Doanh nghiệp có liên quan hoạt động thương mại điện tử cần lưu ý gì về quy định thuế mới?

...

Nhằm thúc đẩy các giải pháp chống thất thoát thuế, nhiều quy định mới đã được bổ sung và hoàn thiện, có tác động đến số lượng lớn doanh nghiệp cũng như công tác kế toán, đặc biệt lĩnh vực thương mại điện tử.

Doanh nghiệp có liên quan hoạt động thương mại điện tử cần lưu ý gì về quy định thuế mới?
Nguồn ảnh: Carlos Muza / Unsplash

Nhằm thúc đẩy các giải pháp chống thất thoát thuế, nhiều quy định mới đã được bổ sung và hoàn thiện, có tác động đến số lượng lớn doanh nghiệp cũng như công tác kế toán, đặc biệt lĩnh vực thương mại điện tử. Trong bài viết này, ProFin tổng hợp lại quy định thuế mới, nhằm giúp doanh nghiệp, kế toán viên không bỏ sót việc kê khai, tính nộp thuế.

Sự bùng nổ của nền kinh tế số mang lại nhiều cơ hội cho các chủ thể tham gia, nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ trong vấn đề quản lý thuế của cơ quan chức năng. Trước đây, việc thu thuế từ các giao dịch trên nền tảng số như Facebook, Google, YouTube, bán hàng qua mạng… được thực hiện qua tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ (“HHDV”) nước ngoài , và việc vận động, tuyên truyền cá nhân có thu nhập từ kinh doanh trực tuyến.

Tuy nhiên theo quy định mới, việc khai, nộp thuế sẽ có nhiều khác biệt tùy theo người bán. Cụ thể, tùy thuộc người cung cấp HHDV trong giao dịch online là ai, mà có nhiều điểm khác nhau trong thủ tục thuế: từ người kê khai, tính nộp, kỳ kê khai, cho đến mẫu biểu áp dụng.

Tổng hợp quy định về thủ tục thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử. Nguồn: ProFin.

Số thuế phải nộp cũng sẽ khác nhau cho từng nhóm do không có sự đồng nhất trong căn cứ tính thuế, cụ thể như dưới đây.

Tổng hợp quy định về căn cứ tính thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử. Nguồn: ProFin.

Những điểm cần lưu ý

1- Người thực hiện thủ tục thuế đa dạng, không chỉ là người trực tiếp cung cấp HHDV, mà bao gồm cả người mua, đối tác, cho đến đơn vị trung gian thanh toán

Chính vì lý do này, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào tham gia vào nền kinh tế số đều có khả năng trở thành chủ thể thực hiện các thủ tục về thuế. Vì vậy, khi có liên quan đến các hoạt động này, doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra, rà soát xem mình có thuộc đối tượng phải làm công việc nộp tờ khai, nộp thuế thay không? Nếu có thì thuộc trường hợp nào để xác định chính xác những nội dung cần được áp dụng.

2- Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử sẽ chịu nhiều tác động

Với hướng dẫn kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh, nhóm doanh nghiệp này sẽ đối mặt với bài toán tăng chi phí hoạt động từ việc bổ sung nguồn lực vào hạ tầng, nhân lực, quy trình, vận hành để đáp ứng được yêu cầu.

Trước vướng mắc trên, Bộ tài chính đã xây dựng dự thảo sửa đổi để điều chỉnh theo hướng giảm gánh nặng cho sàn giao dịch online. Theo đó, các sàn chỉ thực hiện khai nộp thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định pháp luật dân sự, và phối hợp để cung cấp thông tin của cá nhân cho cơ quan thuế. Do mới chỉ là dự thảo, việc tiếp tục theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin để tránh sai phạm là cần thiết.

3- Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không được khấu trừ thuế GTGT khi mua hàng

Khi giao dịch với nhà cung cấp nước ngoài có đăng ký thuế trực tiếp với tổng cục thuế, do không có chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài như trường hợp thuế nhà thầu, nên doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ việc mua hàng này.

Để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, tổ chức ở Việt Nam cần là người khai và nộp thuế thay. Nếu xử lý theo hướng này, công ty Việt Nam phải đảm bảo điều khoản kê khai, nộp thuế thay đã được thể hiện rõ trong hợp đồng giữa hai bên. Ngoài ra, điều này có thể khiến công việc kê khai thuế của bên nước ngoài sẽ trở nên phức tạp hơn, vì phải thêm bước xác định và loại trừ những khoản tiền đã ủy quyền cho phía Việt Nam khai, nộp thay.

Sự gia tăng trong thủ tục hành chính, số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, cùng với khác biệt về số tiền thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế - từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền - sẽ là những yếu tố chính cần cân nhắc khi lập kế hoạch thuế của cả bên Việt Nam và bên nước ngoài, cũng như để giúp giải đáp câu hỏi: Ai “nên” là bên kê khai? Hay nói cách khác: “Nên” kê khai thuế theo thông tư 80/2021/TT-BTC hay thông tư 103/2014/TT-BTC?

4- Khả năng xảy ra vấn đề chồng thuế, nếu kế toán viên thiếu cập nhật và theo dõi sát sao

Trước khi thông tư 80/2021/TT-BTC ra đời, tổ chức Việt Nam khi mua HHDV sẽ luôn là người kê khai, nộp thuế thay cho nhà cung cấp nước ngoài. Nếu kế toán viên theo thói quen cũ: tự tính nộp theo số tiền thực chuyển cho nước ngoài, có khả năng bị chồng thuế, nếu cả bên mua và bên bán cùng tiến hành kê khai. Mặc dù việc tiếp tục kê khai thay như trước đến nay sẽ được cơ quan thuế khuyến khích thực hiện, nhưng cần lưu ý rằng, các bên liên quan sẽ tốn nguồn lực để xử lý một khi xảy ra việc chồng thuế.

Để tránh gặp phải tình trạng trên, doanh nghiệp phải luôn làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ thuế trong hợp đồng, và kiểm tra danh sách tổ chức nước ngoài đăng ký khai nộp thuế tại Việt Nam trên cổng thông tin của cơ quan thuế. Dù vậy, câu hỏi hiện tại là bao lâu cơ quan thuế sẽ cập nhật danh sách này để đảm bảo tính kịp thời? Việc trao đổi, công bố thông tin một cách hiệu quả giữa tổng cục thuế với các cục thuế, chi cục thuế, với người nộp thuế, kết hợp cùng sự chủ động của kế toán viên sẽ giải quyết đáng kể vấn đề này.

Góc nhìn đa chiều và kỳ vọng từ người nộp thuế

Khi bổ sung các quy định mới trong Luật quản lý thuế 2019, và chi tiết hóa bởi Thông tư 40/2021/TT-BTC, Thông tư 80/2021/TT-BTC, cơ quan chức năng muốn gia tăng hiệu quả quản lý thuế với hoạt động kinh doanh online. Cụ thể, quy định mới mở rộng đối tượng thực hiện kê khai và nộp thuế, bổ sung trách nhiệm cung cấp thông tin, tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác như ngân hàng thương mại, sàn giao dịch điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương.

Ngay khi mới ban hành, Thông tư 40/2021/TT-BTC đã gặp phải nhiều phản ứng trái chiều do làm tăng chi phí tuân thủ, đặc biệt là từ các sàn thương mại điện tử. Hiện tại, cộng đồng các nhà kinh doanh thương mại điện tử vẫn đang tiếp tục theo dõi các điều chỉnh đối với văn bản này.

Về Thông tư 80/2021/TT-BTC, việc các nhà cung cấp nước ngoài phổ biến như Facebook hay Google có thể trực tiếp đăng ký, kê khai, nộp thuế, sẽ giúp giảm bớt đáng kể số lượng doanh nghiệp nội phải thực hiện thủ tục thuế nhà thầu. Vấn đề đặt ra là bao nhiêu “ông lớn” sẵn sàng trực tiếp khai thuế tại Việt Nam? Bên cạnh đó, ngân hàng thương mại, tổ chức thanh toán trung gian sẽ có nhiều khó khăn ban đầu trong việc khai, khấu trừ thuế thay.

Dẫu còn những hạn chế nhất định, công tác quản lý thuế đối với các hình thức kinh doanh trên nền tảng số sẽ vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, điều chỉnh và bổ sung theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn.

Văn bản pháp quy

  • Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực ngày 01/07/2020)
  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP (hiệu lực ngày 05/12/2020)
  • Thông tư 40/2021/TT-BTC (hiệu lực ngày 01/08/2021)
  • Thông tư 80/2021/TT-BTC (hiệu lực ngày 01/01/2022)
  • Thông tư 103/2014/TT-BTC (hiệu lực ngày 01/10/2014)