Huy động vốn Trái phiếu #1: 5 câu hỏi quan trọng cần lưu ý

...

Trái phiếu từ lâu đã không còn quá xa lạ với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thị trường trái phiếu trong những năm gần đây mới thực sự làm cho doanh nghiệp nghiêm túc đánh giá về những ưu điểm mà kênh huy động vốn này mang lại.

Huy động vốn Trái phiếu #1: 5 câu hỏi quan trọng cần lưu ý

Trước hết, trái phiếu - hiểu đơn giản là một khoản vay của doanh nghiệp. Sau khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp sẽ phát sinh nghĩa vụ nợ đối với người sở hữu trái phiếu - còn được gọi là trái chủ. Nghĩa vụ nợ này bao gồm chi trả lãi định kỳ và thanh toán khoản nợ gốc khi trái phiếu đáo hạn.

Trái phiếu doanh nghiệp thường sẽ có các đặc điểm cơ bản sau đây:

  • Trái phiếu có kỳ hạn nhất định: trái phiếu có thời gian đáo hạn. Khi đến hạn, doanh nghiệp có nghĩa vụ hoàn trả cho trái chủ số vốn gốc ban đầu.
  • Trái phiếu có lãi suất cố định: lãi suất trái phiếu được xác định trước và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng có loại trái phiếu không trả lãi, còn được gọi là trái phiếu chiết khấu. Loại trái phiếu này thường được phát hành với giá thấp hơn mệnh giá để hấp dẫn nhà đầu tư.
  • Lãi trái phiếu: là chi phí được trừ khỏi thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp phát hành.

Dưới đây là những điều doanh nghiệp cần lưu ý khi chọn huy động vốn từ trái phiếu:

Khi nào doanh nghiệp nên phát hành trái phiếu?

Tùy vào nhu cầu vốn hiện tại mà doanh nghiệp sẽ có kế hoạch huy động vốn khác nhau. Nhìn chung, doanh nghiệp nên huy động vốn từ trái phiếu trong các trường hợp sau:

  • Doanh nghiệp đang có nhu cầu huy động vốn.
  • Chủ sở hữu doanh nghiệp không muốn bị pha loãng quyền sở hữu.
  • Doanh nghiệp đã có kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động, kế hoạch trả nợ, và đảm bảo tính khả thi của những kế hoạch này.

Lựa chọn trái phiếu thường hay trái phiếu chuyển đổi?

Khác với trái phiếu thông thường, trái phiếu chuyển đổi cho phép trái chủ có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông tại một thời điểm xác định trong tương lai. Về bản chất, trái phiếu chuyển đổi được coi là sự kết hợp giữa trái phiếu và “quyền mua cổ phiếu”. Nhờ vào tính chất ưu đãi này, trái phiếu chuyển đổi thường có lãi suất thấp hơn trái phiếu thường, do đó giúp doanh nghiệp bớt được áp lực từ việc chi trả lãi.

Trái phiếu chuyển đổi
Trái phiếu chuyển đổi (convertible bonds) là loại trái phiếu cho phép trái chủ có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành.

Tuy nhiên nếu quyền chuyển đổi được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong doanh nghiệp sẽ thay đổi, hay còn gọi là pha loãng quyền sở hữu. Do đó, trước khi phát hành loại trái phiếu này, doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng về tỷ lệ chuyển đổi, tránh tình trạng cổ phiếu bị pha loãng quá mức.

Trong trường hợp trái chủ thực hiện quyền chuyển đổi sang cổ phiếu, khoản nợ của doanh nghiệp cũng chuyển thành vốn cổ phần. Do đó doanh nghiệp không cần phải trả lãi của trái phiếu đó nữa, điều này cũng đồng nghĩa doanh nghiệp mất đi “tấm chắn thuế từ lãi vay”.

Lãi vay - lá chắn thuế hiệu quả cho doanh nghiệp
Lợi thế của doanh nghiệp khi sử dụng vốn vay là chi phí lãi vay sẽ được khấu trừ khỏi thu nhập chịu thuế. Do đó, lãi vay thường được ví như “lá chắn thuế” (tax-shield) giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một phần chi phí thuế. Cụ thể công cụ này là gì, hãy cùng ProFin tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hình minh họa: Về bản chất, trái phiếu chuyển đổi được coi là sự kết hợp giữa trái phiếu và quyền chuyển đổi thành cổ phiếu. Nguồn hình: Lombard Odier

Lãi suất bao nhiêu là phù hợp?

Lãi suất trái phiếu được phân thành hai loại chính: lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Ngoài ra còn có trái phiếu không trả lãi, hay còn gọi là trái phiếu chiết khấu. Về nguyên tắc, lãi suất trái phiếu sẽ do doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, lãi suất bao nhiêu để đủ hấp dẫn nhà đầu tư mà vẫn có lợi cho doanh nghiệp mới là vấn đề nan giải.

Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là mức lãi suất được ấn định cụ thể cho khoản vay và không thay đổi trong suốt thời gian vay.

Để thu hút nhà đầu tư, lãi suất trái phiếu cần đảm bảo cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Vì nếu lãi suất trái phiếu thấp hơn, nhà đầu tư thường sẽ chọn gửi tiết kiệm vì tính an toàn cao hơn. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu cũng không thể quá cao, nếu không sẽ gây áp lực về chi phí lãi cho doanh nghiệp.

Lãi suất thả nổi
Lãi suất thả nổi (floating interest rate) là cách tính lãi suất có thể thay đổi theo sự biến động của lãi suất tham chiếu.

Về bản chất, lãi suất tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro của trái phiếu, nhằm bù đắp cho những rủi ro đó. Ví dụ, trái phiếu của một doanh nghiệp mới thành lập sẽ được coi là có rủi ro cao hơn những doanh nghiệp đã hoạt động ổn định và có uy tín trên thị trường. Do vậy, để phát hành thành công, trái phiếu của doanh nghiệp mới phải có mức lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro đó nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.

Một ví dụ khác, trái phiếu dài hạn cũng được coi là rủi ro hơn trái phiếu ngắn hạn. Vì không ai biết được trong thời gian đó sẽ có biến cố gì xảy ra đối với doanh nghiệp. Do đó trái phiếu dài hạn thường có lãi suất cao hơn, tương tự như lãi suất tiền gửi dài hạn tại ngân hàng thường sẽ cũng cao hơn lãi suất tiền gửi ngắn hạn.

Nên phát hành trái phiếu ngắn hạn hay dài hạn?

Kỳ hạn của trái phiếu cũng là thời hạn của khoản vay. Kỳ hạn trái phiếu được phân thành ba loại: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

  • Ngắn hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm.
  • Trung hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 5 đến 12 năm.
  • Dài hạn: Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 đến 30 năm.

Lựa chọn trái phiếu có kỳ hạn dài sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để tập trung vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên điểm bất lợi lớn nhất là kỳ hạn càng dài, mức lãi suất càng cao. Ngược lại, đối với trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngắn hạn. Lúc này rất có khả năng xảy ra trường hợp doanh nghiệp chưa kịp tạo ra thu nhập từ nguồn vốn huy động được thì đã đến kỳ hạn trả nợ. Nếu trong trường hợp này doanh nghiệp không thể thu xếp được việc trả nợ sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phá sản.

Phá sản
Phá sản là tình trạng khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính và không còn khả năng thanh toán các khoản nợ khi chủ nợ có yêu cầu. Khi đó, tòa án hay một cơ quan tài phán có thẩm quyền (thường là Tòa án) sẽ tuyên bố doanh nghiệp đó bị phá sản.

Phát hành ra công chúng hay riêng lẻ?

Phát hành riêng lẻ hay còn gọi là chào bán riêng lẻ là việc doanh nghiệp bán trái phiếu của mình cho một số lượng nhà đầu tư nhất định. Theo quy định hiện hành, đối tượng được phép mua trái phiếu dưới hình thức phát hành riêng lẻ là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, số lượng nhà đầu tư chiến lược không quá 100 nhà đầu tư trong một đợt chào bán.

Phát hành ra công chúng hay còn gọi là chào bán ra công chúng, là việc doanh nghiệp bán trái phiếu cho một số lượng lớn nhà đầu tư không xác định. Theo pháp luật hiện hành, chào bán trái phiếu ra công chúng là việc doanh nghiệp chào bán theo một trong các phương thức sau đây:

  • Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
  • Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  • Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

Điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng

Chào bán riêng lẻ
  • Là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
  • Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có);
  • Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.
  • Có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận.
  • Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
  • Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược.
Chào bán ra công chúng
  • Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên.
  • Hoạt động kinh doanh của năm liền trước phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm;
  • Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán.
  • Có cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác;
  • Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng.
  • Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.
  • Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng.
  • Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán.
  • Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.

Hình thức phát hành trái phiếu phổ biến tại Việt Nam

Tại Việt Nam, phần lớn các trái phiếu được phát hành theo hình thức chào bán riêng lẻ. Theo báo cáo thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán VnDirect, trong quý IV/2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 189.652 tỷ đồng. Trong đó có 122 doanh nghiệp phát hành 172.898 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, chiếm 91,17% tổng giá trị phát hành. Thực trạng trên cũng đã diễn ra trong nhiều năm trở lại đây.

HÌnh thức phát hành riêng lẻ được phần lớn doanh nghiệp áp dụng trong những năm gần đây. Nguồn: FiinRatings, FiinPro Platform

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này do doanh nghiệp bị siết chặt các quy định về phát hành trái phiếu ra công chúng như phải trình bày qua Ủy ban chứng khoán, phải đáp ứng các điều kiện về vốn điều lệ và điều kiện về hoạt động,...

Tuy nhiên, thực trạng trên có thể sẽ thay đổi đáng kể trong thời gian tới. Nguyên nhân chính là do việc thay đổi khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Huy động vốn Trái phiếu” là chuỗi bài dành cho các nhà quản trị nguồn vốn trong công ty, nhất là với các công ty vừa và nhỏ muốn tiếp cận kênh trái phiếu. ProFin mong rằng chuỗi bài này sẽ có ích cho các nhà quản trị doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu một cách hiệu quả.

Theo: Nguyễn Dương / ProFin