Chuyển giá #2: Hiểu tất tần tật về giao dịch liên kết?

...
Chuyển giá #2: Hiểu tất tần tật về giao dịch liên kết?

Rõ ràng các quy định trong quản lý giao dịch liên kết, hay thường được gọi là chuyển giá, có tác động lớn đến doanh nghiệp. Vậy làm sao để xác định doanh nghiệp có phải là đối tượng điều chỉnh của quy định về chuyển giá hay không? Nếu có, doanh nghiệp cần phải làm những gì để giảm thiểu rủi ro? ProFin tiếp tục tìm hiểu vấn đề này trong chuỗi bài viết “Chuyển giá”.

Hãy cùng xem xét Công ty X. Để trả lời câu hỏi X có thuộc diện phải tuân thủ quy định về giao dịch liên kết hay không, cần thực hiện những công việc sau:

  • Kiểm tra xem các công ty/ cá nhân nào là bên liên kết của X;
  • Kiểm tra xem X có phát sinh giao dịch liên kết nào với bên liên kết của mình không;

Trường hợp có phát sinh giao dịch liên kết, để giảm thiểu rủi ro, X sẽ cần tiếp tục thực hiện:

  • Xác định mức chi phí lãi vay bị khống chế theo quy định về giao dịch liên kết là bao nhiêu;
  • Xác định những thông tin gì về bên liên kết và giao dịch liên kết cần được kê khai;
  • Xác định có phải kê khai và cần lập, lưu trữ tài liệu, chứng từ gì trong Hồ sơ chuyển giá hay không;

Xác định bên liên kết

Một cách tóm gọn, những tình huống thường rơi vào mối quan hệ liên kết là:

  • Các công ty có mối quan hệ mẹ con;
  • Các công ty “anh, chị, em, họ hàng” ở trong cùng tập đoàn, có liên doanh, liên kết;
  • Các công ty “anh, chị, em, họ hàng” do được góp vốn, điều hành bởi cùng một cá nhân hoặc từ nhiều cá nhân mà những người này là vợ chồng, có quan hệ ruột thịt, dâu-rể với nhau;
  • Các công ty thuộc mối quan hệ đi vay - cho vay;
  • Công ty và cá nhân thuộc mối quan hệ đi vay - cho vay, trong đó cá nhân là người góp vốn, điều hành hoặc các cá nhân là vợ chồng, có quan hệ ruột thịt, dâu-rể với nhau.

Chỉ tiêu định tính và định lượng cụ thể để xác định một tổ chức hoặc cá nhân có phải là bên liên kết của X hay không được quy định tại điều 5, nghị định 132/2020/NĐ-CP. Theo đó, một tổ chức/cá nhân sẽ là bên liên kết nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia

Ví dụ 1: X nhận góp vốn từ Công ty A1 với tỷ lệ 100% vốn góp chủ sở hữu của X.

=> A1 là bên liên kết của X, do A1 đã nắm giữ trực tiếp >25% vốn góp chủ sở hữu của X.

Ví dụ 2: X góp vốn đầu tư vào Công ty A2 với tỷ lệ 25% vốn góp chủ sở hữu của A2.

=> A2 là bên liên kết của X, do X đã nắm giữ trực tiếp ít nhất 25% vốn góp chủ sở hữu của A2.

Ví dụ 3: X nhận góp vốn từ Công ty A3 với tỷ lệ 60% vốn góp chủ sở hữu của X.

A3 nhận góp vốn từ Công ty A4 với tỷ lệ 50% vốn góp chủ sở hữu của A3.

=> A4 là bên liên kết của X, do A4 đã nắm giữ gián tiếp 60% x 50% = 30% (>25%) vốn góp chủ sở hữu của X

b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp

Ví dụ 4: Công ty B1 góp vốn vào X với tỷ lệ 50% vốn chủ sở hữu X, góp vốn vào công ty B2 với tỷ lệ 70% vốn chủ sở hữu B2.

=> B2 là bên liên kết của X, do cả X và B2 đều do B1 nắm giữ trực tiếp phần vốn góp ít nhất 25% ở mỗi công ty.

Ví dụ 5: Công ty B4 góp vốn vào Công ty B5 với tỷ lệ 50%. B5 góp vốn vào Công ty B6 với tỷ lệ 50%.

Công ty B4 góp vốn vào Công ty B7 với tỷ lệ 60%. B7 góp vốn vào X với tỷ lệ 50%.

=> B6 là bên liên kết của X, vì cả hai đều do B4 nắm giữ gián tiếp phần vốn góp ít nhất 25% ở mỗi công ty. Cụ thể, B4 nắm giữ gián tiếp 50% x 50% = 25% vốn chủ sở hữu B6, 60% x 50% = 30% vốn chủ sở hữu X.

c) Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia

Đối với công ty cổ phần, do số lượng người góp vốn - cổ đông - có thể rất nhiều, tỷ lệ sở hữu vốn không đạt được mức 25% như ở trên. Lúc này, một công ty đáp ứng đồng thời hai điều kiện: có tỷ lệ góp vốn lớn nhất, và tỷ lệ góp vốn trực tiếp hoặc gián tiếp >= 10%, thì sẽ trở thành bên liên kết.

Để xác định bên liên kết theo quan hệ góp vốn hoặc đầu tư như tình huống a), b), c) ở trên, bạn có thể xem Sổ chi tiết vốn góp chủ sở hữu - chi tiết theo đối tượng góp vốn, trên cơ sở đối chiếu với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, sổ đăng ký cổ đông. Nếu X thực hiện góp vốn hoặc nhận góp vốn qua nhiều cấp công ty khác nhau (như ví dụ 3, ví dụ 5), bạn nên vẽ cây sơ đồ góp vốn để có cái nhìn tổng quan và đầy đủ về bên liên kết qua việc góp vốn gián tiếp.

d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay

Ví dụ 6: X có vốn góp chủ sở hữu là 1 tỷ đồng. X có vay thêm từ ngân hàng C 500 triệu đồng với thời hạn 05 năm để mua xe ô tô. Ngoài ra, X không có khoản vay vốn nào khác.

=> ABC là bên liên kết của X, do ABC đã cho X vay vốn với số tiền thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện:

+ Lớn hơn 25% vốn góp chủ sở hữu của X - 500 triệu đồng tương đương 50% vốn góp chủ sở hữu;

+ Chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung dài hạn của X - 500 triệu đồng trong 5 năm, tương đương 100% giá trị khoản nợ trung dài hạn tại X.

đ) Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai

Ví dụ 7: Ban lãnh đạo điều hành của X có 05 thành viên, trong đó có 03 thành viên được chỉ định từ công ty Đ1.

=> Đ1 là bên liên kết của X, do đã chỉ định trên 50% thành viên trong ban điều hành của X.

Ví dụ 8: Giám đốc điều hành của X là người được chỉ định bởi công ty Đ2

=> Đ2 là bên liên kết của X, do đã chỉ định thành viên có quyền quyết định hoạt động kinh doanh của X vào ban lãnh đạo điều hành.

e) Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba

Ví dụ 9: X có 05 thành viên trong ban lãnh đạo. Công ty E1 có 07 thành viên trong ban lãnh đạo. Trong đó, 04 người trong ban lãnh đạo của X đồng thời cũng nằm trong ban lãnh đạo của E1.

=> E1 là bên liên kết của X, do 80% (4/5) thành viên ban lãnh đạo của X cũng chiếm tỷ lệ 57% (4/7) thành viên ban lãnh đạo tại E1.

g) Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

Ví dụ 10: X được điều hành bởi ông Nguyễn. Công ty G1 được điều hành bởi bà Trịnh. Bà Trịnh là mẹ vợ của ông Nguyễn.

=> G1 là bên liên kết của X, do cả 2 công ty được điều hành bởi 2 cá nhân có mối quan hệ mẹ vợ - con rể.

h) Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài

Ví dụ 11: X là cơ sở thường trú tại Việt Nam của công ty H1 - địa chỉ tại Mỹ.

=> H1 là bên liên kết của X, do cả 2 có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú.

i) Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp

Ví dụ 12: Ông Nguyễn góp vốn để mở 2 công ty: X và I1.

=> I1 là bên liên kết của X, do cả 2 công ty cùng chịu sự kiểm soát của ông Nguyễn thông qua vốn góp.

k) Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia

Nếu trên thực tế, một doanh nghiệp có sự điều hành, kiểm soát hoạt động của một doanh nghiệp khác dù không thuộc các trường hợp hợp đã nêu ở a) ~ i), thì đây cũng sẽ là một bên liên kết.

l) Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại mục g ở trên

Ví dụ 13: X có vốn góp chủ sở hữu là 2 tỷ đồng. Trong năm, X có vay từ giám đốc công ty - ông L - 250 triệu đồng để bổ sung vốn lưu động.

=> Ông L là bên liên kết của X, do X có vay 12.5% vốn góp chủ sở hữu từ cá nhân ông L - giám đốc điều hành.

Xác định giao dịch liên kết

Một giao dịch sẽ trở thành giao dịch liên kết nếu thỏa mãn hai điều kiện là 1) xảy ra giữa công ty với bên liên kết, và 2) thuộc một trong các loại giao dịch sau (*):

  • Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
  • Vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác;
  • Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình;
  • Thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí.

(*) Loại trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.

Nếu trong năm có phát sinh bất kỳ giao dịch liên kết nào thì X cần phải tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo, và ngược lại.

Xác định chi phí lãi vay không được trừ

Nếu có phát sinh giao dịch liên kết, chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi/ lãi cho vay sẽ bị khống chế ở mức tối đa là 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi/ lãi cho vay cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Phần lãi vay vượt quá mức 30% này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”) năm hiện hành.

Các thao tác tính toán lần lượt là:

  • Chi phí lãi vay thuần = Chi phí lãi vay - Lãi tiền gửi và lãi cho vay
  • EBITDA* (**) = Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + Chi phí lãi vay thuần + Chi phí khấu hao
  • Chi phí lãi vay được trừ tối đa = 30% x EBITDA*
  • Chi phí lãi vay không được trừ = Chi phí lãi vay thuần - Chi phí lãi vay được trừ tối đa
Ví dụ cách xác định chi phí lãi vay không được trừ. Nguồn ảnh: ProFin.vn

Chi phí lãi vay không được trừ năm hiện hành sẽ được chuyển sang năm tiếp theo nếu lãi vay thuần năm tiếp theo thấp hơn 30% EBITDA* tương ứng . Thời gian chuyển chi phí lãi vay này được tính liên tục trong vòng 05 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

(**) Thực tế, để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, người làm kế toán thường sử dụng khái niệm EBITDA khi đề cập đến các nội dung liên quan chi phí lãi vay khống chế theo quy định giao dịch liên kết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cách tính toán ở đây khác với công thức tính EBITDA - Lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay - trong tài chính. Để tránh sự nhầm lẫn, người viết sử dụng EBITDA* trong công thức ở trên.

Xác định thông tin cần kê khai cho giá giao dịch liên kết

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải kê khai xác định giá giao dịch liên kết khi nộp Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm:

  • Thông tin về các bên liên kết tại mục I của phụ lục I, Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Gồm các nội dung như: tên, nước sở tại, mã số thuế, hình thức quan hệ liên kết;
  • Thông tin về căn cứ miễn trừ kê khai, miễn trừ lập hồ sơ giao dịch liên kết tại mục II của phụ lục I, Nghị định 132/2020/NĐ-CP (nếu thuộc diện miễn trừ);
  • Thông tin xác định giá giao dịch liên kết tại mục III của phụ lục I, Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Gồm các nội dung như: giá giao dịch liên kết, giá xác định lại theo giá giao dịch độc lập, chênh lệch giữa 2 mức giá… ;
  • Kết quả sản xuất kinh doanh sau khi xác định giá giao dịch liên kết tại mục IV của phụ lục I, Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Gồm các nội dung như: kết quả kinh doanh, EBITDA*, chi phí lãi vay được trừ/ không được trừ trong kỳ, chi phí lãi vay của các kỳ trước được chuyển sang.

Nếu công ty chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là tổ chức có cùng mức thuế suất thuế TNDN, không bên nào được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì công ty sẽ thuộc diện được miễn trừ kê khai mục III, IV ở trên.

Các mục cần kê khai tại phụ lục I, Nghị định 132/2020/NĐ-CP. Nguồn ảnh: ProFin.vn

Hướng dẫn cách kê khai cho một số chỉ tiêu có thể được tìm thấy ở phụ lục tương ứng trong Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Xác định kê khai và lập Hồ sơ chuyển giá

Nếu không thuộc trường hợp được miễn trừ, công ty còn cần thực hiện thêm công việc kê khai, lập, lưu trữ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết - bộ hồ sơ gồm các thông tin, tài liệu, số liệu, chứng từ để chứng minh quan hệ liên kết và giá chuyển nhượng.

Việc miễn trừ lập bộ hồ sơ này được áp dụng với tổ chức thuộc một trong ba tình huống sau:

  • Tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng;
  • Đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế - Advance pricing agreement (APA). Lưu ý, những giao dịch liên kết không thuộc phạm vi áp dụng APA thì vẫn phải thực hiện đầy đủ thủ tục như trường hợp không có APA;
  • Thỏa mãn đồng thời: i) Thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản; ii) không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình; iii) có doanh thu dưới 200 tỷ đồng; iv) áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế TNDN (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí của hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần ở mức từ 5% trở lên cho lĩnh vực phân phối, từ 10% trở lên cho lĩnh vực sản xuất, từ 15% trở lên cho lĩnh vực gia công.

Nếu không được miễn trừ, công ty cần có bộ hồ sơ gồm:

  • Phụ lục kê khai thông tin danh mục Hồ sơ quốc gia theo mẫu tại Phụ lục II, Nghị định 132/2020/NĐ-CP;
  • Phụ lục kê khai thông tin danh mục Hồ sơ toàn cầu theo mẫu tại Phụ lục III, Nghị định 132/2020/NĐ-CP;
  • Phụ lục kê khai thông tin Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao theo mẫu tại Phụ lục IV, Nghị định 132/2020/NĐ-CP (nếu áp dụng);
  • Hồ sơ quốc gia: các hồ sơ thể hiện thông tin về giao dịch liên kết, chính sách và phương pháp xác định giá đối với giao dịch liên kết theo danh mục thông tin, tài liệu đã kê khai ở trên;
  • Hồ sơ toàn cầu: các hồ sơ thể hiện thông tin về hoạt động kinh doanh của tập đoàn đa quốc gia, chính sách và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết của tập đoàn trên toàn cầu và chính sách phân bổ thu nhập và phân bổ các hoạt động, chức năng trong chuỗi giá trị của tập đoàn theo danh mục thông tin, tài liệu đã kê khai ở trên;
  • Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty mẹ tối cao (nếu áp dụng).

Cơ sở pháp lý:

  • Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/06/2019
  • Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ban hành ngày 05/11/2020
Theo: Vũ Sinh / ProFin.vn