5 hiện tượng tâm lý thường thấy có thể khiến bạn gặp rắc rối về mặt tài chính

...

Kết quả nghiên cứu từ ResearchGate cho thấy, phần đông mọi người không nhận thức được tầm ảnh hưởng của xã hội và trạng thái tâm lý đối với hành vi tài chính.

5 hiện tượng tâm lý thường thấy có thể khiến bạn gặp rắc rối về mặt tài chính
Nguồn ảnh: Yosi Prihantoro / Unsplash

Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Journal of Communication, 90% các quyết định hằng ngày của chúng ta đều dựa trên cảm xúc bốc đồng. Không chỉ vậy, kết quả nghiên cứu từ ResearchGate cho thấy, phần đông mọi người không nhận thức được tầm ảnh hưởng của xã hội và trạng thái tâm lý đối với hành vi tài chính. Dưới đây là 5 hiệu ứng tâm lý thường gặp có thể gây ra tác động tiêu cực đối với các quyết định liên quan đến tiền bạc.

Hiệu ứng đám đông - Bandwagon effect

Đôi khi những thứ mang lại sự giàu có cho nhiều người chưa chắc sẽ mang lại kết quả tương tự với bạn. Tuy nhiên, mọi người thường có xu hướng đi theo đám đông, coi đó là một sự lựa chọn an toàn. Chẳng hạn như mọi người đổ xô đi mua cổ phiếu của một công ty nọ, đó chưa hẳn đã là điều tốt nhất cho bạn. Một số ví dụ điển hình xảy ra cách đây là không lâu là AMC Entertainment và GameStop. Không ít nhà đầu tư đổ tiền vào đây, và rồi kết quả chúng ta đều biết, hàng loạt người mất tiền khi biến cố xảy ra.

Lời khuyên ở đây là đừng vội chạy theo xu hướng ngoài kia. Trước khi bỏ tiền vào bất cứ thứ gì, hãy dành thời gian ngẫm nghĩ và cân nhắc kỹ càng. Bởi suy cho cùng, tiền là của bạn, quyền quyết định nằm trong tay bạn chứ không phải đám đông ngoài kia.

Thiên kiến xác nhận - Confirmation bias

Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias) là một thuật ngữ tâm lý, chỉ về xu hướng người ta chỉ ưu tiên những thông tin củng cố quan điểm cá nhân của họ. Ví dụ, một người yêu thích sản phẩm của công ty A sẽ có xu hướng đọc những bình luận tích cực, họ sẽ bỏ qua hoặc làm ngơ các đánh giá tiêu cực. Khi ra quyết định đầu tư, thiên kiến xác nhận sẽ làm chúng ra phớt lờ những thông tin hoặc cảnh báo đi ngược lại với ý định chủ quan hay kỳ vọng của mình. Điều này có thể đem đến rủi ro đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp của bạn. Đối với các khía cạnh khác trong cuộc sống cũng thế, hãy tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, sau đó đưa ra quyết định sáng suốt nhất.

Chúng ta thường có xu hướng chắt lọc thông tin để củng cố quan điểm của bản thân. Nguồn ảnh: Sarah Pflug từ Burst

Hiệu ứng thích nghi với sự hưởng thụ - Hedonic Adaptation

Hiệu ứng thích nghi với sự hưởng thụ (Hedonic Adaptation) nói về cảm xúc phai nhạt dần với những gì chúng ta có. Để dễ hiểu hơn, hãy thử nhớ về sự hào hứng khi bạn vừa mới mua chiếc điện thoại mới, chiếc xe mới,... Thế nhưng, không lâu sau đó, cảm xúc đó dần dần biến mất, bạn lại bắt đầu hứng thú với một thứ gì đó mới hơn.

Đó cũng chính là lý do vì sao ngày nay người ta mua sắm nhiều hơn. Điển hình là các món đồ công nghệ, mọi người không đợi đến khi nó có dấu hiệu hư hỏng hay xuống cấp mới mua cái mới nữa. Lý do là vì các sản phẩm công nghệ luôn được cập nhật các tính năng mới nhất, điều đó lôi kéo sự chú ý và hứng thú của người dùng.

Theo Robert A. Emmons, giáo sư tâm lý học tại Đại học California, chúng ta nên học cách trân trọng những gì đang có. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm tiền nhiều hơn, đồng thời còn đem đến cảm giác dễ chịu và thanh bình. Việc luôn tìm kiếm những gì mới mẻ đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy trống rỗng và nhàm chán.

Hiện tượng “chiết khấu Hyperbolic” - Hyperbolic Discounting

Giả sử, nếu bạn nhận được 2 đề nghị: bạn sẽ được cho ngay 1.000.000 VNĐ ngay trong hôm nay, hoặc đợi thêm một tuần nữa để nhận 1.200.000 VNĐ, bạn sẽ chọn cái nào? Nhiều người sẽ chọn phương án đầu tiên, có tiền ngay trong ngày đầu mà không phải chờ đợi. Dẫu rằng thời gian một tuần không phải quá lâu và còn được nhận thêm 20% so với số tiền ban đầu. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều thích những gì xảy ra ngay lập tức hơn là phải chờ đợi. Đó chính là hiện tượng “chiết khấu Hyperbolic” (Hyperbolic Discounting): chúng ta thường không tính toán quá nhiều cho tương lai, mà tập trung ở hiện tại nhiều hơn.

Vậy nên, bạn hãy hình thành thói quen cân nhắc lợi ích về mặt lâu dài và có tầm nhìn xa hơn trước khi đưa ra quyết định. Điều này giúp bạn nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn, đồng thời không phải cảm thấy hối hận trong tương lai. Nhân tiện, để trả lời cho câu hỏi trên, việc tính giá trị hiện tại và giá trị tương lai của dòng tiền cũng là một giải pháp đáng cân nhắc.

Mọi người thường thích những gì xảy ra ngay lập tức mà không nghĩ ngợi nhiều đến tương lai. Nguồn ảnh: Nicole De Khors từ Burst

Thành kiến về sự kiểm soát - Restraint Bias

Hầu hết mọi người đều có xu hướng đánh giá cao sự kiểm soát của bản thân. Thật ra, khả năng kiểm soát bản thân trước cám dỗ của chúng ta không cao đến vậy. Đây cũng chính là nguyên do ngăn cản bạn quyết tâm thực hiện điều gì đó. Ví dụ: bạn đang lên kế hoạch tích lũy được 50 triệu trong vòng 6 tháng, nhưng sau đó lại vô cùng thích thú trước một sản phẩm công nghệ mới ra mắt. Thế là bạn quyết định dùng số tiền đã tiết kiệm được để thanh toán cho món hàng đó. Dẫu rằng biết làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mình đã đề ra, song bạn lại tự trấn an bản thân rằng mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi.

Cách để chống lại điều này rất đơn giản về mặt lý thuyết: đừng để bản thân bị cám dỗ. Nhưng trên thực tế, điều này lại rất khó khăn và cần nhiều sự nỗ lực. Nếu không muốn bản thân phạm phải sai lầm, cách duy nhất là bạn phải luyện tập để hình thành thói quen chống lại sự cám dỗ.