Đế chế LVMH và bí mật đằng sau khả năng tăng trưởng bất chấp suy thoái

...

Đế chế LVMH và bí mật đằng sau khả năng tăng trưởng bất chấp suy thoái

Đế chế LVMH và bí mật đằng sau khả năng tăng trưởng bất chấp suy thoái
Chủ tịch LVMH Bernard Arnault. Ảnh: Gonzalo Fuentes.

Theo trang tin CNBC, đế chế thời trang LVMH mới đây đã ghi nhận mức doanh thu 79,2 tỷ euro - tương đương 86,3 tỷ USD - vào năm ngoái, tăng 23% so với tổng doanh thu năm 2021.

Cùng với đó, số lượng cửa hàng của tập đoàn này cũng tăng tới hơn 5 lần trong 2 thập kỷ qua, phủ sóng toàn bộ 81 quốc gia với gần 200.000 người lao động.

Không chỉ vậy, cổ phiếu LVMH vào tháng 4 vừa qua cũng đã đạt đỉnh mới với giá 200 USD/cổ phiếu, khiến tập đoàn có trụ sở tại Paris này trở thành công ty châu Âu đầu tiên có giá trị thị trường vượt qua 500 tỷ USD.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tập đoàn này dường như chưa từng phải chậm lại bất chấp mọi cuộc suy thoái. Không chỉ đứng vững qua mọi thời kỳ kinh tế đi xuống, ngay cả những sản phẩm của LVMH cũng có "giá trị vượt trội theo thời gian". Và khi kể đến của LVMH thì không thể bỏ qua công lao của Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Bernard Arnault.

Theo nhận xét từ giới đầu tư chuyên nghiệp, điều mà ông Arnault giỏi nhất là định giá được các công ty chất lượng và trường tồn với thời gian, thương vụ mua lại của ông với Tiffany & Co. vào năm 2021 là một minh chứng cho nhận định này.

"Khi bàn bạc với chúng tôi về những thương vụ sáp nhập tiềm năng, ông Arnault chưa bao giờ chọn những thương hiệu đang "hot". Ông ấy thường tìm kiếm những thương hiệu có khả năng tồn tại ít nhất 100 năm hoặc hơn", bà Anish Melwani - Giám đốc Điều hành LVMH khu vực Bắc Mỹ - cho biết.

Tương tự, ông Oliver Chen - Giám đốc Điều hành công ty đầu tư TD Cowen - cũng đồng tình với điều này và cho biết tỷ phú Arnault luôn hướng đến tầm nhìn dài hạn. Điều này giúp LVMH giữ được trạng thái toàn vẹn nhất trong mọi hoàn cảnh, và các thương hiệu thuộc tập đoàn cũng không rơi vào tình trạng mất giá bất kể lạm phát.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng áp dụng chiến lược tự quản với các công ty con khi mỗi thương hiệu đều có quyền sáng tạo và thực hiện sứ mệnh của riêng mình.

"Ở LVMH, chúng tôi nhận ra rằng việc tập hợp các thương hiệu lại với nhau và sử dụng cùng một bộ máy lãnh đạo là không hiệu quả. Do đó, mỗi thương hiệu đều sẽ có người phụ trách riêng và những gì họ cần làm là báo cáo kết quả tốt nhất có thể", bà Melwani cho biết.

Hiện tại, sau đại dịch Covid-19, LVMH đang tập trung hơn vào việc mở rộng các cửa hàng truyền thống - điều cần thiết để duy trì sự tăng trưởng phi thường từ các kênh thương mại điện tử của tập đoàn.

Ngoài ra, "duy trì sự phù hợp" và "bắt kịp văn hóa" cũng là 2 chiếc chìa khóa giúp kéo dài tuổi thọ các mặt hàng xa xỉ của tập đoàn này, là chiến lược cốt lõi của LVMH trong việc xây dựng một thương hiệu không những trường tồn mà còn vượt trội.

Hằng Nga / Zing News