimex vẫn thu về mức doanh thu lợi nhuận ổn định trong lúc chuỗi cung ứng đứt gãy, loạt công ty đóng cửa “ngủ đông”.

Nhưng sâu xa hơn, phải nhìn từ mặt hàng sản xuất của Gilimex, mặc dù cùng là "may" nhưng sản phẩm chủ yếu của Gilimex không thiên về "may mặc", mà là đồ gia dụng như các vật lưu trữ, giỏ đựng đồ giặt, túi xách, balô, đồ dùng ngoài trời, hàng dệt may trẻ em cho đến chụp đèn.

Hình ảnh giới thiệu trên website GIL

Trong báo cáo thường niên 2021, GIL trình bày rõ ngành hàng của mình là hàng gia dụng sử dụng vải và vải kết hợp với kim loại, vải kết hợp với nhựa. Đây là một đặc thù khác với các doanh nghiệp khác trong ngành dệt may sản xuất sản phẩm như quần áo, chăn ga,...

Nhu cầu về hàng gia dụng sử dụng vải không giống với mặt hàng quần áo thời trang, thể thao,... vốn bị ảnh hưởng rõ rệt bởi những hạn chế về đi lại, di chuyển và cách ly.

Thậm chí theo một hướng tích cực, việc ở nhà nhiều hơn trong đại dịch có thể khiến nhu cầu tiêu thụ đồ gia dụng để trang trí, dọn dẹp, sắp xếp,... cho căn nhà có xu hướng tăng lên nếu việc mua online không bị cản trở.

Từ "Công" sang "Tội"

Ngày 12/12/2022, thông tin GIL khởi kiện Amazon được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một doanh nghiệp đi kiện chính đối tác lớn nhất của mình?

Theo hồ sơ vụ kiện giữa GIL và Amazon được tờ Bloomberg đưa tin, Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Như vậy, nếu so với doanh số xuất khẩu năm 2021 mà GIL công bố là 170 triệu USD thì Amazon là khách hàng rất lớn, chiếm đến khoảng 86% doanh thu. Đương nhiên đây là con số ước lượng, vì doanh số xuất khẩu không đồng nhất hoàn toàn với giá trị đơn đặt hàng.

Số tiền Gilimex đòi Amazon bồi thường bằng 1,5 lần tổng tài sản, 1,6 lần doanh thu của công ty và ý nghĩa đằng sau con số 280 triệu USD - Ảnh 3.
Một nhà kho của Amazon.

Cũng theo bài báo, việc sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua. Theo đơn khiếu nại dài 32 trang, mối quan hệ đối tác của hai bên được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng”, trong đó Gilimex dựa vào tính chính xác của các dự báo của Amazon để đầu tư thỏa đáng nhằm đáp ứng nhu cầu.

Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn khác bao gồm IKEA và Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.

Điều này sẽ khiến GIL có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Amazon đã “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống chỉ còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó.

Trên thực tế, một doanh nghiệp bất cứ hoạt động trong lĩnh vực nào cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn khi quá phụ thuộc đầu vào hoặc/và đầu ra với một số ít đối tác. Phụ thuộc đầu vào, doanh nghiệp có thể bị đứt gãy nguồn cung, bị ép giá,... Phụ thuộc đầu ra, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng nghiệm trọng nếu đối tác gặp khó khăn về khả năng tiêu thụ, hay tiềm ẩn rủi ro thu hồi công nợ nếu đối tác gặp rủi ro về tài chính.

Dù theo cách nào đi chăng nữa, việc doanh thu quý 3 của GIL chỉ đạt 213 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây đã mở đầu câu chuyện rủi ro này. Mặc dầu vậy, việc đặt GIL cùng với các doanh nghiệp dệt may khác như TNG, May Sông Hồng, Dệt may Thành Công (TCM) để so sánh không có nhiều ý nghĩa do sự khác biệt lớn về sản phẩm.

Vụ kiện có giá trị 280 triệu USD, khoảng 6.580 tỷ đồng, gấp tới gần 2 lần tổng giá trị đơn hàng của Amazon trong năm 2021.

Con số 280 triệu USD mà GIL đòi bồi thường khi quy đổi ra đồng Việt Nam tương đương với khoảng 6.580 tỷ đồng, nghĩa là bằng 1,5 lần tổng giá trị tài sản của GIL theo BCTC hợp nhất cuối quý 3/2022 (4.268 tỷ đồng) và gần gấp đôi giá trị đơn hàng của Amazon đặt GIL trong 2021.

Nếu đem con số này so sánh với doanh thu của GIL, nó thậm chí gấp 1,6 lần doanh thu kế hoạch cả năm 2022 của công ty (4.000 tỷ đồng).

Tác động bề nổi của việc Amazon đột ngột giảm đơn đặt hàng tất nhiên là doanh thu giảm, nhưng đằng sau đó còn là nhiều hệ lụy về việc tăng chi phí không đi kèm tăng doanh thu. Chẳng hạn doanh nghiệp mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc... dẫn đến chi phí khấu hao trong kỳ tăng; tuyển dụng, đào tạo lượng lớn công nhân để tăng chuyền sản xuất,... dẫn đến chi phí lao động tăng; dự trữ hàng tồn kho, nguyên vật liệu để đảm bảo sản xuất... dẫn đến chi phí vốn tăng.

Theo hồ sơ vụ kiện, Gilimex cho biết họ đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự kiến để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của Amazon.

Qua số liệu, có thể thấy số lượng chuyền may của GIL đã tăng gấp đôi chỉ trong 2 năm 2020-2021.

Đến hết 2021, ngoài 02 nhà máy may chính là nhà máy Bình Thạnh và Thạnh Mỹ, GIL còn có các nhà máy may gia công cùng 01 nhà máy sản xuất kim loại; 01 nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng tại Vũng Tàu.

Năng lực sản xuất của các nhà máy này đều tăng trưởng dương trong 3 năm gần nhất. Đặc biệt, GIL đầu tư mạnh vào việc gia tăng số lượng các chuyền may, từ 72 chuyền năm 2019 đến cuối 2021 đã có 158 chuyền và kế hoạch 2022 sẽ có 278 chuyền may.

Tổng hợp từ BCTN các năm của DN

Để có được sự tăng trưởng này, từ năm 2019 đến hết quý 3/2022, tổng cộng GIL đã đầu tư 41,8 tỷ đồng cho việc tăng mới máy móc, thiết bị. Cũng theo thống kê, tổng giá trị tài sản cố định hữu hình của GIL (nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải) trong khoảng thời gian này tăng gần 190 tỷ đồng.

Ngoài chi phí cố định tăng, GIL phải đối mặt với thách thức về hàng tồn kho tăng. Trong báo cáo thường niên năm 2021, GIL đã có đánh giá về rủi ro này. Báo cáo viết: " Do đặc thù ngành sử dụng nhiều lao động nên việc dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất giao hàng đúng hạn và duy trì sản xuất đảm bảo việc làm cho công nhân là việc cần thiết, nhưng khi thị trường biến động, đơn hàng giảm, nhu cầu từ khách hàng giảm đột ngột làm tăng rủi ro về tồn kho, gây ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ."

Cần phải nói thêm, vòng quay hàng tồn kho của GIL liên tục tăng từ 2018 đến nay, đặc biệt tăng mạnh từ 3,41 lên mức 6 vòng năm 2020, tương đương với số ngày tồn kho bình quân giảm từ 107 ngày vào năm 2019 xuống còn 61 ngày vào năm 2020. Nhưng tất cả giờ đây đã là chuyện của quá khứ.

Vòng quay hàng tồn kho được dùng để đánh giá một doanh nghiệp sử dụng hàng tồn kho của mình hiệu quả như thế nào. Cụ thể, chỉ số tài chính này này cho thấy trong một năm, hàng tồn kho phải quay được bao nhiêu vòng thì mới đạt được mức giá vốn hàng bán của năm đó. Chỉ số này càng lớn chứng tỏ tốc độ luân chuyển của hàng tồn kho càng cao.

Trước mắt, khi Gil đối mặt với tình trạng lượng tồn kho tăng đi kèm với doanh thu giảm, vòng quay hàng tồn kho sẽ có xu hướng ngắn lại, tức là tốc độ luân chuyển hàng tồn kho đang chậm lại.

Tổng hợp từ BC DN

Ngoài thách thức chi phí vốn lưu động tăng khi số ngày tồn kho bình quân tăng, doanh nghiệp còn phải đối mặt với những rủi ro về việc giảm giá hàng tồn kho do lỗi thời, hư hỏng, giảm chất lượng hoặc biến động giá nguyên vật liệu trên thế giới...

Cuối cùng, GIL chắc hẳn có những lập luận và bằng chứng cho con số 280 triệu USD và cần chờ thêm những thông tin cập nhật về sự việc để tường minh hơn.