Chuyển giá #1: Chuyển giá và tác động về thuế đối với doanh nghiệp

...
Chuyển giá #1: Chuyển giá và tác động về thuế đối với doanh nghiệp

Hoạt động chống chuyển giá ngày càng được cơ quan thuế quan tâm và đẩy mạnh trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Không ít trường hợp doanh nghiệp tổn thất lớn về thuế do không nắm và tuân thủ các quy định về chuyển giá. Vậy chuyển giá là gì? Nó có thể tạo nên những ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp? Hãy cùng ProFin tìm hiểu vấn đề này qua chuỗi bài viết Chuyển giá.

Chuyển giá là gì?

Chuyển giá là hoạt động diễn ra khi các bên có mối quan hệ liên kết với nhau thực hiện giao dịch mua, bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Xuất phát từ việc các chủ thể kinh tế có quyền tự do quyết định giá cả, giá mua bán giữa các đối tượng này có thể được chuyển dịch hay điều chỉnh theo hướng khác với giá thị trường thông thường, nhằm giúp nhóm liên kết đạt được mục tiêu nào đó.

Hoạt động này thường hay gặp ở các công ty đa quốc gia (MNCs) hoặc các công ty trong cùng tập đoàn, bởi mối liên hệ chặt chẽ và mức độ gắn kết cao về lợi ích chung giữa các công ty thành viên. Tuy nhiên, việc liên kết cũng có thể xảy ra giữa cá nhân và công ty.

Một số khái niệm chính

Về cơ bản, sự liên kết giữa các bên sẽ được biểu hiện bằng mối quan hệ chung trong sở hữu hay kiểm soát, thông qua việc góp vốn, đầu tư, điều hành. Chỉ tiêu định tính và định lượng để xác định mối quan hệ trên sẽ thay đổi theo quy định cụ thể của từng quốc gia. Ví dụ cho một vài tình huống phổ biến là: công ty mẹ và công ty con; các công ty con, liên doanh, liên kết cùng nhận vốn góp hoặc chịu điều hành, kiểm soát chung từ một công ty mẹ; các công ty cùng do một cá nhân góp vốn; ...

Các khái niệm cần biết để xác định chuyển giá.

Các khái niệm cần biết để hiểu rõ hơn vấn đề này bao gồm:

  • Bên liên kết: là các bên có mối quan hệ liên kết với nhau. Lưu ý: khái niệm “bên liên kết” không đồng nhất với khái niệm “bên liên quan”;
  • Bên độc lập: là các bên không có bất cứ mối quan hệ liên kết nào với nhau;
  • Giao dịch liên kết: là giao dịch kinh tế được thực hiện giữa các bên liên kết;
  • Giao dịch độc lập: là giao dịch kinh tế được thực hiện giữa các bên độc lập;
  • Giá giao dịch liên kết hay giá chuyển nhượng: là mức giá thực hiện trong một giao dịch liên kết;
  • Giá giao dịch độc lập hay giá thị trường: là mức giá thực hiện trong một giao dịch độc lập.

Việc chuyển giá sẽ không xảy ra khi hai bên có liên kết, nhưng không phát sinh bất cứ giao dịch kinh tế nào với nhau. Ngược lại, khi doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì sẽ tạo nên cơ sở cho hoạt động chuyển giá.

Vì sao doanh nghiệp “chuyển giá”?

Xét về khía cạnh thuế, thông qua việc tác động vào giá chuyển nhượng, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) phải nộp của nhóm công ty liên kết có thể được tối thiểu hóa.

Đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), do có sự khác biệt từ chính sách thuế, thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia, những doanh nghiệp này có thể áp dụng chính sách riêng trong nội bộ tập đoàn để giảm thu nhập/ tăng chi phí cho công ty ở nước có thuế suất thuế TNDN cao, và ngược lại, giảm chi phí/ tăng thu nhập cho công ty ở nước có thuế suất thuế TNDN thấp hoặc không đánh thuế - thiên đường thuế. Qua đó, dịch chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp, từ đó làm giảm tổng số thuế phải nộp trên toàn bộ tập đoàn.

Ví dụ 1: giảm thu nhập ở nơi có thuế suất cao và giảm chi phí ở nơi có thuế suất thấp bằng cách giảm giá bán trong nội bộ tập đoàn.

Chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất thấp sang nơi có thuế suất cao bằng cách giảm doanh thu cho giao dịch nội bộ.

Ví dụ 2: tăng chi phí ở nơi có thuế suất cao và tăng thu nhập ở nơi có thuế suất thấp bằng cách tăng chi phí đầu vào từ nội bộ tập đoàn.

Chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất thấp sang nơi có thuế suất cao bằng cách tăng chi phí từ giao dịch nội bộ.

Đối với công ty trong nước, mặc dù về cơ bản là các doanh nghiệp áp dụng cùng một chính sách thuế, việc chuyển lợi nhuận như trên vẫn có thể được thực hiện, nếu trong nhóm công ty liên kết có đơn vị được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển dịch lợi nhuận từ công ty có lời sang công ty bị lỗ, làm cho cả hai công ty cùng lỗ và do đó không phải nộp thuế TNDN, hoặc làm giảm lợi nhuận để giảm thuế TNDN phải nộp.

Tác động về thuế nếu không tuân thủ quy định về chuyển giá

Trước hết, cần nhận thức rõ rằng chuyển giá theo nghĩa thông thường không hẳn là hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ khi nào doanh nghiệp lạm dụng “chuyển giá” để dịch chuyển lợi nhuận, nhằm mục đích giảm thuế phải nộp thì đây mới là hành vi trốn thuế.

Tuy nhiên, như đã thấy ở trên, chuyển giá có thể làm ảnh hưởng lớn đến nghĩa vụ nộp thuế. Vì vậy, cơ quan thẩm quyền các nước đều có quy định riêng với hoạt động này, nhằm quản lý, hạn chế việc trốn thuế, gian lận thuế.

Tại Việt Nam, người làm nghề trong lĩnh vực kế toán - thuế vẫn thường xuyên sử dụng cụm từ “chuyển giá”, nhưng thực ra khái niệm này không tồn tại trong các văn bản pháp luật về thuế. Thay vào đó, hoạt động chuyển giá được quy định qua các văn bản về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có “giao dịch liên kết”.

Căn cứ theo quy định hiện hành và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết có thể chịu các tác động sau:

  • Bị điều chỉnh giá chuyển nhượng theo giá thị trường, dẫn đến tăng doanh thu hoặc giảm chi phí tính thuế TNDN;
  • Bị loại trừ các khoản chi phí trả cho bên liên kết, dẫn đến giảm chi phí tính thuế TNDN;
  • Bị khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ, dẫn đến giảm chi phí tính thuế TNDN;
  • Phải thực hiện thủ tục kê khai thông tin bên liên kết và giao dịch liên kết;
  • Phải lập và lưu trữ bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết;
  • Bị ấn định thuế nếu không thực hiện đúng quy định và đầy đủ các thủ tục nêu trên.

Chuyển giá tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định nào?

Để quản lý các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chống việc lạm dụng hoạt động chuyển giá để chuyển lợi nhuận, cơ quan thuế Việt Nam cũng đã có văn bản hướng dẫn từ năm 2005.

Quy định quản lý thuế về doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Hiện hành, việc xác định doanh nghiệp có chuyển giá hay không, và phải tuân thủ những quy định cụ thể nào được hướng dẫn chủ yếu bởi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Một số định nghĩa, khái niệm, quy định liên quan khác có thể được tìm thấy thêm trong Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Nội dung tại hai văn bản trên được xây dựng trên tinh thần tiếp cận với nguyên tắc, thông lệ quốc tế trong quản lý thuế đối với giao dịch liên kết, thể hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), và có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện bối cảnh của Việt Nam.