Điều khoản No-shop là gì?

...

Điều khoản “no-shop” hay “no-shop clause” là một thỏa thuận xuất hiện trong một thương vụ M&A giữa công ty mục tiêu và người mua tiềm năng, với mục đích ngăn cản công ty mục tiêu thu hút thêm nhiều người mua tham gia vào thương vụ.

Điều khoản No-shop
Điều khoản no-shop còn được gọi là điều khoản không được chào mua hay điều khoản không được gạ gẫm, thuật ngữ trong tiếng Anh là “no-shop clause” hoặc “no-shop provision”.

Điều khoản này thường khá phổ biến trong các giao dịch sáp nhập, hợp nhất.

Bên bán - hay công ty mục tiêu ký kết vào điều khoản này như một hành động thiện chí mong muốn thương vụ được diễn ra suôn sẻ.

Theo định nghĩa từ Investopedia, điều khoản “no-shop” hay “no-shop clause” là một thỏa thuận xuất hiện trong một thương vụ M&A giữa công ty mục tiêu và người mua tiềm năng, với mục đích ngăn cản công ty mục tiêu thu hút thêm nhiều người mua tham gia vào thương vụ.

Theo The Law Dictionary, điều khoản không được chào mua được định nghĩa: là một điều khoản thỏa thuận giữa công ty mục tiêu với người mua tiềm năng về việc đình chỉ tất cả các cuộc đàm phán từ người mua khác, trong một khoảng thời gian nhất định.

Nói cách khác, theo điều khoản này, công ty mục tiêu sẽ không được phép chào bán cổ phần hoặc tài sản của mình cho người mua khác, sau khi đã đồng ý với “thư ý định” (Letter of intent - “LOI”) hoặc hợp đồng nguyên tắc.

Điều khoản này thường khá phổ biến trong các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, với mục đích nhằm để bảo vệ người mua tiềm năng đến trước - thường là các công ty lớn - không bị mất quyền lợi về tay người mua khác. Bên bán - hay công ty mục tiêu ký kết vào điều khoản này như một hành động thiện chí mong muốn thương vụ được diễn ra suôn sẻ.

M&A
M&A là một thuật ngữ mô tả việc hợp nhất các doanh nghiệp hoặc tài sản thông qua các giao dịch tài chính khác nhau.

Điều khoản no-shop hoạt động như thế nào?

Điều khoản no-shop thường được sử dụng trong các giao dịch M&A, khi người mua tiềm năng quan tâm đến một công ty mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, người mua cũng cần thời gian để thẩm định lại tính hiệu quả của thương vụ, cũng như chuẩn bị những thứ cần thiết như tài chính, thủ tục pháp lý,... Một quá trình thẩm định có thể mất vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn, do vậy một thỏa thuận no-shop sẽ cho người mua đủ thời gian cần thiết.

Điều khoản no-shop thường được giao kết khi các bên ký kết LOI, là văn bản thể hiện đề xuất giao dịch xuất phát từ một bên. Nội dung của LOI thường tập trung vào việc phác thảo các điều kiện cơ bản trong hợp đồng mà hai bên sẽ ký kết sau đó. Nội dung LOI lúc này thường sẽ có lợi hơn cho bên mua, do vậy việc bên bán - tức công ty mục tiêu, đồng ý với điều khoản này nhằm cho thấy thiện chí của mình đối với thương vụ.

Letter of Intent
Letter of Intent - viết tắt là LOI - được hiểu là “thư ý định”.

Nội dung thỏa thuận

Nội dung cơ bản của một điều khoản no-shop nằm ở hai điểm:

Thứ nhất: bên bán sẽ hạn chế hoặc đình chỉ tất cả các cuộc đàm phán từ người mua khác. Yêu cầu này có thể được thể hiện bằng những điều khoản sau:

  • Người bán hoặc công ty mục tiêu không được đàm phán về việc bán tài sản hoặc vốn cho bên thứ ba;
  • Người bán hoặc công ty mục tiêu không được tìm kiếm và lôi kéo người mua tiềm năng khác;
  • Người bán hoặc công ty mục tiêu cam kết phải thông báo nếu có bất kỳ thông tin nào về đề nghị mua lại khác xuất hiện trong thời hạn thỏa thuận;
  • Nghĩa vụ nếu người bán không tiết lộ bất kỳ thông tin nào khi nhận được đề nghị mua lại của bên thứ ba.

Thứ hai: Điều khoản này chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với các giao dịch M&A quy mô nhỏ và không phức tạp, thời gian hợp lý cho một thỏa thuận no-shop là từ 45 đến 60 ngày để bên mua tiềm năng hoàn thành quy trình thẩm định. Nhưng với các giao dịch lớn, mang tính phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhiều tháng. Thời hạn này thường được đề xuất bởi người mua tiềm năng, dựa trên đánh giá sơ bộ về thời gian cần có để chuẩn bị cho thương vụ. Tuy nhiên người mua cũng sẽ cân nhắc thời hạn này, vì nếu thời hạn quá dài thì công ty mục tiêu sẽ không đồng ý.

Ví dụ về điều khoản no-shop

Một trong những giao dịch M&A đáng chú ý nhất khi sử dụng điều khoản no-shop là thương vụ Microsoft-LinkedIn. Vào ngày 13 tháng 6 năm 2016, Microsoft đã công bố ý định mua LinkedIn. Trong bối cảnh đó, cả hai bên đều đồng ý với điều khoản không được chào mua. Với điều khoản này, nhiều người cho rằng Microsoft muốn ngăn chặn đối thủ cạnh tranh chính của mình tại thời điểm đó, Salesforce, chen chân vào thương vụ.

Để củng cố điều khoản no-shop, Microsoft đã yêu cầu một khoản phí phạt khổng lồ trị giá 725 triệu USD. Theo đó nếu LinkedIn chốt thỏa thuận với người mua khác, họ sẽ phải bồi thường cho Microsoft số tiền này. Thương vụ này sau đó đã được hoàn tất vào tháng 12 năm 2016.


Nguồn tham khảo:

  1. https://thelawdictionary.org/no-shop-clause/
  2. https://corporatefinanceinstitute.com/resources/valuation/no-shop-provision/
  3. https://www.investopedia.com/terms/n/no-shop-clause.asp#:~:text=A%20no%2Dshop%20clause%20is%20a%20condition%20in%20an%20agreement,an%20offer%20from%20another%20buyer.
  4. https://incorporated.zone/no-shop-clause/