Ma trận BCG giúp doanh nghiệp lên chiến lược đầu tư hiệu quả

...

Những tập đoàn lớn sẽ luôn có một công cụ đánh giá đặc biệt trước khi bỏ tiền đầu tư. Công cụ này được gọi là ma trận BCG (Boston Consulting Group), dùng để đánh giá rủi ro có thể xảy đến với một sản phẩm, dịch vụ, từ đó lên chiến lược đầu tư hiệu quả.

Ma trận BCG giúp doanh nghiệp lên chiến lược đầu tư hiệu quả
Photo by Isaac Smith / Unsplash

Lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng vào những năm 1970, ma trận BCG (hay còn gọi là ma trận tăng trưởng) được Bruce Henderson - một doanh nhân và nhà tư vấn quản lý người Mỹ, cho ra mắt nhằm giúp các công ty bấy giờ phân tích mô hình kinh doanh của họ cũng như các sản phẩm, dòng sản phẩm có mặt trên thị trường. Qua đó BCG được sử dụng để phân tích các sản phẩm trong danh mục đầu tư của doanh nghiệp theo mức tăng trưởng và thị phần của chúng.

Thông qua việc phân loại các sản phẩm vào 4 nhóm chính, ma trận BCG sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư khôn ngoan và hiệu quả hơn vào các hạng mục sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, công cụ này còn giúp dự đoán tác động của các khoản đầu tư lên dòng tiền và lợi nhuận trong tương lai.

Ma trận BCG được chia làm 4 ô vuông bao gồm: Ngôi sao (Star), Bò sữa (Cash cows), Con chó (Dog) và Dấu hỏi (Question mark). Trong đó mỗi ô vuông lại được chia làm hai cột x và y, tương ứng với trục tung và trục hoành. Trong khi trục tung đại diện cho thị phần của doanh nghiệp thì trục hoành thể hiện tốc độ tăng trưởng của thị trường. Từ hai tiêu chí này, doanh nghiệp sẽ đánh giá và đề ra chiến lược thanh lý, đầu tư hay rút lui khỏi thị trường. Trong đó, từng ô vuông được định nghĩa như sau:

Ngôi sao (Star). Những sản phẩm có thị phần cao và đang phát triển tốt sẽ được gọi là những ngôi sao đang lên. Để có thể xuất hiện trong mục ngôi sao, những sản phẩm này cần phải có một thị phần đáng kể và mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp; tiềm năng tăng trưởng cao, có khả năng thúc đẩy sự tăng trưởng của dòng tiền. Cùng với thời gian, khi thị trường phát triển, những ngôi sao này trở thành những con bò sữa nắm giữ thị phần khổng lồ trong một thị trường tăng trưởng thấp. Những con bò như vậy được "vắt sữa" để tập trung nguồn tiền cho việc phát triển các sản phẩm sáng tạo khác nhằm tạo ra các ngôi sao mới. Ví dụ, những sản phẩm chứa con chip M1 và M2 từ hãng Apple đang là ngôi sao đang lên khi liên tục tạo ra những kỷ lục về doanh thu, đồng thời thu hút sự chú ý của cả thị trường nhờ hiệu năng vượt trội.

Bò sữa (Cash cow). Những sản phẩm có khả năng phát triển không nhiều nhưng có thị phần lớn sẽ được gọi là những chú bò sữa. Những con bò sữa là những sản phẩm có ROI (Return on Investment - là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư) đáng kể nhưng hoạt động trong một thị trường đã bão hòa, thiếu sự đổi mới và tăng trưởng. Những sản phẩm này tạo ra nhiều tiền hơn mức chúng tiêu thụ. Do đó, những sản phẩm này thường được sử dụng để cung cấp nguồn lực cho các hoạt động phát triển khác đang được tiến hành (bao gồm cả các sản phẩm thuộc ngôi sao và dấu chấm hỏi).

Con chó (Dog). Sản phẩm nằm trong phần này sẽ là nhóm chiếm thị phần nhỏ và hoạt động trên thị trường có tốc độ tăng trưởng thấp. Sở dĩ được gọi là những chú chó bởi lẽ những sản phẩm này mặc dù đã nhận được sự đầu tư đáng kể nhưng vẫn không mang lại lợi nhuận, thậm chí gây thâm hụt ngân sách. Chính vì vậy nhóm sản phẩm này thường được sử dụng để đánh giá các sản phẩm kém nhằm có chính sách thu hẹp và loại bỏ dần khỏi chiến lược kinh doanh.

Dấu hỏi (Question mark). Dấu hỏi có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng thị phần thấp khiến tiềm năng tương lai của nhóm này bị nghi ngờ. Do sở hữu tốc độ tăng trưởng cao, nếu được kết hợp cùng các chiến lược và khoản đầu tư đúng đắn, những dấu hỏi có thể vụt sáng để trở thành những con bò sữa, thậm chí là những ngôi sao mới. Nhưng với thị phần thấp, dấu hỏi cũng có thể trở thành một khoản đầu tư sai lầm và xuống “hạng chó” chỉ sau một thời gian ngắn, ngay cả khi được đầu tư nhiều. Ví dụ: Tik Tok Shop là một kênh bán hàng đang rất được yêu thích với tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng đồng thời khả năng phân phối cũng như chính sách ngặt nghèo đang khiến nhiều doanh nghiệp đặt dấu hỏi về hiệu quả mà nó mang lại cho doanh số.

Những lợi ích của ma trận BCG đơn giản và dễ hiểu; giúp sàng lọc nhanh chóng và đơn giản các cơ hội, qua đó dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định nhằm tận dụng tối đa các cơ hội đó; giúp xác định cách sử dụng nguồn tiền mặt của doanh nghiệp tốt nhất để tối đa hóa khả năng sinh lời và tăng trưởng trong tương lai; tạo ra một khuôn khổ để phân bổ nguồn lực giữa các sản phẩm khác nhau và cho phép so sánh danh mục sản phẩm trong nháy mắt

Ngược lại, nhược điểm của ma trận BCG là chỉ sử dụng hai yếu tố để cân nhắc, đó là thị phần tương đối của sản phẩm và tốc độ tăng trưởng thị trường. Đây không phải là những chỉ số duy nhất có thể sử dụng để đánh giá về khả năng lợi nhuận, sự hấp dẫn hay quyết định sự thành bại của một sản phẩm. Nó bỏ qua ảnh hưởng của sức mạnh tổng hợp của các thương hiệu con. Các doanh nghiệp có thị phần thấp cũng có thể có lãi. Thị phần cao không phải lúc nào cũng dẫn đến lợi nhuận cao, vì giành được thị phần cao đồng nghĩa với chi phí tiếp thị cao. Đôi khi, chó có thể giúp doanh nghiệp hoặc các sản phẩm khác đạt được lợi thế cạnh tranh. Và nhược điểm cuối cùng đó là mô hình này bỏ qua các đối thủ cạnh tranh nhỏ có thị phần tăng trưởng nhanh.