Volkswagen - 'Chú bò sữa' bị vắt kiệt sức ở Trung Quốc

...

Sau nhiều năm mở nhà máy, đóng góp cho ngành công nghệ ô tô Trung Quốc thì Volkswagen đang dần bị bỏ rơi, trở thành một chú “bò sữa” già sắp bị làm thịt.

Volkswagen - 'Chú bò sữa' bị vắt kiệt sức ở Trung Quốc
Photo by Julian Hochgesang / Unsplash

Vào năm 1978, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã đến thăm trụ sở Volkswagen tại Wolfsburg-Đức với thông điệp cực kỳ rõ ràng: thị trường Châu Á này đang mở cửa mời chào các nhà sản xuất ô tô.

Đã 40 năm kể từ đó đến nay và Volkswagen nhanh chóng vươn lên thành hãng xe đứng đầu trên thị trường số 1 thế giới, hưởng lợi cực lớn từ sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc.

Thế rồi bất ngờ Volkswagen, ông trùm xe xăng tại Trung Quốc nhận ra mình đang đứng trước nguy cơ thành “đồ cổ” khi chậm chân trong mảng xe điện. Thậm chí các chuyên gia nhận định sau nhiều năm mở nhà máy, đóng góp cho ngành công nghệ ô tô Trung Quốc thì Volkswagen đang dần bị bỏ rơi, trở thành một chú “bò sữa” già sắp bị làm thịt.

Hiện Volkswagen dù vẫn là hãng có doanh số bán xe xăng nhiều nhất tại Trung Quốc nhưng dòng xe bán chạy nhất hiện nay lại thuộc về BYD.

Tồi tệ hơn, hãng xe của Đức cũng đang bị tụt lại đằng sau trong cuộc chạy đua xe điện khi Volkswagen chỉ đứng thứ 9 trong top 10 thị phần toàn ngành, với chỉ 2% thị phần. Trái lại, BYD đứng đầu với gần 40% thị phần còn Tesla đứng sau với hơn 10%.

Tờ Financial Times (FT) cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh mảng xe điện ở cả nội địa lẫn xuất khẩu. Theo nhiều dự báo, Trung Quốc đã vượt Đức về số xe xuất khẩu năm 2022 và nhiều khả năng sẽ qua mặt cả Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều ô tô nhất trong năm nay.

Về phía Volkswagen, hãng xe lớn nhất nước Đức này có ít nhất một nửa lợi nhuận thường niên đến từ thị trường Trung Quốc, đạt 22 tỷ Euro năm 2022. Thế nhưng Trung Quốc hiện đã không còn cần Volkswagen như cách đây 40 năm khi đã “vắt sữa” công nghệ đủ để phát triển thị trường ô tô của mình, qua đó tự chủ chuỗi cung ứng. Thay vào đó, chính Volkswagen mới nhận ra mình cần Trung Quốc, nhưng lại đang ở thế bị bỏ rơi và dễ dàng mất tất cả khi thua cuộc trong mảng xe điện.

Sống chết vì Trung Quốc

Dù không còn được trân trọng như cách đây 40 năm, cũng như thất thế trong cuộc đua xe điện nhưng mức lợi nhuận khổng lồ từ thị trường Trung Quốc khiến Volkswagen chẳng thể rời bỏ quốc gia này. Thậm chí các giám đốc của hãng còn thẳng thừng tuyên bố “lợi nhuận quan trọng hơn số lượng”, qua đó khẳng định tầm quan trọng của Trung Quốc.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy doanh số của hãng tăng trưởng tốt nhờ sự hồi phục tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ. Thế nhưng doanh số tại Trung Quốc lại giảm 15% trước đà phát triển của xe điện cũng như những hãng ô tô nội địa.

Bất lợi là thế, Volkswagen còn gặp rắc rối về địa chính trị khi mối quan hệ ngoại giao Đức-Trung không được nồng ầm. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock sau chuyến công du tại Bắc Kinh vào tháng 4/2023 đã thừa nhận cường quốc Châu Á đang trở thành “đối trọng” với Đức.

Mặc dù vậy, Volkswagen vẫn không hết hy vọng vào Trung Quốc. Trong năm vừa qua, hãng xe Đức đã tuyên bố đổ gần 4 tỷ Euro đầu tư vào thị trường này.

Thậm chí Volkswagen còn đề ra chiến lược “Tại Trung Quốc, vì Trung Quốc” (In China, For China) nhằm nội địa hóa hệ thống sản xuất địa phương, đảm bảo chuỗi cung ứng và nhất là làm hài lòng chính quyền Bắc Kinh.

Hãng cũng sẽ tăng gấp đôi lượng kỹ sư hoạt động tại Trung Quốc lên 1.200 người, đồng thời đổ hàng tỷ USD vào các dự án hợp tác phát triển công nghệ tại đây. Những động thái này được cho là sẽ giảm thời gian phát triển sản phẩm ở Trung Quốc đi 1/3, đồng thời cho phép chi nhánh Trung Quốc có quyền tự chủ hơn khi ra quyết định.

“Tầm quan trọng của Trung Quốc là hoàn toàn khác biệt so với những thị trường khác trên thế giới”, CEO Oliver Blume của Volkswagen thừa nhận.

Bò sữa hết thời

“Họ sẽ tiếp tục vắt sữa con bò này, nhưng đáng tiếc là con bò đó cũng chẳng thể sống được lâu nữa”, nhà sáng lập Bill Russo của Automobility nhận định về Volkswagen và những hãng ô tô nước ngoài tương tự đang kinh doanh ở Trung Quốc.

Khi ngành ô tô Trung Quốc đã đủ mạnh để tự phát triển, chính những hãng như Volkswagen mới là bên cần Trung Quốc chứ không phải ngược lại. Tất nhiên những sản phẩm, nhà máy của họ tại Trung Quốc vẫn đóng góp công nghệ, tài chính cho thị trường này nhưng chẳng sớm thì muộn, thị phần của các doanh nghiệp nước ngoài này cũng sẽ bị công ty nội địa “nuốt” hết.

Trước đây những mẫu thiết kế cho thị trường Châu Âu của Volkswagen vẫn được ưa chuộng tại Trung Quốc vì văn hóa “sính ngoại”. Thế nhưng giờ đây khi Trung Quốc mới là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới thì sự xung đột bắt đầu này sinh. Những mẫu xe thiết kế theo tiêu chuẩn Châu Âu của Volkswagen giờ đây lại buộc phải tinh chỉnh để phù hợp quy định và thị hiếu của người dùng Trung Quốc.

Trả lời FT, một cựu giám đốc điều hành của Volkswagen cho biết hãng xe Đức này đang phải trả giá vì sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Giờ đây khi Volkswagen không thể rời bỏ Trung Quốc thì họ mới nhận ra mình đã chậm chân quá nhiều trong mảng xe điện tương lai.

Thậm chí giờ đây khi chuyển sang làm xe điện, Volkswagen vẫn dựa quá nhiều vào những nhà cung ứng chuyên phục vụ cho ngành động cơ đốt trong chứ chưa thể nâng tầm lên một mạng lưới sản xuất mới. Điều này nghĩa là Volkswagen không chỉ thua xa các đối thủ Trung Quốc mà còn kém hơn cả Tesla, vốn đã xây dựng được một chuỗi cung ứng xe điện cho riêng mình tại thị trường này.

“Volkswagen vốn là một ông lớn về xe xăng và việc đòi hỏi sự thay đổi chẳng khác nào bắt một con voi quay đầu”, vị cựu giám đốc của Volkswagen xin được giấu tên này cho biết.

Tồi tệ hơn, tư duy làm xe xăng cũ kỹ của Volkswagen khi áp dụng vào xe điện đã đem đến những thảm họa, ví dụ như phần mềm.

“Volkswagen có thể tạo ra những chiếc xe có thiết kế đẹp chạy bằng ắc quy, nhưng mảng phần mềm cho ô tô điện của họ lại quá kém phát triển đến mức đáng xấu hổ khi đem ra so sánh với đối thủ tại Trung Quốc”, vị cựu giám đốc của Volkswagen thừa nhận.

“Có thể Volkswagen vẫn sống được ở thị trường Châu Âu trong vài năm nữa nhưng tại Trung Quốc thì sớm muộn gì hãng xe này cũng đi đến cuối con đường. Nếu họ không thể thực sự giải quyết được các khó khăn hiện nay và cho ra mắt được các dòng sản phẩm lấy lại vị thế trong 1-2 năm nữa thì đây sẽ là dấu chấm hết cho công ty”, vị giám đốc này bổ sung.

Xin được nhắc là bên cạnh ông lớn BYD hay Tesla, vô số những startup trong ngành xe điện như Li Auto, Xpeng hay Nio tại Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chóng nhờ các sản phẩm công nghệ cao, hấp dẫn người tiêu dùng chẳng kém ô tô xăng.

“Cứ như thể chúng ta đang so sánh một chiếc iPhone với Nokia đời cũ cách đây 10 năm vậy”, vị cựu giám đốc chia sẻ với FT khi so sánh sản phẩm xe điện của Volkswagen với các đối thủ cùng dòng hiện đại hơn tại Trung Quốc.