Letter of Intent là gì?

...

Letter of Intent - viết tắt là LOI - được hiểu là “thư ý định”.

Letter of Intent
💡
LOI là một bản văn bản thể hiện ý định xuất phát từ người gửi thư về một thỏa thuận kinh doanh như: mua bán, sáp nhập, hợp nhất hoặc liên doanh.

LOI có thể được trình bày và điều chỉnh liên tục bởi các bên. Việc này giúp tạo điều kiện cho các bên có thể trao đổi thoải mái về các điều khoản cốt lõi, trước khi đi đến thỏa thuận chính thức.

Về mặt pháp lý, LOI thường không bắt buộc các bên phải thực hiện giao dịch như một bản hợp đồng. Tuy nhiên, một số điều khoản nhất định trong LOI có thể buộc các bên phải tuân theo. Do đó khi soạn thảo nội dung LOI cần phải làm phần nào có tính ràng buộc và không.

Theo Investopedia, LOI là một văn bản thể hiện các ý định của một bên trong việc kinh doanh với bên kia. LOI có thể được sử dụng trong nhiều tính huống khác nhau, thường là trong mối quan hệ kinh doanh giữa khách hàng và nhà cung cấp, hoặc trong mối quan hệ sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp. Do vậy, tùy vào từng lĩnh vực, LOI sẽ có ý nghĩa khác nhau.

Vai trò của LOI

Trong M&A, LOI đóng vai trò là một bức thư phác họa ý định của bên mua về việc sáp nhập hoặc hợp nhất đối với công ty mục tiêu. Trong kinh doanh thương mại, LOI lại mang ý nghĩa là một lời đề nghị kinh doanh, có quy định cụ thể về loại hàng hóa, giá mua - bán, hình thức thanh toán, thời gian và địa điểm thực hiện giao nhận hàng hóa,...

Trên thực tế, một bức thư ý định thường mang vai trò của một biên bản ghi nhớ (MOU). Theo luật pháp Hoa Kỳ, MOU, biên bản thỏa thuận và thư bày tỏ ý định hầu như không thể phân biệt được dựa trên các án lệ. Tất cả chúng đều phác thảo các ý định, đề nghị của các bên cho một thỏa thuận chung.

Nhìn chung, một thư ý định thường không mang tính chất ràng buộc và không được xem là một hợp đồng chính thức. LOI có thể được trình bày và điều chỉnh liên tục bởi các bên. Việc này giúp tạo điều kiện cho các bên có thể thoải mái trao đổi về các điều khoản cốt lõi, trước khi đi đến thỏa thuận chính thức. Cũng có một số trường hợp nội dung LOI lại mang tính chất ràng buộc nếu các bên đều đồng ý với điều khoản đó, ví dụ như điều khoản no-shop, hoặc thỏa thuận không tiết lộ thông tin.

Điều khoản No-shop
Điều khoản “no-shop” hay “no-shop clause” là một thỏa thuận xuất hiện trong một thương vụ M&A giữa công ty mục tiêu và người mua tiềm năng, với mục đích ngăn cản công ty mục tiêu thu hút thêm nhiều người mua tham gia vào thương vụ.
NDA
NDA là “thỏa thuận bảo mật thông tin” hay “thỏa thuận không tiết lộ thông tin”.

Tuy không có quá nhiều ràng buộc về pháp lý, nhưng các chuyên viên thương mại và luật vẫn khuyên các chủ doanh nghiệp nên cẩn trọng khi sử dụng LOI. Trong trường hợp gặp phải những đối tác không thiện chí, các nội dung được cài cắm trong LOI có thể bị coi là thỏa thuận chính thức sau khi các bên ký tên vào. Theo ông Võ Đắc Khôi - Chuyên viên Trung tâm Thông tin Tư liệu Lãnh sự quán Mỹ: “Đã có nhiều trường hợp tranh chấp thương mại vì mỗi bên hiểu ý nghĩa của LOI mỗi khác nhau. Không ít trường hợp tòa cho rằng văn bản vẫn có tính ràng buộc và tuyên bố, buộc người bán phải bán và người mua thực hiện thỏa thuận khi hai bên muốn nuốt lời.”

Sử dụng LOI

Một số giao dịch đơn giản có thể không cần thư bày tỏ ý định. Ngược lại, với các giao dịch lớn có tính chất phức tạp, một văn bản bày tỏ ý định có thể giúp định hình các vấn đề chính cần giải quyết rõ ràng cho các bên, mở đầu cho các cuộc đàm phán chính thức sau này.

Để viết một lá thư ý định, cách đơn giản nhất là sử dụng những mẫu có sẵn được chia sẻ trên mạng. Trong các giao dịch kinh doanh lớn có tính chất phức tạp, LOI thường được soạn bởi các cố vấn pháp lý của công ty.

Nội dung LOI

Các nội dung chính của thư bày tỏ ý định sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thỏa thuận kinh doanh cụ thể. Nhưng nhìn chung, các nội dung sau đây thường được xuất hiện:

Phần giới thiệu

Phần giới thiệu sẽ bao gồm tuyên bố về mục đích của LOI, đồng thời ghi chú về ngày hiệu lực của thư ý định. Một số thuật ngữ có thể gây hiểu nhầm hoặc cần được giải thích rõ cũng sẽ được miêu tả ở phần này.

Mẫu thư ý định. Nguồn: Corporate finance institute.
Mẫu thư ý định. Nguồn: Corporate finance institute.

Xác định các bên tham gia

Thông tin về người mua, người bán và các bên khác có liên quan được liệt kê đầy đủ trong phần này để tránh gây nhầm lẫn.

Giao dịch và thời gian

Phần này thường chứa các mô tả chung về giao dịch và cấu trúc giao dịch. Bao gồm loại hình giao dịch kinh doanh sẽ được ký kết. Cấu trúc giao dịch sẽ gồm hình thức giao dịch, giá thực hiện mà bên gửi thư ý định mong muốn. Mục này thường sẽ được đàm phán thêm trong tương lai.

Các bên có thể muốn đặt ra một số thời hạn để đảm bảo quy trình diễn ra nhanh chóng một cách hợp lý trong khi vẫn cho phép khả năng gia hạn nếu cả hai bên đồng ý.

Điều khoản dự phòng. Dự phòng thường đề cập đến các yêu cầu để đảm bảo kiểm soát và xử lý các rủi ro có thể xảy ra cho thương vụ. Chúng bao gồm yêu cầu về việc đảm bảo tài chính của bên mua, hay các thỏa thuận về hướng giải quyết tranh chấp nếu có.

Thẩm định - Due diligence. Một hoặc cả hai bên có thể tự mình hoặc nhờ bên thứ ba thẩm định bên còn lại, nhằm đảm bảo các thông tin được cung cấp là chính xác. Hoặc việc thẩm định cũng được thực hiện với thương vụ, dự án để xác định tính khả thi.

Thỏa thuận không tiết lộ hoặc bảo mật. Thỏa thuận này được đưa vào nhằm ngăn cản một bên tiết lộ thông tin bí mật thu được từ đối tác trong quá trình thẩm định.

Thỏa thuận không cạnh tranh: Một thỏa thuận không cạnh tranh có thể được đưa vào để ngăn một trong hai bên sử dụng thông tin được chia sẻ trong quá trình đàm phán để cạnh tranh với nhau.

Thỏa thuận không lôi kéo. Loại thỏa thuận này được đưa vào để ngăn các bên lôi kéo nhân viên hoặc khách hàng của nhau.

Mốc thời gian. Bức thư có thể bao gồm thời hạn kết thúc các cuộc đàm phán. Điều này giúp các bên có thể quản lý được thời gian và chủ động lên kế hoạch cụ thể cho thương vụ, đảm bảo mọi thứ được diễn ra suôn sẻ.

Ghi chú về phần ràng buộc và không ràng buộc. Phần này thường được đưa vào để các bên nắm rõ phần nào của bức thư có tính chất ràng buộc. Trong trường hợp LOI không chứa các điều khoản ràng buộc, người soạn thảo cũng nên ghi chú một câu để nói rõ bức thư này không phải là một ràng buộc pháp lý cho đến khi hợp đồng được ký.

Chữ ký. Các bên nên ký tên và ghi ngày vào thư ý định thư sau khi đã đồng ý với các điều khoản của nó.

Dưới đây là một ví dụ về LOI trong kinh doanh:


[Tên và chức vụ của người mua]

[Công ty của người mua]

[Địa chỉ của người mua]


Kính gửi [Tên người bán],


Mục đích của thư này nhằm đề xuất thương vụ kinh doanh cùng có lợi cho các bên sau:

Bên mua: .........................

Bên bán: ............................


Trong đó Bên mua mong muốn mua lại doanh nghiệp, vật liệu, dịch vụ hoặc các tài sản khác được liệt kê trong thư này từ bên bán. Bức thư này cũng phác thảo một số điều khoản và điều kiện sẽ được thỏa thuận trong tương lai, cũng như một số thỏa thuận sơ bộ về việc trao đổi thông tin và tài liệu nên diễn ra trước khi đi vào đàm phán.


1. Giao dịch và thời hạn

Giao dịch bao gồm việc bên mua sẽ mua lại các tài sản được liệt kê trong Phụ lục 01 kèm theo thư này từ bên bán, với tổng giá trị giao dịch dự kiến sẽ là: XXX đồng. 


2. Điều khoản dự phòng

Trước khi các bên có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng, Bên mua cần thực hiện một quy trình thẩm định đối với một số thông tin như hồ sơ tài chính, kế toán và kinh doanh, hợp đồng và các tài liệu pháp lý khác của Bên bán cho đến khi khi giao kết hợp đồng chính thức. Các thông tin, hồ sơ sẽ được liệt kê cụ thể trong phục lục số 02 kèm theo thư này. 


3. Thông báo công khai và Thỏa thuận bảo mật

Tất cả các bên đồng ý không tiết lộ bất kỳ thông tin nào ra bên ngoài về nội dung thư ý định này, cũng như nội dung của bất kỳ cuộc đàm phán nào sẽ diễn ra trong tương lai nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của bên còn lại. Tất cả thông tin mà Bên mua và Bên bán chia sẻ sẽ được bảo mật nghiêm ngặt giữa các bên và đại diện pháp lý của họ.


4. Các chi phí

Tất cả các bên đồng ý tự chịu các chi phí phát sinh của mình trong quá trình đàm phán, bao gồm bất kỳ khoản phí pháp lý hoặc phí tư vấn nào có thể phát sinh từ thủ tục thẩm định.


5. Thỏa thuận không ràng buộc

Ngoại trừ điều 3 về “Thông báo công khai và Thỏa thuận bảo mật”, các nội dung khác của ý định thư này đều không có tính ràng buộc đối với các bên. 


6. Ngày kết thúc

Việc đàm phán và ký kết hợp đồng được thực hiện kể từ lúc Bên mua nhận được thư này và kết thúc không trễ hơn ngày 11/12/2023. Trong trường hợp các bên không đi đến giao kết hợp đồng, điều khoản "Thông báo công khai và Thỏa thuận bảo mật" vẫn có hiệu lực.


Trân trọng,


Bên mua đồng ý và ký tên                                          Bên bán đồng ý và ký tên



.................................... Ngày:............ ..                               ................................Ngày:............ ...................


Lời khuyên về việc soạn thảo và sử dụng LOI

Theo ý kiến từ các chuyên gia, thư ý định nên đóng vai trò là bảng mô tả nhằm hướng đến việc giao kết hợp đồng chính thức giữa các bên. Nó không nên là một thỏa thuận cuối cùng. Do đó, ngôn ngữ được thể hiện trong LOI nên hướng đến việc đề xuất một cuộc đàm phán. Ngay cả khi một ý định thư đã được các bên ký tên, nó cũng không nên ràng buộc các bên phải cam kết sẽ thực hiện thương vụ.

Một lá thư bày tỏ ý định cũng nên ngắn gọn và đơn giản. Một bức thư dài và phức tạp thường sẽ làm người nhận đề phòng vì chúng trông giống một thỏa thuận với các điều khoản được cài cắm có chủ đích. Nếu một bên muốn ràng buộc bất kỳ điều khoản nào, những điều khoản đó cũng nên được ghi chú rõ là “có ràng buộc” và kèm theo chế tài cụ thể.

Dưới đây là một số điều khoản nên được dán nhãn là “có ràng buộc” trước khi gửi cho bên còn lại:

  • Thời hạn kết thúc đàm phán;
  • Thời gian cho việc thẩm định - due diligence;
  • Bảo mật thông tin;
  • Điều khoản không cạnh tranh; và
  • Độc quyền đối với giao dịch.

Sau khi ký vào thư bày tỏ ý định, không tiết lộ thông tin bí mật liên quan đến thư hoặc giao dịch được đề xuất mà không có sự đồng ý của bên kia.

LOI nên lập thành nhiều bản sau khi được ký kết, mỗi bên sẽ giữ ít nhất một bản.

Nếu thương vụ này mang tính phức tạp, tốt nhất hãy để một luật sư có kinh nghiệm cố vấn cho việc soạn thảo LOI để tránh các rủi ro pháp lý có thể xảy ra.


Nguồn tham khảo:

  1. https://www.investopedia.com/ask/answers/042715/what-difference-between-letter-intent-and-memorandum-understanding.asp#:~:text=A%20letter%20of%20intent%20is%20a%20document%20declaring%20the%20preliminary,or%20more%20parties%20have%20reached.
  2. https://corporatefinanceinstitute.com/resources/valuation/letter-of-intent-loi-template/
  3. https://thesaigontimes.vn/phat-hanh-thu-dien-ta-y-dinh-loi-nhu-the-nao/
  4. https://exitpromise.com/letter-of-intent-to-purchase-business/