Zero to One #7: Làm thế nào để gọi vốn khởi nghiệp từ cộng đồng?

...

Với những startup đã có ý tưởng khởi nghiệp mang tính khả thi, nhưng chưa có vốn thực hiện, và không muốn mất quyền kiểm soát khi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, thì gọi vốn cộng đồng chính là giải pháp tốt nhất.

Zero to One #7: Làm thế nào để gọi vốn khởi nghiệp từ cộng đồng?
Photo by Hannah Busing / Unsplash

Gọi vốn cộng đồng (“crowdfunding”) là một trong những cách huy động vốn cho các startup trong giai đoạn đầu, bên cạnh các hình thức khác như nhà đầu tư thiên thần hay vốn tự thân (bootstrapping).

Crowdfunding được hiểu đơn giản là kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng để một startup đang thiếu vốn có thể thực hiện ý tưởng của mình. Với hình thức này, người khởi xướng sẽ đăng dự án của mình lên một nền tảng hỗ trợ gọi vốn, thường là các trang web, để kêu gọi mọi người ủng hộ. Những người có hứng thú với dự án sẽ đóng góp một khoản tiền nhất định thông qua nền tảng hỗ trợ gọi vốn. Đổi lại, họ sẽ nhận được những phần quà, thường là chính các phiên bản đầu tiên của sản phẩm, dịch vụ đó. Do đó hình thức gọi vốn cộng đồng còn được xem là một hình thức bán trước sản phẩm. Các “phần thưởng” cũng có thể là cổ phần của chính công ty startup, tuy nhiên hình thức này ít được ưa chuộng hơn.

Độc giả có thể tham khảo thêm các hình thức gọi vốn cộng đồng trong bài viết Zero to One #4 - “Startup khởi sự cần biết - có những loại “tài trợ hạt giống” nào?”

Zero to One #4: Startup khởi sự cần biết - có những loại “tài trợ hạt giống” nào?
Khi bắt đầu khởi nghiệp, một trong những điều đầu tiên bạn cần nghĩ đến là làm thế nào để biến ý tưởng tuyệt vời thành một sản phẩm cụ thể và bán chúng. Tuy nhiên, để làm được tất cả các điều trên, nhất định bạn phải có nguồn lực, cụ thể là vốn “tài trợ hạt giống”.

Các lĩnh vực có thể gọi vốn cộng đồng

Tại Việt Nam, đa phần các chiến dịch gọi vốn cộng đồng đều liên quan tới công nghệ, các sản phẩm tái chế thân thiện môi trường, hoặc xuất bản sách. Tuy nhiên thực tế mô hình này áp dụng cho tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, miễn là ý tưởng đó khả thi và đủ sức hút đối với cộng đồng. Minh chứng cho điều này, nếu bạn dạo qua các nền tảng crowdfunding nổi tiếng trên thế giới như KickStarter, IndieGoGo, GoFundMe, CircleUp,.. có thể thấy vô vàn loại hình và lĩnh vực mà các dự án mời gọi gây quỹ. Trải dài từ dự án phim ảnh, ca kịch, chương trình từ thiện, dự án dân sinh, game đến nghiên cứu khoa học, bất động sản…

Chính vì thế, dù không khởi nghiệp trong các lĩnh vực đình đám như công nghệ hay thương mại điện tử, startup vẫn có thể tìm tiếp cận kênh gọi vốn này.

Một dự án phim tài liệu đang kêu gọi vốn cộng đồng trên KickStarter. Nguồn: KickStarter

Ưu điểm và hạn chế của hình thức gọi vốn từ cộng đồng

Ưu điểm

Lợi thế từ việc gọi vốn cộng đồng là không yêu cầu người sáng lập phải bán cổ phần của công ty. Hầu hết các chiến dịch gọi vốn cộng đồng trên thực tế đều dưới hình thức bán trước sản phẩm. Những người ủng hộ sẽ là khách hàng chứ không phải cổ đông. Một chiến dịch gọi vốn cộng đồng thành công cũng là một cách khẳng định độ hấp dẫn của ý tưởng khởi nghiệp, dự án đối với thị trường hiện tại.

Người ủng hộ cho dự án cũng sẽ được lợi từ các phần thưởng đi kèm với khoản đóng góp. Các phần thưởng này thường là cơ hội được dùng các sản phẩm đầu tiên, được giảm giá khi dùng sản phẩm, dịch vụ trong tương lai, hay thậm chí có cơ hội được tham gia vào đội ngũ sáng lập, được mua cổ phần khi công ty được thành lập. Trò chơi điện tử là một ví dụ điển hình. Các game thủ ủng hộ những công ty khởi nghiệp viết một tựa game mới, thường sẽ được trải nghiệm các phiên bản đầu tiên của trò chơi như một phần thưởng.

Hạn chế

Để thực hiện gọi vốn cộng đồng, startup cần phải tuân theo các quy tắc cũng như chịu các khoản chi phí của nền tảng huy động vốn cộng đồng. Trong một số trường hợp, số tiền ủng hộ không đạt mục tiêu đề ra, startup sẽ không được nhận số tiền đã huy động được.

Vì đây là kênh gọi vốn dễ tiếp cận, do đó startup có thể phải chịu sự cạnh tranh gay gắt. Việc gọi vốn sẽ trở nên khó khăn nếu ai đó cũng đưa ra ý tưởng kinh doanh tương tự. Nếu ý tưởng không đủ hay, câu chuyện không đủ thuyết phục như đối thủ, thì khả năng rất cao chiến dịch của bạn sẽ bị thất bại.

Các nền tảng huy động vốn cộng đồng

Nền tảng hỗ trợ gọi vốn cộng đồng hay crowdfunding platforms là một trong các yếu tố cốt lõi góp phần quyết định thành bại của chiến dịch gọi vốn. Chúng thường được tổ chức dưới dạng các trang web đóng vai trò là người “mai mối” cho các startup và những người ủng hộ. Theo Investopedia, hiện có 6 nền tảng được đánh giá là tốt nhất. Việc đánh giá được dựa trên các tiêu chí như tính thân thiện với người dùng, giá cả, các công cụ được cung cấp, tỷ lệ thành công, phương thức tiếp thị và tích hợp nền tảng của bên thứ ba.

Tốt nhất về mặt tổng thể: Indiegogo

Với thành tích giúp kêu gọi tài trợ cho hơn 800.000 ý tưởng trên khắp thế giới kể từ năm 2008, và độ phủ rộng trên 235 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indiegogo được đánh giá là một nền tảng tốt nhất về tổng thể. Các công cụ của Indiegogo cũng có tích hợp với các nền tảng khác, bao gồm Meta và Google, để người dùng tăng cường quảng bá cho chiến dịch gọi vốn.

Tốt nhất cho các startup: SeedInvest Technology

Với thành tích thu hút hơn 600.000 nhà đầu tư, giúp hơn 250 công ty khởi nghiệp huy động được hơn 350 triệu USD, SeedInvest Technology đã trở thành lựa chọn tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp đang có nhu cầu gọi vốn hạt giống.

Tuy nhiên, để huy động được vốn từ nền tảng này, bạn sẽ cần đăng ký tài khoản và trải qua một quá trình thẩm định gắt gao.

Tốt nhất cho tổ chức phi lợi nhuận: MightyCause

Đây là lựa chọn tốt nhất cho tổ chức phi lợi nhuận vì nó cung cấp một mức phí nền tảng khá thấp, đồng thời miễn phí với một số công cụ khác.

Tốt nhất cho mục đích đầu tư: StartEngine

StartEngine cho phép những nhà đầu tư trực tiếp bỏ tiền của mình vào các công ty khởi nghiệp mà họ có hứng thú, để đổi lấy cổ phần. Bạn có thể rót vốn đầu tư vào bất kỳ công ty nào được liệt kê trên trang web của họ, từ những công ty tiên phong về công nghệ sinh học đến các startup du lịch và lữ hành, với số tiền đầu tư tối thiểu từ 100 USD. Để giúp nhà đầu tư ra quyết định, trong hồ sơ của mỗi công ty được liệt kê sẽ bao gồm giá trị định giá, giá cổ phiếu, số lượng nhà đầu tư hiện hữu và hơn thế nữa.

Trong hồ sơ của mỗi công ty được liệt kê sẽ bao gồm giá trị định giá, giá cổ phiếu, số lượng nhà đầu tư hiện hữu và hơn thế nữa. Nguồn: StartEngine

Tốt nhất cho cá nhân: GoFundMe

Đây là nền tảng đa năng có thể giúp bạn có thể gọi vốn cho mọi thứ, từ ủng hộ chi phí y tế của cá nhân, hay gây quỹ để duy trì hoạt động một doanh nghiệp địa phương. GoFundMe được ra mắt vào năm 2010 và đã trở thành một trong những nền tảng gây quỹ trực tuyến lớn nhất, đã huy động được hơn 9 tỷ USD từ hơn 120 triệu lượt quyên góp. Sự phổ biến và đơn giản đã giúp nó trở thành nền tảng tốt nhất dành cho các cá nhân cần gọi vốn.

Tốt nhất cho các chuyên gia sáng tạo nội dung: Patreon

Patreon là một nền tảng gọi vốn cộng đồng được thiết kế đặc biệt dành cho những người sáng tạo nội dung, bằng cách giúp họ gây quỹ từ những người ủng hộ và người hâm mộ. Nền tảng sẽ thu một khoản phí hàng tháng từ những người đăng ký ủng hộ, tùy thuộc vào gói dịch vụ mà họ lựa chọn.

Các nhà sáng tạo nội dung trên Youtube, Facebook, hay Tiktok cũng ưa chuộng hình thức này do không muốn phụ thuộc quá nhiều vào thu nhập từ các nền tảng đó. Patreon vừa là hình thức gọi vốn vừa là cầu nối gắn kết các fan hâm mộ với thần tượng.

Tại Việt Nam hoạt động gọi vốn cộng đồng vẫn chưa thực sự sôi nổi, tuy nhiên cũng đã xuất hiện những cái tên xuất hiện trong danh sách crowdfunding platforms, có thể kể đến như:

  • Fundstart
  • Fundme.vn
  • Betado
  • Comicola
  • FundingVN
Dự án gọi vốn thành công trên FundingVN. Nguồn: Funding.vn

Làm thế nào để thực hiện crowdfunding?

Có nhiều cách để thực hiện gọi vốn cộng đồng, đơn giản nhất là tự lên các trang mạng xã hội như Facebook để kêu gọi sự ủng hộ. Với những dự án cần nhiều vốn hơn, việc gọi vốn cộng đồng thường sẽ được thực hiện thông qua một nền tảng gọi vốn. Thông thường sẽ qua các bước sau:

Bước 1: Lên kế hoạch cho chiến dịch gọi vốn

Ở bước này, cần xác định dự án của bạn là gì, và nó mang đến giá trị gì cho cộng đồng. Dự án của bạn có thể là viết một cuốn sách, một bộ phim, một sản phẩm tái chế thân thiện môi trường hay một ý tưởng về ứng dụng điện thoại,... Tiếp đó là chuẩn bị phần mô tả, giải thích rõ ràng câu chuyện đằng sau dự án đó. Câu chuyện của bạn sẽ được đăng trên trang web gọi vốn để quảng bá cho chiến dịch. Câu chuyện càng hay, càng thu hút cộng đồng thì tỷ lệ gọi vốn thành công càng cao.

Một điều cần lưu ý là lựa chọn quà tặng phù hợp cho người ủng hộ. Lời khuyên từ những người đi trước, là bạn nên đưa ra nhiều sự lựa chọn mức đóng góp tương ứng với quà tặng. Những lựa chọn có giá trị ủng hộ càng cao sẽ nhận được nhiều quà hơn. Trên thực tế, một chiến dịch có nhiều sự lựa chọn cũng dễ tiếp cận nhiều người hơn.

Sau đó, bạn cần thiết lập mục tiêu và thời gian gọi vốn. Ví dụ: dự án cần huy động 100 triệu đồng trong vòng 30 ngày. Các nền tảng gọi vốn thường bắt buộc người dùng phải xác định mức vốn đầu tư cần có, và thời gian thực hiện chiến dịch. Khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến kết thúc dự án thường diễn ra trong khoảng 30 – 40 ngày.

Bước 2: Lựa chọn nền tảng crowdfunding

Tùy vào dự án và chiến lược phát triển dự án của bạn mà bạn lựa chọn hình thức và nền tảng gọi vốn phù hợp. Bạn có thể tham khảo các chiến dịch đã gọi vốn thành công được đăng trên website của nền tảng đó. Ưu tiên chọn nền tảng đã có nhiều chiến dịch thành công có tính tương đồng với dự án bạn đang định triển khai.

Bạn cũng nên lưu ý về quy định của từng nền tảng. Ví dụ nếu bạn đang chạy chiến dịch trên Kickstarter, cần lưu ý rằng họ có mô hình tài trợ “Tất cả” hoặc “Không có gì”. Nghĩa là nếu số tiền ủng hộ bạn đạt bằng hoặc vượt quá mục tiêu tài trợ được đề ra, bạn có thể nhận chúng. Ngược lại nếu không đạt, bạn không nhận được gì cả. Số tiền đó cũng sẽ được hoàn lại cho người ủng hộ nếu chiến dịch thất bại. Nền tảng FundingVN ở Việt Nam cũng đi theo mô hình này.

Bước 3 Lập ngân sách và đưa ra các mục tiêu tài chính cụ thể:

Lên một bản ngân sách chi tiết, rõ ràng về số tiền bạn cần dựa trên nhu cầu vốn đã xác định ở bước 1, cộng thêm các chi phí khác như phí nền tảng gọi vốn, chi phí phát sinh để đưa phần thưởng đến tay nhà đầu tư,...

Phí nền tảng thường được tính trên tỷ lệ phần trăm của số tiền huy động được. Mức phí này thường dao động trong khoảng 5% đến 12%. Một số các website giúp huy động vốn cộng đồng nổi tiếng trên thế giới là Kickstarter và Indiegogo lấy phí 5%, Patreon phí 5%; Crowdfunder (Shopify App), GoFundMe miễn phí; Fundable (179$/tháng); Crowdcube (7%); Crowdfunder 299$/tháng…

Ngoài ra còn có các loại phí khác như phí thanh toán của bên thứ ba cho mỗi giao dịch.

Bước 4 Gửi dự án lên trang crowdfunding và quảng bá chúng

Sau khi đưa chiến dịch lên các trang để gọi vốn, bạn cần có một chiến lược quảng bá trực tuyến, cố gắng lan tỏa chiến dịch này tiếp cận càng nhiều người càng tốt.

Bước 5 Nhận tiền và khởi chạy dự án

Sau khi kết thúc thời hạn gọi vốn, bạn sẽ phải trả hoa hồng cho các web crowdfunding. Sau đó nhận số tiền đã huy động nếu chiến dịch thành công. Chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng của bạn chỉ thực sự kết thúc khi bạn đã hoàn thành lời hứa của mình với những người ủng hộ. Nghĩa là bạn phải khởi chạy dự án, tạo ra sản phẩm và gửi các phần thưởng cho người ủng hộ.

“Zero to one” là chuỗi bài nhằm phục vụ các startup bước những bước đi đầu tiên trên hành trình khởi nghiệp. ProFin hy vọng rằng qua chuỗi bài này, các founder - những người đang vận hành startup - xác định được hướng đi phù hợp và chiến lược khôn ngoan để dẫn dắt doanh nghiệp của mình đến thành công.

Theo: Nguyễn Dương / ProFin