Giá trị thời gian của tiền. Đơn giản thôi!

...

Đã bao giờ bạn nghe nói rằng giá trị của một số tiền sẽ thay đổi theo thời gian? Hiểu một cách đơn giản, số tiền bạn có ở thời điểm hiện tại có giá trị nhiều hơn cùng số tiền đó trong tương lai.

Giá trị thời gian của tiền. Đơn giản thôi!
Nguồn ảnh: Morgan Housel / Unsplash

Đã bao giờ bạn nghe nói rằng giá trị của một số tiền sẽ thay đổi theo thời gian? Hiểu một cách đơn giản, số tiền bạn có ở thời điểm hiện tại có giá trị nhiều hơn cùng số tiền đó trong tương lai. Hầu hết mọi người cho rằng nguyên nhân là do lạm phát. Tuy nhiên, đó có phải là lý do duy nhất ảnh hưởng đến giá trị của đồng tiền theo thời gian hay không? Hãy cùng ProFin tìm hiểu.

Vì sao một đồng hiện tại có giá trị hơn một đồng trong tương lai?

Thử tưởng tượng, hai người bạn A và B cùng lúc hỏi bạn để vay một số tiền là 10 triệu đồng trong 3 năm. A hứa sẽ trả cho bạn đủ 10 triệu, trong khi B hứa sẽ trả 12 triệu. Bạn sẽ thích cho ai vay hơn? Tất nhiên trong điều kiện 2 người này đều có khả năng tài chính như nhau, thì chẳng ai muốn từ chối đề nghị của B cả.

Tuy nhiên, nếu không có B thì khả năng A mượn được tiền cũng không cao hơn vì các lý do sau:

Tuy nhiên, ngay cả khi không có B, thì bạn cũng không muốn cho A vay, vì:

  • Thứ nhất, so với việc cho vay thì bạn có thể lấy số tiền đó đi gửi ngân hàng, hoặc tự đầu tư kinh doanh để có lãi;
  • Thứ hai, 10 triệu của bạn sẽ giảm giá trị sau 3 năm do lạm phát;
  • Thứ ba, trong 3 năm có nhiều biến cố có thể xảy ra.

Đây cũng là các lý do chính giải thích cho việc 1 đồng ở thời điểm hiện tại luôn có giá trị cao hơn 1 đồng trong tương lai, ảnh hưởng đến một chỉ số mà chắc hẳn ai cũng biết: lãi suất.

Điều gì làm thay đổi giá trị của tiền?

Cơ hội hay chi phí sử dụng tiền

Với một số tiền ở hiện tại, bạn sẽ có nhiều lựa chọn để làm tăng giá trị số tiền đó lên. Trong ví dụ trên, thay vì cho A vay tiền, thì gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu là những cách đơn giản nhất giúp số vốn của bạn được tăng lên.

Lạm phát

Mức lạm phát càng cao, đồng tiền sẽ bị mất giá nhanh hơn. Khác với “cơ hội hay chi phí sử dụng tiền”, lạm phát là yếu tố mà chúng ta không thể kiểm soát được.

Dưới tác động của lạm phát, 15.000 đồng để mua một tô phở cách đây 5 năm, thì hiện tại bạn chỉ có thể mua một gói xôi mà thôi. Ro ràng, giá trị của đồng tiền sẽ càng giảm đi theo thời gian, bởi tác động của lạm phát.

Rủi ro tiềm ẩn

Sự không ổn định, hay tình huống bất trắc có thể xảy ra, là những rủi ro tiềm ẩn với cuộc sống nói chung và tài sản của chúng ta nói riêng. Trong ví dụ trên, người vay tiền gặp khó khăn tài chính và không thể trả được nợ cho bạn, chính là rủi ro lớn nhất. Do đó, khoản tiền thu về phải lớn hơn số bỏ ra, để bù đắp cho những rủi ro không lường trước được. Rủi ro càng lớn, thì chênh lệch càng nhiều.

Làm thế nào để xác định giá trị của tiền theo thời gian?

Trước hết, cần làm rõ hai khái niệm: Giá trị hiện tại (Present Value - viết tắt là PV) và Giá trị tương lai (Future Value - viết tắt là FV) của tiền.

Xác định giá trị hiện tại (PV) là việc trả lời cho câu hỏi: số tiền trong tương lai sẽ tương đương bao nhiêu ở hiện tại? Phương pháp này dùng để tính giá trị khoản đầu tư hiện tại sẽ tạo ra lợi nhuận trong tương lai, ví dụ như trái phiếu.

Để xác định giá trị hiện tại của một số tiền, ta sử dụng công thức sau:

PV = FV / (1 + r)n

Trong đó:

  • PV: giá trị hiện tại
  • FV: giá trị tương lai vào cuối kỳ thứ n
  • n: số kỳ hạn (thường là theo năm)
  • r: lãi suất chiết khấu

Trường hợp bạn cho B vay 10 triệu, điều kiện sau 3 năm, B trả cho bạn cả gốc và lãi là 12 triệu. Với lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện tại là 5%/năm. Giá trị khoản vay của B ở thời điểm hiện tại được xác định như sau:

PV = FV / (1 + r)n = 12.000.000 / (1 + 5%)3 = 10.366.051 đồng.

Kết quả trên cho thấy, 12 triệu bạn sẽ nhận được sau 3 năm, với lãi suất chiết khấu là 5%, tương đương với 10.366.051 đồng ở thời điểm hiện tại. Giá trị này cao hơn số tiền bạn phải bỏ ra là 10 triệu. Do vậy, việc cho B vay tiền sẽ có lợi hơn là gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm 5%.

Xác định giá trị tương lai (FV) là việc trả lời cho câu hỏi: số tiền hiện tại sẽ có giá trị là bao nhiêu ở tương lai? Công thức trên được biến đổi thành:

FV = PV x (1 + i)n

Với:

  • PV: giá trị hiện tại
  • FV: giá trị tương lai vào cuối kỳ thứ n
  • n: số kỳ hạn (thường là theo năm)
  • i: lãi suất

Theo đó, số tiền bạn sẽ nhận được sau 3 năm nếu gửi tiết kiệm 10 triệu đồng với lãi suất 5%/năm sẽ là:

FV = PV x (1 + r)n = 10.000.000 x (1 + 5%)3 = 11.576.250 đồng.

Như vậy, nếu lựa chọn phương án gửi tiết kiệm ngân hàng, với số tiền 10 triệu thì sau 3 năm bạn sẽ nhận được 11.576.250 đồng.

Qua bài viết trên, ProFin hy vọng bạn đã hiểu chi tiết khái niệm cũng như cách tính giá trị của tiền qua thời gian. Đây là nội dung căn bản và quan trọng để bạn tiếp cận với các kiến thức tài chính khác, giúp gia tăng hiệu quả trong việc quản lý tài chính hoặc quyết định đầu tư trong tương lai.