3 yếu tố CFO cần có trong bối cảnh đổi mới và đầy biến động

...

Trong thời kỳ kinh tế có nhiều biến động khó lường, vai trò của CFO (Chief Financial Officer: Giám đốc Tài chính) trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với một doanh nghiệp. Như vậy, CFO cần sở hữu những kỹ năng gì để đưa ra dự báo và kế hoạch tốt hơn cho doanh nghiệp?

3 yếu tố CFO cần có trong bối cảnh đổi mới và đầy biến động
Nguồn ảnh: Kindel Media / Pexels.

Khả năng ứng dụng công nghệ vào xử lý dữ liệu

Đối với CFO, họ cần đánh giá, phân tích các dữ liệu để đưa ra dự báo và lập kế hoạch ngân sách. Sau đó, nhiệm vụ của họ là giải thích cho ban lãnh đạo cấp cao và Hội đồng Quản trị về những dữ liệu đó. Tim Murphy - CEO của Boomers Parks cho biết, một CFO xuất sắc cần biết cách giải thích cho Giám đốc Điều hành, cũng như các thành viên Hội đồng Quản trị hiểu được ý nghĩa của những con số trong báo cáo tài chính. Sau đó, CFO cần đưa ra giải pháp khắc phục những vấn đề đang phải đối mặt, cũng như các đề xuất cải thiện kết quả kinh doanh trong tương lai.

Để có được những con số trên, người đứng đầu phòng ban Tài chính cần biết cách thu thập và phân tích dữ liệu nhằm đưa ra các dự báo về dòng tiền của doanh nghiệp, cũng như những rủi ro có thể xảy ra. Trong thời đại ngày nay, hầu hết mọi loại dữ liệu đều được thu thập nhờ các công cụ hỗ trợ, thay vì thực hiện bằng phương thức thủ công. Điều đó đòi hỏi người CFO không chỉ cần có chuyên môn cao về tài chính doanh nghiệp, mà còn sở hữu những kỹ năng số khác.

Theo kết quả báo cáo CFO Việt Nam 2021 do KPMG thực hiện, trong vòng 3-5 năm tới, nghiệp vụ tài chính sẽ ngày càng có mối liên hệ mật thiết với cyber security (an ninh mạng), strategic development (phát triển chiến lược) và data analytics, IT & Process Automation (phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin và quy trình tự động hoá). Những khía cạnh này sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, tiết kiệm thời gian và nhân lực, đồng thời gia tăng mức độ bảo mật. Từ đó, CFO sẽ có thêm nhiều lợi thế để vạch ra chiến lược dài hạn tốt hơn cho doanh nghiệp trong tương lai.

KPMG Vietnam CFO Survey: Vị thế bền vững của CFO trong bối cảnh còn nhiều bất ổn
Trong thời gian sắp tới, phòng ban Tài chính nói chung, cũng như CFO nói riêng sẽ có vai trò thiết yếu đối với việc giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn về mặt kinh tế - xã hội để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện tại vấn đề áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý công việc liên quan đến dữ liệu của bộ phận tài chính đang gặp nhiều khó khăn. Theo kết quả khảo sát được công bố bởi Datarails, 41% lượng công việc liên quan đến dữ liệu vẫn được xử lý bằng cách thủ công, thay vì áp dụng quy trình tự động hóa nhằm tiết kiệm thời gian và nhân lực. Đáng chú ý, 81% CFO được khảo sát cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các vị trí cấp cao khác, bởi vì lượng công việc phải giải quyết bằng cách thủ công quá lớn. Điều này mang lại rất nhiều hệ quả tiêu cực, trong đó tình huống tệ nhất là khiến ban lãnh đạo cấp cao có cái nhìn sai về bức tranh tài chính thực tế của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để quá trình làm việc với dữ liệu tinh gọn và hiệu quả hơn, việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tự động hóa bắt buộc phải được thực hiện. Thế nên, người đứng đầu bộ phận tài chính cần có trách nhiệm tối ưu hoạt động vận hành phòng ban tài chính nói riêng, cũng như toàn thể doanh nghiệp nói chung. Từ đó, CFO và nhân sự tài chính sẽ có nhiều thời gian tập trung vào những nhiệm vụ mang tầm chiến lược, thay vì mất quá nhiều công sức cho các tác vụ cơ bản và mang tính lặp đi lặp lại.

Nhìn vào bức tranh vĩ mô nhằm tối ưu chiến lược cho doanh nghiệp

Theo chia sẻ trên trang Fortune của Mark T. Williams - Giảng viên Khoa tài chính có hơn 20 năm giảng dạy tại Trường Kinh doanh Questrom thuộc Đại học Boston, một CFO sẽ cần có thế mạnh vượt trội trong việc lập chiến lược, quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ số và nhạy bén với những con số. Bên cạnh kinh nghiệm giảng dạy, Williams đã từng đảm nhận các vị trí như: Senior Trading Floor Executive (Giám đốc Điều hành cấp cao Sàn Giao dịch), Bank Trust Officer (Nhân viên Ủy thác tín nhiệm Ngân hàng) và Bank Examiner (Nhân viên Thẩm định) tại Ngân hàng Federal Reserve.

Do đó, với kinh nghiệm dày dặn của bản thân, ông cho rằng kỹ năng làm việc với số liệu là yếu tố bắt buộc đối với mọi CFO, tuy nhiên có thế thì chưa đủ để trở thành một CFO xuất sắc. Vì lẽ đó, Williams nhấn mạnh, các chương trình giảng dạy về tài chính cấp bậc sau đại học đều chú trọng vào kỹ năng đánh giá, đo lường rủi ro để đưa ra quyết định. Bởi vì vai trò của CFO có ảnh hưởng lớn đối với chiến lược của doanh nghiệp, nên họ cần chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy đến.

Một người CFO cần có tầm nhìn xa và rộng, vượt ra khỏi phạm vi doanh nghiệp. Nguồn ảnh: Kampus Production / Pexels.

Đáng chú ý, tỷ lệ các tổ chức ngày nay phải đối mặt với rủi ro cao hơn rất nhiều so với trước kia. Điều đó đòi hỏi CFO cần có tầm nhìn vĩ mô, vượt ra khỏi phạm vi doanh nghiệp. Vanessa Kanu - CFO của TELUS International cho biết, thế giới đang bước vào xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, các CFO cần có nhận thức cao về những sự kiện đáng chú ý đang diễn ra trên khắp thế giới. Điều này giúp CFO nhanh chóng đưa ra giải pháp cho các vấn đề khó khăn, đồng thời kịp thời lên kế hoạch tiếp cận với những cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Vậy nên, CFO ngày nay cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế, cũng như khía cạnh xã hội và chính trị. Dịch bệnh, xung đột chính trị trong những năm vừa qua là minh chứng cho thấy những vấn đề toàn cầu có tác động mạnh mẽ đối với sự sinh tồn và lớn mạnh của mọi doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới. Vì thế, một người CFO luôn nắm bắt tình hình xung quanh cùng với óc nhạy bén sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi vượt qua giai đoạn khó khăn, thậm chí phát triển mạnh mẽ. Nhìn chung, người CFO cần có tầm nhìn xa và rộng nhằm nhận biết, đánh giá rủi ro trong phạm vi nội bộ, cũng như các yếu tố bên ngoài. Từ đó, CFO sẽ phối hợp với bộ phận FP&A (Financial Planning and Analysis: lập kế hoạch và phân tích tài chính) nhằm tối ưu hóa các dự báo, đưa ra đề xuất phù hợp với định hướng cốt lõi của doanh nghiệp.

Biết cách trao quyền và đào tạo nhân tài

Kỹ năng cuối cùng và quan trọng không kém, đó là khả năng trao quyền  (empower) cho đúng người. Dave Arnold - Executive Recruiter (Chuyên gia Tuyển dụng cấp cao các vị trí C-Level) chia sẻ, một CFO dù xuất sắc đến mấy cũng không thể nào tự mình giải quyết tất cả mọi thứ. Do đó, việc tìm kiếm và trao quyền cho các nhân sự tài năng sẽ tăng hiệu quả công việc, đồng thời giúp CFO dễ dàng kiểm soát và xử lý những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.

CFO cần biết cách trao quyền cho những nhân viên tài năng để nâng cao hiệu suất công việc. Nguồn ảnh: fauxels / Pexels.

Vì thế, người đứng đầu bộ phận tài chính là CFO cần có năng lực lãnh đạo, đánh giá năng lực từng nhân viên, sau đó phân bổ nhiệm vụ hợp lý. Ngoài ra, điều quan trọng đó là tạo điều kiện cho nhân viên nâng cao kỹ năng, cũng như đưa ra lộ trình sự nghiệp thăng tiến rõ ràng. CFO nên thảo luận với ban lãnh đạo cấp cao để xây dựng những chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn cho nhân viên. Điều này vừa cải thiện hiệu suất, vừa tăng mức độ hài lòng và mong muốn gắn bó lâu dài của những nhân sự tài năng.

Chris Spurio - President of Financial Services (Chủ tịch bộ phận Dịch vụ Tài chính) tại công ty tư vấn dịch vụ kế toán - bảo hiểm CBIZ chia sẻ, bên cạnh các năng lực liên quan đến kỹ năng chuyên môn, nhân sự phòng ban tài chính cần nhiều hơn thế nữa. Cụ thể hơn, họ cần biết cách lãnh đạo, xây dựng mối liên kết bền vững với khách hàng, đối tác và chuyển đổi chiến lược (strategic transformations). Với sự hỗ trợ của đội ngũ nhân sự có đầy đủ các yếu tố trên, CFO chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp sống sót qua giai đoạn khó khăn và tăng trưởng mạnh mẽ khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi.

Quá trình đào tạo và trao quyền không chỉ dừng lại ở đó, yếu tố then chốt vẫn nằm ở khả năng giao tiếp và truyền đạt thông tin hiệu quả của người CFO. Spurio nói thêm, các nhân viên muốn được biết rằng những kỹ năng mới mà họ cần học hỏi có ý nghĩa ra sao đối với bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp. Lý do là vì các nhân viên trẻ ngày nay không chỉ làm việc vì thu nhập, họ mong muốn tìm thấy ý nghĩa và mục đích cao cả hơn từ công việc.

Tóm lại, trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới có quá nhiều biến động khó lường, các CFO cần biết cách ứng dụng công nghệ để phân tích và đánh giá dữ liệu; có góc nhìn vĩ mô nhằm định hướng và tối ưu chiến lược; và cuối cùng là biết trao quyền và đào tạo đội ngũ nhân sự tài năng. Do đó, các CFO nên có tư duy nhạy bén nhằm sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi để doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ.

Theo: Phong Nguyễn / ProFin tổng hợp