Kế toán quản trị - bộ phận không thể bỏ qua nếu muốn doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững

...

Nếu coi doanh nghiệp là một cơ thể thì nguồn lực tài chính - hay chính xác hơn là dòng tiền - chính là máu để nuôi dưỡng cơ thể đó. Tuy nhiên, để nguồn lực này được lưu thông hiệu quả, doanh nghiệp cần một “hệ tuần hoàn” mạnh khỏe.

Kế toán quản trị - bộ phận không thể bỏ qua nếu muốn doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững
Nguồn ảnh: JESHOOTS.COM / Unsplash

Nếu coi doanh nghiệp là một cơ thể thì nguồn lực tài chính - hay chính xác hơn là dòng tiền - chính là máu để nuôi dưỡng cơ thể đó. Tuy nhiên, để nguồn lực này được lưu thông hiệu quả, doanh nghiệp cần một “hệ tuần hoàn” mạnh khỏe. Và đó cũng chính là vai trò của bộ máy kế toán quản trị, những người tham mưu, giúp cho chủ doanh nghiệp ra quyết định đúng đắn nhất trong mỗi hoạt động.

Khái niệm kế toán quản trị

Thuật ngữ Kế toán quản trị (“Managerial Accounting”) được định nghĩa rất đa dạng. Hiệp hội Kế toán quản trị công chứng Anh Quốc (“CIMA”), tổ chức kế toán quản trị lớn nhất thế giới với hơn 100.000 thành viên, cho rằng “Kế toán quản trị là việc phân tích thông tin, nhằm tư vấn chiến lược và thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững”. Trong khi đó, Viện Kế toán Quản trị (“IMA”) của Mỹ lại có khái niệm chi tiết hơn: “Kế toán quản trị là một vị trí liên quan đến quá trình ra quyết định, thiết lập hệ thống lên kế hoạch và quản lý hiệu suất. Đồng thời, vị trí này cũng cung cấp kiến ​​thức chuyên môn về báo cáo, kiểm soát tài chính để hỗ trợ ban lãnh đạo trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược của tổ chức”.

Như vậy có thể thấy, bộ phận kế toán, hay cụ thể hơn - kế toán quản trị - là vị trí thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đóng góp quan trọng cho doanh nghiệp

Là vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, chức năng của kế toán quản trị tương đối nhiều, trải dài ở nhiều phạm vi công việc. Tuy nhiên, theo Hội Kế toán viên công chứng quốc tế, nhiệm vụ của kế toán quản trị sẽ thuộc 3 mảng chính, bao gồm: Quản trị chiến lược, Quản trị hiệu suất, Quản trị rủi ro.

Quản trị chiến lược, Quản trị hiệu suất và Quản trị rủi ro là 3 nhiệm vụ quan trọng của Kế toán quản trị. Nguồn ảnh: Dan Dimmock từ Unsplash.

Chính vì vậy, kế toán quản trị có thể là nhà quản lý rủi ro, người lên kế hoạch, quản lý ngân sách, góp phần cải thiện hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp. Hơn hết, bộ phận này hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp trong việc lựa chọn, quản lý các hoạt động đầu tư. Thông qua việc thu thập dữ liệu hoạt động, kế toán quản trị sẽ phân tích để đưa ra các dự báo, xây dựng ngân sách, tính toán hiệu quả dự kiến của hoạt động đầu tư. Sau đó, bộ phận này trình bày kế hoạch với chủ doanh nghiệp để tham mưu quá trình ra quyết định. Thậm chí, họ có thể thay mặt ban lãnh đạo ra quyết định khi cần thiết.

Cuối cùng, kế toán quản trị có vai trò nhận diện được các xu hướng và cơ hội cải tiến, phân tích và kiểm soát rủi ro và điều phối nguồn lực tài chính của doanh nghiệp. Những công việc này góp phần duy trì hệ thống tài chính của doanh nghiệp luôn cân bằng và ổn định, từ đó tạo thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động khác như kinh doanh, đầu tư mở rộng sản xuất, nghiên cứu cải tiến sản phẩm, phát triển con người...

Những kỹ năng của một chuyên viên kế toán quản trị

Một nhân sự kế toán quản trị cần có những tố chất như: nhạy bén với số liệu, tư duy thống kê, kinh doanh và kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Đây chính là bộ kỹ năng nền tảng để một kế toán quản trị hoàn thành tốt vai trò của mình.

Về chuyên môn, kế toán quản trị cần thuần thục các kỹ năng về kế toán, bao gồm nguyên lý kế toán cơ bản, các chuẩn mực kế toán, hay nguyên tắc về thuế. Ngoài ra, hiểu biết về các công cụ tài chính, nguyên lý vận hành của dòng tiền cũng là các kiến thức mà một kế toán quản trị cần nắm vững.

Cuối cùng, khả năng lãnh đạo, trình bày, thương thảo, thuyết phục, thiết lập mối quan hệ và khả năng liên tục cập nhật, hoàn thiện bản thân, là những kỹ năng vô cùng cần thiết để một nhân sự kế toán quản trị có thể phát triển trên con đường sự nghiệp của mình.

Vì sao doanh nghiệp luôn cần bộ phận kế toán quản trị?

Đây là câu hỏi mà nhiều diễn đàn doanh nghiệp đã đặt ra để thảo luận. Hầu hết đều cho rằng, kế toán quản trị chính là “cánh tay phải” của chủ doanh nghiệp, là người tham mưu đáng tin cậy, giúp doanh nghiệp đi đúng hướng và ra quyết định đúng thời điểm.

Theo đó, một số quan điểm cho rằng, thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thấu hiểu hết tầm quan trọng của bộ phận kế toán quản trị. Bởi lẽ, đây là nhân tố giúp người quản lý ra quyết định kinh doanh chính xác hơn. Bên cạnh đó, có chuyên gia còn “ví von” kế toán quản trị như những người kiểm tra “sức khỏe” định kỳ của doanh nghiệp. Những thông tin do họ cung cấp vô cùng quan trọng để tối ưu dòng tiền, cũng như các nguồn lực khác cho tổ chức.

Trường hợp quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, chưa đủ nguồn lực để tổ chức bộ máy kế toán quản trị riêng biệt, thì chủ doanh nghiệp cần ý thức được tầm quan trọng của bộ phận này để có định hướng xây dựng. Theo đó, một giải pháp phổ biến là đào tạo, phát triển một kế toán viên tiềm năng trở thành chuyên viên kế toán quản trị. Phương án này khá hợp lý đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì nhân sự hiện hữu có thể hiểu cách vận hành bộ máy, quen thuộc với phong cách làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thuê một đơn vị vụ tư vấn chuyên nghiệp để đảm nhận vị trí này trong ngắn hạn.

Kristy Towry - Giáo sư tại trường Kinh doanh Goizueta thuộc Đại học Emory (Mỹ) khẳng định: “Kế toán và tài chính là những bộ phận không thể bị bỏ qua trong bất kỳ doanh nghiệp nào”. Như vậy có thể thấy, bất kể quy mô doanh nghiệp thế nào, thì kế toán quản trị vẫn là một vị trí thiết yếu, rất cần được đầu tư xây dựng để đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.