Đầu tư tác động là gì?

...

Đầu tư tác động - impact investing - được hiểu là những khoản đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư hay các công ty quản lý quỹ, không chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận mà còn hướng đến những mục đích khác như xã hội hay môi trường.

Đầu tư tác động
Trái với những luồng quan điểm cũ về đầu tư chỉ nhắm vào lợi nhuận, đầu tư tác động cho thấy một hướng đi mới có thể cùng lúc đạt được hai mục tiêu: vừa có lợi nhuận vừa góp phần giải quyết các vấn đề môi trường - xã hội.

Những tác động tích cực đến xã hội và môi trường có thể đo lường được. Đầu tư tác động cần sử dụng bằng chứng và dữ liệu thu thập được để xây dựng kế hoạch đầu tư hiệu quả, tạo lợi ích cho xã hội và môi trường.

Nhu cầu tạo tác động tích cực đến chủ yếu từ các nhà đầu tư ở thế hệ Z, X và Millennials, những người đang tìm kiếm các khoản đầu tư tập trung vào tính bền vững và có thể có tác động tích cực đến thế giới.

Theo mạng lưới đầu tư tác động toàn cầu (“GIIN”): Đầu tư tác động là các khoản đầu tư của các công ty, tổ chức, quỹ với kỳ vọng tạo ra những tác động tích cực đến xã hội và môi trường song song với lợi ích về tài chính.

Trái với các luồng quan điểm cũ cho rằng “các vấn đề xã hội và môi trường thuộc trách nhiệm của chính phủ, hay các tổ chức từ thiện, và việc đầu tư chỉ nên tập trung vào lợi nhuận”, đầu tư tác động cho thấy một hướng đi mới có thể cùng lúc đạt được hai mục tiêu: vừa có lợi nhuận vừa góp phần giải quyết các vấn đề môi trường - xã hội.

Các chiến lược đầu tư tác động thường nhắm vào các công ty hoặc ngành có hoạt động kinh doanh tạo ra lợi ích xã hội hoặc môi trường. Ví dụ: một số nhà đầu tư tác động tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo, ô tô điện, tài chính vi mô, nông nghiệp bền vững hoặc các giải pháp cho vấn đề khác mà họ tin là xứng đáng.

Ví dụ

Cùng xem xét ba ví dụ dưới đây để hiểu hơn về đầu tư tác động

  1. Một người nổi tiếng quyên góp tiền cho một tổ chức từ thiện địa phương hỗ trợ các dự án nhà ở giá rẻ. Đây không được coi là đầu tư tác động. Nói đúng hơn đây là một khoản hỗ trợ từ thiện không vì mục tiêu lợi nhuận.
  2. Một khoản vay từ quỹ PE được cấp cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn lãi vay ngân hàng. Đây cũng không phải là một trường hợp được xem là đầu tư tác động, vì kỳ vọng vào lợi nhuận của nhà đầu tư chỉ là thứ yếu. Trong khi đầu tư tác động hướng đến sự cân bằng giữa lợi ích tài chính và tác động tích cực.
  3. Một quỹ đầu tư đề nghị bạn trở thành thành viên góp vốn (LPs) cho một quỹ, số tiền thu được sẽ hỗ trợ việc xây dựng khu nhà ở giá rẻ, dự kiến bán cho 1.000 hộ gia đình có thu nhập thấp. Dự án này đang được chính phủ hỗ trợ do đó có thể tạo ra lợi nhuận không kém gì các dự án nhà ở thương mại khác. Đây có thể xem là một khoản đầu tư tác động vì nó có cả kết quả tích cực có thể đo lường ​​và kỳ vọng về lợi nhuận tài chính rõ ràng.
Private equity
Private equity (gọi tắt là “PE”) là hoạt động đầu tư vốn vào các công ty có cổ phiếu chưa được niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa được giao dịch công khai.

Đặc điểm

Đầu tư tác động có thể có nhiều ý nghĩa hoặc có thể được mô tả theo nhiều cách khác nhau, nhưng để được coi là một khoản đầu tư tác động cần thỏa mãn ít nhất hai điều kiện:

Thứ nhất: ý định của nhà đầu tư hướng tới hai mục tiêu, vừa tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, vừa hướng tới lợi nhuận tài chính hấp dẫn không kém lợi ích từ các khoản đầu tư khác. Các hạng mục đầu tư tác động nhắm tới thường có tính chất xã hội, như:

  • Tăng khả năng tiếp cận giáo dục, cơ hội việc làm cho người nghèo;
  • Cải thiện môi trường, như các dự án trồng rừng hoặc các sáng kiến ​​năng lượng sạch;
  • Các dự án có liên quan đến sức khỏe, như tăng khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với dịch vụ chăm sóc y tế, nước uống sạch;
  • Giải quyết các vấn đề về nông nghiệp.

Thứ hai, những tác động tích cực đến xã hội và môi trường có thể đo lường được. Cụ thể:

  • Kế hoạch đầu tư không thể được thiết kế dựa theo cảm tính. Đầu tư tác động cần sử dụng bằng chứng và dữ liệu thu thập được trong quá khứ để xây dựng kế hoạch đầu tư hiệu quả, tạo lợi ích thiết thực cho xã hội và môi trường.
  • Cam kết trong việc đo lường và báo cáo hiệu suất cũng như tiến độ tác động đến xã hội và môi trường của các khoản đầu tư.

Tại sao nhà đầu tư quan tâm mô hình này?

Tatiana Mitrova, một nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia, nhận xét trong một cuộc phỏng vấn: “Loại hình đầu tư này đang trở nên phổ biến hơn khi mọi người nhận ra rằng lợi nhuận và tác động tích cực có thể đi đôi với nhau. Một số cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng nhu cầu tạo tác động tích cực đến chủ yếu từ các nhà đầu tư ở thế hệ Z, X và Millennials, những người đang tìm kiếm các khoản đầu tư tập trung vào tính bền vững và có thể có tác động tích cực đến thế giới.”

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thế hệ Millennials - được dự đoán là thế hệ giàu có nhất nước Mỹ - đang đầu tư nhiều hơn những thế hệ trước vào những tổ chức có tác động tích cực đến môi trường - xã hội. Lý giải hợp lý nhất cho điều này là Millennials có thể là thế hệ đầu tiên coi trọng giá trị tinh thần bên cạnh lợi ích về tài chính. Do vậy, thế hệ này có nhiều khả năng đầu tư vào các công ty có cam kết hoặc sứ mệnh được xác định rõ ràng.

Một nguyên nhân khác quan trọng không kém là các khoản đầu tư tác động cũng mang lại lợi nhuận khá hấp dẫn. Tuy có xu hướng thấp hơn một chút so với mức trung bình của thị trường, nhưng các khoản đầu tư tác động vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư. Cụ thể trong một nghiên cứu của Đại học California, các quỹ đầu tư tác động có tỷ lệ hoàn vốn nội bộ - IRR trung bình khoảng 6,4%, trong khi ở các quỹ không có mục tiêu tác động, tỷ lệ này là 7,4%.

Cuối cùng, các khoản đầu tư tác động thường nhận được sự ủng hộ từ chính phủ nước sở tại. Trong nhiều năm qua, các chính phủ luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư có tác động tích cực đến xã hội - môi trường, từ việc phát triển các chính sách và khuôn khổ đến việc thành lập các cơ quan giám sát đối với đầu tư tác động.

Khác biệt căn bản giữa Đầu tư tác động và ESG là gì?

Đầu tư tác động thường gắn liền với môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vì các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với xã hội đang ngày càng được chú ý, nhưng đầu tư tác động không giống như đầu tư ESG.

Ra đời vào năm 2004, ESG nổi lên như một nỗ lực của khu vực công, cụ thể là Liên Hợp Quốc, Tổ chức tài chính thế giới - IFC và chính phủ Thụy Sĩ, nhằm hỗ trợ ngành tài chính xem xét các vấn đề về ESG trong quá trình ra quyết định đầu tư. Trong khi đó, đầu tư tác động chỉ được đề cập đến vào năm 2007, do quỹ Rockefeller, cùng với các nhà từ thiện, nhà đầu tư, đặt tên cho các khoản đầu tư được thực hiện với mục đích tạo ra tác động xã hội có thể đo lường được cùng với lợi nhuận tài chính.

Có thể hiểu trong khi ESG đóng vai trò là một phần của phân tích cơ hội - rủi ro có thể ảnh hưởng đến kết quả đầu tư, thì đầu tư tác động được coi là một chiến lược có mục tiêu cụ thể, hướng đến một kết quả tích cực có thể đo lường được.

Các chiến lược đầu tư ESG cũng có thể được thực hiện theo:

  • Sàng lọc tiêu cực, ví dụ như loại bỏ các công ty trong lĩnh vực dầu khí;
  • Sàng lọc tích cực, chú trọng tìm kiếm những công ty hoạt động hiệu quả nhất. Ví dụ như chỉ chọn các công ty xếp hạng cao nhất khi đánh giá chỉ số quản trị nguồn nhân lực (*);
  • Đầu tư theo chủ đề, tức chỉ xem xét các công ty theo một ngành - lĩnh vực cụ thể, ví dụ chỉ đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực công nghệ sạch.

Trong số đó, gần như chỉ có chiến lược đầu tư theo chủ đề có đôi chút tương đồng với những đặc điểm của đầu tư tác động. Điểm khác biệt lớn nhất vẫn là có chú trọng vào kết quả tích cực hay không, và mức độ tác động có thể đo lường được không.

(*) Quản lý nguồn nhân lực (Human capital management - HCM) đề cập đến cách một công ty thực hiện các công việc như tuyển dụng, gắn kết, phân công nhiệm vụ - quyền hạn, cũng như cách họ giữ chân nhân viên của mình. Khi khái niệm ESG phát triển, quản lý nguồn nhân lực được quan tâm như một phần quan trọng trong việc phân tích, đánh giá chỉ số quản trị công ty.
Đầu tư ESG
Đầu tư ESG là việc xem xét đánh giá, ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố: môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG).

Nguồn tham khảo:

  1. https://www.investopedia.com/terms/i/impact-investing.asp
  2. https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A7u_t%C6%B0_t%C3%A1c_%C4%91%E1%BB%99ng
  3. https://tapchitaichinh.vn/dau-tu-tac-dong-dich-den-moi-cho-dong-von-dau-tu-hien-nay.html
  4. https://thegiin.org/impact-investing/need-to-know/
  5. https://ssir.org/articles/entry/esg_is_not_impact_investing_and_impact_investing_is_not_esg#