The Washington Post: Đại dịch đã tác động như thế nào đến khía cạnh tài chính cá nhân của mỗi người?

...

Vào tháng 8, trang The Washington Post đã có cuộc trò chuyện giữa nữ chuyên gia tài chính cá nhân Michelle Singletary cùng với Jo Ann Jenkins, Giám đốc điều hành của AARP.

The Washington Post: Đại dịch đã tác động như thế nào đến khía cạnh tài chính cá nhân của mỗi người?
Nguồn ảnh: Maxime / Unsplash

Vào tháng 8, trang The Washington Post đã có cuộc trò chuyện giữa nữ chuyên gia tài chính cá nhân Michelle Singletary cùng với Jo Ann Jenkins, Giám đốc điều hành của AARP. Họ đã cùng nhau thảo luận về ảnh hưởng của COVID-19 đến nhiều khía cạnh của mỗi cá nhân, đặc biệt là việc lập kế hoạch nghỉ hưu và tiết kiệm.

Xin chào chị, theo một khảo sát cho thấy rằng khoảng 1,7 triệu người lớn tuổi đã mất việc vì đại dịch. Theo chị, tương lai của việc nghỉ hưu đã thay đổi như thế nào vì đại dịch?

Jo Ann Jenkins: Như bạn đã nói, đại dịch tác động với tất cả với chúng ta, đối với người lớn tuổi tình hình còn khó khăn hơn thế. Những người trên 65 tuổi bị mất việc có thể mất đến 6 tháng hoặc lâu hơn để có được công việc mới. Vì thế, nhiều người buộc phải sử dụng tiền tiết kiệm, điều đó không chỉ không đảm bảo được tài chính trong tương lai, đồng thời còn ảnh hưởng đến những kế hoạch tài chính dài hạn của họ.

Chúng tôi cho rằng điều đó đã thúc đẩy rất nhiều người cao tuổi phải nghỉ hưu sớm. Chị nghĩ tại sao điều đó lại xảy ra?

Jo Ann Jenkins: Đối với những người có điều kiện tài chính, nghỉ hưu sớm là một điều dễ dàng và họ có thể thực hiện bất cứ khi nào họ muốn. Thế nhưng, có nhiều người buộc phải nghỉ hưu sớm hơn dự tính vì mất việc và không thể nào tìm kiếm được công việc mới. Điều đó chắc chắn có tác động không nhỏ đối với nền tảng an toàn tài chính của họ trong tương lai: không đủ tiền để trang trải như họ dự tính khi đại dịch chưa xảy ra.

Chị có nghĩ rằng nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do vấn đề tuổi tác hay không?

Jo Ann Jenkins: Tại chỗ làm của tôi, nhiều thành viên nói rằng họ từng gặp phải tình trạng phân biệt tuổi tác tại môi trường làm việc, thậm chí không thể tiếp tục làm việc. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng vấn đề phân biệt tuổi tác có tồn tại và ngày càng gia tăng. Trong thời đại hiện nay, mọi người ngày càng khỏe mạnh và sống lâu hơn bao giờ hết. Không chỉ thế, những người luôn làm việc (dù được trả lương hay làm tình nguyện) sống lâu hơn 7-8 năm hơn những người không làm việc. Họ có thể mang lại nhiều giá trị hơn chúng ta vẫn nghĩ. Điều quan trọng là các chủ doanh nghiệp cần có nhìn nhận mới hơn về lực lượng lao động: nhiều thế hệ nhân viên tại chỗ làm việc.

Theo chị, nếu thất nghiệp một thời gian dài, họ có thể trở lại làm việc hay không? Những trở ngại đối với người lớn tuổi khi làm việc lâu dài là gì?

Jo Ann Jenkins: Như tôi đã nói trước đó, những người trên 65 tuổi sẽ mất khoảng 6 tháng hoặc hơn để tìm được công việc mới. Vì vậy những người trên 50 tuổi có ý định tiếp tục làm việc cần có sự chuẩn bị kỹ: luôn luôn nâng cao kỹ năng của mình. Hãy đảm bảo rằng bản thân biết sử dụng công nghệ để thích ứng với môi trường làm việc ảo, chứ không phải là một trở ngại.

Những người lớn tuổi cần biết cách sử dụng công nghệ để áp dụng vào công việc. Nguồn ảnh: Kampus Production từ Pexels

Chúng ta hãy chuyển sang đối tượng trẻ hơn, chẳng hạn như thế hệ millennials (những người sinh năm 1981 - 1996). Khi đại dịch diễn ra, gần ¼ người Mỹ buộc phải sử dụng quỹ hưu trí để xoay sở. Vậy những lo ngại của người lao động trẻ tuổi buộc phải dùng tiền khi nghỉ hưu để trang trải là gì?

Jo Ann Jenkins: Mọi người đều nhận ra tác động tiêu cực do COVID-19 mang lại, dù họ ở thế hệ nào. Tuy nhiên, nhiều người trẻ chưa thật sự quan tâm nhiều về vấn đề nghỉ hưu. Thời đại hiện nay, con người có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Vì vậy, điều quan trọng đó là mọi người cần biết rằng chúng ta có thể sống thọ hơn 10 - 20 năm so với thế hệ cha mẹ, ông bà. Chính vì thế, ai cũng cần phải học cách tiết kiệm tiền suốt cả cuộc đời.

Tôi vẫn thường nói rằng không nhất thiết phải tiết kiệm cho nghỉ hưu, nhưng bạn phải tiết kiệm cho cuộc sống. Bạn cần lập kế hoạch và tiết kiệm để có thể làm những gì bạn muốn. Khi đó, bạn sẽ dễ dàng biết mình cần làm trong tương lai, không cần phải đợi đến năm 65 tuổi mới bắt đầu suy nghĩ liệu mình có đủ tiền chi xài trong 10 hay 20 năm nữa.

Tiếp theo, chúng tôi có một câu hỏi của Rafael đến từ Massachusetts: "Chị sẽ đưa ra lời khuyên tài chính nào cho một học sinh/sinh viên mới tốt nghiệp trung học hoặc đại học?”

Jo Ann Jenkins: Tôi có một cô con gái mới tốt nghiệp đại học. Tôi luôn cố gắng truyền tải về tầm quan trọng của việc tiết kiệm, dù số tiền đó nhiều hay ít. Không giống như trước kia, một người sẽ làm việc tại công ty trong khoảng 20 - 30 năm. Hiện tại, một người trẻ có thể làm nhiều công việc tại nhiều công ty khác nhau. Chính vì vậy, họ cần biết cách quản lý nguồn tiền cá nhân và tiết kiệm hơn bao giờ hết. Làm thế nào để dễ dàng tiết kiệm trong suốt cuộc đời? Tôi nghĩ đó chính là chìa khóa cho cách chúng ta tiết kiệm, dù có bao gồm quỹ hưu trí hay không.

Một câu hỏi khác của Alva đến từ California: “Tôi muốn tiếp tục làm việc bán thời gian hơn là nghỉ hưu, tuy nhiên lựa chọn này không được phổ biến lắm. Điều gì có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những người lao động lớn tuổi có thể sử dụng kỹ năng của mình, khi mà cường độ làm việc giảm đi?”

Jo Ann Jenkins: Tôi muốn nói rằng sự lựa chọn này ngày càng phổ biến hơn. Tại công ty AARP, nhiều nhân viên chỉ muốn nghỉ ngơi một thời gian chứ không nghỉ hẳn. Vì vậy, họ trở lại làm việc sau một năm nghỉ hưu, hoặc chúng tôi sẽ đề xuất họ nghỉ hưu theo từng giai đoạn. Đặc biệt trong thời điểm thiếu hụt nhân công trong nước như hiện nay, nhiều công ty đang dần xem xét vấn đề nghỉ hưu theo từng giai đoạn. Tôi nghĩ rằng đây là một lựa chọn khả thi rất khả thi và tận dụng giá trị mà người lao động lớn tuổi mang lại cho nơi làm việc.

Câu hỏi cuối cùng, dù có khá nhiều tín hiệu tiêu cực: người lớn tuổi bị mất việc và gặp khó khăn, người trẻ phải tiêu xài hết tiền tiết kiệm,... Tuy nhiên, chị có thấy được những tín hiệu gì tích cực hay không?

Jo Ann Jenkins: Một tín hiệu khá tích cực là đại dịch đã giúp những người lớn tuổi nhận ra tầm quan trọng của công nghệ. Họ không chỉ dùng nó để liên lạc với gia đình, bạn bè mà còn có thể áp dụng vào công việc. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cho mọi người biết về tầm quan trọng của người lao động lớn tuổi, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục đang thiếu thốn nhân sự. Hai ngành nghề này vô cùng phù hợp với những người lớn tuổi.

Theo: An Too (lược dịch từ The Washington Post)