Hiểu rõ về thẻ tín dụng: ưu - nhược điểm, cách các tổ chức tài chính đánh giá uy tín tín dụng

...

Thẻ tín dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, bạn đã thật sự hiểu rõ bản chất của thẻ tín dụng hay chưa?

Hiểu rõ về thẻ tín dụng: ưu - nhược điểm, cách các tổ chức tài chính đánh giá uy tín tín dụng
Nguồn ảnh: CardMapr.nl / Unsplash

Thẻ tín dụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta hiện nay. Tuy nhiên, bạn đã thật sự hiểu rõ bản chất của thẻ tín dụng hay chưa?

Thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng có hình dạng là một tấm thẻ chất liệu nhựa được cung cấp bởi các ngân hàng, tổ chức tài chính. Chủ thẻ được vay tiền để mua hàng, dịch vụ trong điều kiện đơn vị bán lẻ chấp nhận hình thức thanh toán này. Chủ thẻ phải trả số tiền đã vay cùng với một mức lãi suất hiện hành, cộng với khoản phí khác trong thỏa thuận bổ sung đúng hoặc trước thời hạn. Ngày này hầu hết các đơn vị bán lẻ, trang thương mại điện tử đều cho phép khách hàng mua ứng trước bằng thẻ tín dụng.

Thẻ tín dụng có lãi suất phần trăm hàng năm (tiếng Anh: annual percentage rate, viết tắt: APR) tương đối cao, có thể lên đến 20,35%/năm, theo thống kê của The Balance. Ngoài ra, các ngân hàng, công ty tài chính sẽ đặt ra một hạn mức tín dụng (tiếng Anh: line of credit) cho khách hàng. Hạn mức tín dụng này sẽ được tổ chức tài chính đặt ra dựa trên điểm tín dụng, lịch sử tín dụng của mỗi cá nhân.

Tại Việt Nam, có 2 loại thẻ tín dụng chính:

  • Thẻ tín dụng nội địa: loại thẻ được cấp bởi các ngân hàng trong nước (Vietcombank, VPBank,...), chỉ có thể dùng được trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
  • Thẻ tín dụng quốc tế: loại thẻ được phát hành bởi các ngân hàng nội địa liên kết với các tổ chức tài chính quốc tế như Visa, Mastercard,... Loại thẻ này có thể sử dụng trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài ra, còn một số loại thẻ tín dụng khác như sau:

  • Thẻ tín dụng tích điểm và hoàn tiền: với loại thẻ này, khách hàng sẽ được hoàn tiền hoặc nhận được khuyến mãi khi đặt phòng khách sạn, đi du lịch,...
  • Thẻ tín dụng độc quyền từ thương hiệu: loại thẻ độc quyền của đơn vị bán lẻ muốn mở rộng tệp khách hàng, đồng thời tăng sự gắn kết với khách hàng cũ. Với loại thẻ này, chủ thẻ sẽ nhận được nhiều ưu đãi độc quyền khi mua hàng, dịch vụ của thương hiệu.
  • Thẻ tín dụng bảo đảm (thế chấp): loại thẻ mà chủ thẻ cần phải có một khoản tiền, hoặc tài sản để mở thẻ. Chẳng hạn như sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm,...

Ưu, nhược điểm của thẻ tín dụng

profin.vn-uu-nhuoc-diem-the-tin-dung

Thẻ tín dụng hiện nay chính là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ. Lợi ích lớn nhất của thẻ tín dụng mang lại chính là người dùng có thể ngay lập tức sở hữu món hàng mình mơ ước, dù chưa tích lũy đủ tiền. Hầu hết các đơn vị bán lẻ trên thị trường hiện nay đều hỗ trợ hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng. Giao dịch có thể được thực hiện qua ứng dụng điện thoại, rất tiện lợi và nhanh chóng.

Chính vì vậy, điều đó vô tình khiến các bạn trẻ rơi vào tình cảnh nợ nần chồng chất nếu đóng trễ hạn, hoặc mua sắm quá nhiều. Hiện nay, với sự phổ biến của mạng xã hội, các thương hiệu, sàn thương mại điện tử đã tận dụng hội chứng FOMO (Fear Of Missing Out) và thói quen mua sắm bốc đồng của giới trẻ để gia tăng doanh số bán hàng. Vì thế, các bạn trẻ chưa có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân sẽ ngày càng chi tiêu hoang phí, đồng thời gặp nhiều khó khăn trong việc tiết kiệm.

Sự khác biệt giữa thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ

Nhiều loại thẻ ghi nợ (debit card) và thẻ tín dụng có nhiều tính năng tương đồng. Cả hai đều có thể dùng để mua sắm, thanh toán trực tuyến và tại các cửa hàng. Tuy nhiên với thẻ ghi nợ, bạn sử dụng tiền từ số dư trong tài khoản mặc định của mình. Trong khi đó, khi dùng thẻ tín dụng, bạn sẽ được ứng trước một số tiền trong hạn mức để mua sắm hàng hóa và trả lại vào những kỳ sau. Nói một cách đơn giản, khi tài khoản không còn tiền, bạn không thể dùng thẻ ghi nợ để mua sắm, còn thẻ tín dụng thì bạn sẽ được ứng trước một số tiền tùy theo hạn mức tín dụng.

profin.vn-uu-nhuoc-diem-the-tin-dung

Ngoài ra, thẻ ghi nợ và thẻ ATM cũng có sự khác biệt rõ rệt. Để mua hàng trực tuyến, tài khoản ATM cần phải đăng ký dịch vụ Internet Banking. Khi thanh toán trực tiếp tại các cửa hàng, chủ thẻ ATM cần phải nhập mật khẩu vào máy cà thẻ, còn thẻ ghi nợ thì không cần. Ngoài ra, nếu muốn sử dụng các dịch vụ quốc tế như Netflix, Spotify hoặc Amazon, bạn cần phải có thẻ ghi nợ của Visa hoặc Mastercard vì thẻ ATM chủ yếu chỉ dùng để thanh toán nội địa.

Các ngân hàng, tổ chức tài chính xác định giới hạn tín dụng bằng cách nào?

Mỗi khách hàng khi đăng ký mở thẻ tín dụng sẽ có một hạn mức. Đây chính là giới hạn mức cho vay tối đa của chủ thẻ, hạn mức có thể được tăng lên trong tương lai nếu điểm tín dụng được cải thiện tích cực.

Các ngân hàng sẽ đặt ra hạn mức tín dụng bằng cách đánh giá điều kiện tài chính vào thời điểm đăng ký, chẳng hạn như tổng thu nhập hàng năm. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ xem xét lịch sử tín dụng, bao gồm: lịch sử trả nợ, có dính nợ xấu không, các khoản vay thế chấp,... Họ cũng kiểm tra xem khách hàng có dính đến các vấn đề khác như tiền án - tiền sự, trộm cắp hoặc phá hoại tài sản, lừa đảo tài chính,...

Ngoài ra, chỉ số DTI - viết tắt từ debt-to-income ratio (tỷ lệ nợ trên thu nhập), cũng là một yếu tố quan trọng để các tổ chức xác định mức độ rủi ro khi mở thẻ tín dụng. Tỷ lệ này càng thấp thì uy tín tín dụng của khách hàng sẽ được đánh giá cao hơn và ngược lại.

5 điều cần lưu ý để sử dụng thẻ tín dụng an toàn

Như ProFin đã đề cập ở trên, sự tiện lợi của thẻ tín dụng có thể khiến nhiều bạn trẻ dễ rơi vào hoàn cảnh mắc nợ chồng chất. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thẻ tín dụng hoàn toàn có hại. Thẻ tín dụng chính là công cụ hữu ích nhất để xây dựng điểm tín dụng. Điều quan trọng là bạn phải hiểu rõ bản chất của thẻ tín dụng và tận dụng các ưu điểm của nó. Sau đây là 5 lưu ý để sử dụng thẻ tín dụng hiệu quả:

Trả tiền đúng hạn

Đây chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định điểm tín dụng của bạn ở mức tốt hay xấu. Vì vậy, đừng quên thanh toán đúng hạn nếu không muốn đóng phí phạt, đồng thời bị ghi nhận lịch sử tín dụng xấu. Bạn có thể sử dụng các ứng dụng nhắc nhở, cài đặt thanh toán tự động định kỳ trong ứng dụng tài khoản ngân hàng để không trễ hạn.

Không nên dùng quá nhiều thẻ tín dụng

Điều quan trọng thứ hai nên nhớ, đó là bạn chỉ nên có duy nhất một thẻ tín dụng. Dù có khá nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, một bài viết trên NerdWallet cho rằng có nhiều thẻ tín dụng sẽ giúp bạn nhận được nhiều ưu đãi và đặc quyền khác nhau, đồng thời cải thiện uy tín tín dụng. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi chủ thẻ phải trả tiền đúng hạn - vấn đề khá nan giải, giả sử bạn dùng 3-4 thẻ tín dụng cùng lúc để mua hàng, đồng nghĩa với việc bạn phải trả nhiều khoản tiền trong một kỳ hạn nhất định. Nếu như chi tiêu vượt quá ngân sách, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và điểm tín dụng tụt dốc không phanh.

Chỉ mua những thứ bạn có khả năng chi trả

Mặc dù thẻ tín dụng cho phép thanh toán trước rồi trả tiền sau, tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn có đủ tiềm năng tài chính để trả được toàn bộ giá trị món hàng đó.

Không chi tiêu vượt quá hạn mức tín dụng

Một yếu tố khác mà ngân hàng, tổ chức tài chính đánh giá uy tín tín dụng của bạn dựa trên tỷ lệ số dư bạn nợ và hạn mức tín dụng. Tỷ lệ này càng thấp thì điểm tín dụng của bạn càng tốt và ngược lại. Hãy cố gắng cân bằng tỷ lệ này, không để vượt quá 30%.

Lập chiến lược giải quyết nợ tín dụng

Trong trường hợp bạn đã có khoản nợ tín dụng khi đọc bài viết này, những lời khuyên phía trên có thể sẽ không hữu ích với bạn trong thời điểm này. Điều bạn cần làm hiện tại chính có chiến lược xử lý nợ nhanh chóng trước khi tìm cách cải thiện uy tín tín dụng. Hai chiến lược thanh toán nợ ProFin đề xuất cho bạn chính là phương pháp quả cầu tuyết (debt snowball) và tuyết lở (debt avalanche).

profin.vn-uu-nhuoc-diem-the-tin-dung
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn