LBO là gì?

...

LBO - Leveraged buyouts là một trong những cách thực hiện M&A, trong đó bên mua chủ yếu sử dụng nợ vay để thực hiện thương vụ.

LBO
💡
LBO chủ yếu được thực hiện bởi một quỹ đầu tư PE hoặc đội ngũ quản lý hiện tại của công ty mục tiêu với mục đích thâu tóm, sau đó dùng chính tài sản và dòng tiền của công ty mục tiêu để thanh toán các khoản vay.

LBO thường được bên mua ưa chuộng, vì nếu thành công, thương vụ này sẽ mang lại một tỷ suất sinh lời trên vốn (ROI) cao hơn do vốn ban đầu bỏ ra rất ít.

Thông thường, sau khi thâu tóm, người mua sẽ làm nhiều cách để tác động vào công ty mục tiêu, nhằm tạo ra dòng tiền để trang trải các khoản vay, hoặc làm tăng giá trị công ty để bán lại.

Theo Investopedia, LBO là việc mua lại một công ty khác bằng cách sử dụng nợ làm nguồn tài trợ chính. Các thương vụ LBO thường có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy từ nợ vay khá cao, thường trên 70%, thậm chí 90% giá trị thương vụ.

LBO chủ yếu được thực hiện bởi một quỹ đầu tư PE hoặc đội ngũ quản lý hiện tại của chính công ty mục tiêu với mục đích thâu tóm, sau đó dùng chính tài sản và dòng tiền của công ty mục tiêu để thanh toán các khoản vay. Cấu trúc của một thương vụ LBO tuy phức tạp, nhưng về bản chất lại giống như các khoản vay mua nhà với tài sản thế chấp là chính ngôi nhà đó.

LBO cũng thường được biết đến như một chiến lược thâu tóm thù địch vì Hội đồng quản trị của công ty mục tiêu có thể không muốn thương vụ được thông qua. Các thương vụ LBO có xu hướng xảy ra nhiều hơn khi lãi suất thị trường giảm, giúp chi phí vay rẻ hơn.

Thâu tóm thù địch
Thâu tóm thù địch (Hostile Takeover) là một thương vụ M&A với đặc điểm chính là ban quản trị của công ty bị thâu tóm không muốn thỏa thuận này được thực hiện.

Tại sao lại chọn LBO?

LBO được xem như là một trong những cách thực hiện M&A. Theo đó, thay vì tự dùng tiền của chính mình để thâu tóm một công ty, bên mua sẽ tận dụng vị thế tín dụng để huy động nguồn vốn vay khổng lồ thực hiện thương vụ. Nếu thành công, thương vụ này sẽ mang lại cho bên mua một tỷ suất sinh lời trên vốn - ROI cao hơn do vốn ban đầu bỏ ra rất ít.

Về phía chủ sở hữu của công ty mục tiêu, đây cũng là một lựa chọn tốt để thoái vốn khỏi doanh nghiệp khi họ có kế hoạch rút lui và nghỉ hưu. Hơn nữa với các công ty đã tăng trưởng và đang bão hòa, để tìm được người mua có tiềm lực tài chính mạnh thực sự rất khó. Do vậy LBO có thể là một chiến lược có lợi cho cả hai bên.

Cách LBO tạo ra giá trị?

Thông thường, bên mua sẽ làm nhiều cách để tác động vào công ty mục tiêu sau khi thâu tóm, nhằm tạo ra dòng tiền để trang trải các khoản vay, hoặc làm tăng giá trị công ty để bán lại. Có bốn kịch bản chính thường được sử dụng trong các thương vụ LBO:

Repackaging plan - Kế hoạch đóng gói lại

Repackaging plan là chiến lược được sử dụng ở hầu hết các quỹ PE. Với kịch bản là các quỹ PE sẽ mua lại các công ty đại chúng đang trong giai đoạn bão hòa hoặc suy thoái, sau biến chúng thành “công ty tư nhân”, tư nhân ở đây có nghĩa là công ty chưa đại chúng. Quá trình này còn được gọi là “going private”, thường là hủy niêm yết, và chuyển loại hình doanh nghiệp từ công ty cổ phần thành công ty TNHH. Sau đó các quỹ PE sẽ thực hiện cải tổ hoạt động của công ty mục tiêu và bán lại thông qua IPO để thu về lợi nhuận.

Split-up plan - Kế hoạch chia tách

Kế hoạch chia tách diễn ra khi một công ty được cho là sẽ có giá trị hơn nếu các mảng kinh doanh của nó được tách ra hoạt động riêng lẻ. Khi nhìn ra điều này, những nhà quản lý, quỹ đầu tư bên ngoài sẽ tìm cách mua lại công ty đó và bắt đầu chia tách, bán bớt các bộ phận kinh doanh không liên quan với nhau với tổng giá trị bán cao hơn giá trị của công ty được mua lại ban đầu.

Portfolio plan - danh mục đầu tư

Kế hoạch này giống với những mục tiêu M&A truyền thống, nghĩa là một công ty sẽ tìm cách mua lại công ty khác nếu nhận thấy lợi ích đáng đáng kể từ sự kết hợp. Trong đầu tư PE, các quỹ PE sẽ tìm cách thâu tóm một công ty khác bằng LBO nếu nhận thấy nó sẽ có ích nếu kết hợp với một trong số các công ty mà họ đang kiểm soát.

Saviour plan - kế hoạch cứu tinh

Trong một kế hoạch cứu tinh, những nhà quản lý của công ty đang gặp khó khăn về tài chính sẽ tìm cách đi vay một khoản tiền, để mua lại công ty đó từ những cổ đông khác với kỳ vọng có thể đưa công ty trở lại ổn định. Trường hợp này còn được gọi là MBO - Management Buyout hoặc LMBO - Leveraged Management Buyout. Trong tất cả các kịch bản LBO, đây chắc chắn là rủi ro nhất, vì suy cho cùng sau khi mua lại, công ty sẽ phải gánh thêm một khoản nợ lớn, và có thể phải bán bớt tài sản và cắt giảm chi phí mạnh mẽ để có thể tiếp tục hoạt động.

Ưu - nhược điểm

LBO có các ưu điểm sau:

  • Cho phép các nhà quản lý khả năng nắm quyền kiểm soát và tạo ra giá trị cho các công ty mà họ không thể mua được.
  • Khoản nợ ban đầu sẽ được chuyển sang cho công ty mục tiêu sau khi hoàn tất thương vụ. Điều này có thể tạo lợi thế từ lá chắn thuế hơn so với việc sử dụng vốn tự có để thâu tóm.
  • Bên mua sử dụng LBO có thể đạt được ROI cao hơn, do ít sử dụng vốn tự có hơn.
Lãi vay - lá chắn thuế hiệu quả cho doanh nghiệp
Lợi thế của doanh nghiệp khi sử dụng vốn vay là chi phí lãi vay sẽ được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Do đó, lãi vay thường được ví như “lá chắn thuế” (tax-shield) giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một phần chi phí thuế. Cụ thể công cụ này là gì, hãy cùng ProFin tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

LBO có các nhược điểm:

  • Nhược điểm lớn nhất của LBO là tạo gánh nặng về nợ cho công ty mục tiêu, có khả năng cản trở sự tăng trưởng do dòng tiền được dùng nhiều vào việc trả lãi vay thay vì tập trung vào phát triển sản phẩm, dịch vụ.
  • LBO có thể cản trở sự tăng trưởng của công ty, do đó việc Hội đồng quản trị của công ty mục tiêu chấp nhận lời đề nghị mua lại có thể đi ngược lại sứ mệnh phục vụ vì lợi ích công ty, từ đó cũng gây xung đột lợi ích với các cổ đông khác.

Những thương vụ LBO điển hình

Khách sạn Hilton

Năm 2007, Tập đoàn Blackstone đã mua Khách sạn Hilton với giá 26 tỷ USD, được tài trợ bằng 5,5 tỷ USD tiền mặt và 20,5 tỷ USD nợ. Khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 bắt đầu, Hilton gặp vấn đề lớn, doanh thu và dòng tiền giảm sút. Tuy nhiên, sau đó, hoạt động của Hilton được cải thiện và Blackstone đã bán lại khoản đầu tư này với mức lợi nhuận thu được gần 10 tỷ USD.

Gibson Greeting Cards

Năm 1982, Wesray Capital mua lại Gibson Greeting Cards với giá mua là 80 triệu USD. Thỏa thuận được tài trợ bằng 1 triệu USD tiền mặt, trong khi phần còn lại được vay bằng cách phát hành trái phiếu rác hay trái phiếu rủi ro cao (junk bond). Hơn một năm sau đó, Wesray bán Gibson Greeting Cards với giá 220 triệu USD, tức ROI lên đến hơn 2.200% - gấp 220 lần vốn ban đầu bỏ ra.

Bia Sài Gòn - Sabeco

Đây được coi là thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam tại thời điểm diễn ra, với tổng giá trị thương vụ gần 110.000 tỷ đồng để mua 53,6% vốn điều lệ SAB, mức giá bán thành công cũng cao kỷ lục: 320.000 đồng/cổ phiếu. Để mua lại Sabeco, ThaiBev - công ty đồ uống lớn nhất Thái Lan và công ty con là Beerco (ThaiBev sở hữu 100%) đã thành lập một pháp nhân tại Việt Nam là là công ty TNHH Vietnam Beverage để tham gia đấu thầu.

Để thực hiện thương vụ, ThaiBev và Beerco đã vay khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng) từ các ngân hàng Thái Lan, Singapore, số tiền này được rót cho Vietnam Beverage dưới hình thức cho vay. Cuối năm 2018, Vietnam Beverage và BeerCo đã ký một thỏa thuận chuyển đổi toàn bộ số tiền vay và lãi hơn 111.200 tỷ đồng vào tăng vốn điều lệ cho Vietnam Beverage. Động thái này cũng góp phần giảm nợ ngắn hạn nước ngoài của Việt Nam khoảng 4,9 tỷ USD.


Nguồn tham khảo

  1. https://www.investopedia.com/terms/l/leveragedbuyout.asp
  2. https://corporatefinanceinstitute.com/resources/valuation/leveraged-buyout-lbo/
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Mua_l%E1%BA%A1i_d%C3%B9ng_%C4%91%C3%B2n_b%E1%BA%A9y
  4. https://dealroom.net/faq/the-ultimate-guide-to-leveraged-buyout
  5. https://www.wallstreetmojo.com/what-is-lbo/