Quyết toán thuế TNCN #1: Những điều nên biết về quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động

...

Để giúp các cá nhân hiểu rõ và thực hiện đúng việc quyết toán thuế TNCN, ProFin tổng hợp những thông tin liên quan đến vấn đề này trong chuỗi bài viết Quyết toán thuế TNCN.

Quyết toán thuế TNCN #1: Những điều nên biết về quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động
Nguồn ảnh: Katie Harp / Unsplash

Tiền lương, tiền công là khoản thu nhập chính của đa số người lao động - dù là “làm công ăn lương” hay lao động tự do. Tuy nhiên, nhiều người chưa nắm quy định về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) vào cuối năm cho khoản thu nhập nhận được này; từ đó dẫn đến rủi ro vi phạm quy định pháp luật về thuế, hoặc bỏ qua lợi ích mà mình có thể nhận được. Để giúp các cá nhân hiểu rõ và thực hiện đúng việc quyết toán thuế TNCN, ProFin tổng hợp những thông tin liên quan đến vấn đề này trong chuỗi bài viết Quyết toán thuế TNCN.

* Ghi chú: Nội dung bài viết áp dụng cho cá nhân có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch (01/01 - 31/12), hay còn gọi là “cá nhân cư trú”.

Quyết toán thuế TNCN là gì?

Là việc cá nhân thực hiện tổng hợp, kê khai tổng số thu nhập từ tiền lương, tiền công mình nhận được trong một năm, cũng như số thuế TNCN phải nộp tương ứng cho cơ quan thuế. Từ đó, cá nhân và cơ quan thuế có thể xác định số tiền thuế mà cá nhân đó cần phải nộp thêm, hoặc được nhà nước hoàn trả là bao nhiêu.

Đối với người có thu nhập từ tiền lương, tiền công, thủ tục thuế này vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của cá nhân.

Ai cần thực hiện quyết toán?

Bất kỳ cá nhân nào có thu nhập từ tiền lương, tiền công - ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt bên dưới - cần kê khai quyết toán thuế TNCN, để biết mình cần nộp thêm hoặc được hoàn thuế bao nhiêu.

Nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định, bạn có thể chọn ủy quyền cho công ty mà mình đang làm việc để họ làm thay công việc này. Nếu không, bạn phải là người trực tiếp thực hiện việc quyết toán với cơ quan thuế.

Những người quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế thường gặp là:

  • Trong năm có tiền lương, tiền công từ nhiều nơi khác nhau (trừ trường hợp có thêm thu nhập không thường xuyên <=10 triệu đồng/tháng như chi tiết bên dưới;
  • Làm việc tự do - freelancer, làm việc bán thời gian;
  • Không ký hợp đồng lao động chính thức với đơn vị nào tại thời điểm quyết toán;
  • Thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế;
  • Người nước ngoài trước khi xuất cảnh về nước do kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam.

Các trường hợp không cần thực hiện quyết toán:

  • Cá nhân có số thuế phải nộp thêm khi tính lại thuế theo năm từ 50.000 đồng trở xuống;
  • Cá nhân có số thuế nộp dư nhưng không cần hoàn/ bù trừ tiền thuế;
  • Phần thu nhập do làm thêm từ các đơn vị khác - nằm ngoài tiền lương tháng ở công ty có ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, và ở mức <= 10 triệu đồng/tháng, đã bị khấu trừ thuế 10% nhưng không cần hoàn/ bù trừ thuế cho phần 10% bị trích lại này;
  • Phần bảo hiểm có tính chất tích lũy như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác nhưng đã được trích lại 10%.

Ví dụ: công ty có mua bảo hiểm nhân thọ cho bạn với số tiền phí bảo hiểm là 10 triệu đồng/tháng. Khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, số tiền công ty bảo hiểm chi trả cho bạn là 100 triệu đồng.

Nếu hàng tháng công ty đã trích lại 1 triệu đồng (tức là 10 triệu đồng x 10%) ra khỏi tiền lương trả cho bạn thì 100 triệu bạn nhận được ở trên sẽ không cần quyết toán thuế.

Hoặc, nếu công ty chưa trích lại 1 triệu đồng/tháng trước khi trả lương, nhưng công ty bảo hiểm chỉ chi 90 triệu đồng, còn 10 triệu đồng là thuế TNCN bị giữ lại thì bạn cũng không cần quyết toán thuế với số tiền bảo hiểm nhân thọ này.

Vì sao cần quyết toán thuế TNCN?

Bất cứ khoản tiền lương, tiền công nào cũng đều chịu thuế TNCN. Thông thường, việc tính thuế này đã được công ty của bạn thực hiện hàng tháng. Vậy có phải chỉ cần lấy bảng lương/ phiếu lương 12 tháng, tìm dòng tiền thuế TNCN và làm phép cộng là xong? Không may, mọi việc không đơn giản như vậy. Trong phần lớn trường hợp, tiền thuế phải nộp cả năm sẽ khác với số tổng của tiền thuế đã tính hàng tháng. Điều này xảy ra do nhiều yếu tố. Các lý do thường gặp là:

Mức lương không giống nhau trong 12 tháng.

Rất có thể bạn được nhận thêm tiền thưởng tháng 13, lễ, tết, hay được tăng lương trong năm. Lúc này, có những tháng bạn được nhận tiền lương cao hơn, từ đó thuế TNCN sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, khi tổng hợp cả năm, tiền thưởng/ lương tăng thêm này được chia đều cho 12, dẫn đến thu nhập trung bình/tháng thay đổi nên thuế cuối năm sẽ chênh lệch với thuế đã trích trước đó.

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Ví dụ về sự chênh lệch tiền thuế thu nhập cá nhân do mức lương các tháng khác nhau.

Không có tiền lương tròn 12 tháng.

Có thể vì mới ra trường, hoặc chuyển việc, bạn sẽ không có thu nhập trong một vài tháng. Do đó, khi tính thuế theo cả năm thì thu nhập trung bình/tháng sẽ thấp hơn, làm cho tiền thuế thấp hơn.

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Ví dụ về sự chênh lệch tiền thuế thu nhập cá nhân do thu nhập không đủ 12 tháng.

Có thu nhập từ nhiều công ty khác nhau.

Mỗi công ty chỉ tính thuế theo mức lương công ty đó chi trả cho bạn, nhưng khi cộng gộp tiền lương từ tất cả công ty lại thì mức thuế sẽ khác. Tùy theo mức thu nhập cụ thể, tiền thuế có thể cao hơn hoặc thấp hơn số đã tính trong năm.

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Ví dụ về sự chênh lệch tiền thuế thu nhập cá nhân do có tiền lương từ nhiều nơi.

Ngoài ra, có thể kể thêm các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến số thuế tính lại vào cuối năm như: tăng/ giảm người phụ thuộc được tính giảm trừ, thay đổi tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng góp từ thiện, nhân đạo…

Chính vì có sự khác biệt giữa dữ liệu đầu vào để tính thuế TNCN khi tính theo tháng với khi theo năm, quyết toán thuế TNCN là việc cần làm để xác định lại chính xác số tiền thuế TNCN. Việc quyết toán thuế sẽ dẫn đến 2 trường hợp:

Một là, thuế TNCN tính theo năm lớn hơn tính theo tháng, nghĩa là phải nộp thêm tiền vào ngân sách nhà nước. Nếu không thực hiện quyết toán thuế TNCN đúng thời hạn, có thể bạn sẽ bị truy thu tiền thuế, tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính.

Ghi chú: trường hợp số tiền phải nộp thêm từ 50.000 đồng trở xuống thì có thể không cần làm quyết toán.

Hai là, thuế TNCN tính theo năm nhỏ hơn tính theo tháng, tức là đã nộp dư tiền thuế. Lúc này, cá nhân sẽ được hoàn tiền thuế hoặc yêu cầu bù trừ số thuế đã nộp vào kỳ tính thuế tiếp theo. Nếu không thực hiện quyết toán, bạn sẽ bỏ qua số tiền mình có thể được nhận lại từ nhà nước.

Khi nào phải thực hiện quyết toán?

Nếu cá nhân ủy quyền cho công ty quyết toán thay, thủ tục thuế sẽ được công ty thực hiện trước ngày 31/03 năm tiếp theo năm có thu nhập.

Nếu cá nhân trực tiếp quyết toán thuế và có phát sinh thuế phải nộp thêm, thủ tục thuế phải được thực hiện trước ngày 30/04 năm tiếp theo năm có thu nhập. Nếu sau thời hạn này, cá nhân mới thực hiện quyết toán thì sẽ bị phạt vi phạm hành chính.

Nếu cá nhân trực tiếp quyết toán thuế và có phát sinh thuế được hoàn, thủ tục thuế có thể được thực hiện sau ngày 30/04 năm tiếp theo năm có thu nhập. Thời gian cụ thể sẽ tùy theo sắp xếp và nhu cầu của từng cá nhân.

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Ví dụ về hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN cho thu nhập năm 2021.

Cơ sở pháp lý

  • Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ban hành ngày 13/06/2019
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020
  • Thông tư số 80/2021/TT-BTC ban hành ngày 29/09/2021
  • Thông tư số 111/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/08/2013
  • Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ban hành ngày 02/06/2020
Theo: Vũ Sinh / ProFin.vn