Passport to Finance #2: Kiểm toán viên tại Big4 - Khi áp lực đi kèm cơ hội

...

Theo chị Nguyễn Ngọc Khánh Vi - Former Senior Core Assurance Audit tại EY Việt Nam, công việc kiểm toán dù áp lực cao, song cũng mang lại không ít cơ hội và lợi ích.

Passport to Finance #2: Kiểm toán viên tại Big4 - Khi áp lực đi kèm cơ hội

Ở bài viết này, hãy cùng ProFin.vn đến với buổi chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Khánh Vi - Former Senior Core Assurance Audit tại EY Việt Nam.

Cơ duyên nào đã khiến chị Vi đến với nghề kiểm toán?

Vào năm 2011, tức là thời điểm tôi lựa chọn chuyên ngành cũng như trường Đại học, ngành nghề Kiểm toán chưa được nhiều người biết đến như bây giờ. Cho đến khi làm bài trắc nghiệm chọn ngành phù hợp với khả năng và tính cách, thì kết quả cho thấy bản thân phù hợp với ngành này. Sau khi tìm hiểu thử, tôi thấy kiểm toán là công việc khá thú vị. Vậy nên, tôi đã quyết định điền nguyện vòng vào Khoa Kế toán – Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế Luật. Bên cạnh mong muốn thử thách bản thân, lúc đó tôi cũng nghĩ là nếu chọn những ngành đã quá phổ biến thì khi ra trường tỷ lệ cạnh tranh việc làm sẽ rất cao. Do vậy, việc lựa chọn một lĩnh vực đang phát triển sẽ mang lại nhiều cơ hội công việc hơn trong tương lai.

Những năm tháng đại học của tôi không có sự khác biệt quá nhiều với những năm học cấp 3. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản cứ cố gắng duy trì điểm GPA là tốt rồi, nếu tốt nghiệp với tấm bằng tốt thì sẽ tìm được một công việc nào đó ổn định thôi. Bước ngoặt sự nghiệp đến với tôi vào năm ba, khi tham gia hội thảo về học bổng ACCA và Đường đến Big4 dành riêng cho sinh viên chuyên ngành kế-kiểm. Những chia sẻ của các anh chị diễn giả về cuộc sống đi làm thực tế, cũng như cơ hội khi theo học ngành kiểm toán viên. Khi theo học ngành này bạn sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường đa dạng với quy mô lớn, cụ thể là một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới: Ernst & Young, KPMG, PwC và Deloitte. Đây đều là những công ty yêu cầu năng lực chuyên môn rất cao, bù lại thì lộ trình thăng tiến rất rõ ràng.

Một nguyên nhân nữa khiến tôi chọn nghề kiểm toán viên là mong muốn được đi nhiều nơi và thu thập thêm nhiều kiến thức chuyên sâu từ nhiều ngành nghề khác nhau (nông nghiệp, sản xuất, bất động sản, dịch vụ...) từ những công ty khách hàng mà chúng tôi cung cấp dịch vụ kiểm toán. Nếu làm việc ở một ngành khác, có lẽ sẽ không dễ dàng có được những cơ hội đáng giá như vậy.

Chị Vi có thể chia sẻ cho các độc giả của ProFin.vn cái nhìn tổng quát về công việc kiểm toán được không?

Nếu đang không trong giai đoạn cao điểm, bạn sẽ không bị ràng buộc nhiều về mặt thời gian. Tuy nhiên, trong giai đoạn cao điểm, bạn có thể phải làm việc ngoài giờ và đi công tác ở tỉnh khác.

Công việc hàng ngày (daily tasks) của các kiểm toán viên sẽ khác nhau tùy theo từng cấp độ, cụ thể như sau:

  • Thực tập sinh: Công việc chính là phụ các anh chị kiểm tra đối chiếu chứng từ, thường được tuyển từ tháng 1- tháng 3 hàng năm.
  • Nhân viên kiểm toán cấp 1, 2, 3: Nhiệm vụ chính là thu thập dữ liệu về các phần vận hành (tiền, hàng tồn kho, doanh thu, chi phí, tài sản, vốn vay,...), thường 1 khách hàng sẽ được kiểm trong 1 tuần, đầu tuần gửi yêu cầu lấy số liệu cần kiểm, giữa tuần nhập liệu và kiểm tra chứng từ, cuối tuần gửi số liệu đã thu thập cho trưởng nhóm kiểm toán duyệt. Đây là cấp độ mà bạn có cơ hội tìm hiểu kiến thức của ngành bạn đang kiểm vì bạn sẽ được làm việc hết với tất cả các phòng ban của công ty, và tiếp xúc phỏng vấn với những nhân viên kỳ cựu , có nhiều kinh nghiệm vận hành. Theo mình, đây là thời điểm vàng trong các giai đoạn làm kiểm toán viên mà các bạn nên nắm bắt, nó sẽ giúp bạn xác định lại được có phù hợp với ngành đang theo hay không.
  • Trưởng nhóm kiểm toán (Leader): Công việc chủ yếu là duyệt số liệu của nhân viên đã tổng hợp, sau đó lập báo cáo cho chủ nhiệm kiểm toán. Viết các bản báo cáo về các vấn đề chưa hợp lý và chính xác ở khách hàng, trình bày với manager và trao đổi với khách hàng. Trước đó, bạn phải cân đối số lượng nhân viên cần trong nhóm tương ứng với khối lượng công việc. Sau khi đã chốt được số lượng nhân viên cần, bạn sẽ kiểm tra và đặt lịch làm việc với nhân viên kiểm toán có khung thời gian phù hợp với lịch trình đã thống nhất với khách hàng.
  • Chủ nhiệm kiểm toán (Manager): Nhiệm vụ chính là duyệt và ký báo cáo,  thương lượng điều khoản hợp đồng với khách hàng. Tuy không còn làm chi tiết nhưng với những kinh nghiệm đã tích lũy, bạn sẽ rất tự tin với nghề và với các khách hàng lớn. Tầm nhìn rộng và hiểu biết, có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng.

Khi nhắc đến kiểm toán, mọi người thường mặc định đây là một công việc vừa khô khan, vừa dễ “đụng chạm” những phòng ban khác, theo chị Vi thì điều đó có đúng không?

Khi thực hiện một cuộc kiểm toán, bạn sẽ được tiếp xúc với mọi bộ phận của doanh nghiệp, từ trao đổi tình hình chung với Ban Giám đốc, đến tìm hiểu quy trình vận hành của doanh nghiệp với các Giám đốc phòng ban như sản xuất, mua hàng, bán hàng, nhân sự, quản lý tài sản, phòng pháp lý và đặc biệt là phòng kế toán.

Nếu gọi đây là khô khan hay “đụng chạm” thì không chính xác, mà nên gọi là cơ hội và thách thức cho kiểm toán viên. Thách thức là khi vừa mới tốt nghiệp đi làm, chưa có kinh nghiệm nhiều mà phải làm việc với các nhân sự cấp cao. Vì vậy, nếu nhận được câu hỏi không khéo léo từ kiểm toán viên vào thời điểm không thích hợp, có thể họ sẽ thấy phiền hoặc khó chịu. Do chưa nhiều kinh nghiệm, những câu hỏi đặt ra có thể khiến người nghe nghĩ rằng mình đang bắt lỗi họ, điều đó có thể khiến khách hàng không thoải mái chia sẻ với chúng ta. Đây là một điều dễ hiểu – vì sinh viên mới ra trường đi làm không tránh khỏi việc phạm phải một số sai lầm. Cơ hội là Big 4 thường xuyên tổ chức các buổi training kỹ năng giao tiếp, cách giải quyết tình huống để vừa làm hài lòng khách hàng, vừa có thêm được nhiều thông tin cho công việc.

Điều quan trọng là sự khéo léo và linh hoạt, đồng thời tham khảo những tài liệu có sẵn từ những năm trước, cũng như tìm hiểu thêm tình hình thị trường tại thời điểm thực hiện kiểm toán. Thêm vào đó, không nên đặt ra những câu hỏi máy móc và sáo rỗng. Như vậy, các vị lãnh đạo đánh giá cao và sẵn sàng chia sẻ các khó khăn họ đang gặp phải để chúng ta dễ tư vấn cho họ hơn. Điều này sẽ nâng cao giá trị của cuộc kiểm toán rất nhiều. Cuối cùng, để báo cáo được phát hành nhanh chóng và thuận lợi thì mọi người đều cố gắng hợp tác vui vẻ.

Công việc kiểm toán dù áp lực và có nhiều thử thách, nhưng mang lại nhiều cơ hội học hỏi và trau dồi bản thân. Nguồn ảnh: airfocus / Unsplash.

Mấy năm gần đây, tình trạng làm việc trái ngành sau tốt nghiệp khá phổ biến, vậy còn công việc kiểm toán thì sao?

Thông thường, Big4 có hai đợt tuyển dụng diễn ra hàng năm dành cho mọi đối tượng sinh viên. Chỉ cần bạn có niềm đam mê ngành kiểm toán thì sẽ được đăng ký dự thi, không quan trọng ngành học. Những đợt tuyển dụng này thường yêu cầu làm bài thi đầu vào về kiến thức chuyên môn. Do đó, dù bạn học ngành nào, điều quan trọng là phải tích lũy đủ kiến thức để vượt qua bài thi đó.

Nếu học chuyên ngành kiểm toán từ lúc sinh viên, thì đó là nền tảng và là lợi thế khi bước vào nghề. Bạn sẽ không mất nhiều thời gian để làm quen cách tổng hợp dữ liệu và ghi nhận từ khách hàng. Ngoài ra, khi có kiến thức nền tảng cơ bản thì việc tìm hiểu kiến thức nâng cao cũng nhanh hơn so với các bạn học chuyên ngành khác.

Đối với những bạn không học chuyên ngành kiểm toán thì sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, nếu có khả năng tiếp thu nhanh, cũng như khả năng tự học thì các bạn vẫn làm tốt và không gặp vấn đề trong quá trình thăng tiến.

Vì vậy, công việc kiểm toán sẽ thích hợp với những ai có khả năng thích nghi và tiếp thu nhanh chóng, có sự nhiệt huyết với công việc, cũng như khả năng sáng tạo trong tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Nếu có mong muốn thăng tiến, kiểm toán viên cần cố gắng làm việc tốt, cũng như không ngừng trau dồi bản thân. Nguồn ảnh: Vadim Bozhko / Unsplash.

Theo nhận định của chị Vi, nhu cầu tuyển dụng ngành kiểm toán tại Việt Nam sẽ ra sao trong những năm tới?

Trong bối cảnh ngày nay, khái niệm kiểm toán không còn quá xa lạ với mọi người. Số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tăng lên. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp muốn lên sàn chứng khoán, vay vốn ngân hàng đều cần có báo cáo tài chính được kiểm toán. Vì lẽ đó, nhu cầu sử dụng dịch vụ kế toán, kiểm toán và các dịch vụ có liên quan trong sẽ có xu hướng gia tăng.

Về nguồn nhân lực tham gia thị trường dịch vụ kiểm toán, với tình hình hiện tại, số lượng tuyển dụng kiểm toán viên khá nhiều nhưng những người nhảy việc cũng không ít. Do vậy, ngoài việc gia tăng số lượng thì cũng cần cải thiện về chất lượng nhằm có thể đáp ứng nhiều dịch vụ, đồng thời thu hút thêm nhiều khách hàng hơn.

Theo chị Vi, đâu là yếu tố thu hút các bạn trẻ đến với công việc kiểm toán?

Theo tôi, yếu tố thu hút đầu tiên là quá trình tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ rất nhiều ngành nghề khác nhau trong một khoảng thời gian ngắn, mà nếu không làm kiểm toán viên, có thể bạn sẽ không có cơ hội để tiếp cận. Các bạn sinh viên mới sẽ được chia sẻ và học hỏi nhiều kiến thức hữu ích, từ đó áp dụng ngay vào công việc thực tiễn.

Thứ hai là thu nhập và cơ hội thăng tiến. Những bạn sinh viên vừa ra trường sẽ có mức lương khởi điểm từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn nữa tùy vào năng lực mỗi người. Nếu năng lực tốt và hiệu suất ổn định, trong khoảng từ 2 đến 5 năm, mức lương lên đến 12 - 20 triệu đồng. Với kiểm toán viên có kinh nghiệm trên 5 năm, thu nhập có thể vượt mức 20 triệu đồng. Nhìn chung, nếu làm việc tốt thì đương nhiên mỗi năm đều sẽ được tăng lương. Mức lương khởi điểm có thể không quá cao, bù lại bạn có thể thăng tiến nhanh hơn. Nếu có thay đổi định hướng hoặc nhảy việc thì việc đàm phán lương với chỗ mới cũng sẽ tốt hơn.

Thứ ba là cơ hội du lịch. Nếu yêu thích du lịch, ngành kiểm toán cũng là cơ hội để bạn được đi nhiều nơi mà còn được công ty thanh toán tiền vé và nơi ở. Nếu vừa làm việc vừa được du lịch, cũng như thưởng thức ẩm thực địa phương nữa thì vất vả cũng xứng đáng phải không?

Cuối cùng, chị Vi có lời khuyên hoặc nhắn nhủ gì dành cho các bạn sinh viên có dự định dấn thân vào lĩnh vực này?

Đầu tiên, ngay từ những năm học đại học, các bạn nên tham khảo sách chuyên ngành bằng tiếng Anh, cập nhật những chuẩn mực quốc tế IFRS và những thông tư chuẩn mực theo quy định của Việt Nam VAS. Đây chính là những kiến thức cốt lõi và thường xuất hiện trong các bài thi đầu vào Big4. Nếu được, hãy tham gia các cuộc thi về kế toán - kiểm toán để tâm lý đi thi vững vàng hơn và quen thuộc cấu trúc đề thi. Bên cạnh đó, bạn cũng nên khóa học ACCA, CPA Úc, CFA thông qua các học bổng hoặc tự đăng ký học vì những khóa học này sẽ rèn dũa cho bạn tư duy logic, nhạy bén với các rủi ro rất nhanh, một trong những điểm mấu chốt giúp bạn xử lý công việc hiệu quả hơn.

Tiếp theo, đó là xác định bản thân phù hợp với loại hình kiểm toán nào. Lĩnh vực kiểm toán có rất nhiều loại hình như: kiểm toán nhà nước, kiểm toán dịch vụ doanh nghiệp, kiểm toán ngân hàng, kiểm toán nội bộ....Mỗi loại hình sẽ có tính chất và đặc điểm khác nhau. Chẳng hạn như đối với kiểm toán dịch vụ, bạn phải xác định là mình đang cung cấp dịch vụ, phải biết kiên nhẫn, chân thành biết lắng nghe và hiểu khách hàng.

Công việc kiểm toán dịch vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn, biết lắng nghe và thấu hiểu khách hàng. Nguồn ảnh: Amy Hirschi / Unsplash.

Kế đến là khả năng tự học. Bạn cần có tính tự giác học hỏi, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Bởi vì lượng công việc tại Big4 rất nhiều, do đó, bạn phải thường xuyên cập nhật kiến thức, quy định pháp luật liên quan đến ngành nghề, đặc biệt là trong giai đoạn kiểm toán, vì luật cập nhật ra rất thường xuyên, phải làm việc một cách cẩn trọng và tinh thần làm việc thẳng thắn, trung thực để đảm bảo đánh giá các thông tin tài chính kế toán một cách chính xác, có tính hợp tác và trách nhiệm cao khi làm việc nhóm.

Vào những mùa cao điểm, bạn có thể phải làm việc ngoài giờ, kể cả cuối tuần. Vì thế, bên cạnh tính kiên nhẫn và chịu khó, bạn cũng cần có kỹ năng quản lý thời gian, nhằm sắp xếp công việc hiệu quả và giảm thiểu căng thẳng. Nếu vượt qua được giai đoạn cao điểm và trụ được với nghề, sau một thời gian thì kỹ năng đặt câu hỏi trọng tâm, sàng lọc thông tin trọng yếu, làm việc nhóm, phân tích vấn đề sẽ được cải thiện rất nhiều. Điều đó sẽ giúp bạn có thêm tự tin và được đánh giá cao, dù tiếp tục với công việc kiểm toán hoặc thay đổi định hướng nghề nghiệp.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị Vi!

Giới thiệu series
Passport to Finance là chuỗi bài chia sẻ từ các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính. ProFin.vn hy vọng loạt bài này sẽ là “tấm hộ chiếu” giúp các bạn có được định hướng nghề nghiệp vững chắc, đồng thời có thêm tự tin để chắp cánh đến thế giới Tài chính thú vị và đầy màu sắc.
Theo: An Nguyễn Tô / ProFin.vn