Tài chính hay Kế toán: Đâu là con đường dành cho bạn?

...

Về bản chất, tài chính và kế toán đều có vai trò quản lý dòng tiền trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế toán sẽ ghi chép lại các giao dịch trong quá khứ, tài chính thì tập trung vào dự báo dòng tiền trong tương lai.

Tài chính hay Kế toán: Đâu là con đường dành cho bạn?
Nguồn ảnh: Austin Distel / Unsplash

Tại những công ty mới thành lập, hoặc có quy mô vừa và nhỏ, kế toán thường sẽ đảm đương luôn vai trò của bộ phận tài chính. Hai lĩnh vực này sẽ được phân chia rõ ràng hơn tại các tập đoàn lớn, cụ thể là phòng ban Kế toán và Tài chính với những nhiệm vụ riêng biệt. Hãy cùng đào sâu vào chức năng của từng lĩnh vực ở phần dưới đây.

Kế toán: Thu thập và tổng hợp những giao dịch tài chính trong quá khứ

Kế toán có nhiệm vụ chính là thu thập và lưu trữ chính xác các sự kiện, hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Điều đó được phản ánh qua các loại báo cáo mà kế toán cần phải làm như: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Thông qua các báo cáo này, ban lãnh đạo sẽ nắm được tổng quan tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Tại các công ty có quy mô vừa và nhỏ, bên cạnh việc xử lý các loại báo cáo trên, kế toán sẽ phải thực hiện thêm một số công việc khác như kiểm toán, khai thuế và phân bổ chi phí vận hành. Họ cũng chịu trách nhiệm theo dõi chi tiêu của các phòng ban, doanh thu và quản lý rủi ro tài chính.

Như vậy, có thể thấy kế toán là một mảnh ghép không thể thiếu trong mọi doanh nghiệp. Nguyên nhân là vì trong cơ cấu tổ chức, kế toán là cầu nối giữa tất cả bộ phận. Các nhân viên kế toán thường xuyên phải giao tiếp, liên hệ với mọi phòng ban để thu thập giấy tờ, hóa đơn, chứng từ. Không chỉ thế, một người kế toán có tâm với nghề phải luôn cập nhật những văn bản, thông tư, nghị định mới nhất để đảm bảo mọi thứ được xử lý đúng theo quy định hiện hành.

Do vậy, bên cạnh năng lực về mặt chuyên môn, người làm kế toán cần sở hữu những kỹ năng mềm nhất định để quy trình công việc diễn ra suôn sẻ. Bạn cần biết cách giao tiếp hiệu quả để làm việc với các phòng ban trong công ty. Bên cạnh đó, tính tỉ mỉ, kiên nhẫn và sự nhanh nhạy để kịp thời thích ứng với sự thay đổi là những kỹ năng không thể thiếu.

Đối với công việc kế toán, bạn có thể làm việc tại cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân, các tập đoàn lớn hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán - thuế. Ông Nguyễn Tấn Bảo - CEO và Founder của Đại lý Thuế TPM cho biết, chặng đường thăng tiến khi làm kế toán tại các công ty, tập đoàn (ngoại trừ các công ty dịch vụ tư vấn Kế toán - Thuế cho doanh nghiệp) có thể tham khảo như sau:

  • Kế toán viên: Chủ yếu xử lý những tác vụ liên quan đến chi phí vận hành doanh nghiệp. Thông thường, vị trí này cần kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm.
  • Kế toán tổng hợp: Ở vị trí này, trách nhiệm chính là tổng hợp các thông tin kế toán viên đã hạch toán để chuẩn bị thực hiện các báo cáo. Vị trí này sẽ cần kinh nghiệm làm việc khoảng 5 năm trở lên.
  • Kế toán trưởng: Sau khi kế toán tổng hợp hoàn thành xong các báo cáo, kế toán trưởng sẽ có nhiệm vụ xử lý, báo cáo và giải trình cho Ban Giám đốc. Tùy theo đặc thù và quy mô, một số công ty sẽ cần ít nhất 7 năm kinh nghiệm làm việc.
Ông Nguyễn Tấn Bảo - CEO và Founder của Đại lý Thuế TPM.

Ông Bảo nói thêm, đối với các công ty tư vấn dịch vụ kế toán - thuế cho các doanh nghiệp, dù chức danh cụ thể cùng với chuyên môn sẽ có đôi chỗ khác biệt, song nhìn chung thứ tự thăng tiến sẽ theo thứ tự sau:

  • Junior: Các bạn sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm làm việc từ 1-2 năm.
  • Senior: Những bạn đã có kinh nghiệm từ 3-5 năm.
  • Leader hoặc Supervisor: Có kinh nghiệm khoảng 5-7 năm.
  • Manager: Thường thì vị trí này sẽ cần kinh nghiệm làm việc khoảng 7-10 năm trở lên.
  • Director hoặc Partner: Cấp bậc này tương đương với chủ doanh nghiệp.

Tài chính: Dự báo dòng tiền trong tương lai

Trong khi kế toán có nhiệm vụ cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính doanh nghiệp trong một giai đoạn cụ thể, tài chính sẽ tập trung chủ yếu vào việc hoạch định chiến lược tài chính của doanh nghiệp trong tương lai ngắn hạn và dài hạn. Tài chính cũng bao gồm hoạt động kiểm soát dòng tiền nội bộ, bao gồm phân bổ, quản lý tài sản và nợ phải trả.

Như đã đề cập ở đầu bài, kế toán và tài chính là hai phòng ban có liên hệ rất mật thiết và chặt chẽ. Để đưa ra được con số cụ thể cho những dự đoán trên, phòng ban tài chính cần có được các báo cáo mà bộ phận kế toán đã thu thập và tổng hợp. Từ đó, các nhân viên thuộc bộ phận tài chính có nhiệm vụ đánh giá, phân tích để dự đoán tình hình trong tương lai và vạch ra chiến lược phù hợp.

Tại các tập đoàn lớn, bộ phận tài chính sẽ đảm đương những công việc có liên quan đến quản lý và phân bổ vốn, chẳng hạn như lập kế hoạch đầu tư, vay vốn và cho vay. Các chuyên gia tài chính cũng thường xuyên tham gia vào quá trình huy động vốn để kiếm tài trợ cho doanh nghiệp, nhằm mục đích tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Họ cũng có vai trò quan trọng đối với các chiến lược mang tính quyết định vận mệnh doanh nghiệp, chẳng hạn như kế hoạch thâu tóm và sáp nhập (Merge & Acquisition).

Về tiềm năng thăng tiến của ngành, tài chính là một mảng rộng hơn rất nhiều so với kế toán. Vậy nên, bạn cần đặt ra mục tiêu rõ ràng để vạch ra chiến lược chạm đến từng cột mốc trên hành trình sự nghiệp của mình. Đối với người làm tài chính, tư duy logic và nhanh nhạy với số liệu là kỹ năng cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Để vươn lên những vị trí cao hơn, bạn cần có sự nhạy bén với biến động của thị trường, cùng với khả năng lãnh đạo, và kỹ năng giao tiếp hiệu quả.

Bạn có thể tham khảo hành trình sự nghiệp của ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính Quốc gia trẻ tuổi nhất tại tập đoàn đa quốc gia P&G. Được biết, ông Tuấn đã gắn bó với P&G hơn 12 năm với nhiều vị trí khác nhau. Kể từ khi là Thực tập sinh năm 2010, ông đã làm qua nhiều vai trò như kiểm toán nội bộ, phân tích tài chính, quản lý tài chính ngành hàng,... trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Tài chính Quốc gia. Bạn có thể đọc thêm những chia sẻ của ông Tuấn tại đường dẫn bài báo đính kèm phía trên.

Ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính Quốc gia tại tập đoàn đa quốc gia P&G.

Học gì để làm Kế toán và Tài chính?

Hiện nay, hầu hết các trường Cao đẳng - Đại học khối ngành Kinh tế tại Việt Nam cũng như quốc tế đều đào tạo hai chuyên ngành này ở bậc học Cử nhân và Thạc sĩ. Thêm vào đó, những vị trí cấp cao tại các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ yêu cầu một số chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế như sau:

  • CPA (Certified Public Accountant)
  • ACCA (Association of Chartered Certified Accountants)
  • CFA (Chartered Financial Analyst)
  • FRM (Financial Risk Manager)
  • CFP (Certified Financial Planner)

Một lời khuyên hữu ích khác đó là trước khi quyết định dấn thân vào hai lĩnh vực này, bạn hãy tìm cách trò chuyện với những người trong ngành. Qua những chia sẻ của họ, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về các đặc thù của ngành, đồng thời nhờ họ tư vấn thêm về khả năng thăng tiến và môi trường làm việc.

Kết

Nói tóm lại, dù có vài điểm khác biệt, kế toán và tài chính lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Kế toán có vai trò thu thập, tổng hợp các giao dịch tài chính để tổng hợp thành báo cáo. Tài chính sẽ dựa vào dữ liệu từ những báo cáo đó để dự báo, hoạch định chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc có thể đánh giá được đâu là lĩnh vực phù hợp với sở thích và năng lực, từ đó vạch ra lộ trình sự nghiệp lý tưởng cho bản thân.

Theo: Nguyên Nguyễn / ProFin.vn