Lược sử Big4 #2: Deloitte - Hành trình mở ra kỷ nguyên mới của lĩnh vực kiểm toán độc lập toàn cầu

...

Nhìn vào lịch sử hình thành đầy thăng trầm của Deloitte hơn 100 năm qua, có thể thấy tập đoàn này đã có vai trò rất lớn trong việc định hình và mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực kế toán, kiểm toán trên toàn cầu.

Lược sử Big4 là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quát về 4 tập đoàn đối tác kiểm toán lớn nhất trong ngành Tài chính đang hoạt động tại Việt Nam dành cho những người có ý định dấn thân vào Big4.

Ở bài viết này, tôi sẽ giới thiệu về Deloitte. Tên đầy đủ của Deloitte là Deloitte Touche Tohmatsu Limited, một trong bốn tập đoàn dịch vụ kế toán, kiểm toán đa quốc gia lớn nhất toàn cầu, bên cạnh EY (Ernst & Young), KPMG và PwC (PricewaterhouseCoopers).

Trước khi đi vào tìm hiểu những dấu ấn nổi bật trong lịch sử hình thành Deloitte, tôi muốn điểm qua một số cột mốc thời gian đáng chú ý của doanh nghiệp này:

  • Năm 1845, William Welch Deloitte, nhà sáng lập của Deloitte, đã thành lập công ty dịch vụ kế toán tại Luân Đôn, Anh.
  • Năm 1972, Deloitte sáp nhập với Haskins & Sells (một công ty kiểm toán ở New York) và trở thành Deloitte Haskins & Sells.
  • Năm 1989, Deloitte Haskins & Sells sáp nhập với chi nhánh Touche Ross ở Mỹ để thành lập Deloitte & Touche.
  • Năm 1993, tên giao dịch quốc tế của Deloitte được đổi thành Deloitte Touche Tohmatsu.
  • Năm 1995, Deloitte & Touche thành lập Deloitte & Touche Consulting Group (hiện nay là Deloitte Consulting), tập trung chủ yếu vào mảng tư vấn quản lý cho doanh nghiệp.

Người sáng lập của Deloitte là William Welch Deloitte, người đã mở văn phòng dịch vụ kế toán tại Luân Đôn, Anh vào năm 1845. Những năm sau đó, Deloitte không ngừng lớn mạnh bằng cách thâu tóm và sáp nhập cùng với các tập đoàn tên tuổi khác. Để hiểu rõ hơn về nguồn gốc ra đời của Deloitte ngày nay, hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của Haskins & Sells và Touche Niven dưới đây.

Sự ra đời của Haskins & Sells - Công ty kiểm toán độc lập lớn nhất đầu tiên được thành lập bởi người Mỹ

Tháng 3/1895, Charles và Elijah bắt tay thành lập Haskins & Sells, một công ty cung cấp dịch vụ kế - kiểm toán cho công chúng tại New York. Đây được xem là công ty kiểm toán độc lập lớn nhất được thành lập bởi kế toán viên người Mỹ (trước đó, nhà sáng lập của các đối tác kiểm toán lớn nhất toàn cầu đều là người Anh). Thừa thắng xông lên, Charles và Elijah tiếp tục gặt hái thành công khi mở tiếp hai văn phòng có trụ sở tại Chicago và Luân Đôn.

Vào năm 1901, Charles Haskins đã viết một bài báo kêu gọi các công ty đại chúng nên công bố các báo cáo tài chính công khai. Quy trình kiểm toán này sẽ được thực hiện bởi các kiểm toán viên cấp có chứng chỉ hành nghề chuyên môn cao, cùng với đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo tính xác thực và tin cậy. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cấp cao đã hoàn toàn làm ngơ đề xuất này của Charles Haskins.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
Mãi đến năm 1933, Mỹ mới chính thức thông qua đạo luật kiểm toán độc lập là bắt buộc với các công ty đại chúng. Nguồn ảnh: Memento Media / Unsplash.

Mãi đến khi thị trường cổ phiếu rơi vào khủng hoảng năm 1929, tầm quan trọng của hệ thống kế toán mới được công nhận, đặc biệt là đối với việc hạn chế nguy cơ phá sản. Năm 1933, Đại tá Colonel Arthur Hazelton Carter, thành viên quản lý của Haskins & Sells, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán viên Hành nghề tại New York đã làm chứng trước Ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ về Ngân hàng và Tiền tệ và thuyết phục Quốc hội rằng kiểm toán độc lập nên là quy trình bắt buộc đối với các công ty đại chúng. Ngay sau đó, Đạo luật Chứng khoán năm 1933 yêu cầu các công ty đại chúng phải nộp báo cáo định kỳ được chứng nhận. Một năm sau, Uỷ ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ được thành lập để quản lý các luật mới được ban hành.

Năm 1936, John William Queenan gia nhập Haskins & Sells. Với vai trò đối tác quản lý trong giai đoạn 1956 - 1970, ông đã giúp tổ chức phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Haskins & Sells đã sáp nhập với 26 tổ chức lớn nhỏ trong nước, đồng thời mở thêm văn phòng ở Canada, Trung - Nam Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.

Đến năm 1972, Haskins & Sells sáp nhập với Deloitte và trở thành Deloitte Haskins & Sells.

Deloitte, Touche: Mở đầu cho một kỷ nguyên mới của ngành kế - kiểm toán

Cùng thời điểm đó tại Anh, cuộc cách mạng công nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự ra đời của loại hình doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành cổ phần ra công chúng. Great Western Railway (GWR) chính là một trong những công ty cổ phần đầu tiên nổi tiếng nhất tại thời điểm đó.

Cho đến năm 1849, giá cổ phiếu của GWR sụt giảm, công ty này bắt đầu chuyển sang mô hình kế toán công độc lập, và William Welch Deloitte là người đầu tiên được bổ nhiệm làm kế toán viên độc lập tại một công ty đại chúng, tức là Great Western Railway (GWR). Mô hình này hoạt động hiệu quả đến mức ban Điều hành của GWR đã đề xuất các công ty đại chúng cần được giám sát độc lập bắt buộc. Khuyến nghị của GWR dần dần được tiến hành ở Anh, nhưng phải đến 84 năm sau thì Mỹ mới áp dụng đề xuất này vào thực tiễn, như tôi đề cập ở phần trên của bài viết.

Cũng trong giai đoạn đó, sự xuất hiện của hàng loạt công ty cổ phần đã góp phần gia tăng nhu cầu tuyển dụng những kế toán có kỹ năng chuyên môn cao, cùng với khả năng xử lý những vấn đề rắc rối liên quan đến tài chính doanh nghiệp. Năm 1898, George A. Touche đã thành lập công ty kế toán tại Luân Đôn với mục tiêu giải quyết nhu cầu đó cho doanh nghiệp. Hai năm sau, ông cùng John Ballantine Niven thành lập công ty Touche Niven tại New York.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
George A. Touche - Người sáng lập của những công ty sẽ sáp nhập để tạo thành Deloitte Touche Tohmatsu Limited sau này. Nguồn ảnh: Wikipedia.

Dưới sự điều hành của George A. Touche, các công ty của ông đã tạo thêm nhiều việc làm cho nhân viên kế - kiểm toán. Dẫu vậy, vào khoảng thời gian này, số lượng kiểm toán viên cấp cao không đến 500 người. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng thay đổi khi có một vùng đất màu mỡ hơn để hoạt động, đó là thuế thu nhập.

Năm 1913, Tu chính án thứ 16 của Hiến pháp Mỹ cho phép đánh thuế thu nhập 1% đối với thu nhập từ 3.000 USD trở lên, 7% đối với thu nhập cao hơn 500.000 USD. Theo ghi chép từ Journal of Accountancy, quy định về thuế thu nhập có tác động mạnh mẽ đến dịch vụ kế toán công lúc bấy giờ. Tính đến năm 1919, lĩnh vực thuế thu nhập đã tạo ra hơn 58% doanh thu liên bang. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc hàng ngàn chủ doanh nghiệp trước giờ không bao giờ quan tâm về kế toán, lúc này buộc phải chuẩn bị báo cáo doanh thu và chi phí hàng năm. Điều đó không hề dễ dàng, do vậy trong hầu hết trường hợp, người xử lý chính vẫn là kế toán viên.

Cùng năm đó, Touch Niven mở hai chi nhánh đầu tiên tại Minneapolis và Chicago. Đồng sáng lập John Ballantine Niven được Journal of Accountancy mời về làm Chủ biên cho chuyên mục mới về thuế. Dưới sự chỉ đạo của Niven, chuyên mục mới chủ yếu tư vấn, hướng dẫn cho kế toán viên về những thủ tục liên quan đến quyết toán thuế thu nhập.

Năm 1947, George Bailey, kế toán viên của Detroit và là Chủ tịch Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ, quyết định thành lập công ty riêng. Chưa đầy một năm sau, tổ chức này đã sáp nhập với Touche Niven và A. R. Smart để hình thành Touche, Niven, Bailey & Smart. Với sự lãnh đạo của Bailey, tổ chức này đã phát triển mạnh mẽ nhờ vào mảng dịch vụ tư vấn quản lý chuyên dụng dành cho doanh nghiệp. Công ty này cũng có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp được thành lập bởi George A. Touche, trong đó có Touch Niven.

Năm 1960, Touche, Niven, Bailey & Smart đổi tên thành Touche, Ross, Bailey & Smart. Đến năm 1969, tổ chức đổi tên lần nữa thành Touche Ross. Năm 1975, Tohmatsu Aoki & Co, một công ty có trụ sở tại Nhật Bản sáp nhập với Touche Ross.

Đến năm 1989, chi nhánh Touche Ross ở Mỹ đồng ý sáp nhập với Deloitte Haskins & Sells để thành lập Deloitte & Touche. Được biết, việc hướng đến mục tiêu toàn cầu hoá là nguyên nhân khiến hai tổ chức này đồng ý hợp nhất. Trong những năm 1980, Deloitte & Touche là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên thực hiện nhiều thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A: merger and acquisition) lúc bấy giờ.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
Kể từ những năm 1980, nhu cầu M&A nhằm hướng đến mục tiêu toàn cầu hoá ngày càng tăng mạnh tại Mỹ. Nguồn ảnh: Christina @ wocintechchat.com / Unsplash.

Nhận thấy hiệu quả không ngờ từ các thương vụ M&A, các công ty tại Mỹ ngày càng ưa chuộng hình thức mở rộng quy mô này. Do vậy, yêu cầu doanh nghiệp đặt ra cho bộ phận kế toán cũng cao hơn trước đây. Các tập đoàn không chỉ tìm kiếm các kế toán viên có kỹ năng xử lý báo cáo tài chính xuất sắc. Họ cần những người có khả năng xử lý các vấn đề vĩ mô của doanh nghiệp, chẳng hạn như mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại hoá, và các thương vụ M&A. Điều này đã góp phần định hình vai trò quan trọng của các kế - kiểm toán viên ngày nay như chúng ta đã biết.

Chặng đường hơn 30 năm hội nhập tại Việt Nam

Deloitte là công ty kiểm toán độc lập đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào ngày 13/5/1991, với tên gọi công ty kiểm toán Việt Nam VACO. Đến năm 2007 mới chính thức hoạt động với tên gọi Deloitte Việt Nam. Tính đến nay, tập đoàn có văn phòng hoạt động tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 1.200 nhân viên. Các dịch vụ Deloitte cung cấp tại Việt Nam dành cho công ty cổ phần, tập đoàn nhà nước bao gồm:

  • Dịch vụ kiểm toán đảm bảo.
  • Tư vấn thuế và pháp lý.
  • Tư vấn hoạt động.
  • Tư vấn chiến lược.
  • Tư vấn tài chính và rủi ro.

Trong nhiều năm qua, Deloitte Việt Nam đã hợp tác với các khách hàng doanh nghiệp như Ngân hàng Quân đội (MB), Intel, ThinkZone Ventures, Invest Global, Suntory PepsiCo Việt Nam, Vietnam Airlines, FPT, Sun Life, Wooribank,...

Không chỉ vậy, Deloitte thường xuyên phát hành các tài liệu, báo cáo hữu ích miễn phí dành cho doanh nghiệp. Một số ấn phẩm nổi bật Deloitte Việt Nam đã từng phát hành như sau:

  • Môi trường kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023 (kết hợp cùng với Bộ Ngoại giao).
  • Định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Việt Nam.
  • Mô hình báo cáo tài chính dựa trên IFRS.
  • Khủng hoảng là chất xúc tác - Tăng tốc chuyển đổi: Góc nhìn toàn cầu về các doanh nghiệp tư nhân.
  • Metaverse tại châu Á – Những chiến lược nhằm tối ưu hoá những lợi ích kinh tế.
  • Ngành bán lẻ Việt Nam: Mô hình đa kênh (Omnichannel) "cất cánh".
profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
Đại diện Deloitte và Bộ Ngoại giao tại Lễ ra mắt ấn phẩm. Nguồn ảnh: Deloitte Việt Nam.

Ngoài ra, Deloitte cũng tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm đưa ra giải pháp cho những vấn đề nan giải doanh nghiệp đang phải đối mặt. Bạn có thể truy cập vào trang Facebook của họ để không bỏ lỡ những sự kiện thú vị và hữu ích sắp tới. Đáng chú ý, vào tháng 3/2022, tập đoàn này đã ký kết thỏa thuận với Cục Tài chính Doanh nghiệp nhằm mục đích đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự hoạt động trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp; đồng thời tiến đến áp dụng chuẩn mực IFRS theo lộ trình đã được Bộ Tài chính phê duyệt tại quyết định 345/QĐ-BT. Được biết, kể từ sau năm 2025, IFRS là chuẩn mực bắt buộc áp dụng đối với tất cả doanh nghiệp.

Không khó để thấy rằng Deloitte đã gặt hái được không ít thành công tại thị trường Việt Nam. Tính đến hết năm 2021, doanh thu của Deloitte Việt Nam đạt được gần 1.060 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo, tuy số lượng khách hàng thấp hơn so với những tập đoàn còn lại trong Big4, song Deloitte lại có doanh thu bình quân cao nhất cho mỗi hợp đồng kiểm toán, với con số cụ thể là 754 triệu đồng.

Cơ hội nghề nghiệp tại Deloitte Việt Nam

Ngay từ những năm đầu hoạt động tại Việt Nam, Deloitte đã thực hiện chiến lược quốc tế hóa cho đội ngũ nhân sự cấp trung và cấp cao. Hơn 30 năm qua, tập đoàn có những chương trình đào tạo ở nước ngoài dành cho nhân sự cấp trung và cấp cao. Đây cũng chính là yếu tố tiên quyết tạo nên thành công và giá trị bền vững của Deloitte cho đến ngày hôm nay.

Bên cạnh đó, Deloitte có rất nhiều phúc lợi khác cùng với văn hóa làm việc chuyên nghiệp, lành mạnh và năng động. Do vậy, họ đã thu hút được không ít nhân sự có chuyên môn cao, nhiệt huyết với nghề và cam kết gắn bó lâu dài với tổ chức.

Nếu có nhu cầu tìm hiểu về các vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng, các sự kiện liên quan, cũng như văn hóa làm việc tại tập đoàn, bạn có thể truy cập vào https://www.facebook.com/DeloitteVietnamCareers/ để biết thêm thông tin chi tiết.

Bài viết về Deloitte xin được kết thúc tại đây. Qua bài viết này, tôi hy vọng bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quát về một trong bốn đối tác kế - kiểm toán lớn nhất toàn cầu, đồng thời có thêm tự tin để ứng tuyển vào Deloitte. Hẹn gặp lại các bạn ở hai bài viết cuối cùng trong series Lược sử Big4 nhé!

Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn