Quyết toán thuế TNCN #5: Làm thế nào để tự tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân?

...

Ở bài viết trước, chúng tôi đã hướng dẫn cách ước tính thuế TNCN. Trong bài viết này, hãy cùng ProFin xem xét một ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về cách tính số thuế phải nộp.

Quyết toán thuế TNCN #5: Làm thế nào để tự tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân?

Bạn đã từng thắc mắc thuế thu nhập cá nhân (“TNCN”) được tính như thế nào? Với mức tiền lương của mình thì phải nộp thuế TNCN bao nhiêu? Ở bài viết trước, chúng tôi đã hướng dẫn cách ước tính thuế TNCN. Trong bài viết này, hãy cùng ProFin xem xét một ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn về cách tính số thuế phải nộp.

* Ghi chú: Nội dung bài viết áp dụng cho cá nhân người Việt Nam và có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch (01/01 - 31/12).

Căn cứ tính thuế

Với thu nhập từ tiền lương, tiền công thì:

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập tiền lương, tiền công - Các khoản tiền lương, tiền công không chịu thuế, miễn thuế

Ví dụ: một người có thu nhập hàng tháng là 60 triệu đồng, bao gồm các khoản:

  • Tiền lương: 28 triệu đồng;
  • Tiền thưởng: 30 triệu đồng;
  • Phụ cấp ăn trưa: 2 triệu đồng.

Người này có một con nhỏ; đóng bảo hiểm bắt buộc hàng tháng theo mức 10,5% của tiền lương, và nhận lương theo hình thức lương gộp - tức là chưa trừ đi bất cứ khoản thuế, bảo hiểm nào.

Thu nhập chịu thuế, khoản giảm trừ, và thu nhập tính thuế TNCN của người này được xác định chi tiết như bảng dưới đây.

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Ví dụ tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Nguồn: ProFin.

Không đơn giản như thuế giá trị gia tăng, sau khi tính được thu nhập tính thuế thì ta không thể lấy toàn bộ con số này nhân với một tỷ lệ cố định 5% hay 10% để tính ra thuế TNCN. Thay vào đó, để tính được số tiền thuế phải nộp thì có thể chọn một trong hai phương pháp sau.

Phương pháp 1: áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Biểu thuế lũy tiến từng phần. Nguồn: Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân.

Với phương pháp này, ta sẽ chia tổng thu nhập tính thuế ra thành từng phần thu nhập nhỏ, tương ứng với từng bậc thuế. Sau đó, tính thuế TNCN tương ứng tại từng bậc thuế. Và cuối cùng, cộng tiền thuế ở tất cả các bậc để ra số tổng.

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Ví dụ tính thuế TNCN bằng cách chia nhỏ từng phần thu nhập. Nguồn: ProFin.

Phương pháp 2: áp dụng biểu tính thuế rút gọn

profin.vn-quyet-toan-thue-thu-nhap-ca-nhan
Phương pháp tính thuế lũy tiến từng phần theo Biểu tính thuế rút gọn. Nguồn: Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân.

Thu nhập tính thuế là 40.930.000 đồng thì sẽ tương ứng với bậc thuế 5, mức thuế suất 25%. Theo đó:

Thuế TNCN tính theo cách 1 = 4.750.000 + 25% x (40.930.000 - 32.000.000)

Thuế TNCN tính theo cách 2 = 25% x 40.930.000 - 3.250.000

Cả 2 công thức này đều cho ra cùng kết quả như phương pháp 1 ở trên.

Thu nhập chịu thuế

Thuế TNCN là thuế tính trên thu nhập của cá nhân. Một cá nhân có thể có nhiều loại thu nhập khác nhau, nhưng việc quyết toán thuế TNCN thì chỉ thực hiện đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Vậy khoản thu nhập nào cần phải xem xét, và khoản nào không cần tính vào khi quyết toán?

Về cơ bản, những khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới mọi hình thức đều cần được xét đến. Các khoản thường gặp và thuộc diện chịu thuế TNCN là:

  • Tiền lương, tiền công, tiền thù lao.

Ví dụ: tiền lương tháng, tiền nhuận bút, tiền hoa hồng môi giới, tiền dịch vụ

  • Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ một số khoản theo quy định nhà nước như ưu đãi người có công; phụ cấp quốc phòng, an ninh; phụ cấp độc hại, nguy hiểm với một số ngành nghề; phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực; trợ cấp theo Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội…

Ví dụ: phụ cấp ăn trưa, phụ cấp thâm niên

  • Tiền thưởng, kể cả các khoản thưởng không bằng tiền, trừ các khoản thưởng của nhà nước như thưởng kèm theo danh hiệu nhà nước, danh hiệu thi đua, giải thưởng Hồ Chí Minh…

Ví dụ: nhờ kết quả làm việc tốt, bạn nhận được phần thưởng là một chuyến du lịch Nhật Bản được tài trợ bởi công ty => giá trị chuyến du lịch này sẽ được xem là một khoản thưởng và chịu thuế TNCN.

  • Các khoản lợi ích được trả bởi người sử dụng lao động:
  • Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo, kể cả trường hợp ở tại trụ sở làm việc. Khoản này bị tính thuế ở mức tối đa là 15% của thu nhập chịu thuế chưa bao gồm tiền nhà ở, điện nước.
  • Phí mua các loại bảo hiểm, đóng góp vào quỹ có tính chất tích lũy về phí như quỹ hưu trí, bảo hiểm nhân thọ.
  • Phí hội viên, khoản chi chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí … ghi rõ tên cá nhân hưởng.
  • Khoản khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định của công ty, tổ chức.
  • Các khoản lợi ích khác (nếu có).

Một số khoản được người sử dụng lao động chi trả nhưng không tính vào thu nhập chịu thuế, hoặc được miễn thuế:

  • Khoản hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho cá nhân và thân nhân: giới hạn theo chứng từ chi trả viện phí, sau khi trừ đi số tiền được tổ chức bảo hiểm chi trả.
  • Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa được tổ chức dưới các hình thức như công ty trực tiếp tổ chức nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn. Nếu chi bằng tiền thì không phải tính thuế ở mức giới hạn theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện hành là 730.000 đồng/tháng.
  • Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi về phép mỗi năm một lần cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
  • Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông.
  • Các khoản thanh toán để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại hợp đồng lao động, tuân thủ lịch lao động chuẩn theo thông lệ quốc tế của một số ngành như dầu khí, khai khoáng.
  • Phần tiền lương làm ban đêm, thêm giờ được trả cao hơn mức tiền lương ngày bình thường.

Ví dụ: giả sử tiền lương của bạn là 500.000 đồng/ngày, nếu bạn làm thêm vào chủ nhật - ngày nghỉ cuối tuần - thì bạn sẽ nhận được tiền lương là 2 lần ngày công bình thường, tức 1.000.000 đồng, trong đó, 500.000 đồng sẽ chịu thuế TNCN, 500.000 đồng sẽ được miễn thuế.

Các khoản thu nhập không xét đến khi quyết toán thuế TNCN

Các nguồn thu khác của cá nhân nhưng không tính vào thu nhập chịu thuế khi quyết toán là:

  • Thu nhập từ cho thuê tài sản, như cho thuê nhà, xe, tài sản khác của cá nhân.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, mua bán chứng khoán.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng, mua bán bất động sản.
  • Thu nhập từ kinh doanh.
  • Thu nhập từ đầu tư vốn, như lãi cho vay, cổ tức/ lợi tức nhận được từ việc góp vốn vào công ty khác.
  • Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng, trúng thưởng. Ghi chú: quà tặng và trúng thưởng từ các tổ chức, đơn vị khác với nơi mà bạn đang làm việc.
  • Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại.

Các khoản giảm trừ

Là những khoản được trừ ra khỏi thu nhập của cá nhân trước khi tính thuế. Bao gồm:

  • Các khoản giảm trừ gia cảnh:
  • Giảm trừ bản thân cho cá nhân nộp thuế ở mức 11 triệu đồng/tháng.
  • Giảm trừ người phụ thuộc ở mức 4,4 triệu đồng/tháng/người.
  • Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện:
  • Bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) ở mức 10,5% của tiền lương đóng bảo hiểm xã hội.
  • Quỹ hưu trí tự nguyện, bảo hiểm hưu trí tự nguyện: theo chứng từ nộp tiền nhưng không quá 01 triệu đồng/tháng.
  • Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học (nếu có).

Nếu có cấu trúc thu nhập tiền lương đơn giản, không có tiền thuê nhà do công ty trả thay hay nhận lương net, để biết mức lương của mình có phải nộp thuế TNCN không, bạn có thể làm phép so sánh nhanh giữa thu nhập chịu thuế với kết quả từ công thức: (11 triệu + 4,4 triệu x số người phụ thuộc + 10,5% x tiền lương đóng bảo hiểm xã hội).

Ví dụ 1: một người không có người phụ thuộc, không có nộp bảo hiểm xã hội thì nếu lương nhiều hơn 11 triệu đồng/tháng sẽ cần nộp thuế TNCN.

Ví dụ 2: một người có 1 người phụ thuộc, không nộp bảo hiểm xã hội thì nếu lương nhiều hơn 15,4 triệu đồng/tháng (= 11 triệu đồng + 4,4 triệu đồng x 1) sẽ cần nộp thuế TNCN.

Thuế TNCN trong trường hợp không có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên

Trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, hay chỉ có các hợp đồng như thử việc, làm bán thời gian/ cộng tác viên/ tư vấn…, thuế TNCN phải nộp hàng tháng sẽ tính theo công thức:

Thuế TNCN = tổng thu nhập hàng tháng x 10%

Tuy nhiên, khi cuối năm quyết toán thì việc tính thuế cũng sẽ thực hiện theo biểu thuế lũy tiến từng phần như đã nêu trên đây.


Tham khảo

  • Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc Hội ban hành ngày 13/06/2019
  • Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 ban hành ngày 02/06/2020
  • Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 19/10/2020
  • Thông tư số 80/2021/TT-BTC ban hành ngày 29/09/2021
  • Thông tư số 111/2013/TT-BTC ban hành ngày 15/08/2013
Theo: Vũ Sinh / ProFin.vn