Lược sử Big4 #4: KPMG - Mối liên kết kỳ lạ giữa 4 mảnh ghép tạo nên tập đoàn kiểm toán lớn nhất thế giới

...

Đằng sau cái tên KPMG, bốn chữ cái viết tắt từ tên của bốn nhà sáng lập, là câu chuyện về những con người tài năng và mối liên kết đặc biệt giữa họ đã tạo nên KPMG ngày nay.

Lược sử Big4 là chuỗi bài viết cung cấp cái nhìn tổng quát về 4 tập đoàn đối tác kiểm toán lớn nhất trong ngành Tài chính đang hoạt động tại Việt Nam dành cho những người có ý định dấn thân vào Big4.

Ở bài viết cuối cùng của chuỗi bài, tôi sẽ giới thiệu về KPMG, tên giao dịch pháp lý đầy đủ là KPMG International Limited. Sau đây là một số cột mốc thời gian quan trọng mà tôi muốn điểm qua trước khi đi vào lịch sử hình thành chi tiết:

  • Năm 1870, William Barclay Peat (chính là chữ P trong KPMG) trở thành kế toán viên tại Robert Fletcher & Co. có trụ sở tại Luân Đôn. Đáng chú ý, lúc này ông chỉ mới 17 tuổi. 20 năm sau, ông trở thành người đứng đầu công ty và đổi tên thành William Barclay Peat & Co..
  • Năm 1897, Marwick Mitchell & Co. được thành lập tại New York bởi hai nhà sáng lập là James Marwick (chữ M trong KPMG) và Roger Mitchell.
  • Năm 1917, Piet Klynveld (chữ K trong KPMG) và Jaap Kraayenhof mở một công ty kế toán có tên là Klynveld Kraayenhof & Co. tại Amsterdam.
  • Năm 1925, Peat Marwick Mitchell & Co. được hình thành do sự sáp nhập giữa William Barclay Peat & Co và Marwick Mitchell & Co..
  • Năm 1953, Reinhard Goerdeler (chữ G trong KPMG) gia nhập tổ chức Deutsche Treuhand-Gesellschaft. Được biết, ông chính là CEO đầu tiên của tập đoàn KPMG.
  • Năm 1979, Klynveld Main Goerdeler (KMG) ra đời bởi sự hợp nhất giữa Klynveld Kraayenhof & Co. và Deutsche Treuhand-Gesellschaft.
  • Năm 1987, tập đoàn kiểm toán độc lập toàn cầu KPMG chính thức hình thành nhờ sự sáp nhập giữa Klynveld Main Goerdeler và Peat Marwick Mitchell & Co..

Có thể thấy rằng KPMG có nguồn gốc hình thành từ bốn công ty độc lập. Trải qua nhiều thăng trầm, các tổ chức này đã quyết định sáp nhập với nhau và trở thành trở thành một trong những tập đoàn kiểm toán độc lập lớn nhất toàn cầu cho đến nay. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc ra đời của KPMG ở phần dưới đây.

Lịch sử hình thành của 4 mảnh ghép tạo nên KPMG

William Barclay Peat (chữ P trong KPMG)

Ông vốn là con trai thứ hai của James Peat và Margaret Barclay, hai người thuộc dòng dõi gia tộc đứng sau Barclays - một trong những ngân hàng lớn nhất tại Anh. Với xuất thân danh giá, Peat được gia đình kỳ vọng sẽ trở thành một luật sư trong tương lai. Do vậy, ông được đăng ký vào học tại Học viện Montrose, một ngôi trường khá danh tiếng tại lúc bấy giờ. Trớ trêu thay, Peat lại không có tố chất cũng như niềm đam mê với ngành luật.

Vào năm 1870, khi vừa bước qua tuổi 17, Peat quyết định chuyển đến Luân Đôn để tìm kiếm hướng đi của riêng mình. Vận may đã mỉm cười với ông khi Robert Fletcher & Co. nhận vào làm việc tại vị trí kế toán viên. Cuối cùng, ông đã tìm thấy công việc yêu thích. Hơn thế nữa, Peat có cơ hội chứng tỏ năng lực của bản thân khi ngày càng mang về nhiều thương vụ béo bở cho tổ chức. Chỉ sau 7 năm, ông trở thành đối tác cấp cao của tổ chức.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
Chân dung 4 nhà sáng lập của KPMG. Từ trái qua: Piet Klynveld, William Barclay Peat, James Marwick và Reinhard Goerdeler. Nguồn ảnh: KPMG Life 2005

Đến năm 1891, do nhiều đối tác cấp cao về hưu và qua đời nên Peat trở thành người đứng đầu tổ chức.  Sau đó, ông  đổi tên công ty theo tên của mình là William Barclay Peat & Co.. Tuy vậy, điều này đồng nghĩa với việc Peat phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ tồn đọng của tổ chức. May mắn thay, dựa vào năng lực của bản thân, ông đã giải quyết triệt để các khoản nợ của công ty. Cũng từ lúc đó, William Barclay Peat & Co đã ngày càng phát triển và lớn mạnh hơn.

Đặc biệt hơn, không chỉ có một sự nghiệp vang dội, Peat còn có được vinh dự trở thành kế toán viên thuộc Privy Purse của Đức vua Edward VII. Năm 1912, ông chính thức là Sir William khi được phong tước Hiệp sĩ. Cho đến khi ông qua đời vào năm 1923, ba người con trai và các thế hệ sau tiếp tục tham gia vào việc điều hành với vai trò đối tác cấp cao.

James Marwick (chữ M trong KPMG)

Roger White - tác giả sách và cựu đối tác của KPMG cho biết, James Marwick luôn được nhắc đến như một người đàn ông người Mỹ gốc Scotland to lớn sở hữu nguồn năng lượng dồi dào. Đúng như vậy, không chỉ có vẻ ngoài cao lớn (ông cao 6,6 ft, tương đương 2m), Marwick còn có hoài bão lớn lao cùng với tầm nhìn sâu rộng.

Cha của ông là James David Marwick, một luật sư kiêm nhà sử học, đồng thời là viên chức tại Chánh văn phòng thị trấn Glasgow, Scotland. Ban đầu, Marwick dự định sẽ nối nghiệp luật sư của cha mình nên đã đăng ký theo học ngành Luật. Thế nhưng, trong quá trình học tập, ông nhận ra mình có mọi tố chất và năng lực để trở thành một kế toán viên. Ông phát hiện đây là một vị trí cần thiết đối với bất cứ doanh nghiệp nào và quyết định theo đuổi con đường này. Năm 1886, ông lấy được chứng chỉ kế toán viên được chứng nhận và bắt đầu làm việc ngay tại quê nhà Glasgow. Tuy nhiên, tham vọng của Marwick không chỉ dừng lại ở đó.

Sau 5 năm làm việc, cơ hội quý giá đã đến và ông là người có thừa sự khôn ngoan để không bỏ lỡ nó. Lúc bấy giờ, khi các ngân hàng ở Úc đang lâm vào khủng hoảng, Marwick nhận được lời mời sang Úc từ một nhóm nhà đầu tư Scotland để làm người kiểm toán hoạt động giao dịch ngân hàng. Chuyến công tác này đã mang đến cho ông nhiều kinh nghiệm quý giá, đồng thời giúp Marwick nhận ra tiềm năng khi xây dựng công ty kế toán tại khu vực Bắc Mỹ. Do vậy, ông quyết định đến Mỹ vào năm 1894 và bắt đầu tìm kiếm đối tác làm ăn.

Vào năm 1897, Marwick tình cờ gặp lại Roger Mitchell tại New York, bạn học cũ của ông tại Đại học Glasgow. Sau khi trò chuyện, hai người quyết định cùng nhau đứng ra thành lập Marwick Mitchell & Co..

Cho đến năm 1911, Marwick có cơ hội gặp gỡ Sir William khi đang du ngoạn trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương. Hai người trò chuyện rất hợp nhau dẫn đến quyết định hợp nhất hai tổ chức của cả hai cùng nhau. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, đến năm 1919, hai công ty lại tách ra. Mãi đến năm 1925, hai tổ chức này mới hợp nhất lại lần nữa và trở thành Peat Marwick Mitchell & Co..

Piet Klynveld (chữ K trong KPMG)

Sau một thời gian làm việc tại chi nhánh Amsterdam của Ngân hàng Twentsche (tiền thân của ABN AMRO -  một trong ba ngân hàng lớn nhất tại Hà Lan), Klynveld mở một công ty dịch vụ kế toán nhỏ tại Amsterdam vào năm 1917. Ngoài năng lực chuyên môn, ông còn được biết đến rộng rãi bởi tính cách trung thực, đáng tin cậy và có nhiều kết nối trong ngành.

Vào thời điểm này, Amsterdam được xem là trung tâm thương mại và đầu tư nhộn nhịp của nền công nghiệp châu Âu và châu Á. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí cả chính phủ, hoàng gia và ngân hàng Anh đều tập trung tại Amsterdam để tiến hành hàng loạt thương vụ. Nhờ vào tài năng và mối quan hệ của mình, Klynveld đã đảm nhận vai trò kế toán trưởng cho không ít các doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tại đây.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
Vào những năm 1910, Amsterdam là trung tâm thu hút các nhà đầu tư châu Âu lẫn châu Á. Nguồn ảnh: Wikipedia

Không lâu sau, một trong những kế toán viên ông đã từng làm việc chung là Jaap Kraayenhof quyết định gia nhập tổ chức và nhanh chóng trở thành đối tác cấp cao. Từ đó, tên công ty được đổi thành Klynveld Kraayenhof & Co. (KKC).

Khoảng thời gian sau đó, KKC tiếp tục lớn mạnh và vươn lên trở thành tập đoàn dịch vụ kế toán lớn nhất tại Hà Lan. KKC vẫn hoạt động độc lập và giữ được tên thương hiệu cho đến năm 1979 (chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết ngay tại phần dưới đây), nhờ vào phục vụ đối tượng khách hàng chính là các doanh nghiệp Hà Lan có dự định mở rộng quy mô tại châu Âu và Nam Mỹ.

Reinhard Goerdeler (chữ G trong KPMG)

Nhà sáng lập cuối cùng của KPMG được sinh ra tại Königsberg của nước Đức (hiện nay là Kaliningrad, Nga). Ông là con trai của Carl Friedrich Goerdeler, thị trưởng thành phố Leipzig, đồng thời chính trị gia chống lực lượng phát xít. Vào năm 1944, do một số vấn đề xung đột chính trị, Reinhard Goerdeler và các thành viên còn lại trong gia đình bị giam giữ như những tù nhân chính trị.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
Chân dung Carl Friedrich Goerdeler, cha của người sáng lập Reinhard Goerdeler. Nguồn ảnh: Wikipedia

Nếu như Reinhard Goerdeler không được thả ra, nhiều khả năng KPMG ngày nay sẽ được biết đến với cái tên khác. May thay, vào năm 1953, ông được thả ra và gia nhập tổ chức Deutsche Treuhand-Gesellschaft. Đây là công ty được thành lập vào năm 1890 bởi Ngân hàng Deutsche, nhằm phục vụ các khách hàng đầu tư vào các tuyến đường sắt của Mỹ. Chỉ bốn năm sau, Goerdeler trở thành một trong các thành viên Hội đồng Quản trị của tổ chức này.

Khi ấy, Goerdeler có tham vọng mở rộng quy mô công ty sang thị trường quốc tế. Do vậy, khi nền kinh tế đang dần ổn định, ông thường xuyên đi công tác tại các quốc gia châu Âu, nhằm tìm kiếm đối tác với mục tiêu phục vụ khách hàng doanh nghiệp quốc tế tốt hơn. Trong giai đoạn những năm 1970, ông gặp được Piet Klynveld, người sáng lập của KKC đang có cùng mục tiêu mở rộng thị trường sang châu Âu và Nam Mỹ. Năm 1979, Klynveld và Goerdeler đồng ý ký kết thoả thuận hợp nhất hai tổ chức thành Klynveld Main Goerdeler (KMG).

Đến năm 1987, KPMG chính thức ra đời nhờ sự hợp nhất giữa KMG và công ty Peat Marwick Mitchell. Theo tờ Los Angeles Times, hai tổ chức này công bố mục đích hợp nhất là để tăng cơ hội phủ sóng trên toàn cầu, nhằm tiếp cận mọi doanh nghiệp tiềm năng trên khắp thế giới.

Hành trình gặt hái thành công trong gần 30 năm hoạt động tại Việt Nam

KPMG chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 1994 với cái tên Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, KPMG Việt Nam có văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, với đội ngũ nhân sự hơn 1.000 nhân viên trong nước và ngoại quốc có trình độ chuyên môn cao. Các dịch vụ chính KPMG cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp bao gồm:

  • Tư vấn kiểm toán
  • Tư vấn quản trị doanh nghiệp
  • Tư vấn thuế và pháp lý
  • Tư vấn thương vụ mua lại và sáp nhập

Trong thời gian qua, KPMG Việt Nam đã hợp tác với các khách hàng doanh nghiệp nổi bật như Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Bất động sản Phát Đạt (PDR), Thành Thành Công (TTC Sugar), SANOFI Việt Nam, Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Microsoft Việt Nam,... Đáng chú ý, vào năm 2021, tập đoàn này đã ký kết hợp tác cùng với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), nhằm hỗ trợ cộng đồng kế - kiểm toán cũng như doanh nghiệp cập nhật và chuyển đổi từ chuẩn mực VAS sang IFRS. Theo Bộ Tài chính phê duyệt tại quyết định 345/QĐ-BT, kể từ năm 2025, các doanh nghiệp buộc phải tuân theo chuẩn mực IFRS.

Không chỉ vậy, KPMG Việt Nam thường xuyên phát hành các tài liệu phân tích chuyên sâu miễn phí dành cho doanh nghiệp và cộng đồng kế toán, kiểm toán. Một số ấn phẩm tiêu biểu tập đoàn này đã phát hành:

  • Những thách thức khi áp dụng IFRS tại Việt Nam.
  • Lịch thuế kỹ thuật số 2023 (cập nhật hàng năm).
  • Báo cáo Khảo sát Phát triển bền vững 2022.
  • Báo cáo Triển vọng CEO Ngân hàng 2022.
  • Báo cáo Khảo sát CFO Việt Nam 2021.

Ngoài ra, KPMG Việt Nam thường xuyên phối hợp cùng các tổ chức uy tín trong và ngoài nước để tổ chức các sự kiện, hội thảo miễn phí nhằm đưa ra giải pháp cho các vấn đề nan giải mà doanh nghiệp, cũng như cộng đồng kế - kiểm toán đang  phải đối mặt. Bạn có thể truy cập vào trang FacebookLinkedIn chính thức của họ để không bỏ lỡ những sự kiện hữu ích diễn ra sắp tới.

profin.vn-luoc-su-hinh-thanh-Big4
KPMG Việt Nam thường xuyên tổ chức các sự kiện hữu ích dành cho cộng đồng kế - kiểm toán và doanh nghiệp. Nguồn ảnh: KPMG Việt Nam

Cơ hội nghề nghiệp tại KPMG Việt Nam

Nếu có hứng thú và muốn trải nghiệm môi trường làm việc tại KPMG Việt Nam, bạn nên thường xuyên ghé thăm trang Facebook và LinkedIn (đường dẫn được đính kèm phía trên) của họ để tìm hiểu về các vị trí đang có nhu cầu tuyển dụng.

Đáng chú ý, tập đoàn này có rất nhiều sự kiện hướng nghiệp, tuyển dụng thực tập sinh dành cho các bạn sinh viên. Mọi chi tiết cụ thể bạn có thể liên hệ với nhà trường, hoặc theo dõi thông tin cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội chính thức của KPMG Việt Nam.

Bài viết về KPMG Việt Nam xin được dừng lại tại đây, đồng thời cũng khép lại chuỗi bài Lược sử Big4. Qua loạt bài này, hy vọng bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quát về bốn đối tác kế - kiểm toán lớn nhất toàn cầu, đồng thời có thêm tự tin để ứng tuyển vào các tập đoàn này. Hẹn gặp lại các bạn ở các chuỗi bài viết hữu ích và thú vị khác của ProFin nhé!

Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn