Tài trợ hàng tồn kho là gì?

...

Tài trợ hàng tồn kho đề cập đến khoản vay ngắn hạn hoặc hạn mức tín dụng được cấp cho doanh nghiệp để mua hàng hóa.

Tài trợ hàng tồn kho
💡
Tài trợ hàng tồn kho thường được cung cấp dưới hai hình thức, khoản vay và hạn mức tín dụng quay vòng.

Hình thức tài trợ này phổ biến đối với các nhà bán lẻ, bán buôn vừa và nhỏ, đặc biệt với những doanh nghiệp thường có lượng hàng tồn kho lớn.

Hình thức tài trợ này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh có yếu tố thời vụ, các doanh nghiệp có thể dùng khoản vay để mua tích trữ hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu tăng đột biến vào mùa cao điểm.

Theo Investopedia, tài trợ hàng tồn kho (Inventory Financing) đề cập đến khoản vay ngắn hạn hoặc hạn mức tín dụng được cấp cho doanh nghiệp để mua hàng hóa. Những hàng hóa này cũng đóng vai trò là tài sản thế chấp cho khoản vay.

Về bản chất hoạt động tài trợ hàng tồn kho cũng giống như hoạt động vay có tài sản thế chấp. Cụ thể bên đi vay sẽ dùng hàng tồn kho để thực hiện thế chấp cho một khoản vay, thường là ngắn hạn, và đồng ý thanh toán gốc và lãi theo định kỳ như thỏa thuận. Bên cho vay sẽ căn cứ vào tài sản thế chấp mà bên vay đưa ra, tức số hàng tồn kho, để tính số tiền cho vay, cũng như lãi suất và thời hạn khoản vay phù hợp. Bên cho vay cũng có quyền thanh lý hàng tồn kho được dùng làm tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nếu bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ được quy định trong hợp đồng.

Hình thức tài trợ này phổ biến đối với các nhà bán lẻ, bán buôn vừa và nhỏ, đặc biệt với những doanh nghiệp thường có lượng hàng tồn kho lớn. Những doanh nghiệp chọn tài trợ hàng tồn kho thường do khó tiếp cận được với những hình thức tín dụng có yêu cầu khắt khe về lịch sử tín dụng, đảm bảo bằng các tài sản khác, hoặc khó có khả năng tiếp cận các kênh huy động vốn như trái phiếu, cổ phiếu.

Hàng tồn kho
Hàng tồn kho là một loại tài sản lưu động của doanh nghiệp, bao gồm những sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra để bán hoặc là những nguyên vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm.

Phân loại

Tài trợ hàng tồn kho thường được cung cấp dưới hai hình thức, khoản vay và hạn mức tín dụng quay vòng.

Khoản vay: tài trợ hàng tồn kho thường là hình thức vay ngắn hạn, với hình thức giống như một khoản vay thế chấp thông thường có tài sản đảm bảo là hàng tồn kho. Bên cho vay cung cấp cho công ty một số tiền cụ thể. Công ty đồng ý thực hiện các khoản thanh toán cố định hàng tháng hoặc thanh toán toàn bộ khoản vay sau khi hàng tồn kho được bán.

Hạn mức tín dụng quay vòng (Revolving line of credit): Hình thức tài trợ này cung cấp cho doanh nghiệp một hạn mức tín dụng quay vòng, nó cho phép doanh nghiệp có thể tiếp cận với khoản vay bất cứ khi nào, miễn là số tiền không vượt quá hạn mức tối đa.

Điều kiện để tiếp cận tài trợ hàng tồn kho

Để tiếp cận được một khoản vay tài trợ hàng tồn kho, doanh nghiệp phải đáp ứng một số yêu cầu của ngân hàng / tổ chức tín dụng, như:

  • Hồ sơ tín dụng tốt: một số ngân hàng có thể sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ quá hạn hoặc nợ xấu.
  • Giá trị hàng tồn kho: doanh nghiệp khi đề nghị vay vốn cũng cần cung cấp cho ngân hàng danh sách hàng tồn kho dự kiến mua, và giá trị của chúng. Doanh nghiệp cũng cần giải thích rõ phương pháp đang áp dụng để tính giá trị hàng tồn kho, như LIFO, FIFO, hay bình quân gia quyền,.
  • Kế hoạch kinh doanh: doanh nghiệp cần cung cấp thông tin tổng quan về kế hoạch kinh doanh, cũng như kế hoạch thanh toán khoản vay của mình. Dựa trên kế hoạch, ngân hàng có thể quyết định thời hạn vay, thời điểm trả nợ cũng như đưa ra các quy định về phạt quá hạn thanh toán.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng thường cân nhắc tài trợ hàng tồn kho theo từng trường hợp cụ thể, với các yếu tố như:

  • Giá trị có thể thanh lý,
  • Tính dễ hư hỏng của hàng hóa,
  • Thời gian tồn kho trung bình của doanh nghiệp theo chu kỳ kinh doanh,
  • Khả năng chống thất thoát hàng tồn kho của doanh nghiệp,...
Giá trị hàng tồn kho
Giá trị hàng tồn kho được hiểu là giá trị ghi sổ của hàng tồn kho, được thể hiện trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Giá trị hàng tồn kho bao gồm giá trị đầu kỳ và giá trị cuối kỳ.

Ưu nhược - điểm của hình thức tài trợ hàng tồn kho

Ưu điểm

Tài trợ hàng tồn kho là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn lưu động, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ, bán buôn cỡ vừa và nhỏ, thường khó huy động vốn do thiếu lịch sử tài chính, giá trị doanh nghiệp không cao và tài sản chủ yếu tập trung vào hàng hóa để bán.

Hình thức tài trợ này đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh có yếu tố thời vụ, các doanh nghiệp có thể dùng khoản vay để mua tích trữ hàng hóa đáp ứng cho nhu cầu tăng đột biến vào mùa cao điểm.

Nhược điểm

Các doanh nghiệp mới thành lập hoặc có quy mô vừa và nhỏ có thể chịu áp lực tài chính lớn khi nhận tài trợ hàng tồn kho. Áp lực tài chính có thể lớn hơn với các doanh nghiệp có thời gian tồn kho lâu, vì trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn thanh toán lãi và gốc với khoản vay theo thỏa thuận.

Trong một số trường hợp, ngân hàng có thể không giải ngân đủ số tiền cần thiết để mua hàng tồn kho do e ngại rủi ro có thể xảy ra.

Chi phí đi lãi vay có thể cao đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính do ngân hàng đánh giá rủi ro cho khoản vay này thường cao.

Các ngân hàng cũng gặp nhiều rủi ro trong việc quản lý, kiểm soát hàng tồn kho như:

  • Khó xác minh giá trị hàng hóa, do hàng tồn kho thường được quản lý bởi doanh nghiệp;
  • Hàng tồn kho thường bị hư hỏng hoặc mất giá theo thời gian do lỗi thời,...
  • Hàng hóa trong kho cũng thường chịu các rủi ro thảm họa như hỏa hoạn, lũ lụt hay, trộm cắp;...
Rủi ro hàng tồn kho
Rủi ro hàng tồn kho là khả năng doanh nghiệp không thể bán được hàng hoặc hàng tồn kho bị giảm giá trị.

Nguồn tham khảo

  1. https://www.investopedia.com/terms/i/inventory-financing.asp
  2. https://www.wallstreetmojo.com/inventory-financing/