Vì sao nhà đầu tư cá nhân dễ bị tác động bởi cảm xúc khi quyết định đầu tư?

...

“Cho dù có thích hay không, thì chúng ta cũng là con rối của cảm xúc. Chúng ta đưa ra các quyết định phức tạp dựa trên cảm xúc của mình, chứ không phải tư duy.” Trích dẫn từ quyển sách Nghệ thuật tư duy rành mạch - tác phẩm phi hư cấu bán chạy nhất năm 2012 của tác giả Rolf Dobelli.

Vì sao nhà đầu tư cá nhân dễ bị tác động bởi cảm xúc khi quyết định đầu tư?
Nguồn ảnh: Aidan Hancock / Unsplash

“Cho dù có thích hay không, thì chúng ta cũng là con rối của cảm xúc. Chúng ta đưa ra các quyết định phức tạp dựa trên cảm xúc của mình, chứ không phải tư duy.” Trích dẫn từ quyển sách Nghệ thuật tư duy rành mạch - tác phẩm phi hư cấu bán chạy nhất năm 2012 của tác giả Rolf Dobelli.

Hầu hết chúng ta đều biết rằng trước khi quyết định bất cứ điều gì, hãy cân nhắc kỹ càng ở mọi khía cạnh, bao gồm mặt tốt lẫn mặt xấu. Một trong những phương pháp hiệu quả đó chính là bảng phân tích SWOT (Strong: điểm mạnh, Weak: điểm yếu, Opportunity: cơ hội và Threat: đe dọa). Thế nhưng, ngoài những vấn đề liên quan đến công việc, các quyết định mang tính cá nhân thì khó lòng áp dụng kiểu phân tích rạch ròi này.

Trong quyển sách "Nghệ thuật tư duy rành mạch", tác giả Rolf Dobelli đề cập đến một vấn đề gọi là ‘tự nghiệm cảm xúc’. Theo tác giả, từ xưa đến nay, bản chất của loài người luôn thích hành động nhanh chóng hơn là phải mất nhiều thời gian và công sức. Do vậy, cảm xúc trở thành lối tắt nhanh nhất. Điển hình là khi mua sắm hoặc tìm kiếm đối tượng hẹn hò, chúng ta dễ bị cảm xúc ảnh hưởng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư cá nhân, thói quen đầu tư theo cảm xúc có thể mang lại nhiều hệ quả tiêu cực. Để hạn chế điều đó, hãy tìm hiểu về 2 yếu tố phổ biến nhất tác động đến cảm xúc khi đầu tư dưới đây do ProFin thực hiện.

Lầm tưởng giữa may mắn và năng lực

Cơn sốt bong bóng nhà đất tại Mỹ chính là ví dụ hoàn hảo về cái gọi là may mắn ban đầu. Giai đoạn năm 2000 - 2005, người dân đổ xô đi mua nhà rồi bán lại với giá cao hơn. Không ít người thậm chí bỏ việc để dấn thân vào thị trường bất động sản, một số khác thì vay thế chấp để mua nhiều nhà hơn. Họ quyết tâm như vậy là do những phi vụ lời to ban đầu. Một yếu tố quan trọng cần chú ý: trong thời điểm đó, ngay cả những người thiếu kinh nghiệm về bất động sản cũng dễ dàng mua đi bán lại thu lời. Vậy nên, điều đó không phụ thuộc vào bất kỳ kỹ năng đặc biệt nào. Cho đến năm 2008, bong bóng bắt đầu vỡ, hơn 770.000 căn nhà ở Mỹ bị ngân hàng siết nợ do không đủ khả năng chi trả tiền vay mua bất động sản.

Thị trường chứng khoán có rất nhiều trường hợp may mắn ban đầu như vậy. Một số nhà đầu tư mới bước vào khi thị trường đang khởi sắc, thế là trúng đậm ngay từ lần đầu. Do vậy, họ tự tin vào năng lực chọn cổ phiếu của bản thân và bắt đầu chơi lớn vào những lần sau. Đến khi thị trường biến động theo chiều đi xuống, không ít nhà đầu tư mất tiền, thậm chí nợ nần chồng chất.

Không ít nhà đầu tư mất tiền sau khi vài lần may mắn ban đầu. Nguồn ảnh: Tech Daily / Unsplash.

Giải pháp: Đây là trường hợp khá phổ biến đối với các nhà đầu tư cá nhân mới. Trong khi một số nhà đầu tư không có khởi đầu suôn sẻ ngay từ đầu, sẽ có xu hướng thận trọng, những người thuận lợi ngay từ đầu lại chủ quan và nhanh chóng ngủ quên trên chiến thắng. Không dễ dàng để thoát khỏi cảm giác sung sướng khi vừa đạt được thứ gì đó. Về mặt lý thuyết, giải pháp rất đơn giản: Bạn phải luôn tỉnh táo và thận trọng, ngay cả khi vừa mới thắng đậm khoản tiền khổng lồ. Trên thực tế, không ít người nhầm lẫn giữa may mắn và năng lực thật sự của bản thân, không riêng gì khía cạnh đầu tư. Một lời khuyên hữu ích từ tác giả Rolf Dobelli: mỗi khi đạt được thắng lợi, hãy thử tìm bằng chứng để phủ nhận điều đó. Phương thức này thật sự không dễ làm vì cần sự nỗ lực rất nhiều, trong khi cảm giác tự mãn thì quá dễ chịu và an toàn.

Nỗi sợ rủi ro và thành kiến thông tin

Thành kiến thông tin (tiếng Anh: information bias) là khi bạn cho rằng càng có nhiều thông tin, càng đảm bảo khả năng đưa ra quyết định sáng suốt. Tương tự như nghịch lý của sự lựa chọn (tiếng Anh: the paradox of choice), nhiều hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn. Thực chất, càng thu thập nhiều dữ liệu, bạn càng cảm thấy bối rối và hoang mang hơn.

Giả sử một nhà đầu tư F0 có dự định mua cổ phiếu của công ty A. Vì lo sợ những rủi ro không đáng có, anh ấy quyết định thu thập thêm thông tin từ người quen, quan điểm của chuyên gia và hội nhóm liên quan. Sau quãng thời gian ngập lặn giữa hàng loạt đánh giá trái chiều, nhà đầu tư này ngày càng rối trí và mất niềm tin vào lựa chọn ban đầu. Cuối cùng, anh chọn công ty B - nơi được nhiều người tin tưởng và đánh giá có lợi nhuận ổn định. Một thời gian sau, cổ phiếu và giá trị vốn hóa của công ty B bỗng dưng tụt dốc không phanh. Trong khi đó, công ty A - lựa chọn ban đầu không chỉ hoạt động ổn định, mà còn có xu hướng đi lên.

Giải pháp: Trái ngược với nhóm thứ nhất, những người có thói quen thu thập thông tin trước khi quyết định thường cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý chắt lọc cẩn thận, đặc biệt là thông tin thu được từ internet. Trên các diễn đàn - hội nhóm liên quan, có vô số tài khoản ảo, thậm chí mạo danh để lừa đảo. Ngay cả khi không phải chiêu trò dụ dỗ, đa phần những chia sẻ đều là góc nhìn chủ quan và mang tính cá nhân. Do vậy, đừng quá tin tưởng vào những bình luận hoặc đánh giá đến từ cộng đồng mạng - vốn có quá nhiều thứ khó có thể kiểm chứng là thật hay giả.

Nhà đầu tư nên cẩn trọng khi tìm kiếm thông tin hoặc đánh giá từ mạng xã hội. Nguồn ảnh: Firmbee.com / Unsplash.

Nếu lo sợ những rủi ro có thể phát sinh, hãy tìm kiếm thông tin từ một vài người đáng tin cậy trong nghề, hoặc bạn bè thân thiết. Đây là nguồn tin đảm bảo hơn so với thông tin tìm được từ mạng xã hội. Trong trường hợp không có mối liên hệ liên quan, hãy nâng cao kiến thức kinh tế - tài chính bằng cách đọc sách, tham gia hội thảo, hoặc đăng ký các khóa học ngắn hạn. Một khi hiểu rõ cách thức vận hành của nền kinh tế, bạn không cần các thông tin bên lề mà vẫn có thể tự tin đưa ra quyết định.